Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

ĐỨC PHẬT CỒ ĐÀM: NHÀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÔ SONG


ĐỨC PHẬT CỒ ĐÀM:  NHÀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÔ SONG
Dr Ruwan M Jayatunge M.D., Sri Lanka Guardian, March 29, 2010
Tuệ Uyển chuyển ngữ

Ontario, Canada –  Nhiều người diễn giải Phật giáo thấy Đạo Phật là một trong  vô số triết học và tôn giáo được biết từ cổ xưa.  Đúng ra Phật giáo là một môn triết học thực tiển trong một ý nghĩa được phơi bày ngày nay.
Môn triết học này thiết lập một hệ thống trị liệu rộng rãi.  Trong phạm vi ấy Đức Thế Tôn là một nhà tâm lý trị liệu vô song.  Trong phổ quát, Tâm lý trị liệu có nghĩa là sự điểu trị về những sự rối loạn cảm xúc, thái độ cá nhân căn cứ trước tiên trên sự giao tiếp bằng lời nói hay không lời nói.  Đức Phật là một nhà chửa bệnh không thể bắt chước được giúp vô số người vượt qua căng thẳng, rắc rối về cảm xúc, và những vấn nạn giao thiệp qua thiền quán thân hữu.
Bác sĩ Sigmund Freud đã giới thiệu Phương pháp Trị liệu Phân tích Tâm lý.  Phương pháp Trị liệu Phân tích Tâm lý liên hệ bàn thảo những kinh nghiệm quá khứ và những điều này có thể hướng dẫn tình trạng hiện tại như thế nào, cũng như những kinh nghiệm quá khứ có thể ảnh hưởng cuộc sống hiện tại như thế nào.  Sự thấu hiểu đạt được mở thông cho chúng ta tiến hành sự lựa chọn về những gì xãy ra trong tương lai. Phân tích tâm lý cố gắng đạt thấu đến gốc rể của vấn đề bằng sự phân tích mối quan hệ chuyển động phát triển giữa nhà tâm lý trị liệu và bệnh nhân.
Đức Phật đã thực hiện một hình thức hoàn toàn về phân tích và tìm thấy nguyên nhân vận hành của phiền não, sau đó chửa trị thành công nỗi khổ đau tâm lý đặc thù và đưa đến sự giải thoát tinh thần hoàn toàn cho con người.  Trong sự phân tích này Ngài đã đi vào những đời sống quá khứ.  Trị liệu đời sống quá khứ cũng được biết như sự trị liệu hồi quy hay giải pháp cho phép những cá nhân bổ xung những kinh nghiệm khích động chấn thương và cảm xúc quá khứ mà chúng ở trên cấp độ tiềm thức không được giải quyết.
Ngày nay, Trị liệu Đời sống Quá khứ (PLT) rất phổ biến ở thế giới phương Tây và nó cho phép bệnh nhân giải quyết những vấn đề quá khứ trong một phương pháp trị liệu thiết lập dùng trong những bệnh xá.   Nhà trị liệu đời sống quá khứ nổi tiếng nhất của phương Tây là Edgar Cayce đã cho hơn mười bốn nghìn “giải thích” trong thời gian bốn mươi ba năm.  Edgar Cayce đã chứng minh khả năng kỳ bí và đặt mình vào trong một loại giấc ngủ tự điểu khiển, trong lúc ấy ông có thể trả lời những câu hỏi do những bệnh nhân của ông ta đặt ra về bệnh tình của họ.
Trị liệu Nhận thức đặt căn cứ trên sự đạt đến khả năng nội quán vào trong tiềm thức của xúc cảm và đưa đến sự tập trung chủ yếu trên tư tưởng, tính tình dáng điệu và tin tưởng.  Phương pháp trị liệu Cảm xúc Lý trí của Albert Ellis quan tâm những xúc tình mạnh mẽ xãy ra như một kết quả từ sự tương tác giữa những sự kiện trong môi trường cùng sự tin tưởng và tiên đoán.
Quan điểm của Phật giáo, đau khổ không phải do bởi những sự kiện khổ não ngoại tại, mà do nơi những phẩm chất của tâm thức, tâm thức định hình nhận thức của chúng ta và đáp ứng đến những sự kiện.  Những từ ngữ giống như thế được nhà Tâm lý học Albert Ellis lập lại năm 1953, khi ông giới thiệu hành động định hướng sự tiếp cận trị liệu của ông – Phương pháp Trị liệu Cảm xúc Lý trí.  Theo Ellis không phải những sự kiện làm nên những nổi buồn khổ tâm lý mà sự tin tưởng là do nơi bệnh nhân chấp trước.  Ông tranh luận xa hơn rằng cảm xúc buồn khổ của một người thật sự do nơi suy nghĩ thảm thương của họ trong sự đánh giá những sự kiện căng thẳng.  Lý thuyết của Ellis cho rằng sự đánh giá không thực tiển về căng thẳng phát sinh từ sự chấp trước phi lý.
Nhà tâm lý học Aaron T. Beck – nhà phát huy Phương pháp Trị liệu Thái độ Nhận thức (CBT) nhấn mạnh vai trò của sự bóp méo nhận thức trong chán  nãn và băn khoăn.  CBT là một trong những định hướng quan trọng của tâm lý trị liệu và trình bày một đặc trưng của sự can thiệp tâm lý bởi vì nó sinh khởi từ những kiểu thức thái độ và tâm lý của con người.
Đức Phật đã dùng vô số loại phương pháp trị liệu nhận thức.  Trong câu chuyện của Kisagotami, Đức Phật đã dùng một kiểu nhận thức về hành động để đánh thức tuệ giác nội quán trong bà mẹ trẻ vừa mất đứa con trai bé nhỏ.  Bà vừa bị suy sụp tinh thần với đau buồn thương tiếc kinh khủng.  Bà đến gặp Đức Phật mang theo xác đứa con trai và thỉnh cầu thuốc phục sinh cho đứa con của bà.  Đức Phật đã nói với bà hãy đi xin một số hạt cải trong một ngôi nhà chưa từng có người nào chết.  Kisagotami đã đi từ nhà này đến nhà kia nhưng không thể tìm ra một ngôi nhà nào mà chưa từng có sự chết trãi qua.  Bà dần dần phát sinh nội quán tỉnh thức và ý nghĩa của sự chết.  Bà nhận ra sự chết là một hiện tượng phổ biến.
Đức Phật thường dùng Phương pháp Socrates để dạy giáo thuyết của Ngài.  Socrates (470-399) là một triết gia Hy Lạp, người đã tiến hành sự vấn đáp với học trò của mình trong sự tìm kiếm bất tận cho chân lý.  Ông đã tìm kiếm để đạt đến những quan niệm nền tảng của học trò và những đồng nghiệp của ông bằng những câu hỏi liên tục cho đến khi sự mâu thuẩn bùng vở, vì thế minh chứng sự sai lầm của sự đánh giá ban đầu.  Điều này trở thành được biết là Phương pháp Socrates.
Khi tên sát nhân Vô Não hét lên gọi Đức Phật dừng lại,  Đức Thế Tôn đã quay lại và nói Vô Não rằng, Đức Phật đã dừng lại rồi, và Ương Quật Ma La hãy làm như thế.  Một vài từ ngữ đã làm phát khởi nhận thức bên trong đầu của Ương Quật Ma La.  Vô Não nhận ra rằng Đức Thế Tôn đã dừng lại nghĩa là Ngài không phạm phải bất cứ sự bạo động nào nữa vì thế bây giờ là lúc cho Vô Não từ bỏ bạo động.  Ương Quật Ma La đã vất gươm và trở thành một sư thầy.
Patachara là một thiếu phụ trẻ phát sinh một sự phản ứng căng thẳng kịch liệt khi cô chứng kiến cái chết của người chồng, hai đứa con và cha mẹ của cô ta. Cô đến với Đức Phật khóc lóc với sự bối rối vô cùng tận.  Sau khi cô ta đã dịu xuống, Đức Phật đã giải thích với cô ta về ý nghĩa chân thật của khổ đau và tính tự nhiên của vô thường.  Câu chuyện của Patachara biểu lộ một trường hợp nghiên cứu tuyệt diệu về cố vấn chấn thương tâm lý.  Cố vấn chấn thương tâm lý cung ứng một sự hổ trợ thực tiển trong hầu hết những con đường đề cập ở trên để giải quyết phản ứng thảm thiết của Patachara.
Rõ ràng có những sự tương tự giữa sự nhấn mạnh căn cứ trên thái độ của Đức Phật và sư thấu cảm của Carl Roger.  Carl Roger đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển Phương pháp trị liệu Vấn tâm Bệnh nhân và ông là một trong những người thiết lập phong trào tâm lý nhân loại.  Giống như Carl Roger, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã chấp nhận con người với sự quan tâm tích cực không điều kiện.  Những nhà tâm lý học cho rằng sống một cuộc đời chân thực không phát triển sự thấu cảm là không thể được.  Thấu cảm là một khả năng nền tảng để con người có thể phát triển mối quan hệ với người khác, và vì thế phát triển tính cách cá nhân.
Đức Phật tin tưởng trong sự tự do của con người.  Rogers nghĩ rằng không có liên quan cho dù con người thật sự có tự do ý chí hay không.  Ông nói xa hơn rằng chúng ta cảm thấy tự do khi sự lựa chọn là sẳn sàng cho chúng ta.  Rogers chỉ ra rằng cá nhân thể hiện chức năng trọn vẹn nhận biết cảm giác tự do ấy, và nhận trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình.  Đức Phật không phủ nhận sự tự do của con người với trách nhiệm hoàn toàn với hành động của mình.
Robert Carkhuff – một trong những nhà tiên phong của Phương pháp Vấn tâm Trị liệu nghiên cứu và hoạt động với Carl Rogers.  Ông phát hành một quyển sách nổi tiếng về Hướng Tới Sự Khuyên Bảo Hiệu Lực và Tâm Lý Trị Liệu vào năm 1967.  Robert Carkhuff giới thiệu bảy điều kiện hổ trợ như thấu cảm, tôn trọng, cụ thể, chân thành, tự hiển hiện, đối diện, và thân cận trực tiếp.  Trong tâm lý trị liệu, thân cận trực tiếp là vấn đề sống còn.  Câu chuyện của Rajjumala – một người giúp việc trong gia đình định tự tử, tiếp theo một sự quấy nhiễu của bà chủ nhà, và được Đức Phật cứu thoát.  Đây là một thí dụ tuyệt vời về sự cố vấn ngăn ngừa tự tử và là điều hổ trợ thứ bảy của Robert Carkhuff, “thân cận trực tiếp”.
Sự giảng dạy về thiền quán của Đức Phật có một vị trí đặc biệt.  Thiền quán có thể được dùng cho sự phát triển cá nhân.  Thiền quán Phật giáo là một tiến trình tịnh hóa tinh thần và đưa đến một nhận thức trực tiếp.  Do vậy, mục tiêu thiền quán của Đạo Phật là để đạt được sự thấu hiểu tuệ giác về chân lý phổ cập.  Thiền quán, hay tuệ minh sát của Phật giáo cho một sự thể chứng về vô thường, khổ não và vô ngã.  Từ bi quán giúp giảm thiểu sân hận và là một phương pháp toàn thiện để kiểm soát những cảm giác hung hăng.  Một cách phổ thông, thiền quán hổ trợ giảm thiểu căng thẳng và lo lắng.  Ngày nay, những trung tâm tâm lý trị liệu ở phương Tây và phương Đông dùng thiền quán như một kiểu mẫu tâm lý trị liệu thành công.
‘Phương pháp tâm lý trị liệu hiện sinh’ là một hình thức tâm lý trị liệu hướng đến sự đề cao tự nhận thức.  Trong giáo thuyết của Đức Phật sự hiện hữu hay tồn sinh được diễn tả một cách rộng rãi.  Phật giáo đưa lên những vấn đề đạo đức học và tính tự nhiên về sự hiện  hữu của chúng ta.  Mục tiêu của phương pháp trị liệu hiện sinh cho phép con người trở nên chân thành hơn với chính mình, để mở rộng nhận thức của họ về chính họ và thế giới chung quanh họ, để tìm ra sự trong sáng để tiến hành thế nào trong tương lai trong khi tiếp nhận những bài học từ quá khứ và để tạo nên những điều gì đấy đáng giá để sống trong hiện tại.  Cũng thế, nó hổ trợ để khám phá những không gian xã hội, vật lý, tâm lý và tâm linh của bệnh nhân.
Câu chuyện của Mattakundali – một chàng trai trẻ, cuối cùng bệnh hoạn và đau khổ mà không có một sự giúp đở thuốc men nào và chết yểu vì sự tham lẫn của người cha.  Sauk hi Mattakundali chết, cha chàng trở nên buồn khổ vô cùng và thường đến nghĩa trang mỗi ngày để than khóc.  Ý nghĩa về cái chết được phơi bày trong câu chuyện của Mattakundali là một hình thức hiện sinh.  Cuối cùng sự buồn thảm của người cha được giải quyết.  Câu chuyện này có thể được diễn giải nhưu một thí dụ tốt về lời khuyên bảo cho sự tiếc thương.
Đức Phật là một nhà tâm lý trị liệu vô song.  Phương pháp trị liệu của Ngài đã giúp cho hàng triệu người qua hàng thế kỷ.  Ngày nay, thế giới phương Tây đã nhận ra cốt lõi tâm lý của Phật giáo.  Nhiều hệ thống tâm lý trị liệu ở phương Tây phát sinh từ giáo thuyết của Đức Phật.  Đức Thế Tôn biểu lộ sự công nhận thấu cảm và không phán xét đến mỗi người đến với Người.  Ngài đã giúp con người đạt đến tuệ giác nội quan và hổ trợ trong sự thúc đẩy lớn mạnh trong khi tiêu trừ những cảm xúc rắc rối và khổ đau.  Những phương pháp tâm lý trị liệu của Ngài được là đặc biệt hiếm có và được áp dụng khắp mọi thời gian. 
  
Gautama Buddha the Unique Psychotherapist 
Tuệ Uyển chuyển ngữ 

Giới thiệu chùm thơ Lục Bát của Nhà Thơ Vi Đà


Nếu em là đám độc bình
Anh làm sóng tím rung rinh quanh bèo
Nếu em là một quán nghèo
Anh làm nhện gió sớm chiều giăng tơ
Nếu em gối mộng đề thơ
Bút pháp anh thảo tại bờ Vân Lâu
Nếu em là một ga tàu
Anh làm đèn hiệu thức thâu đêm ngày
Rượu đời em uống nếu cay
Để anh uống cạn cho say cả đời

Vi Đà
Bất ngờ
Giữa đường gặp trận mưa giông
Được em ghé lại ô hồng che chung
Em cười anh chớ ngại ngùng
Cái mưa xứ Huế bất chừng lắm cơ
Tiếc
Cơn mưa
Tạnh bất ngờ
Ô hồng rẽ lối
Ngẩn ngơ ô trời
Sông hồ muôn nỗi đường đời
Bất ngờ
Mưa đổ
Ai người che ô

Lục bát người dưng
Tặng đại tá tình báo Hoàng Minh Trúc Lâm và Bsĩ Vũ
Thế là em vẫn người dưng
Để bao con suối đã từng quên trôi
Bây giờ em cứ gọi tôi
Cái tên mẹ đặt từ thời chôn rau
Cái tên đi ở nhà giàu
Nón mê quần đụp chăn trâu gậm cầu
Cỏ gà ngồi chọi bên nhau
Chơi ô ăn hiếp đi đầu cướp quan
Cúc vàng gọi bướm sang ngang
Bờ tre xào xạc cổng làng chờ nhau
Ve sầu quạt gió đêm sâu
Đỗ quyên khắc khoải vó câu xa dần
Sông hồ níu gót chinh nhân
Đơn côi chính khách mây tần cánh chim
Người đi gói kín niềm tin
Cỏ gà đốm bạc chạnh niềm gió mưa
Tóc thề đã rải sương thưa
Bạc phau kỉ niệm đếm mùa xuân rơi
Người về nâng cốc rượu đời
Người dưng còn nhớ những lời người dưng
Ngăn dòng suối hạnh chưa ngưng
Đào xưa tiếc lộc ngập ngừng đón xuân
Bão tan
Mưa tạnh
Trăn ngần

Sân ga
Sân ga người tiễn tôi đi
Ngập ngừng chẳng nói điều gì cho nhau
Ngẩn ngơ trong lúc chờ tàu
Bồi hồi nghe tiếng còi đâu vọng gần
Ngập ngừng xẻ nửa bước chân
Đời ta biết mấy mươi lần chia phôi
Bao giờ cho cánh liền đôi
Cho đời ta hết những lời biệt li
Sân ga những buổi phân kì
Kẻ đi người ở sinh ly đau lòng
Sân ga ai tiễn đưa chồng
Ai về sương phụ má hồng nhạt phai
Sân ga ai tiễn đưa ai
Ai đi ai ở sương mai mỏi mòn
Sân ga mẹ tiễn đưa con
Biên thùy quan ải nước non nặng lời
Sân ga ai đã đi rồi
Còn ai lẻ bóng ngậm ngùi trông theo
Sân ga ai tiễn người yêu
Sân ga ai khóc ướt chiều sân ga
Sân ga con tiễn đưa cha
Bà đưa tiễn cháu trẻ già nhìn nhau
Sân ga tà áo muôn màu
Từng đôi mắt ướt tìm nhau thẩn thờ
Sân ga là một bài thơ
Trùng phùng ly biệt đời chờ nhớ thương

Rượu đời
Rượu đời một chén đầy vơi
Lộc riêng thượng đế tặng người trần gian
Rượu đời quý hiếm hơn vàng
Cất chưng bằng những trái ngang của đời
Gạo hồng trần nước mắt tôi
Đa đoan ủ với men đời nên cay
Hóa công người thợ khéo tay
Bể trần bể rượu luôn đầy chẳng vơi
Hương thơm là của đất trời
Vị ngon của những kiếp đời trầm luân
Rượu đời chỉ uống một lần
Đủ làm vốn sống tảo tần độ thân
Mỗi khi nâng chén thăng trầm
Hồn ta bay bổng theo vầng mây trôi
Tan mê về lại chợ đời
Bán vòng nguyệt quế mua cười tháng năm
Thanh vân dệt áo phong trần
Công danh phó mặc nợ nần chẳng lo
Thương vay khóc mướn sông hồ
Đan gàu tát biển để mò kim rơi
Rượu đời uống mãi chẳng vơi
Ai mà uống cạn được trời phú cho
Rượu tràn như nước sông Ngô
Đặc quyền sở hữu luôn kho rượu đời
Vi Đ

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Thiền sư Vạn Hạnh: Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng


Thiền sư Vạn Hạnh: Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng
Vạn Hạnh là người rất chăm chỉ đèn sách, “học hỏi không biết mệt” (TUTA). Sau khi Thiền Ông tịch diệt, ông đã chuyên tâm tu về các loại thiền, đặc biệt là tập kinh Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp.

Và ông đã sớm đạt được độ thượng thừa trong dòng Thiền của mình. Chính vì thế nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm…
Xuất gia vẫn ưu tư quốc sự
Không ai rõ tên ông là gì, chỉ biết ông họ Nguyễn, còn Vạn Hạnh là pháp hiệu của ông (cũng có nguồn tư liệu cho rằng, ông tên là Nguyễn Văn Hạnh). Quê ông ở hương Cổ Pháp (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tương truyền, ông sinh ra trong một gia đình đã mấy đời thờ Phật. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã tỏ ra là một người cực kỳ dĩnh ngộ, học một hiểu mười. Sách Thiền uyển tập anh (TUTA) viết về ông: “Thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông ba giáo, đọc kỹ trăm nhà, nhưng coi khinh công danh phú quý…”.
Năm 21 tuổi, ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Định Huệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông (902-979) tại chùa Lục Tổ. Thiền Ông, theo sách cổ ghi lại, rất tinh thông vạn pháp, chứng ngộ thiên cơ và là người thứ hai được phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền tâm pháp. Đây là phái Thiền bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng nhập thế giúp dân…
Vạn Hạnh là người rất chăm chỉ đèn sách, “học hỏi không biết mệt” (TUTA). Sau khi Thiền Ông tịch diệt, ông đã chuyên tâm tu về các loại thiền, đặc biệt là tập kinh Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp. Và ông đã sớm đạt được độ thượng thừa trong dòng Thiền của mình. Chính vì thế nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm…
Mặc dù là người tu hành nhưng Vạn Hạnh không xao lãng việc nước và mỗi khi cần đều có những cao kiến giúp cho triều đình. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông. Mùa thu năm Canh Thìn 980, Tri Ung châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở gò Tử Cương, núi Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Sau khi nghiên cứu kỹ mọi dữ liệu có thể có được, ông đáp: “Chỉ trong ba, bẩy ngày giặc tất phải lui…”. Lời nói này về sau đã ứng nghiệm.
Năm Nhâm Ngọ 982, khi vua Lê Đại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu hai sứ giả  là Từ Mục và Ngô Tử Mục bị Chiêm Thành bắt giữ, nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và trận ấy quân đội của vua Lê Đại Hành đã đại thắng.
Những thao tác siêu dị trong phép đoán định những điều tưởng như bí ẩn còn giúp cho Thiền sư bảo vệ chính bản thân mình. Theo TUTA,  “bấy giờ có kẻ gian là Đỗ Ngân muốn mưu hại sư, sư đoán biết được ý đồ, bèn đưa cho hắn một bài kệ rằng:
Thổ mộc tương sinh cấn bạn câm,
Vi hà mưu ngã uấn linh khâm.
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt,
Chân chí vị lai bất hận tâm.
(Thổ mộc sinh ra cẩn cạnh căm,
Thù ta toan định sẵn mưu ngầm,
Tăng này biết chuyện lòng buồn dứt,
Cả đến mai sau chẳng oán thầm!).

Trong bài thơ này, ông đã dùng tên của Ngũ Hành: Thổ, Mộc, Kim, Cấn trong bài kệ. Nếu chiết tự hai chữ Thổ và Mộc hiệp lại thành chữ Đỗ; hai chữ Cấn và Kim hiệp lại thành chữ Ngân, tức là ám chỉ tên Đỗ Ngân là người đang âm mưu việc ác. Chính vì thế nên Đỗ Ngân sợ, không dám tiếp tục mưu hại ông nữa…
Dạy vua từ nhỏ
Năm Tân Tị 981, Thiền sư Vạn Hạnh đã được người bạn là sư Lý Khánh Văn, trụ trì tại chùa Cổ Pháp, gửi gắm người con nuôi lúc đó mới lên 7 tuổi là Lý Công Uẩn. Và ông đã sớm nhìn ra trong đứa trẻ phi thường này mầm mống của một danh nhân. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (KĐVSTGCM), ông đã từng nhận xét về Lý Công Uẩn: “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Chính nhờ sự giúp đỡ của ông mà Lý Công Uẩn khi lớn lên đã vào kinh đô Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê, lên tới chức Điện tiền quân.
Sau khi vua Lê Đại Hành băng hà năm Ất Tị 1005, Thái tử Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị em cùng mẹ là Minh Vương Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi (983-1005). Trong cảnh tang thương, đa phần đám bầy tôi đều ai chạy đường nấy, duy chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc. Long Đĩnh chứng kiến cảnh này, cho rằng Lý Công Uẩn là người trung nghĩa nên khi lên ngôi, đã cho Lý Công Uẩn làm Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ...
Vua Long Đĩnh dù tuổi còn rất trẻ (sinh năm 986) nhưng đã tỏ ra rất bạo ngược hoang dâm nên lòng người chán ghét vô cùng. Cũng đúng giai đoạn đó tại nhiều nơi đã xuất hiện những điềm lạ lùng.
Thiền sư Vạn Hạnh khi ấy mới nói với Thân vệ Lý Công Uẩn rằng: “Gần đây tôi thấy nhiều lời sấm lạ báo hiệu nhà Lê phải mất mà nhà Lý tất phải lên thay. Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai khoan từ nhân đức bằng ông, đương nắm binh quyền trong tay lại được lòng dân chúng. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ còn ai đương nổi. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông ra thế nào. Tôi chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi...”.
Tòa tháp cao 9 tầng với bức tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu (Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Có lẽ chính câu nói này của Thiền sư đã khiến cho Lý Công Uẩn nhận thức được rõ hơn vai trò đích thực của mình nên dù đã bảo người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn để khỏi bị lộ thiên cơ nhưng đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận những thay đổi vận mệnh trong tương lai…
Thiền sư Vạn Hạnh rất biết sức mạnh của lòng dân trong chính sự nên đã đưa ra nhiều câu sấm truyền vận động tâm lý giúp cho Thân vệ Lý Công Uẩn tiến gần hơn tới cơ hội đế vương của mình. Sách TUTA kể: “Bấy giờ điềm lạ xuất hiện nhiều nơi, như xoáy lông trên lưng con chó trắng  ở Viện Hàm Toại chùa Ứng Thái Tâm, châu Cổ Pháp có hình chữ Thiên tử, cây gạo bị sét đánh để lại vết tích chữ viết xung quanh mộ Hiền Khánh đại vương ban đêm nghe tiếng tụng kinh râm ran, cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “quốc”v.v... sư đều biện giải được, tất cả đều hợp với điềm Lê suy Lý thành”.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT) kể, khi đó, sét đã đánh lên cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Cổ Pháp (do Thiền Sư La Quy An trồng năm 936) in thành chữ như sau:
Thụ căn diểu diểu - Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc - Thập bát tử thành
Đông A nhập địa - Mộc dị tái sinh
Chấn cung kiến nhật - Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian - Thiên hạ thái bình.
(Gốc cây thăm thẳm - Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng - Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất - Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc - Tây sao náu hình
Sáu bảy năm nữa - Thiên hạ thái bình).

Và Thiền sư Vạn Hạnh đã đưa ra lời lý giải như sau: trong câu “thụ căn diểu diểu” chữ Căn là gốc, gốc tức là vua, chữ Diểu đồng âm với chữ Yểu, thế là nhà vua (Lê Long Đĩnh) chết yểu. Trong câu “mộc biểu thanh thanh” chữ Biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ Thanh đồng âm với chữ Thịnh, thế là một người trong số quần thần (Lý Công Uẩn) sẽ lên nắm chính quyền. Ba chữ Hòa, Đao, Mộc góp lại (theo Hán tự) là chữ Lê, Lạc là rụng, tức là nhà Lê rụng. Ba chữ Thập, Bát, Tử  góp lại là chữ Lý. Chữ Lý họp với chữ Thành, là nhà Lý lên. Câu “Đông A nhập địa” chữ Đông và chữ A họp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp. Câu “dị mộc tái sinh” tức là họ Lê khác lại nổi lên.
Trong câu “chấn cung kiến nhật” thì Chấn là phương Đông, Kiến là mọc ra, Nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông. Trong câu “đoài cung ẩn tinh” thì Đoài là phương Tây, Ẩn là lặn tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa, thiên hạ thái bình…
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Thiền sư dù đang ở chùa Lục Tổ nhưng biết trước sự việc và nói với người chú và người bác của Lý Công Uẩn:
- Thiên tử đã băng hà, Lý Thân vệ đang ở nhà. Người nhà Thân vệ túc trực trong thành nội có hàng ngàn. Nội trong ngày, Thân vệ ắt sẽ được thiên hạ.
Ông cũng sai đem treo ở các các ngả đường bảng viết:
Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tỉnh
Bát biểu hạ bình an.
(Tật Lê chìm biển Bắc
Cây Lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám hướng chúc bình an).

Chết đi còn huyền tích
Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những người có công thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, khai sinh ra kinh thành Thăng Long với một truyền thuyết đầy lãng mạn về sức vươn lên như rồng thiêng của đất nước. Ông cũng là người thảo ra lời chiếu dời đô hào sảng, nhấn mạnh rằng, đất Đại La “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước, vùng đất ấy rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi và phồn thịnh!”.
Vua Lý Thái Tổ rất sùng mộ Thiền sư Vạn Hạnh và phong ông làm Quốc sư. Tuy nhiên, ngày thường, ông vẫn ở trong chùa. Chỉ những khi  quốc gia hữu sự có lời vua mời thì ông mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về chùa.
Cũng theo sách TUTA, ngày 15/5 năm Mậu Ngọ 1018, Thiền sư không bệnh nhưng đã linh cảm trước được kết cục đang gần, đã gọi các đệ tử đến và đọc cho nghe bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch thoát:
Thân mình, có lại thành không,
Xuân cây tươi thắm, sang đông não nề.
Đã tu muôn sự vô vi,
Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng…

Thấy các đệ tử thương khóc, Thiền sư bảo rằng: “Các con muốn ta đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ và cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ”.
Sau khi Thiền sư qua đời, vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi của ông về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
Vua Lý Nhân Tông (1066-1127) về sau có làm bài kệ truy tán Thiền sư Vạn Hạnh như sau:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phủ cổ sấm kị
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
(Vạn Hạnh không ba cõi
Lời sư nghiệm sấm thi
Từ làng quê Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh kỳ)

Theo Lưu Hùng Văn

Viện Đại học Vạn Hạnh: cơ duyên thành lập



Viện Đại học Vạn Hạnh: cơ duyên thành lập

 Đại học Vạn Hạnh
Viện Đại học Vạn Hạnh được mệnh danh bằng cụm từ rất thế tục là “đại học chợ”, vì cổng Viện Đại học Vạn Hạnh nhìn xéo ngay mặt tiền chợ Trương Minh Giảng. Có phải nhờ vị trí “nhập thế”, có phần “trần tục” này, mà Viện Đại học Vạn Hạnh, với cơ sở vật chất hạn chế hơn, đã có những thành quả giáo dục tương đương Viện Đại học Đà Lạt?
Từ truyền thống Phật giáo Việt Nam

Giáo dục xã hội ở bậc cao không phải là điều chi lạ lẫm đối với Phật giáo Việt Nam. Việc Giáo hội Phật giáo bấy giờ tại miền Nam (1964) thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, suy cho cùng, cũng chỉ là việc quay trở lại một truyền thống đã có từ hàng ngàn năm trước nhưng tiếc rằng Phật giáo Việt Nam đã quên đi trong nhiều thế kỷ, và chỉ sực tỉnh sau một cú hích, là pháp nạn lịch sử 1963.

Người ta thường nói đến Quốc tử giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Điều đó  đúng nếu xét về mặt hành chính.

Nhưng giới trí thức tinh hoa Việt Nam, khi đó chưa là những nho sĩ, đã được đào tạo trước khi có  Quốc tử giám rất lâu. Giới học thức tinh hoa của nước Đại Cồ Việt, sau đó là Đại Việt, đã lập nên nhiều công trạng hiển hách với đất nước, để lại nhiều trước tác giá trị. Họ được đào tạo từ đâu? Câu trả lời rất rõ ràng: từ nhà chùa.

Thiền sư  Vạn Hạnh được tôn làm Quốc sư. Chữ sư ở  đây có 2 nghĩa, chúng ta chú ý đến nghĩa là thầy học của cả nước. Có thể coi Quốc sư Vạn Hạnh là người khai sáng ngành đại học của Việt Nam.

Thế  nhưng, sau đó, theo một hướng diễn biến tiêu cực, những vị sư Phật giáo bị giới nho sĩ loại trừ dần ra khỏi những hoạt động xã hội. Điều rất có thể là do sự suy vong của Phật giáo từ cuối đời Trần, Phật giáo Việt Nam cũng xuôi tay theo diễn biến, mà theo chúng tôi, là  có tổ chức này.
Chùa lần lần tách rời khỏi những hoạt động xã hội, trong đó có giáo dục. Các nhà sư vui lòng trở về với am thanh chùa vắng, vui thú kinh kệ nước mây thoát tục.
Điều đó, hiển nhiên đưa tới hệ quả  là nhà chùa không còn đào tạo được trí thức cho đất nước nữa, và chính các nhà  sư không còn là trí thức nữa.

Diễn biến  “giải trí thức” hóa Phật giáo Việt Nam xuống đến điểm tận cùng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Khi đó, những nhà truyền giáo ngoại quốc khinh thị sư dốt nát, mê tín của giới tăng sĩ Phật giáo ra mặt và họ cố khai thác điều này như một ưu thế.
Cánh cửa tháp ngà của Phật giáo Việt Nam được tấn thêm chặt để quây các nhà sư vào đó, cắt rời liên hệ Phật giáo Việt Nam với xã hội.
Việc loại bỏ Hán học cũng có tác động tiêu cực đối với Phật giáo Việt Nam. Những nhà sư bị loại trừ đứt điểm khỏi môi trường trí thức vì giáo dục Tây học, xóa bỏ hoàn toàn chức năng giáo dục xã hội của nhà chùa.

Cùng lúc đó, với sự ủng hộ của chính quyền thực dân, những trường học do Đạo Thiên Chúa Ca tô thành lập và điều hành được xây dựng nhanh chóng.

Tất nhiên, hệ thống giáo dục của đạo Thiên Chúa Ca tô  phải xây dựng dần dần, từ tiểu học lên dần  đến trung học. Đến năm 1954, khi thực dân Pháp, lực lượng chống lưng cho Giáo hội đạo Thiên chúa Ca tô tại Việt Nam, rút lui hoàn toàn khỏi Việt Nam, hệ thống giáo dục xã hội đạo Thiên Chúa Ca tô chưa có bậc đại học.
Và cú hích "Viện Đại học Đà Lạt"?

Giáo dục xã hội bậc đại học là mục tiêu Giáo hội Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam nhắm tới. Họ quyết tâm làm điều này khi con chiên ngoan đạo, thầy tu xuất Ngô Đình Diệm nắm ngôi Tổng thống và ổn  định tình hình chính trị ở miền Nam.
Mục tiêu một trường đại học Thiên Chúa Ca tô là điều mà chế độ kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm hướng đến. Chính Giám mục Ngô Đình Thục anh ruột của Ngô Đình Diệm đứng ra chủ trì thực hiện đề án này.
Sở hữu cơ sở đào tạo trí thức miền Nam Việt Nam như một phương tiện truyền đạo là một lẽ, đồng thời một viện đại học cũng là một món đồ trang sức quý giá của các thầy tu Thiên Chúa Ca tô, muốn thể hiện đặc tính trí thức trước những tu sĩ Phật giáo, mà hoàn cảnh đã tác động trở nên những thầy tu bình dân, với lực lượng chính quyền muốn thấy phát triển là các vị sư Lục Hòa Tăng (sau này cộng tác với chế độ Diệm trong pháp nạn 1963 chống lại Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo).

Để có sự tương phản có học/ ít học mà phía Thiên Chúa Ca tô mong muốn, Giám mục Ngô Đình Thục gấp rút bắt tay vào việc. Chương trình được thảo luận từ ngay khi Ngô Đình Diệm vừa nắm chính quyền. Muốn rằng Đà Lạt  sẽ là một trung tâm khoa học giáo dục, địa điểm được chọn xây dựng đại học Thiên Chúa giáo là Đà Lạt.

Cùng với một Viện Đại học mà chính quyền giao cho Thiên chúa Ca tô, một lò phản ứng nguyên tử hiện  đại bậc nhất ở Châu Á lúc bấy giờ được xây dựng ở Đà Lạt.

Theo sự  lựa chọn và tác động của Ngô Đình Thục, chính quyền Diệm đã bán cho Hội đồng Giám mục Việt Nam (chỉ hoạt động thực tế ở miền Nam) một khu đồi cảnh trí rất đẹp không xa trung tâm thành phố Đà Lạt với giá tượng trưng là một đồng.


Đại học Đà Lạt
Giảng đường đại học có thánh giá cắm bên trên được xúc tiến xây dựng trên khu đất rộng rãi, đẹp đẽ như một công viên rộng đến 40 héc ta này.

Viện  Đại học Đà Lạt là cơ sở trực thuộc và chịu sự quản lý của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, từ ngày được thành lập 8/8/1957 đến khi đưa vào hoạt động chỉ có một năm, với 5 trường đại học là sư phạm, văn khoa, khoa học, chính trị, kinh doanh và thần học (tổ chức tương tự như các trường trực thuộc Đại học quốc gia ở Hà Nội hay TPHCM hiện nay).
Viện Đại học Đà Lạt cũng có 2 tạp chí học thuật là Tri thức và Sử địa.

Năm 1961, khóa sinh viên đầu tiên của Viện Đại học  Đà Lạt, ngành sư phạm hoàn tất việc đào tạo và tốt nghiệp, với sự chủ trì của của Giám mục Ngô Đình Thục, được tôn xưng với chức vụ Chưởng Ấn.

Dùng tên gọi trong nước là Viện Đại học Đà Lạt với ngụ ý là một viện đại học cấp quốc gia vẫn gọi theo tên địa phương như Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế…, nhưng trong nội bộ đạo Thiên Chúa Ca tô và đối ngoại, một tên gọi khác được sử dụng, có thêm từ “Công giáo”, là “Viện Đại học Công giáo Đà Lạt”.

Viện  Đại học Đà Lạt là một thành công lớn của Giáo hội Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam. Ngoài việc  đạt những mục tiêu kể trên, như là công cụ truyền đạo (với một linh mục tuyên úy phụ trách đối tượng sinh viên), công cụ để hoạt động văn hóa khoa học giáo dục, công cụ khẳng định vị trí tôn giáo tri thức, Viện Đại học Đà Lạt còn thành công ở chỗ:
* Việc xây dựng và đưa vào hoạt động một cách nhanh chóng tương đối hiệu quả một trường đại học chứng tỏ năng lực của thành phần tinh hoa trong giới thầy tu đạo Ca tô.
* Viện Đại học Đà Lạt tương đối nổi tiếng, vì được xem là đại học đẹp nhất Đông Nam Á, trở thành một cảnh quan du lịch thành phố cao nguyên Đà Lạt.
* Điều quan trọng là Viện Đại học Đà Lạt đã trở thành công cụ rất đắc lực để nhà cầm quyền thân Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ cung cấp tài chính cho Giáo hội.
Về mặt nguyên tắc, nhà nước không thể cầm tiền mặt dâng cho giáo hội. Nhưng khi có một trường đại học, thì việc cấp tiền sẽ khoác một lớp vỏ bọc tài trợ hoạt động giáo dục. 40 héc ta đất bán với giá 1 đồng tượng trưng là việc ủng hộ đầu tiên. Sau đó, là tài trợ xây dựng, trang bị, chi phí…
Viện Đại học Đà Lạt trở thành một cổng nhận tiền tài trợ và bộ máy chi phí, đầu tư tiền tài trợ một cách hiệu quả (40 héc ta đất đó không chỉ xây dựng cơ sở giáo dục, mà trong đó có nhiều cơ sở tôn giáo khác như nhà nguyện, chủng viện…).
* Ngoài việc tranh thủ sự tài trợ của chính phủ Sài Gòn, vốn tìm đủ những lý do hợp lý để chuyển tiền cho Giáo hội Thiên Chúa Ca tô Việt Nam, Viện Đại học Đà Lạt còn là phương tiện thanh thủ tài trợ từ nước ngoài (các chính phủ, các tổ chức và cả những cá nhân) vì “sự nghiệp giáo dục”. Sự ủng hộ của giáo dân trong nước cũng khá là đáng kể.
* Viện Đại học Đà Lạt tập hợp khá thành công một tập thể trí thức khoa bảng miền Nam Việt Nam. Điều này rất có lợi cho hoạt động tôn giáo, chính trị, xã hội của đạo Thiên Chúa Ca tô tại Việt Nam.
* Viện Đại học Đà Lạt đã góp phần đào tạo một số lượng cán bộ tôn giáo (cả tu sĩ tín đồ) với trình độ Đại học.
* Viện Đại học Đà Lạt tạo môi trường làm việc cho thành phần trí thức đạo Thiên Chúa, phần lớn được đạo tạo ở nước ngoài.
* Các tạp chí học thuật của Viện Đại học Đà Lạt đã góp phần nâng cao vị thế của đạo Thiên Chúa Ca tô trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội tại miền Nam Việt Nam.
Đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh

Những nhà lãnh đạo của Phật giáo miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ (cuối thập niên 1960) có tầm nhìn xa, đã sớm nhận thức rằng giáo dục xã hội là một lĩnh vực biểu hiện sự bất bình đẳng tôn giáo. Phật giáo Việt Nam, tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam, tôn giáo đã có truyền thống giáo dục xã hội với cấp đào tạo tầng lớp tinh hoa từ hàng năm trước, lại không có cơ sở đào tạo đại học nào hết, là một điều bất hợp lý.
Do đó, kế hoạch thành lập một viện đại học Phật giáo đã sớm hình thành, đưa đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh sau đó.
Có  ý kiến nói rằng Viện Đại học Vạn Hạnh là  một trong những bản copy hình mẫu hoạt động  của đạo Thiên Chúa Ca tô (các hình mẫu khác là  cơ chế giáo hội trung ương tập quyền và  thống nhất, cơ chế tuyên úy trong quân đội, các thông điệp Phật đản có chủ đề…).
Tuy nhiên, người viết bài này cho rằng Viện Đại học Đà Lạt không phải là mẫu mà Viện Đại học Vạn Hạnh copy. Viện Đại học Đà Lạt có tác động đến việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh trong vai trò cú hích, làm các nhà lãnh đạo Phật giáo, đặc biệt là các tăng sĩ trí thức, bừng tỉnh trước sự thua kém của Phật giáo Việt Nam trong hoạt động giáo dục xã hội. Có chăng chỉ là một cú hích, vậy thôi!
Phật giáo Việt Nam không bắt chước ai cả, vì giáo dục xã hội cấp cao là truyền thống của Phật giáo. Viện Đại học Vạn Hạnh, viện đại học mang tên Quốc sư của nhà nước Đại Việt thế kỷ thứ X thể hiện tinh thần đó. Quá trình thành lập Đại học Vạn Hạnh là quá trình Phật giáo ý thức lại các giá trị của mình, tìm về với truyền thống, không phải là việc học đòi bắt chước một mô hình nào!
Tất nhiên, việc thành lập một viện đại học trong thế  kỷ XX thì phải theo những quy chuẩn giáo dục  đại học thế giới. Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Vạn Hạnh… tất nhiên đều theo những quy chuẩn đó và cũng thế, trong việc điều hành, các mặt hoạt động của giáo dục đại học nói chung, đại học tư tôn giáo nói riêng đều cơ bản tương đồng nhau.
Do vậy, Viện Đại học Vạn Hạnh có những nét nào đó giống với Viện Đại học Đà Lạt, thì đó cũng là điều bình thường, vì cả hai trường đều xây dựng theo những hình mẫu chung.
Công việc xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh bắt đầu ngay từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đây là công lao tập thể chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ đứng đầu là Tăng thống Thích Tịnh Khiết, và các  chức sắc giữ nhiệm vụ lãnh đạo thường trực là Thượng tọa Thích Trí Quang - Chánh thư ký Viện Tăng thống,  Thượng tọa Thích Tâm Châu - Viện trưởng Viện Hóa đạo…
Các vị  tôn đức được đưa đi đào tạo ở  nước ngoài như Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Thích Mãn Giác… giữ vai trò tổ chức điều hành, quản lý Viện Đại học Vạn Hạnh từ khi khởi động đến khi thành lập.
Viện  Đại học Vạn Hạnh được Bộ Quốc gia Giáo dục chế độ Sài Gòn cấp giấy phép hoạt động ngày 17/10/1964. Viện trưởng là Thượng tọa Thích Minh Châu, Phó Viện trưởng là Thượng tọa Thích Mãn Giác.
Khi mới thành lập cơ sở của Viện Đại học Vạn Hạnh tạm đặt tại Chùa Xá Lợi và Chùa Pháp hội. Đến năm 1966 thì dời sang cơ sở biệt lập tại 222 Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ).
Đầu tiên, Viện Đại học Vạn Hạnh có 2 phân khoa là Phật học và Văn học & Nhân văn. Năm 1967 Phân khoa Khoa học xã hội được bổ sung. Trong những năm 1970, Viện Đại học Vạn Hạnh có thêm phân khoa Khoa học ứng dụng với cơ sở đặt tại quận Phú Nhuận, TPHCM.
Ngoài ra, từ năm 1966 Viện Đại học Vạn Hạnh còn có Trung tâm Ngôn ngữ.
Viện  Đại học Vạn Hạnh có cơ sở tu thư, tổ  chức biên soạn và xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu giá trị của các học giả Phật giáo. Viện cũng có tạp chí Tư tưởng, một tạp chí Phật học, triết học, khoa học xã hội, xuất bản từ 1967.
Thư  viện Viện Đại học Vạn Hạnh có hơn 25.000 tựa sách, là một trong những thư viện đại học phong phú và hiện đại tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Vài nét so sánh Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Đà Lạt

Để so sánh 2 viện đại học, cần có những tiêu chí cụ thể, để kết quả việc so sánh có tính định lượng cao. Ở  đây, chỉ xin so sánh sơ nét, có tính chất định tính.

Xét về  diện tích, quy mô cơ sở vật chất, trang bị  kỹ thuật, Viện Đại học Đà Lạt lớn hơn nhiều lần so với Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện  Đại học Đà Lạt được coi là Viện  đại học lớn nhất Việt Nam và đẹp nhất Việt Nam (diện tích khuôn viên Viện Đại học Đà Lạt là 40 héc ta, so với diện tích khuôn viên Viện  Đại học Vạn Hạnh chỉ khoảng 4.000m2)..

Về  cơ sở vật chất Viện Đại học Đà Lạt còn hơn Viện Đại học Vạn Hạnh ở nhiều chỗ: tiện nghi giảng đường, trang bị âm thanh ánh sáng, lưu học xá sinh viên…
Về  thư viện, số đầu sách thư viện 2 viện  đại học xấp xỉ nhau, khoảng 23 – 25.000 quyển.
Về  danh sách và trình độ giáo sư, thì cũng có  thể nói là tương đương.

Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Vạn Hạnh là  tiến sĩ (tương đương học vị tiến sĩ khoa học ngày nay). Viện trưởng đầu tiên Viện Đại học  Đà Lạt có học vị cử nhân.

Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang bị còn kém xa như vậy, số sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh trong những niên khóa sau cùng đạt mức xấp xỉ Viện Đại học Đà Lạt (khoảng 3500 – 4000 sinh viên).

Chúng ta lý giải thế nào về kết quả này?

Theo chúng tôi, điều đó trước hết là do vị trí  địa lý. Viện Đại học Đà Lạt, dù sao, cũng chỉ là đại học ở thành phố  địa phương trên cao nguyên. Trong khi đó Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tại Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, có dân số cao hơn 10 lần số so với Đà Lạt..

Cái  ưu thế phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, đồi thông yên tĩnh thanh vắng của Viện Đại học Đà Lạt lại trở thành nhược điểm của Viện đại học này.
Viện Đại học Đà Lạt khó thu hút được sinh viên đông đảo từ đồng bằng do giao thông cách trở, lại càng khó khăn trong điều kiện chiến sự liên miên. Cảnh quan đại học trong rừng của Viện Đại học Đà Lạt tạo khung cảnh xuất thế cho những vị tu sĩ Thiên chúa giáo bao nhiêu, thì mặt trái của nó bộc lộ nhược điểm trong việc giáo dục xã hội bấy nhiêu.
Khu vực phụ cận  quanh Đà Lạt thưa dân, hầu hết là rừng rú, do đó, hệ quả đương nhiên là số lượng và trình độ sinh viên đại học hạn chế. Trường hợp sinh viên từ Sài Gòn khăn gói lên Đà Lạt để phải trọ học chắc chắn không phải là trường hợp phổ biến, trong khi hệ thống đại học tại Sài Gòn đã hoàn thiện.
Trong khi Viện Đại học Đà Lạt mang được mệnh danh một cách “xuất thế” và thơ mộng là “đại học trong rừng”, thì Viện Đại học Vạn Hạnh được mệnh danh bằng cụm từ rất thế tục là “đại học chợ”, vì cổng Viện Đại học Vạn Hạnh nhìn xéo ngay mặt tiền chợ Trương Minh Giảng, vốn là một chợ thuộc loại lớn ở Sài Gòn.

Có  phải nhờ vị trí “nhập thế”, có phần  “trần tục” này, mà Viện Đại học Vạn Hạnh, với cơ sở vật chất hạn chế hơn, đã có những thành quả giáo dục tương đương Viện Đại học Đà Lạt?

Một số nhận xét cho rằng Viện Đại học Vạn Hạnh có tiếng tăm và vị thế vượt trội so với Viện Đại học Đà Lạt trong khoảng thời gian  từ năm 1970 trở đi. Chúng tôi, vẫn lý giải điều này cũng một phần nhờ vào ưu thế hoạt động tại vị trí thành phố trung tâm của Viện Đại học Vạn Hạnh. Nhân tài hào kiệt tinh hoa thường tụ lại ở những nơi trung tâm.
Đến khoảng những năm 1973 – 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh đã có kế hoạch mở phân khoa Y khoa, đào tạo bác sĩ, với người chịu trách nhiệm xây dựng phân khoa là vị thầy thuốc nổi tiếng, bác sĩ Lê Khắc Quyến. Cơ sở khoa học ứng dụng ở quận Phú Nhuận được tích cực xây dựng, trong bối cảnh Viện Đại học Minh Đức (một viện Đại học khác của đạo Thiên Chúa Ca tô) mới đưa vào hoạt động Phân khoa Y khoa.
Để kết luận, chúng ta cùng nhau trở lại với Viện Đại học Đà Lạt, như là cú hích đối với giáo dục xã hội của Phật giáo ở bậc đại học.
Liệu Phật giáo miền Nam Việt Nam có được Viện Đại học Vạn Hạnh hay không nếu trước đó không có Viện  Đại học Đà Lạt, do Hội đồng Giám mục Việt Nam xúc tiến thành lập và quản lý?
Tuy nhiên, câu hỏi đáng quan tâm hơn, là trong bối cảnh các đại học tư thục liên tiếp ra đời như hiện nay, liệu Phật giáo Việt Nam, với những thuận lợi của mình, có thể lại rơi vào cảnh đi bước đi sau, như 50 năm trước?
MT

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tôi học được rằng:

Tôi học được rằng:


Tôi học được rằng:
Có những điều dù ta chỉ làm trong khoảnh khắc nhưng lại làm ta đau lòng cả đời.

Tôi học được rằng:
Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.

Tôi học được rằng:
Đã là bạn thân, dù không làm gì cả, ta vẫn có những phút giây tuyệt vời khi bên nhau.

Tôi học được rằng:
Tình bạn chân thành sẽ mãi lớn lên dù cho có cách xa ngàn dặm, và tình yêu đích thực cũng thế đấy.

Tôi học được rằng:
Chỉ vì ai đó không yêu ta theo cái cách mà ta mong muốn, điều đó không có nghĩa là họ không yêu ta hết lòng. Đối với một người bạn tốt, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chẳng may họ làm tổn thương ta, và hãy biết tha thứ cho họ vì điều đó.

Tôi học được rằng:
Sẽ không đủ nếu ta chỉ biết tha thứ cho người khác. Đôi khi cũng phải học cách tha thứ cho chính mình.

Tôi học được rằng:
Bất kể con tim ta có tan vỡ, cuộc sống cũng sẽ chẳng dừng lại, và vẫn vô tình như không biết đến tổn thương của ta.

Tôi học được rằng:
Cuộc đời ta có thể bị đổi thay tại một khoảnh khắc nào đó bởi một người thậm chí ta không quen biết.

Tôi học được rằng:
Ngay cả khi trắng tay, ta vẫn có thể thấy được mình thật giàu có để giúp đỡ mỗi khi bạn bè cần đến.

Tôi học được rằng:
Người mà ta rất quan tâm, thậm chí cả cuộc đời thì lại có thể rời xa ta rất sớm.
Người mà ta nghĩ sẽ vùi ta xuống đất đen khi hoạn nạn, nhưng chính họ lại là người nâng ta dậy khi ta vấp ngã.

Tôi học được rằng:
Khi không vui, ta được quyền giận dỗi, nhưng lại chẳng được phép tàn bạo và hung ác.

Tôi học được rằng:
Trên đời này, không phải ai cũng tốt và tử tế với ta, cho dù ta không động chạm đến họ. Cách tốt nhất là đừng nên để ý đến những kẻ muốn chứng kiến ta gục ngã . Hãy sống vì những người yêu quý ta.

Tôi học được rằng:
Để "thành nhân", thành người mà ta mong muốn, phải mất thời gian rất dài.

Tôi học được rằng:
Hãy chịu trách nhiệm về những gì ta làm dù điều đó có làm lòng ta nát tan.

Tôi học được rằng:
Nếu ta không làm chủ được hành vi của mình, nó sẽ điều khiển lại ta.

Tôi học được rằng:
Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.

Tôi học được rằng:
Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng ta, nên hãy ý thức về điều đó.

Tôi cũng học được rằng:
Chiếc áo không bao giờ có thể làm nên thầy tu.
Ta không nên quá háo hức để khám phá bí mật vì nó có thể làm thay đổi cuộc đời ta mãi mãi. Dù hai người cùng nhìn vào một vật nhưng họ lại có thể thấy những điểm khác biệt rất lớn...



Những câu chuyện đã đăng:
Từng Con Một

Hãy Khóc Trên Vai Anh

Tiếng thì thầm

Di Chúc

Phỏng Vấn Thượng Đế

Mẹ Sẽ Thương Con Mãi...

Cầu Xin

Hạt Giống

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

5 thói quen xấu gây nguy hiểm tới dạ dày


Có rất nhiều những thói quen xấu trong sinh hoạt và ăn uống dẫn tới bệnh dạ dày như đau, viêm loét, ung thư,… Vậy hãy tránh xa những thói quen sau nhé!

>> Muốn bỏ thai vì danh dự bố mẹ 
>> Nhiều bà mẹ đơn thân vẫn sống tốt 
>> Còn nhiều người đàn ông tốt lắm My à
1. Ăn trước khi ngủ
Bất cứ loại thực phẩm nào, kể cả thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa, hoa quả,… cũng có thể làm hỏng dạ dày. Vì thành phần protein có trong thực phẩm sẽ kích thích quá trình tiết axit và dịch vị trong dạ dày. Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.
2. Ăn không đúng bữa
Ăn vặt nhiều quên bữa chính hay thời gian giữa các bữaăn không cố định chính là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết axit để tiêu hóa thứcăn. Nếu không bổ sung thứcăn kịp thời, lượng axit sản sinh sẽ “phản lại” chính chủ nhân của mình, từ đó gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày thường gặp.
3. Lạm dụng thuốc giảm đau
Chúng ta thường có thói quen viện tới thuốc giảm đau ngay cả khi chỉ là những cơn đau đơn thuần như đau đầu, đau cơ, đau khớp,… mà không hề biết rằng thuốc giảm đau gây tác hại không nhỏ cho dạ dày.
Các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây chảy máu dạ dày, thậm chí vết loét xuất hiện suốt thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nào.
5 thói quen xấu gây nguy hiểm tới dạ dày
Không nên ăn trước khi ngủ để phòng tránh bệnh đau dạ dày. (ảnh minh họa)
Do vậy, nếu cơn đau không thực sự nghiêm trọng, bạn không nên lạm dụng thuốc giảm đau. Chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau khi có sự tư vấn của các bác sỹ.
4. Hút thuốc quá nhiều
Thuốc lá, ngoài việc gây ra những tổn thương cho phổi và các cơ quan hô hấp, thuốc lá còn gây ra những di chứng nặng nề cho dạ dày. Thành phần các chất nicotine trong thuốc lá có thể làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn của dạ dày.
5. Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh thường gây nên hiện tượng khó tiêu hoá vì khi lượng thứcăn được “nạp” vào quá nhanh, não bộ chưa kịp nhận tín hiệu từ dạ dày và kết quả là dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hoá thứcăn. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Lời Nguyện Đốt Nhang


Thích Ngộ An (soạn)
Đốt nén nhang cho Phật, nguyện làm theo lời Phật, nuôi dưỡng lòng từ bi, nguyện không làm việc xấu, nguyện phát triển việc lành, nuôi lớn đức khoan dung, vì người không điều kiện. Nguyện nương theo lời Phật, sống cuộc sống thanh cao, có trách nhiệm gia đình, thương tất cả mọi người. Thiết lập tình yêu thương, bình đẳng không phân biệt, nguyện không hơn lời nói, gây thêm mối hiềm hận, nguyện giữ tâm trong sạch dâng lên cúng Phật Đà.

Nghi Thức Nhập Mạch, Thành Phục Và Cúng Cơm


Nghi Thức Nhập Mạch, Thành Phục Và Cúng Cơm
                                    Thích Ngộ An (Soạn)
I/ Nhập Mạch
1. Lời Khai Thị : (Lời khai thị đọc trước khi bắt đầu tiến hành tất cả các khóa lễ kỳ siêu trợ lực- có thể đọc trước lúc di quan sẽ có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho von linh)
Này hương linh ..….. hương linh đã quy y tam bảo rồi , tức là đã quy y Phật rồi, quy y pháp rồi, quy y tăng rồi, không những thế hương linh vì tỏ ngộ thế gian là vô thường, là khổ đau là vô ngã, hiểu rõ điều này nên hương linh đã khởi lòng quy y tam bảo với Thầy ..........vào ngày......tháng........năm........hôm nay duyên phần đã mãn, hương linh ….. phải luôn nhớ đến Phật, không nên nghĩ nhớ đến con cháu, thân nhân, vì con cháu thân nhân không thể cứu được hương linh (hương linh) trong lúc này, chỉ có Phật mới cứu được mà thôi. Nên hương linh phải chí thành nhớ tới Phật, tưởng Phật và không tiếc thân mạng. Thân này vô thường, là tạm bợ. Vì vậy khi hết duyên thì đi, không có gì phải buồn, phải sợ, cũng đừng nuối tiếc hãy buông bỏ mà ra đi thảnh thơi. Nhớ đi theo Phật chớ không đi theo đường nào hết.
Và hương linh nên nhớ rằng sau khi đi rồi, nếu chưa đủ duyên về cõi Phật thì trở lại cõi người tìm chỗ nơi có đạo đức để gá thân, sau mà tiếp tục tu nữa, chớ đừng quên hạt giống Phật pháp của mình, đời này đi được một bước, rồi đời sau thêm nhiều bước nữa, tiến mãi trên đường tu hành giác ngộ giải thoát. Không phải một lần tu này là đủ, mà phải tu nhiều lần như vậy. Hương linh nhớ tỉnh, nhớ cố gắng tu hành đừng có quên hạt giống giác ngộ đã gieo. Phải cố gắng nuôi dưỡng chủng nhân lành này.
Vậy mong rằng hương linh luôn sáng suốt. Một là nhớ Phật, hai là nhớ duyên tu hành của mình, mong hương linh được nhẹ nhàng an ổn, chớ có buồn, đừng có nghĩ tưởng, đừng có nhớ ai hết, hãy bình tâm tỉnh táo ra đi. Và luôn nhớ rằng tâm tỉnh táo sáng suốt thanh tịnh đó mới thật là mình, là năng lực sống hằng hữu không sinh diệt. Còn vọng thức sinh diệt lúc có lúc không là hư ảo không thực đừng ái chấp, hãy để tâm bình thản an nhiên đừng lo sợ trước những cảnh trần, chúng chỉ là ảo tưởng của tâm sanh ra, luôn nhớ như thế.
Hãy nên nhớ thân này là vô thường biến hoại, đấy là lệ chung cho tất cả mọi loài, mang nó là khổ, ai ai có thân rồi cũng phải chết. Chỉ có Đức Phật là bậc giác ngộ sáng suốt luôn thanh tịnh mới không sanh không tử, và chỉ khi nào chúng ta ngộ được bổn tâm bất sanh nên mới trở thành bất tử  như Đức Phật.
Cho nên còn duyên thì ở, hết duyên thì ra đi để thảnh thơi có thân khác tốt hơn, tu hành là được tiến hơn. Đừng có hồi hộp lo sợ, vì lo sợ làm cho tâm cuồng loạn mà thôi, bị cuồng loạn sinh ra những niệm điên đảo không tốt. Ráng tỉnh, nhớ thân này là biến hoại vô thường, đi thì nhớ Phật, luôn luôn nhớ như vậy.
Hỡi này hương linh .....! Hương linh thật đã chết rồi. Hương linh đừng nên nuối tiếc thân xác này vì nó kết hợp bởi đất, nước, gió, lửa. Giờ đây hương linh không còn mượn gió (không khí) nữa, nên thân thể không còn hoạt động gọi là chết.
Hương linh chớ nên lưu luyến cha mẹ, vợ chồng, con cái và thân bằng quyến thuộc; cũng đừng có buồn tủi, oán hờn bất cứ ai, vì sự tham lam, luyến ái, hận thù, sân, si... không mang lại lợi ích gì cho ta lúc này cả, mà ngược lại nó là nhân đưa hương linh vào trong các đường khổ. Từ nay hương linh không thể tiếp tục ở lại với họ nữa. Thân họ cũng giống như thân của hương linh đều do đất nước gió lửa hợp thành và sẽ phải bị tan hoại mà thôi.
Tất cả tài sản của cải cũng không nên luyến tiếc, vì hương linh chẳng thể dùng chúng được nữa, mà hãy vui lòng để cho người thân ở lại tuỳ ý mặc dùng.
Và giờ đây, tất cả những cảnh tượng mà hương linh đã thấy, dù tốt đẹp hài lòng hay khủng khiếp ghê sợ cũng đều là do tâm thức của hương linh biến hiện ra. Hương linh chẳng nên mê lầm sợ hãi, hãy tin chắc như thế và luôn nhất tâm nhớ Phật, cầu Phật gia hộ che chở. Nhờ đức tin mà người tầm thường nhất cũng được thoát khổ. Hương linh hãy nhớ lấy và một lòng cầu nguyện Phật tiếp độ cho.
Nam mô phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
(khai thị xong thì “sái tịnh” TẩnLiệm hương linh)
2/ Sái Tịnh:
(Để cốc nước có cành hoa vào lòng bàn tay trái, tay phải bắt ấn - đầu ngón cái và ngón áp út cong lại chạm vào nhau, 3 ngón còn lại thì ngay thẳng; đọc bài kệ ).
Phù thử thủy giả, Bát công đức thủy tự thiên chơn
Tiên tẩy chúng sanh nghiệp cấu trần,
Biến nhập Tỳ Lô Hoa tạng giới,
Cá trung vô xứ bất siêu luân.       
Thủy bất tẩy thủy, diệu cực pháp thân.
Trần bất nhiễm trần, phản tác tự kỷ.
Quyên trừ nội ngoại, đãn địch đàn tràng.
Sái khô mộc nhi tác dương xuân,
Khiết uế ban nhi thành tịnh độ.
Sở vị đạo: Nội, ngoại, trung gian vô trược uế,
Thánh, phàm, u, hiển tổng thanh lương.
Bồ Tát liễu đầu cam lồ thuỷ.
Năng linh nhất đích biến thập phương.
Tinh chuyên cấu uế tận quyên trừ.
Phổ sái hương linh tất thanh tịnh.        
 (đứng dậy rảy nước chung quanh thi thể và quan tài. và khi khiêng thi thể vào quan tài Ban Hộ niệm tán pháp và tụng Kinh Bát Nhã - liên tục nhập mạch cho đến khi đậy nắp quan tài)
II/ Thành Phục:
1/ Nguyện hương:
Thắp nén hương thơm, tâm thành bái thỉnh. Cung di Thánh giáo ngưỡng vọng đức Địa Tạng Từ Tôn tiếp độ hương linh …..… được về đây thính pháp nghe kinh cùng thọ vật thực, và được nương nhờ thần lực tam bảo hộ trì tiếp độ mà phát tâm Bồ đề, sớm tỉnh hương chóng thoát khỏi vòng trầm luân mê muội, thác sanh về nơi cõi an vui, gặp chánh pháp tu hành được giác ngộ giải thoát.
  Thành tâm triệu thỉnh, triệu thỉnh hương linh nương từ lực tam bảo buông xả thân 5 uẩn, phản quan hồi qui giác tánh thanh tịnh, rõ nẽo luân hồi, không lầm nhân quả được giác ngộ biết vô sanh.           
Sống vốn khôn ngoan chết phải linh.                         
Âm dương hai ngã tự phân minh.   
Gia đình tha thiết dâng trai lễ. 
Hương linh ……. mau về lắng kệ kinh.
2/ Đọc Lời Khai Thị Trước Khi Phát Tang
        Này hởi hương linh... Phật có dạy: Một tánh hương xưa không sanh, nay không diệt. Riêng thân tứ đại này, có hợp phải có tan. Bởi tối sơ một niệm sai lầm theo vọng tưởng có sanh có diệt. Tổ Đại Ma xưa quảy dép về Tây, sanh mà không sanh; nơi Song lâm đức Thích Ca Mâu Ni, diệt mà không diệt. ôi một phen nếu không thấu triệt, khó thoát khỏi cảnh nổi trôi. Thế nên biết trời người còn phải chịu luân hồi, huống chi chúng ta làm sao tránh khỏi sanh tử.
Hôm nay đây con cháu thân quyến quỳ trước linh sàng xin chịu thọ tang, nơi biệt cảnh xin hương linh về đây chứng giám. (phát khăn tang, từng người lễ hương linh 2 lễ khi nhận khăn tang).
Phát Tang cho gia đình con cháu xong, quay qua bàn hương linh cúng cơm.
III/ Cúng Hương
1/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Này hương linh…. nay đây thân quyến (con cháu)
Tề tựu cung đối trước linh sàn,
Thương tưởng nhau ân nghĩa thâm tình.
Cầu Phật độ hương linh siêu thoát 
Tuy âm dương xa cách không lường. 
Nhưng Phật pháp gia trì tức ứng.  
(Trà châm sơ tuần, tụng chú Cam Lồ 3 lần, pháp quyến lễ hương linh 2 lễ,  )
(Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha (3 lần))
2/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,  
Kiếp phù sinh tựu tán mấy lăm hồi.
Hương linh có biết chăng ôi ! 
Thân này tuy có, có rồi hoàn không.
Có sinh có tử có luân hồi,
Không sinh không tử không đến đi.
Sinh tử đến đi đều là mộng. 
Chơn tâm hằng tỏ chẳng nghĩ nghì.    
(Trà châm nhị tuần, pháp quyến đảnh lễ hương linh 2 lễ, tụng chú cam lồ)
(Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha (3 lần))

3/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Nghĩa sinh thành nặng nề sao kể
Xuôi nên câu báo đáp hằng ghi
Nhớ công đức cha sinh mẹ dưỡng .
Khác nào như biển rộng sông sâu.
Nền nhân cội phúc là đâu ? 
Phận con cháu phải nghĩ câu báo đền.
Dâng thức ăn cơm xới nghĩ suy
Để thầm tỏ nỗi niềm thương tưởng
(tang chủ khởi thân dâng cơm cúng hương linh lễ 2 lễ  - lấy bát cơm ở giữa, gắp vài miếng đồ ăn, cấm đôi đủa giữa bát, quỳ xuống để bát cơm ngang trán mời hương linh về thọ thực 3 lần, mỗi lần cuối đầu 1 cái)
4/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Nay thời tiết nhân duyên vừa đến.
Trước án tiền thân quyến tề quy.
Tụng kinh niệm Phật gia trì.
Nghe câu bái thỉnh liền về phó trai. 
Nam mô tát phạt đát tha nga đa phạ lồ chỉ đế. Án tam bạt ra, tam bạt ra hồng (3 lần)
 Án nga nga nẵng, tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng  (3 lần
5/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Này hởi hương linh...., vừa rồi hương linh đã thọ thực, giờ đây hãy nên phát tâm thọ trì tam quy, nương nhờ từ lực tam bảo mà hương linh sớm được tỉnh giác lìa chỗ tối tăm khổ đau, thác sanh về nơi lạc cảnh.
Trước khi thọ trì tam quy thì hương linh hãy thành tâm sám hối những tội lỗi trước kia và hiện tại của mình để tâm được thanh tịnh, mới thọ trì tam quy được lợi lạc.
6/ HƯƠNG LINH SÁM HỐI
Hương linh ….. lỡ tạo bao ác nghiệp
Đều do vô thuỷ tham sân si,
Từ thân, miệng, ý gây tạo nên,
Hôm nay thảy đều xin sám hối
Nam mô Bồ-tát cầu sám hối (3 lần)
7/ HƯƠNG LINH QUY Y
Hương linh quy y Phật.
Hương linh quy y Pháp.
Hương linh quy y Tăng.
Hương linh quy y Phật, đấng phước trí vẹn toàn
Hương linh quy y Pháp, đạo thoát ly tham dục
Hương linh quy y Tăng, bậc tu hành giải thoát
Hương linh quy y Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y Thiên, thần, quỷ, vật.
Hương linh quy y Pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo.
Hương linh quy y Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y thầy tà, bạn dữ
Hương linh quy y Phật không đoạ địa ngục.
Hương linh quy y Pháp không đoạ ngạ quỉ.
Hương linh quy y Tăng không đoạ súc sanh.
(Có thể giải ý nghĩa tam quy cho hương linh nghe)
8/ CHỦ LỄ XƯỚNG:
Hai lần hương thỉnh, mấy lượt chiêu linh. 
Tam bảo dắt dìu, Hương linh tỉnh ngộ.
Nghe lời kinh chú, Tỏ ngộ tự tâm.
Sạch hết mê lầm, Siêu sinh cõi Phật  
(Trà châm tam tuần, pháp quyến  lễ hương linh 2 lễ.)
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha (3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Phục nguyện: Tất cả chúng con thành tâm phúng tụng đại thừa Bát-nhã Tâm Kinh và tác lễ  tẩn liệm cùng tiến linh, nguyện hồi hướng công đức này cho hương linh...... pháp danh......mất hồi....ngày..., trụ thế..... tuổi được nghe pháp, thọ thực, sớm phát tâm tỉnh giác, lìa chỗ tối tăm, khởi niệm từ bi xa rời đường khổ, tin sâu Tam Bảo, sinh cõi Phật an vui.
Khắp nguyện: Người mất siêu thăng, người còn phúc lạc, chúng sinh được thấm nhuần mưa pháp, mọi người đều chứng ngộ Phật thừa.
Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (đồng niệm)
9/ Trà châm hậu tuần, lễ 4 lễ
(Hoàn tất Nghi thức)