Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nguyên Nhân Nam Thiền Thay Thế Bắc Thiền?

Nguyên Nhân Nam Thiền Thay Thế Bắc Thiền?

Thích Ngộ An (dịch)
 
Trước khi Thần Hội vào Lạc Dương thì hệ phái thiền của Thần Tú rất được sự ủng hộ của Võ Tắc Thiên và hoàng đế Đường Trung Tông. Với một hệ phái có thế lực mạnh như thế quyết không dễ dàng bị bất kỳ ai làm sụp đỗ. Trên thực tế, pháp mạch của hệ phái Thần Tú hầu như kéo dài đến cuối đời Đường, về mặt truyền thừa thì hệ phái này tồn tại lâu hơn phái Hà Trạch. Chỉ khi chúng ta đặt những vấn đề tôn giáo, thiền học trên cơ sở cuộc sống hiện thực để quan sát tỉ mỉ mới có thể hiểu đúng được bản chất thực của nó. Trên căn bản mà nói thì Nam thiền thay thế cho Bắc thiền vốn là một tất yếu của lịch sử.
Cuộc nổi loạn An Sử đã tác động đến kinh tế của giới quý tộc trong suốt mấy trăm năm. Do sự truyền bá và phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc có liên hệ mật thiết đến sự hình thành chế độ quý tộc và hiện tượng lịch sử suy thoái của Nho giáo, cho nên sự sụp đổ kinh tế của giới quý tộc đã kéo theo sự suy thoái của thế lực Phật giáo về mặt kinh tế, duy chỉ có các tông phái không có hoặc ít liên quan đến kinh tế của giới quý tộc mới có thể tránh được kiếp nạn này. Sau loạn An Sử, Phật giáo phương Bắc lại phải chịu nạn tiêu diệt Phật giáo của Đường Võ Tông, cuộc khởi nghĩa nông dân cuối nhà Đường và những cuộc nổi loạn chiếm cứ lãnh thổ của thời Ngũ Đại. Trải qua nhiều biến cố lịch sử như thế, những tông phái Phật giáo vốn sống dựa vào điều kiện kinh tế đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chùa chiền bị đốt, Tăng Ni không nơi nương tựa, kinh sách thất lạc, “Tam Bảo” chẳng còn gì. Đường Võ Tông diệt Phật (Hội Xướng diệt Phật) đã không chỉ khiến cho thiền tông phương Bắc không thể tiếp tục tồn tại mà còn làm cho phái thiền Hà Trạch ở phương Nam cũng bị liên lụy. Khiến thiền tông phương Bắc bị tiêu diệt là tiến trình lịch sử của thời Vãn Đường, sự kiện Võ Tông diệt Phật có thể được xem là bước ngoặc để thiền phương Nam của Lục Tổ Huệ Năng đi đến phồn vinh và thắng lợi. Loạn An Sử chủ yếu diễn ra ở lưu vực sông Hoàng Hà, Võ Tông diệt Phật không gây ảnh hưởng trực tiếp đến các phái thiền ở lưu vực Trường Giang và Lĩnh Nam, còn nhiều cuộc chiến loạn thời Ngũ Đại cuối đời Đường cũng ít gây tổn hại đối với khu vực này. Những đệ tử khác của Lục Tổ Huệ Năng ở sông núi miền Nam cách xa trung tâm chính trị có điều kiện mở mang cục diện, nên đã thúc đẩy thiền tông đi đến giai đoạn phồn thịnh. Trong khi Thần Hội ở phương Bắc lo tranh đoạt pháp thống với hậu duệ của Thần Tú thì ở vùng Giang Tây, Hồ Nam ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng và ngài Thanh Nguyên Hành Tư đã xúc tiến công việc truyền thừa và phát triển thiền tông phương Nam đạt được thành công rực rỡ. Trải qua nổ lực của mấy đời thiền sư, trong khi hai phái thiền của Thần Tú và Thần Hội cùng lúc suy vi thì Nam thiền trái lại gặp được điều kiện khách quan cực kỳ thuận lợi, nên đã nghiễm nhiên trở thành phái thiền lưu hành chủ yếu đương thời.
Hoài Nhượng truyền pháp cho Mã Tổ Đạo Nhất, đệ tử của tổ Đạo Nhất đều là những bậc nhân tài, nên về sau mỗi người đều trở thành tôn sư của một vùng. Hành Tư truyền pháp cho Thạch Đầu Hi Di, đệ tử của ngài Hi Di như Chu Hà Thiên Nhiên, Dược Sơn Duy Nghiêm, Thiên Hoàng Đạo Ngộ .v.v.. đều là những vị thiền sư có phong cách. Những vị này luôn chọn phương thức truyền bá thiền pháp uyển chuyển linh hoạt hơn so với tổ Huệ Năng và Thần Hội, họ đã tiến lên một bước làm thay đổi diện mạo của thiền tông, mang đến cho sinh mạng thiền tông một luồng sinh khí hưng phấn mãnh liệt. So với phong cách thiền sừng sững cao vời của họ thì thiền giàu bản sắc ban đầu của Lục Tổ Huệ Năng chỉ có thể được xem là thuần khiết gần gũi mà thôi, đơn giản hơn rất nhiều. Sau họ thì “Ngũ Gia Thiền” dựa vào nền tảng này đã có bước phát triển và đột phá rất lớn, trên tác phong tông môn và pháp hành tông phái của họ mỗi mỗi đều rất đặc sắc, tông nhãn phân minh. Đây là điều mà Lục Tổ Huệ Năng và Thần Hội v.v.. chẳng thể ngờ được.
Thiền Giang Tây, Hồ Nam và Ngũ Gia Thiền sau này đối với sự phát triển của thiền Huệ Năng và thiền Hà Trạch chủ yếu biểu hiện ở mấy phương diện sau đây: Một là xây dựng những hệ thống truyền thụ thiền học mới mang phong cách tự do phóng khoáng như Phân Đầu Tịnh Hoằng, Phân Đăng Việt Tổ. Thể hệ này không hề chống trái với sự chia cắt nhiễu nhương của cục diện chính trị, phương thức chia nhỏ sản xuất của kinh tế tiểu nông, từ đó khiến cho tự thân duy trì được năng lực khai phá tiềm tàng. Hai là cực lực phản đối sự hiểu biết từ ngôn ngữ văn tự, cho rằng thiền phải là một sự lĩnh ngộ trực quan, bất cứ ngôn ngữ văn tự nào cũng đều khiến người ta rơi vào sự chấp trước của khẳng định hoặc phủ định, không thể thực hiện được việc tự thân thể nghiệm thiền. Ba là ra sức hấp thu tư tưởng Lão Trang , lấy Phật tánh luận của “tánh tại tác dụng” làm tiền đề, chọn dùng phương pháp “thuận theo tự nhiên” và “tùy duyên”, ra sức thể nghiệm tinh thần bản thể đạo, vượt thoát ra ngoài những giới điều cơ bản của Phật giáo như “không làm các điều ác, nguyện làm các việc lành”, lược bỏ những hình thức Phật giáo truyền thống phức tạp.

(Chèn hình)
Đài Ma Cảnh ở Nam Nhạc Hoành Sơn. Đạo Nhất là vị thiền sư nổi tiếng đời Đường, tục gọi là Mã Tổ. Ban đầu ngài học theo Bắc thiền, tọa thiền khổ tu tại Hoành Sơn. Hoài Nhượng, vị đệ tử đắc pháp của Lục Tổ Huệ Năng thấy Đạo Nhất tư chất phi phàm, bèn lấy cục đá mài làm ngói để khai thị cho Đạo Nhất. Hoài Nhượng nói kệ rằng: “tâm địa hàm Phật chủng, ngộ trạch tất giai manh, tam muội tất vô tướng, hà hoại phục hà thành.” (trong tâm chứa giống Phật, gặp nước liền nảy mầm, tam muội đều không tướng, có hoại ắt có thành.) Đạo Nhất vừa được khai thị, liền trở về quy phục Nam thiền, về sau trở thành một đại thiền sư của Nam thiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét