Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Kiến trúc Phật giáo tại Trung Quốc

Kiến trúc Phật giáo tại Trung Quốc

a. Lịch sử phát triển Phật giáo:
Trung Quốc là nơi Phật giáo phát triển mạnh ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn trong đó có Việt Nam. Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Ðông Hán khoảng đầu Công nguyên khi Nho giáo và Lão giáo đã thấm nhuần trên đất nước này. Trải bao nhiêu thăng trầm, đến đời vua Minh Ðế thì đạo Phật mới trở nên vững mạnh.
Từ Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều đến Tuỳ Ðường là thời đại hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Vào thế kỷ VI, nước Tuỳ tại phía Bắc Trung Quốc đã có tới 36.000 tự viện, nghệ thuật Phật giáo lúc này đã mang một tính chất Trung Quốc rõ rệt. Thời nhà Tống và đời Minh rồi đến nhà Thanh, Phật giáo suy vi, không còn cao tăng, giáo dục trong tăng đồ không được coi trọng...
Vào đầu thế kỷ XX, Phật giáo phải chịu trải qua một thời kỳ cải cách để có thể thích hợp với trào lưu mới của xã hội, tuy nhiên, đến năm 1940 - 1945, Phật giáo lại tiếp tục bị tàn phá trầm trọng qua cuộc chiến Trung - Nhật. Năm 1966 - 1976 với cuộc đại cách mạng văn hoá, Phật giáo tồn tại không mang tính đạo mà chỉ là hình thức. Cuối năm 1976 đến nay, Phật giáo đã có những bước chuyển mình theo chiều hướng tích cực đáng kể nhưng phần lớn lại mang màu sắc tuyên truyền cho chính trị.
b. Kiến trúc các công trình Phật giáo:
- Trung Quốc là đất nước có chiều dày lịch sử và nền văn minh cổ đại. Ðến khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc thì kiến trúc Phật giáo mới song hành cùng các dạng công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên các công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo thì chỉ tồn tại ở những thời kỳ Phật giáo phát triển, còn từ thời Tống về sau thường không được coi trọng mà chỉ có những công trình được trùng tu lại là chủ yếu.
+ Thời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều đến Tuỳ Ðường (221 - 907) : kiến trúc chùa bao giờ cũng có hành lang bao quanh, có sân vườn, ngói lợp đã xuất hiện dạng lưu ly màu lục. Tháp dựng từ kết cấu gỗ và gạch. Nghệ thuật ảnh hưởng của ấn Ðộ và Trung á nhưng mang sắc thái riêng do kiến trúc gỗ. Tiêu biểu cho kiến trúc thời kỳ này là chùa Phật Quang tại núi Ngũ Ðài Sơn. Các ngôi chùa trước thời Tuỳ thường có Tháp thờ Phật cùng nằm trên một trục chính giữa cổng vào và chính điện. Thời nhà Tuỳ và Ðường, hai ngôi tháp được xây dựng ở hai bên chính điện, vị thế của tháp giảm bớt và tầm quan trọng của chính điện được tăng lên. Các công trình Trung Hoa thời Hán mái vẫn thẳng, cho đến cuối đời Ðường, lối làm nhà mái cong mới thâm nhập từ Nam lên Bắc. Quy mô kiến trúc trong thời gian này rất hùng vĩ, kỹ thuật kết cấu gỗ và gạch đá đã đạt được nhiều thành tựu và bắt đầu gây ảnh hưởng về kiến trúc với các nước khác như Triều Tiên rồi sau đó là Nhật Bản.
+ Thời Ngũ Ðại, Liêu, Tống Kim, Nguyên (970 - 1368): Kiến trúc thường bố cục chạy dài theo hướng Bắc - Nam. Sân thường có hình chữ nhật, gác chuông và trống hai bên, các điện thờ được bố trí trên trục chính giữa, tạo nên quần thể kiến trúc chính phụ rõ ràng với trung tâm là lầu cao. Ví dụ điện Ðại Bi trong chùa Long Hưng cao 3 tầng là kiến trúc trung tâm của chùa. Hệ thống kết cấu gỗ của Trung Quốc trở nên rất phức tạp với tập hợp các "đấu củng" dựa trên đầu cột mang chức năng trang trí. Từ đời Tống trở đi, hệ thống đấu củng này phát triển được đưa ra mặt đứng chính đỡ mái đua ra xa so với chân cột để ngăn chặn ánh nắng chói chang cùng những trận mưa lớn.
+ Kiến trúc thời Minh, Thanh (1368 - 1840): Kiến trúc các ngôi chùa hiện nay chủ yếu thuộc về đời Minh, Thanh với sự phát triển dựa trên các thành tựu của đời Ðường, Tống. Kiến trúc gỗ phát triển mỗi nơi mỗi vẻ, ví dụ Phương Nam sử dụng tường mỏng, mái nhẹ, sử dụng vật liệu gỗ linh hoạt trong khi kiến trúc Phương Bắc với khí hậu lạnh, gió rét nên tường xây dày hơn khiến kiến trúc trông nặng nề hơn.
- Trung Quốc là đất nước có nhiều dân tộc, nhiều vùng khí hậu, vật liệu địa phương nhiều chủng loại, tất cả dẫn đến một nền kiến trúc Trung Quốc với nhiều sắc thái phong phú khác nhau. Tuy vậy, nền kiến trúc Trung Hoa có thể nhận biết dễ dàng qua một số đặc trưng sau:
+ Chùa Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kiến trúc ấn Ðộ hoặc bị chuyển hoá từ hình thức kiểu Kim tự tháp, nhà nhiều tầng của Tây á. Các ngôi chùa theo từng thời đại khác nhau đều có lối kiến trúc khác nhau và được phân biệt với các dạng công trình khác ở mặt bố cục.
+ Cảnh quan sân vườn được bố trí có nghệ thuật, trang nghiêm, hùng vĩ, bố cục luôn tuân theo nguyên tắc lấy thiên nhiên làm cơ sở của sáng tạo. Các vùng ở Trung Quốc được coi là thánh địa của Phật giáo gồm Cửu Hoa Sơn ở An huy, Ngũ Ðài Sơn ở Sơn tây, Nga Mi Sơn ở Tứ Xuyên đều là những danh lam thắng cảnh.
+ Vật liệu truyền thống trong các công trình kiến trúc Phật giáo thường sử dụng gỗ, đá, gạch. Về sau các vật liệu được sử dụng phỏng theo vật liệu gỗ. Các ngôi chùa được dựng trên nền đá hoặc nền gạch. Với kết cấu gỗ liên kết mộng là chủ yếu, tường không chịu lực và cách sắp xếp hợp lý các cấu kiện làm cho hệ khung của các công trình mang tính chất ổn định.
+ Các ngôi chùa Trung Quốc thường được trang hoàng chạm trổ, màu sắc rực rỡ do sơn vẽ, các diềm mái mềm mại với các chi tiết trang trí đặc sắc tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Kỹ thuật làm mái của Trung Quốc và Nhật Bản đều theo kiểu "chồng đấu tiếp rui" hay gọi là dầm chìa, do đó diềm mái trông thanh nhẹ hơn và làm giảm thiểu sức nặng của mái nhà. Kỹ thuật xây dựng của Trung Quốc và hệ thống kết cấu khiến cho mái các công trình truyền thống có độ cong võng chứ không thẳng như ở nước ta.
+ Tháp ở Trung Hoa có hình dạng phong phú nhưng rất khác so với tháp ấn Ðộ. Bình đồ tháp có hình vuông, bát giác, lục lăng, bát diện, thập nhị diện đến tròn. Xét tổng thể thì các loại tháp phương Bắc thường cao lớn kỳ vĩ, tháp phương Nam kết hợp hai loại vật liệu gỗ và đá tạo nên các mái uốn cong. Kiến trúc tháp với các tầng thu nhỏ dần lên trên biểu hiện cho sự thanh tịnh và nhịp nhàng, phát triển thành nhiều tầng với các hốc tường các mặt để đặt tượng...

TLTK:
Thích Thánh Nghiêm. Phật giáo chính tín. Trung tâm tư liệu Phật học 1994.
Ngô Huy Quỳnh. Kiến trúc cổ đại Châu á. NXB VH-TT 1999.
Phạm Ðình Hải. Phật tháp và lịch sử kiến trúc Phật tháp Trung Quốc. T/c KTVN 2/1998.

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Đoán tính cách qua tư thế ngủ



Nếu khi ngủ bạn nằm thẳng như khúc gỗ thì có thể bạn là một người rất bướng bỉnh, không thích làm theo khuôn mẫu.
Trong một công trình nghiên cứu của mình, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ hình thể Robert Phipps (Anh) đã chỉ ra rằng tư thế lúc ngủ giống như một tấm gương phản chiếu tính cách và thiên hướng của bạn. Một giấc ngủ ngon sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh của bạn trong ngày hôm sau và dáng ngủ quyết định bạn cảm thấy như thế nào khi tỉnh dậy. Dưới đây là tổng kết của ông về một số tư thế phổ biến khi ngủ và cá tính liên quan.
1. Trùm chăn kín mít từ đầu tới chân
Bạn là người hay xấu hổ và yếu đuối. Bạn có nhiều bí mật thầm kín nhưng không muốn và không dám chia sẻ với ai. Khi xảy ra một vấn đề gì đó, bạn sẽ im lặng, tự giải quyết một mình thay vì mở miệng nhờ trợ giúp.
2. Ngủ vắt chéo chân và nằm sấp
Đây là tư thế ngủ của một người tự kiêu. Họ muốn sống và hành động theo cách riêng. Họ không muốn ai xâm nhập vào đời sống riêng tư. Họ thà cô đơn còn hơn bị người khác xen vào.
3. Tư thế bào thai
Dáng ngủ ốm gối, cuộn tròn người như một bào thai cho thấy đây là một người hay lo lắng và muốn than thở để tìm sự chia sẻ.
4. Ngủ nghiêng, cong gối
Hay than vãn, thích than phiền và luôn nhặng xị là một vài tính cách đặc trưng của người có dáng ngủ này.
5. Tự do, không cố định
Những người này luôn đề cao sự tự do, phóng khoáng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ lại tự cho mình là "cái rốn của vũ trụ".
6. Dáng ngôi sao
Kiểu nằm ngửa, tay và chân dang rộng như dáng ngôi sao hoặc chữ X cho thấy đây là một người vô tư, tự do yêu thương. Những người này yêu lối sống nhàn nhã và dành nhiều thời gian cho những điều họ thích.
7. Dáng nằm thẳng như khúc gỗ
Những người này có cá tính bướng bỉnh. Không dễ gì bắt họ hành động theo nguyên tắc có sẵn.
Tường Vi