Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC ĐẠO UYỂN - VẦN O, Ô, P


Oánh Sơn Thiệu Cẩn

瑩 山 紹 瑾; J: keizan jōkin; 1268-1325;

Thiền sư Nhật Bản, Tổ thứ tư của tông Tào Ðộng (J: sōtō) sau Ðạo Nguyên Hi Huyền (J: dōgen kigen). Sư nối pháp Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (tettsū gikai, 1219-1309), thành lập Tổng Trì tự (sōji-ji), một trong hai ngôi chùa quan trọng nhất của dòng Tào Ðộng song song với Vĩnh Bình tự (eihei-ji). Sư trứ tác Truyền quang lục (denkōroku), một tác phẩm được tất cả các dòng thiền Nhật Bản ưa chuộng và sử dụng cho đến ngày nay. Sư được các đệ tử trong tông môn Tào Ðộng cung kính gọi là Ðại Tổ (大 祖; daiso), Ðạo Nguyên được gọi là Cao Tổ (高 祖; kōso).

Sư quê tại Echizen, sớm được bà mẹ sùng tín gửi đến Vĩnh Bình tự để tu học. Sư thụ giới lần đầu (1280) nơi Thiền sư Cô Vân Hoài Trang (koun ejō, 1198-1280) – vị Tổ thứ hai của tông Tào Ðộng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Hoài Trang quy tịch và Sư lưu lại tu học với Thiền sư Nghĩa Giới đến năm 17 tuổi. Sau đó, Sư bắt đầu một cuộc Hành cước kéo dài bốn năm (1285-1288), thu thập kiến thức cho cuộc đời hoằng hoá vinh quang của mình. Sư yết kiến nhiều vị cao tăng của nhiều tông phái khác nhau, tu tập Thiền theo Thiền sư Tịch Viên (寂 圓; jakuen, 1207-1299, bạn đồng học với Ðạo Nguyên nơi Thiên Ðồng Như Tịnh ) tại Bảo Khánh tự (hákyō-ji). Tại Kinh Ðô (kyōto), Sư tu tập Thiền theo tông Lâm Tế dưới sự hướng dẫn của hai vị Ðông Sơn Trạm Chiếu (東 山 湛 照; tōzan tanshō, 1231-1291) và Bạch Vân Huệ Hiểu (白 雲 慧 曉; hakuun egyō, 1228-1297), cả hai đều là môn đệ của Vi ên Nhĩ Biện Viên (enni ben' nen, 1202-1280). Một cuộc viếng thăm núi Tỉ Duệ (hieizan) được Sư sử dụng để nghiên cứu giáo lí của Thiên Thai tông (tendai-shū). Sư cũng đến tham vấn Thiền sư Tâm Ðịa Giác Tâm (shinchi kaku-shin, 1207-1298) – người đã đem tập Công án quan trọng Vô môn quan sang Nhật.

Khi trở về học với Nghĩa Giới – lúc bấy giờ trụ trì chùa Ðại Thừa (daijō-ji) – Sư đại ngộ (1294) khi Nghĩa Giới trao cho môn đệ công án thứ 17 của Vô môn quan để tham cứu. Trong cuộc vấn đáp trong công án này, Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện trả lời sư Triệu Châu Tòng Thẩm: »Tâm bình thường là Ðạo« (Bình thường tâm thị đạo ). Khi Sư suy nghĩ trình Nghĩa Giới ›Bình thường tâm‹, Nghĩa Giới liền đánh ngay vào miệng Sư. Ngay lúc này, mắt tâm Sư liền mở sáng. Không bao lâu sau, Nghĩa Giới phó chúc Sư là người nối dõi tông đường và từ đây, Sư bắt đầu cuộc đời giáo hoá của mình.

Sau khi thừa kế Nghĩa Giới trụ trì chùa Ðại Thừa (1303), học chúng từ khắp nơi đến tham học và ngôi chùa này trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của các miền Ðông bắc Nhật Bản. Nơi đây, Sư hoàn tất hai tác phẩm quan trọng của mình là Truyền quang lục (dentōroku) và Toạ thiền dụng tâm kí (坐 禪 用 心 記; zazenyōjinki). Trong Toạ thiền dụng tâm kí, Sư khuyên mọi người chú tâm đến việc Toạ thiền (zazen) và đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của tư tưởng người đang toạ thiền. Tập này bắt đầu bằng những câu:

»Toạ thiền giúp con người khai sáng tâm lực và an trụ nơi cội nguồn. Ðó chính là sự thấy rõ Bản lai diện mục , là sự phát minh tâm địa. Thân tâm đều biến mất, không còn vướng mắc vào những hành động như ngồi, nằm. Vì thế nên hành giả không nên nghĩ thiện, ác, vượt hẳn ngôn ngữ như phàm, thánh, Vô minh , Giác ngộ , rời bỏ cõi của chúng sinh và Phật.«

Dựa trên các giáo lí nền tảng, Sư hướng dẫn rất tỉ mỉ về việc thực hành toạ thiền:

»Các buổi lễ long trọng và những ngôi chùa vĩ đại thờ Phật đều rất có ý nghĩa, nhưng nếu ai muốn toạ thiền rốt ráo, người ấy không được tham gia tổ chức các lễ này… Không nên toạ thiền ở nơi nào quá sáng hoặc quá tối, quá nóng hoặc quá lạnh, cũng không nên toạ thiền gần những người say đắm vào việc vui chơi hoặc kĩ nữ! Thiền đường, bên cạnh một vị thầy uy tín, cao vút trên núi hoặc tận sâu dưới thung lũng là những nơi thích hợp. Bên cạnh suối xanh, trên đỉnh núi cao là những nơi thuận tiện để kinh hành… Hành giả không được quên việc quán tất cả các Pháp đều Vô thường vì việc ấy giúp trau dồi tâm kiên cường… Lúc nào cũng giữ lòng từ bi và chuyển tất cả những phúc đức thu thập được đến tất cả chúng sinh! Không được phát tâm kiêu mạn, không được khinh thường Phật pháp ! Những phong cách này chính là phong cách của phàm phu, ngoại đạo. Nếu lúc nào cũng chú tâm đến lời nguyện đoạn tất cả phiền não để đạt Giác ngộ thì phải toạ thiền và vô tác (không làm). Ðây là quy luật quan trọng của việc toạ thiền.«

Một trong những thành công lớn của Sư là việc thành lập hai ngôi chùa lớn của tông Tào Ðộng, đó là Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) và Tổng Trì tự (sōji-ji, 1322). Hậu Ðề Hồ (go-daigo) Thiên hoàng nâng cấp Tổng Trì tự ngang hàng với Vĩnh Bình tự (eihei-ji) và gọi là Ðại bản sơn (daihonzan) của tông Tào Ðộng.

Trong khoảng thời gian cuối đời, Sư lui về Vĩnh Quang tự và giao phó việc quản lí chùa Tổng Trì cho vị đại đệ tử là Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365). Trước khi tịch, Sư còn soạn tập Oánh Sơn thanh quy (keizan shingi). Hài cốt của Sư được chia ra và thờ cúng tại bốn ngôi chùa: Ðại Thừa, Vĩnh Quang, Tổng Trì và Tịnh Trụ (jōjū-ji).

Về mục lục

OṂ

S: OṂ (ॐ); có khi được viết là AUM, phát âm theo Việt ngữ là Ôm, kéo dài âm Ô;

Là biểu tượng âm thanh cao quý và trọn vẹn nhất trong Ấn Ðộ giáo, được một vài trường phái Phật giáo, nhất là Kim cương thừa xem như một Man-tra .

OṂ được xem là tượng trưng của cả hai, sắc và âm. OṂ là âm thanh tượng trưng sức mạnh của tâm thức nội tại, của Phật tính trong thế giới giả tạm, trong Ảo ảnh (S: mā-yā) này. OṂ được biểu diễn bằng ba vòng cung và một chấm nhỏ. Ba vòng cung biểu diễn sắc thể, ý thức và vô ý thức và chấm nhỏ nằm ngoài ba vòng đó biểu hiện trí tuệ cao nhất dung chứa cả ba. Hình dạng của OṂ là một biểu hiện cụ thể của Chân như. Không có khái niệm hay vật thể nào trong vũ trụ có thể tồn tại độc lập. Tất cả đều là biến thể một Chân tâm duy nhất, có liên hệ với Chân tâm đó và vì vậy chúng liên hệ lẫn nhau.



H 45: OṂ

OṂ gồm có ba đường cong, một hình bán nguyệt và một dấu chấm. Các dạng này được xem nằm trong một thể thống nhất. Ba đường cong được nối với nhau, diễn tả ba tâm trạng (S: avasthā): tỉnh (S: jāgrat, vaiśvānara), mộng (S: svapna) và say ngủ (S: suṣupti). Dấu chấm và hình bán nguyệt, đứng rời, diễn tả Chân tâm là trạng thái »Thứ tư« (S: turīya), đứng trên và là nền tảng của ba trạng thái đó. Vòng bán nguyệt chỉ sự vô cùng và dấu chấm riêng lẽ chỉ óc suy luận (vòng bán nguyệt) không thể tiếp cận được Chân tâm.

Vòng tròn lớn (số 1) diễn tả tâm trạng thông thường, đó là hoạt động tiếp xúc ngoại cảnh. Vòng số 2 diễn tả giấc mộng, đó là tâm thức nội tại, do quá trình suy luận hình thành, không phụ thuộc vào ngoại cảnh và được xem là gạch nối giữa vòng 1 và 3. Vòng cao nhất (số 3) diễn tả tầng tiềm thức, đó là tâm trạng khi con người say ngủ. Vòng số 3 cũng chỉ là giai đoạn tiếp nối, nó là cấp gần với tâm trạng tuyệt đối nhất. Tâm trạng đó chính là dấu chấm, nó chiếu rọi và chế ngự ba tầng tâm thức kia, được gọi đơn giản là »Thể thứ tư« (S: turīya). »Thể thứ tư« là nguồn gốc của tất cả. Chỉ những người tu hành đã vượt ba tâm thức thô thiển trước mới tiếp cận được với thể thứ tư này.

Về mục lục

OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ ॐमणि पद्मे हूं

S: OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ; có thể dịch là » OṂ, ngọc quý trong hoa sen, HŪṂ.« Câu này được dịch âm Hán Việt là »Án ma-ni bát-mê hồng«;

Một Man-tra Phạn ngữ , được xem là Man-tra cầu đức Quán Thế Âm và là Man-tra quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng . Thông thường người ta không giảng nghĩa Man-tra, nhưng ở đây cần nói thêm là, »ngọc quý« biểu hiện cho Bồ-đề tâm (S: bodhicitta), »hoa sen« chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên Man-tra có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Ðối với Phật giáo Tây tạng thì OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới (Vòng sinh tử , Ba thế giới ).

Về mục lục

Ô

汚; C: wū; J: o;

1. Nhuốm bẩn, làm dơ, làm ô uế, làm hư hỏng; 2. Bị nhuốm bẩn, bị dơ, bị hư hỏng; 3. Sự dơ bẩn, điều ô trọc, sự ô nhiễm; 4. Sự nhục nhã, sự hổ thẹn, ô danh; 5. Kém cỏi, hạ tiện, tầm thường.

Về mục lục

Ô Cựu

烏 臼; C: wūjiù; J: ukyū; ~ tk 8.-9;

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Mã Tổ Ðạo Nhất . Bích nham lục có nhắc đến Sư trong Công án 75. Sư là một trong những Thiền sư đầu tiên dùng gậy (Bổng hát ) để giáo hoá.

Về mục lục

Ô-đà-di

烏 陀 夷; C: wūtuóyí; J: udai; S: udāyin

Đệ tử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vốn là một trong các bạn học của Đức Phật thời thơ ấu. Là con của một thầy giáo tại Kapilavastu, nổi tiếng có tài luận biện. Còn gọi là Ưu-đà-di (優 陀 夷).

Về mục lục

Ô nhiễm

污 染; S: āśrava, āsrava; P: āsava;

Nguyên nghĩa là Lậu, nghĩa là rỉ chảy, tiết lậu ra ngoài, cũng có thể hiểu là Phiền não ; có ba thứ ô nhiễm làm gốc của mọi khổ đau và nguyên nhân của Luân hồi : 1. Ô nhiễm qua dục Ái (欲 漏; Dục lậu; S: kāmāśrava; P: kāmāsava); 2. Ô nhiễm qua sự tồn tại (有 漏; Hữu lậu; S: bhavāśrava; P: bhavāsava); 3. Ô nhiễm của Vô minh (無 明 漏; Vô minh lậu; S: avidyāśrava; P: avijjāsava).

Giải thoát ba ô nhiễm này (漏 盡; lậu tận) đồng nghĩa với việc đắc quả A-la-hán (S: arhat).

Quan điểm về ô nhiễm này là quan điểm cuối cùng trong mọi suy luận từ trước đến nay về nguyên nhân của sự dính mắc trong vòng sinh tử. Quan điểm này bao gồm ba dạng của Ái (S: tṛṣṇā; P: taṇhā) và vô minh, là nguồn gốc của Khổ như trong Mười hai nhân duyên chỉ rõ.

Về mục lục

Ô-trượng-na

烏 仗 那; T: orgyen; S: oḍḍiyana, uḍḍiyana; dịch theo âm Hán Việt;

Một quốc gia nằm ở phía Bắc Ấn Độ thời cổ đại, nơi xuất thân của những nhà dịch kinh như Phật Đồ Trừng (佛 圖 澄). Thủ đô là Mangir ngày nay. Được Phật giáo Tây Tạng cho là nơi sinh của Liên Hoa Sinh (padmasambhava) và quê hương của các vị Không hành nữ (S: ḍākinī). Vùng đó ngày nay thuộc về Pakistan. Các trường phái Phật giáo cổ thì cho rằng Ô-trượng-na nằm phía bắc Ấn Ðộ. Cả hai truyền thuyết đều nhất trí rằng Ô-trượng-na là nơi sản sinh ra một số giáo pháp Tan-tra (Mật tông Ấn Ðộ). Một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt (S: mahāsiddha) là In-đra-bu-ti (S: indrabhūti) được xem là vua xứ Ô-trượng-na.

P

Về mục lục

Pa-cha-ri-pa (59)

S: pacaripa; »Người bán bánh mì«;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời nào.

Ông là người bán bánh mì cho chủ trong thành Cham-pa (S: campā). Ngày nọ ông không bán được chiếc nào cả, sẵn lúc đói bụng ông đành phải ăn một chiếc. Ngay lúc này một Ðạo sư xuất hiện. Vị ấy chính là một hoá thân của Quán Thế Âm . Ông tỏ lòng kính trọng và cúng dường phần bánh còn lại. Sau đó vị này cho ông Quy y Tam bảo , thụ Giới Bồ Tát và đọc Man-tra của Quán Thế Âm . Ông kiên trì tu học và sống bằng khất thực. Ngày nọ, ông gặp lại chủ bánh mì và người này đòi tiền bánh. Vì không có tiền trả nên mọi người xúm nhau đánh ông. Ông đành kêu to: »Không phải mình ta ăn bánh, cả thầy lẫn trò đều ăn.« Tiếng kêu ông cứ vang dội mãi một cách kì lạ làm chủ bánh mì sợ hãi. Sau đó ông đến tượng Quán Thế Âm cầu khẩn xin tiền, quả nhiên tượng cho ba mươi đồng tiền vàng, ông đem trả nợ. Lúc đó ông mới biết thầy mình là Quán Thế Âm . Sau đó ông định đến trú xứ của Quán Thế Âm là Pô-ta-la (S: potala) để tạ ơn nhưng giữa đường ông đạp gai nhọn. Ðau quá ông gọi tên thầy thì Quán Thế Âm hiện ra khuyên ông nên về lại Cham-pa mà giáo hoá cho người đời. Pa-cha-ri-pa mừng quá bay bỗng lên không, người đời thán phục và xin học giáo pháp. Chứng đạo ca của ông như sau:

Chẳng phải nhìn đâu xa,

hãy nhìn đúng trung tâm,

Lạc, xả, đầy hạnh phúc!

Tu tập phép Tan-tra,

Du-già sư đạt định.

Về mục lục

Pa-li

pāli;

Một thổ ngữ Ấn Ðộ, xuất phát từ Phạn ngữ và được Thượng toạ bộ dùng để viết các bộ kinh điển của mình.

Về nguồn gốc của Pā-li , các học giả có nhiều ý kiến khác nhau. Giáo sư Rhys-Davids thì cho rằng, Pā-li là ngôn ngữ của xứ Kiêu-tát-la (S: kośala) trong vùng Ðông bắc Ấn Ðộ. Max Walleser, một nhà Ấn Ðộ học người Ðức cho rằng Pā-li là ngôn ngữ của kinh đô Hoa Thị thành (pāṭaliputra) của xứ Ma-kiệt-đà (magadha). Nhiều học giả cho rằng Pā-li chính là ngôn ngữ của đức Phật khi Ngài thuyết pháp và của giới thượng lưu tại Ma-kiệt-đà. Tuy nhiên, nhiều tài liệu khảo cổ cho thấy có sự khác nhau rõ rệt giữa tiếng Ma-kiệt-đà và Pā-li . Etienne Lamotte – một học giả người Pháp – cho rằng, Pā-li là một thổ ngữ của miền Trung Ấn Ðộ và thuộc họ ngôn ngữ Prakṛta.

Về mục lục

Pan-ka-ja-pa (51)

S: paṅkajapa; »Liên hoa sinh Bà-la-môn«;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ. Ông là đệ tử của Sa-ra-ha (S: saraha), sống khoảng đầu thế kỉ thứ 9.

Tương truyền ông là một Liên Hoa tử, là người sinh ra trong một đoá sen. Gần nơi ông sinh có một bàn thờ, thờ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm , nhưng ông không biết, cứ tưởng đó là tượng của Ðại Thiên (S: mahādeva) và ngày nào ông cũng mang hoa đến cúng dường. Lần nọ vị Ma-ha Tất-đạt Long Thụ (nāgārjuna) đi qua đền thờ, mang theo một cánh hoa cúng thì Quán Thế Âm hiện ra, ban phép lành cho Long Thụ bằng cách đặt lại một cánh hoa trên đầu. Pan-ka-ja-pa lấy làm giận hỏi Long Thụ tại sao ông dâng cúng suốt 12 năm mà thần không hiện ra còn với Long Thụ thì chỉ cần một lần duy nhất. Long Thụ nói tâm ông chưa thanh tịnh, ông liền xin thụ pháp. Long Thụ giảng:

Nhờ tu tập từ bi ,

mà dục lạc thế gian,

cùng tâm thức vô thuỷ,

trở về thành một mối.

Vì trong chính tri kiến,

không hề có phân biệt,

đó là Quán Thế Âm .

Ông nghe lời dạy lĩnh hội ngay và chỉ sau bảy ngày, ông đạt thánh quả. Sau khi giáo hoá được nhiều người, ông biến mất vào cõi của các vị Không hành nữ (S: ḍākinī).

Về mục lục

Phá

破; C: pò; J: ha

1. Bác lại, bác bỏ, phủ nhận, tháo gỡ; 2. Bẻ gãy, phá vỡ, phá huỷ (S: pratibhādati, vyutsarga); 3. Người phá rối, vị tăng gây bất hoà.

Về mục lục

Phá hoại

破 壞; C: pòhuài; J: hakai

Làm cho huỷ hoại, phả huỷ, huỷ hoại, đánh đổ (S: vināśa, vināśaka, abhedya). Bác bẻ lại quan điểm của đối phương.

Về mục lục

Phá hữu

破 有; C: pòyŏu; J: hau

Phá huỷ sự trói buộc trong cõi luân hồi – phá luân hồi (S: saṃsāra) Đây là việc làm của Đấng pháp vương – Đức Phật.

Về mục lục

Phá hữu pháp vương

破 有 法 王; C: pòyŏu făwáng; J: hau hōō

Vị vua pháp chuyên phá trừ sự ràng buộc trong tam giới, luân hồi.

Về mục lục

Phá pháp

破 法; C: pòfă; J: hahō

Công kích, xâm phạm, hay huỷ báng giáo pháp (S: dharma-vyasana).

Về mục lục

Phá tà

破 邪; C: pòxié; J: haja

Phá dẹp tà kiến. Là một trong hai loại Tỉ lượng (比 量), đối lại là Lập chính (立 正).

Về mục lục

Phá Táo Ðoạ

破 灶 墮; C: pozàoduò; tk. 7-8;

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Huệ An Quốc sư. Huệ An là môn đệ đắc pháp của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn .

Sư ẩn cư trong núi Tung Nhạc, không để ai biết tên họ của mình và có những lời nói và hành động rất kì đặc.

Trong núi có một cái miếu rất linh, dân chúng xa gần mang tài vật và giết hại rất nhiều sinh mệnh để cúng tế miếu này. Ðặc biệt là trong miếu chỉ thờ một cái bếp. Một hôm, Sư cùng thị giả vào miếu, lấy gậy gõ vào bếp ba cái và quở: »Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, Thánh từ đâu đến, linh từ chỗ nào lại!« Nói xong Sư đập cho ba gậy, bếp liền lật đổ. Giây lát, có một người mặc áo xanh, đầu đội mão đến làm lễ trước mặt Sư. Sư hỏi: »Ngươi là ai?« Người lạ đáP: »Con vốn là thần miếu ở đây. Từ lâu chịu nghiệp báo, hôm nay nhờ Thầy nói pháp vô sinh nên con được thoát kiếp. Con riêng đến nơi để tạ ơn Thầy.« Sư bảo: »Ấy là tính sẵn có của ngươi, chẳng phải ta cưỡng nói.« Táo thần làm lễ một lần nữa rồi biến mất. Thị giả thấy vậy thưa: »Từ lâu con ở bên cạnh Hoà thượng, chưa từng được chỉ dạy. Táo thần có sở đắc gì mà được thoát kiếp?« Sư bảo: »Ta không có đạo lí gì khác để dạy y, chỉ nói với y rằng: › Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, Thánh từ đâu đến, linh từ chỗ nào lại!‹« Thị giả đứng lặng yên. Sư hỏi: »Hiểu chăng?« Thị giả thưa: »Chẳng hiểu.« Sư hỏi: »Tính sẵn có vì sao chẳng hiểu?« Thị giả liền lễ bái Sư. Sư nói: »Bể rồi! Ðổ rồi!«

Vì tích này mà Huệ An Quốc sư gọi Sư là Phá Táo Ðọa (theo Vườn thiền rừng ngọc, bản dịch của Thông Thiền).

Về mục lục

Phá tướng giáo

破 相 教; C: pòxiāng jiāo; J: hasō kyō

Giáo lí bác bỏ mọi hiện tượng, đó là điều thứ tư trong Ngũ trùng phán giáo của Tông Mật (宗 密). Giáo lí này chỉ bày Tính không trong cả hai phương diện thức quán chiếu và vật được phản ánh.

Về mục lục

Phái

派; C: pài; J: ha;

1. Sự phân chia, phân nhánh, một phần, phân lớp; 2. Một nhóm, bè cánh, truyền thống, trường phái; 3. Sai khiến đi.

Về mục lục

Phàm

凡; C: fán; J: bon; S: pṛthagjana;

Có các nghĩa sau: 1. Tất cả, chung, tổng quát, mỗi; 2. Con người, thế tục, trần gian; 3. Ngu đần, đần độn (S: bala); 4. Người thế tục, kẻ phàm phu, phản nghĩa với Thánh; 5. Tất cả, hoàn toàn, tổng quát, toàn thể; 6. Theo thói quen, theo lệ thường; khoảng chừng.

Về mục lục

Phàm ngu

凡 愚; C: fányú; J: bongu;

Người chưa giác ngộ (S: bāla; theo Hiển dương luận 顯 揚 論).

Về mục lục

Phàm phu

凡 夫; C: fánfū; J: bonbu;

Có các nghĩa sau: 1. Người ngu, người dốt nát. Người không sáng suốt, người không thông hiểu giáo lí Phật pháp (S: bāla, P: bāla); 2. Huyền Trang dùng từ này để dịch chữ pṛthag-jana, thay thế cho từ Dị sinh (異 生), nghĩa là hàng thế tục chưa được giác ngộ, là người không thông hiểu ý nghĩa Tứ thánh đế . Trong các kinh văn của Du-già hành tông, thuật ngữ này chỉ cho hành giả chưa nhập giai vị Kiến đạo (見 道). Nhị phàm phu (二 凡 夫).

Về mục lục

Phàm phu tâm thức

凡 夫 心 識; J: bonpu-(no)-jōshiki;

Nghĩa là tâm thức của một kẻ phàm, của một người tầm thường; tâm thức này đối nghịch lại với tâm thức của một người đã Kiến tính, ngộ đạo. Ðặc tính của phàm phu tâm thức là Vô minh (S: avidyā), sự tự nhận diện với một cái »ta« không có thật (huyễn Ngã ), độc lập với thế giới »bên ngoài«, với kết quả là sự ô nhiễm với ba độc tham, sân và Si . Theo đạo Phật thì phàm phu tâm thức là tâm trạng bị bệnh và nếu ôm ấp nó – hoặc nói cách khác – bị nó vây phủ, người ta không thể nhận được cái bản tính thanh tịnh sẵn có (Tự tính thanh tịnh tâm ), tức là Phật tính và cứ trầm luân trong biển khổ, bị trói buộc trong Vòng sinh tử , Luân hồi cho đến khi tâm thức này được đoạn diệt bởi kinh nghiệm kiến tính, giác ngộ.

Nếu cho rằng, tu tập thiền là một phương pháp hướng dẫn con người đi từ vô minh đến giác ngộ thì sự phân biệt giữa phàm phu và giác ngộ tâm thức có thể chấp nhận được. Nhưng nhìn từ lập trường tuyệt đối thì phàm phu tâm thức và giác ngộ tâm thức không phải là hai. Bản tính của phàm phu và giác ngộ tâm thức, Niết-bàn và Sinh tử là một. Sự khác biệt duy nhất ở đây là phàm phu không tự nhận được cái bản tính thanh tịnh sẵn có trong khi một bậc giác ngộ lúc nào cũng tự biết, tự chủ được việc này và lúc nào cũng tìm được vị an lạc nơi đó.

Về mục lục

Phàm thánh

凡 聖; C: fánshèng; J: bonshō;

Hàng phàm phu và bậc Thánh. Theo truyền thống Tiểu thừa , từ Sơ quả (初 果) trở lên được xem là bậc Thánh. Theo tinh thần Đại thừa, từ Sơ địa của Thập địa trở lên được xem là bậc Thánh. Dưới các bậc này, được xem là người mê, hàng phàm phu, hay người thế tục.

Về mục lục

Phàm thánh bất nhị

凡 聖 不 二; C: fánshèngbùèr; J: bonshōfuni;

Kẻ phàm và bậc thánh đồng nhất với nhau về phương diện bản thể, đều có Phật tính.

Về mục lục

Phàm thánh nhất như

凡 聖 一 如; C: fánshèng yīrú; J: bonshō ichinyo;

Kẻ phàm và bậc thánh đồng nhất với nhau trên cơ sở Phật tính (佛 性).

Về mục lục

Phàm thánh y chính

凡 聖 依 正; C: fánshèng yīzhèng; J: bonshōishō;

»Sự khác nhau giữa phàm và thánh nằm trong sự chính trực.« (Một câu văn được Hàm Hư 涵 虚 lặp lại nhiều lần trong tác phẩm Viên Giác kinh thuyết nghị 圓 覺 經 説 誼 của mình).

Về mục lục

Phạm

梵; C: fàn; J: bon;

1. Phiên âm chữ Brahman trong tiếng Phạn. Là nguyên lí tối thượng, nền tảng cơ bản nhất của hiện hữu trong tín ngưỡng Vệ-đà. Về sau, Brahman được nhân cách hoá trở thành một vị thần, và cuối cùng trở thành vị thần hộ pháp trong Phật giáo; 2. Phiên âm chữ brāhmaṇa trong tiếng Phạn, là một hiền nhân; 3. Thanh tịnh, phạm hạnh, thần thánh; 3. Tiếng Phạn.

Về mục lục

Phạm

犯; C: fàn; J: bon

Phạm tội; trái đạo đức, phạm giới luật.

Về mục lục

Phạm bái

梵 唄; C: fànbài; J: bonbai;

Bài hát hay kệ tán ca ngợi đức hạnh của đức Phật.

Về mục lục

Phạm chúng thiên

梵 衆 天; C: fànzhòngtiān; J: bonshuten; S: brahma-kāyikāḥ.

Tầng trời của những quyến thuộc của Phạm thiên. Là tầng trời thứ nhất trong Tứ thiền thiên (四 禪 天) thuộc Sắc giới

Về mục lục

Phạm hạnh

梵 行; C: fànxíng; J: bongyō; S: brahmacarya; P: brahmacariya; cũng được dịch là Tịnh hạnh;

1. Hạnh thanh tịnh. Phạm (梵) nghĩa là thanh tịnh, thuật ngữ chỉ cho sự tu tập để giải trừ tham dục. Là công phu tu tập của tầng lớp Bà-la-môn thực hiện trong khi học đạo; 2. Là một trong những sự kiềm chế kỉ luật, Dạ-ma; 3. Tu tập hạnh thanh tịnh. Tu tập giới luật của tăng sĩ Phật giáo. Pháp tu giải trừ tham dục.

Về mục lục

Phạm Nhật

梵 日; C: fànrì; J: bonnichi; K: pŏmil, 810-889.

Một nhà lĩnh đạo phong trào Thiền tông Hàn Quốc. Sư sang Trung Hoa tham học với Diêm Quan Tề An (鹽 官 齊 安) và Dược Sơn Duy Nghiễm (樂 山 惟 嚴). Sư được xem là người khai sáng phái Xà-quật sơn (闍 崛 山, k: sagul san).

Về mục lục

Phạm phụ thiên

梵 輔 天; C: fànfŭ tiān; J:; S: brahma-purohita.

Cư dân là quyến thuộc của Đại phạm thiên (S: mahābrahman), là tầng trời thứ hai trong 3 tầng trời thuộc Sơ thiền, được xếp vào 1 trong 17 cõi trời thiền thuộc Sắc giới (Sắc giới thập thất thiên 色 界 十 七 天).

Về mục lục

Phạm thiên

梵 天; C: fàntiān; J: bonten; S: brahma-loka.

1. Cõi trời Phạm thiên ở Sắc giới; 2. Brahman, theo tư tưởng Ấn Độ thì đó là nền tảng cơ bản nhất của hiện hữu, được xem là một vị thần hộ pháp trong Phật giáo, thường dùng để gọi Sơ thiền thiên (初 禪 天). Đây là một thuật ngữ để gọi 3 cõi trời gồm chung trong đó: Đại chúng thiên (大 衆 天, brahmā-kāyika), Phạm phụ thiên (梵 輔 天, brahma-purohita), Đại phạm thiên (大 梵 天, mahābrahmā). Thuật ngữ này cũng thường dùng để chỉ cho chính Đại phạm thiên (大 梵 天, S: mahā-brahmā)

Về mục lục

Phạm thiên khuyến thỉnh

梵 天 勸 請; C: fàntiān quànqǐng; J: bonten kanshō;

Sự cầu thỉnh từ Phạm thiên. Huyền thoại liên quan đến chuyện sau khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, ngài nói rằng ban đầu không muốn giáo hoá chúng sinh, ngài cho rằng giáo lí ngài chứng ngộ được quá thâm sâu khó hiểu. Lúc ấy, đấng Phạm thiên (S: brahmā) trong Ấn Độ giáo xuất hiện và cầu thỉnh Đức Phật hãy vì chúng sinh mà truyền đạt những kinh nghiệm chứng ngộ của ngài.

Về mục lục

Phạm tội

犯 罪; C: fànzuì; J: bonzai

Vị phạm qui chế; trái đạo đức, phạm giới luật.

Về mục lục

Phạm trú

梵 住; S, P: brahma-vihāra;

Bốn phạm trú .

Về mục lục

Phạm tự

梵 字; C: fànzì; J: bonji;

Chữ viết Ấn Độ, vốn là dạng chữ Phạn cổ xưa, về sau thuật ngữ này cũng được dùng để đề cập đến kiểu chữ Devanāgarī.

Về mục lục

Phạm Tướng

梵 相; C: fànxiāng; J: bonsō; 1346-1410

Thiền sư thuộc tông Lâm Tế , xuất thân từ vùng bây giờ là quận Yamanashi. Sư trải qua sự nghiệp hoằng hoá ở các ngôi chùa Thiên Long (天 竜 寺, J: tenryūji) và Tướng Quốc (相 國 寺, J: sōkokuji) ở Kinh Đô.

Về mục lục

Phạm võng kinh

梵 網 經; S: brahmajāla-sūtra; C: fànwăngjīng; J: bonmōkyō;

2 quyển; Cưu-ma-la-thập dịch năm 406. Xuất phát từ một phẩm trong một bộ kinh lớn (120 quyển) nhan đề Bồ Tát giới kinh (菩 薩 戒 經, S: bodhisattva-śīla-sūtra). Đây là kinh văn căn bản chỉ rõ nội dung giới luật Ðại thừa , được Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản áp dụng. Kinh ghi 10 giới luật quan trọng mà Phật tử không được vi phạm: 1. Giết hại, 2. Trộm cắp, 3. Tà dâm, 4. Nói dối, 5. Say sưa, 6. Nói xấu người khác, 7. Chê người, tự khen mình, 8. Ganh ghét, 9. Giận dữ, 10. Phỉ báng Tam bảo. Tăng ni vi phạm có thể bị loại ra khỏi Tăng-già.

Ngoài ra kinh Phạm võng còn ghi thêm 48 giới luật phụ khác. Ðặc biệt trong kinh này còn cho phép tự mình quy y tăng, nếu không có một Tăng-già chính thức hiện diện. Như thế 58 giới luật trong kinh Phạm võng là trọn giới luật Bồ Tát mà mỗi vị tỉ-khâu có nhiệm vụ giữ gìn.

Về mục lục

Phạm vương

梵 王; C: fànwáng; J: bonō;

Vua cõi trời Đại phạm.

Về mục lục

Phạm Yến

範 宴; C: fànyàn; J: hannen

Nguyên là tên của Thân Loan (親 鸞; J: shinran).

Về mục lục

Phán

判; C: pàn; J: han, pan;

Có các nghĩa sau: 1. Chia, phân, cắt ra.

2. Phân biệt, nhận ra, nhận rõ sự khác nhau giữa các pháp; 3. Đánh giá, phân xử việc gì; 4. Quyết định, xác định.

Về mục lục

Phán giáo

判 教; C: pànjiāo; J: hankyō;

Phân định giáo lí theo chủ đề, thời gian… Sự Phân định giáo lí là một khía cạnh chủ yếu của việc nghiên cứu nguồn gốc kinh điển của nhiều Tăng sĩ Phật giáo từ thế kỉ thứ 5-8 trong các tông phái Phật giáo Trung Hoa như Pháp tướng, Thiên Thai, Hoa Nghiêm. Một số nhà phán giáo nổi bật là Huệ Viễn (慧 遠), Trí Khải (智 顗), Pháp Tạng (法 藏), và Tông Mật (宗 密). Tứ giáo (四 教), Ngũ giáo (五 教).

Về mục lục

Phạn ngữ

梵 語; sanskrit (saṃskṛta); nguyên nghĩa là »trọn vẹn, hoàn hảo«, cũng được gọi là Nhã ngữ;

Ngôn ngữ được dùng để ghi lại những bài kinh của Ðại thừa Phật pháp, nói chung là ngôn ngữ được sử dụng trong các Thánh kinh của Ấn Ðộ.

Về mục lục

Phảng phất

仿 佛; C: pángfó; J: hōfutsu;

Có hai nghĩa: 1. Rất tương đồng, hoàn toàn giống hệt nhau về hình tướng; 2. Lan man, mờ ảo, lờ mờ. Đồng nghĩa với Phảng phất 彷 彿 và 髣 髴, »phảng phất như…«;

Về mục lục

Pháp

法; C: fă; J: hō; S: dharma; P: dhamma; cũng đươc dịch theo âm Hán Việt là Ðạt-ma, Ðàm-ma;

Chữ dharma vốn xuất phát từ tiếng Ấn Độ, ngữ căn dhr, có nghĩa là »nắm giữ«, đặc biệt là nắm giữ tính năng hoạt động của con người. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa:

1. Tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử; 2. Điều phải làm; nghề nghiệp, bổn phận, nghĩa vụ; 3. Trật tự xã hội; quy củ trong xã hội; 4. Điều lành, việc thiện, đức hạnh; 5. Sự thật, thật tại, chân lí, luật tắc (S: satya); 6. Nền tảng của thế gian và các cõi giới; 7. Tín ngưỡng tôn giáo; 8. Tiêu chuẩn để nhận thức về chân lí, về luật tắc; 9. Giáo lí, sự giải thích; 10. Bản thể, bản tính; 11. Thuộc tính, phẩm chất, đặc tính, cấu trúc cơ bản. Ý nghĩa này của thuật ngữ thường được dùng trong các luận giải của Du-già hành tông , liệt kê tất cả kinh nghiệm thế gian thành 100 pháp hoặc 100 cấu trúc cơ bản. Thực tế các pháp không tồn tại trên cơ sở tự tính này hàng Nhị thừa không thể nào nhận thức được, nhưng là một đối tượng quán sát đặc biệt của hàng Bồ Tát . Không nhận thức được tính không của các cấu trúc cơ bản là điều rất quan trọng cho sở tri chướng. Xem Bách pháp ; 12. Trong Luận lí học, là tiền đề hay là đối tượng của một động từ.

Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là »tất cả những gì có đặc tính của nó – không khiến ta lầm với cái khác – có những khuôn khổ riêng của nó để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó« (theo Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, lời dịch của Thích Nhất Hạnh).

Về mục lục

Pháp ái

法 愛; C: făài; J: hōai;

1. Yêu mến, gắn bó với giáo pháp; 2. Tìm cầu chân lí.

Về mục lục

Pháp bản

法 本; C: făběn; J: hōbon;

»Nguồn gốc pháp«. Thuật ngữ Phạn chỉ cho kinh điển. Được gọi là Pháp bản vì pháp siêu việt mọi đức hạnh là nguồn gốc của lời Phật dạy.

Về mục lục

Pháp bảo đàn kinh

法 寶 壇 經; C: fǎbǎo tánjīng; J: hōbōdan-gyō; trọn tên là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh;

Một quyển sách căn bản của Thiền tông , nói về cuộc đời và pháp ngữ của Lục tổ Huệ Năng , được môn đệ của Tổ là Thiền sư Pháp Hải ghi chép lại. Ðây là quyển sách duy nhất trong các tác phẩm Phật giáo được hoàn thành tại Trung Quốc được gọi là »Kinh« (經), mặc dù danh từ này chỉ được sử dụng cho những bài thuyết pháp của đức Phật.

Về mục lục

Pháp chấp

法 執; C: făzhí; J: hōshū;

1. »Chấp trước vào (thực tại của) các pháp (S: dharma-grāha)«. Tin rằng dù Ngã (我) là giả hợp của ngũ uẩn, nhưng sự hiện hữu của các pháp (法) lại là một hiện thật có tự tính. Các kinh luận của Du-già hành tông chủ trương rằng hành giả pháp tu Nhị thừa có thể giải trừ chấp trước vào ý niệm về một cái ngã thường hằng và có sẵn, nhưng họ không thể nhận thức được sự chấp trước (một cách vô ý của chính họ) vào sự hiện hữu các pháp (法). Hàng Bồ Tát , nhận thức được thực tế các pháp (法) không có tự tính thường hằng, nên thoát khỏi sở tri chướng (所 知 障). Còn được gọi là pháp ngã chấp(法 我 執).

2. Chấp trước vào giáo lí. Bám chắc vào Phật pháp (S: dharma-grāha). Đồng nghĩa với Pháp phọc (法 縛).

Về mục lục

Pháp chiến

法 戰; J: hossen;

Chỉ các cuộc tranh luận quyết liệt về Phật Pháp . Ðó là phương pháp đặc trưng của Thiền tông , trong đó thiền giả dùng mọi cách không khoan nhượng để bày tỏ sự thật. Pháp chiến gồm có đấu khẩu, Vấn đáp , cử động, ra dấu… giữa các Thiền sư. Trong rất nhiều Công án , người ta kể lại các cử chỉ quái dị hoặc các câu trả lời lạ lùng của các Thiền sư. Người ta hay nhắc đến Phất tử , tiếng hét (Hát ), cây gậy và những hành động bất ngờ của các vị Thiền sư .

Danh từ »pháp chiến« có thể gây hiểu lầm, thật ra đây không phải là ai tìm cách thuyết phục hoặc đánh bại ai. Trong các trận chiến này, mỗi thiền giả bày tỏ kinh nghiệm giác ngộ của mình và tìm nơi người đối thoại một kinh nghiệm sâu xa hơn, hầu như không có cảm giác ta-người thông thường.

Về mục lục

Pháp cú kinh

法 句 經; C: făjù jīng; J: hokkukyō; S: dharmapada; P: dhammapada;

Một phần kinh quan trọng thuộc Tiểu bộ kinh , gồm 423 bài kệ do Phật thuyết giảng. Kinh này được nhiều người hâm mộ, thuyết tụng, nhất là ở những nước theo Nam tông Phật pháp. Tại Tích Lan, tất cả những Tỉ-khâu đều thuộc lòng tất cả 423 bài kệ bằng tiếng Pā-li của kinh này.

Hai bài kệ đầu của kinh này đã gây ấn tượng cho không ít Phật tử:

*Tâm dẫn đầu các pháp,

Tâm là chủ tạo tác.

Nếu nói hay hành động

Với tâm niệm bất tịnh

Khổ não liền theo sau

Như xe theo bò vậy.

*Tâm dẫn đầu các pháp,

Tâm là chủ tạo tác.

Nếu nói hay hành động

Với tâm niệm thanh tịnh

An lạc liền theo sau

Như bóng chẳng rời hình.

(Bản dịch và thi hoá của Tịnh Minh)

Về mục lục

Pháp Cứu

法 救; C: făjiù; J: hokku; S: dharmatrāta.

Phiên âm là Đạt-ma-đa-la (達 摩 多 羅). Sơ Tổ của Nhất thiết hữu bộ Ấn Độ, có lẽ đã sống vào khoảng thế kỉ thứ 2. Sư cho rằng chúng sinh trong 3 cõi đều thật sự hiện hữu và đều khác biệt lẫn nhau.

Có sự lẫn lộn với một vị tên Dharmatrāta khác, sống vào khoảng thế kỉ thứ tư, và cũng thuộc Nhất thiết hữu bộ . Sư được xem là tác giả của Tạp A-tì-đàm tâm luận (雜 阿 毘 曇 心 論).

Về mục lục

Pháp dụ

法 喩; C: făyú; J: hōyu;

Dùng để so sánh sự giống nhau trong giáo lí, đạo lí được truyền dạy (pháp 法) và ẩn dụ để diễn tả pháp ấy (dụ 喩, S: upamā-upameya).

Về mục lục

Pháp Dung

法 融; C: fǎróng; J: hōyū; 594-657;

Thiền sư Trung Quốc, người sáng lập thiền phái Ngưu Ðầu . Sư là môn đệ của Tứ tổ Ðạo Tín .

Thuở nhỏ Sư theo học Nho giáo và năm 19 tuổi đã thông kinh sử. Vì không hài lòng với những gì đạt được, Sư chuyển qua tham học Phật pháp và đến núi Ngưu Ðầu ở trong hang đá gần chùa U Thê, ngày đêm tu tập thiền định. Ðạo hạnh của Sư cảm hoá được cả thú rừng nên chúng đem hoa quả đến cúng dường. Tổ Ðạo Tín nhân lúc qua đây xem khí tượng biết trên núi có bậc dị nhân, đích thân lên núi tìm Sư. Sư ngồi thiền không để ý đến ai. Tổ thấy thế bèn hỏi: »Ở đây làm gì?« Sư đáP: »Quán tâm.« Tổ hỏi: »Ai quán, tâm là vật gì?« Sư nghe không đáp được bèn đứng dậy làm lễ, hỏi và biết được Tổ là Thiền sư Ðạo Tín. Sư chỉ Tổ vào hang phía sau tạm nghỉ. Thấy thú dữ lăng xăng, Tổ ra vẻ sợ, Sư hỏi: »Ngài vẫn còn cái đó sao?« Tổ hỏi lại: »Cái đó là cái gì?« Sư không đáp được. Một lát sau, Tổ viết lên bàn toạ của Sư chữ »Phật« (佛). Sư trông thấy giật mình, Tổ hỏi: »Vẫn còn cái đó sao?« Sư nghe không hội bèn làm lễ cầu xin chỉ dạy. Tổ bèn dạy: »Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông. Diệu đức như hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hoá, cả thảy đều ở tâm ngươi… Không có tam giới có thể ra, không có Bồ-đề có thể cầu… Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang vô ngại, mặc tín tung hoành, chẳng làm việc thiện, chẳng làm việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật.« Sư hỏi: »Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật? Cái gì là tâm?« Tổ đáP: »Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm.« Sư hỏi: »Ðã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị?« Tổ đáP: »Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh, vọng tình từ đâu khởi? Vọng tình đã chẳng khởi, chân tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tuỳ tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là Pháp thân thường trụ, không đổi thay.« Sư nhân đây đốn ngộ.

Sư trụ trì tại Ngưu Ðầu sơn, học chúng đến rất đông. Sau có vị quan thỉnh Sư đến chùa Kiến Sơ hoằng hoá. Sư nhận lời cầu thỉnh đến chùa Kiến Sơ nhưng chỉ một năm sau (657), ngày 23 tháng giêng, Sư viên tịch tại đây, thọ 64 tuổi, 41 tuổi hạ.

Về mục lục

Pháp duyên

法 縁; C: făyuàn; J: hōen;

1. Nhân duyên theo cách trình bày trong Phật pháp; 2. Nhân duyên xuất sinh các pháp, như từ bitrí tuệ .

Về mục lục

Pháp điện

法 殿; C: fădiàn; J: hōden;

1. Nơi giảng pháp; 2. Cung điện, dụ cho chính pháp của Đức Phật.

Về mục lục

Pháp giới

法 界; C: făjiè; J: hokkai; S: dharmadhātu; P: dhammadhātu; nghĩa là »Cảnh giới của các Pháp «;

Pháp (法) xuất phát từ tiếng Phạn với ngữ căn dhr, có nghĩa giữ gìn, duy trì, đặc biệt duy trì hành vi của con người. Giới (界, S: dhātu) xuất phát từ danh từ giống đực với ngữ căn dha trong tiếng Phạn, có nghĩa là »phần tử, yếu tố«, nhưng sau khi thành thuật ngữ Phật học, nó bắt đầu có nghĩa là »tính«. Trong thuật ngữ này, Pháp có nghĩa là các cấu trúc cơ bản (chư pháp 諸 法) và giới có nghĩa là »đánh dấu phạm vi« của các pháp.

1. Là 1 trong 18 pháp giới (Thập bát giới 十 八 界), là đối tượng của mạt-na thức. Nơi mà các pháp được nhận biết, do vậy nghĩa này tương đương với »pháp xứ« (法 處); 2. Phạm vi, ranh giới; 3. Đặc biệt trong giáo lí Đại thừa, pháp giới đề cập đến nền tảng ý thức hoặc nguyên lí – nguồn gốc của các hiện tượng. Trong hình thái giáo lí này, khi toàn thể vũ trụ hiển bày như là thế giới hiện tượng thì các hiện tượng ấy được xem như là biểu hiện cuả chân như. Do vậy, Pháp giới này, hiện hữu chân thật như chúng đang là, tương đương với Pháp thân (法 身) Phật; 4. được xem như là 1 trong 18 giới theo giáo lí của Du-già hành tông, gồm 82 pháp được xếp vào trong các phạm trù: bất khả tư nghì pháp, sắc pháp, tâm pháp, tâm bất tương ưng hành pháp, vô vi pháp; 5. Giáo lí Hoa Nghiêm chủ trương 4 pháp giới: Sự pháp giới, Lí pháp giới, Lí sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới; 6. Trong luận Đại thừa khởi tín, Pháp giới được đồng nhất với nghĩa Nhất tâm (一 心).

Về mục lục

Pháp giới đồ kí tòng tuỷ lục

法 界 圖 記 叢 髄 録; C: făjiè tújì cóngsuǐ lù; J: hokkai zuki sōzui roku;

4 quyển.

Về mục lục

Pháp giới hải huệ

法 界 海 慧; C: făjiè hăihuì; J: hokkai kaie;

trí tuệ rộng lớn và thanh tịnh quán sát Pháp giới.

Về mục lục

Pháp giới tính

法 界 性; C: făjiè xìng; J: hokkaishō;

Bản tính của pháp giới. Thuật ngữ diễn tả sự hợp nhất của hai khái niệm »pháp giới« và »chân tính«.

Về mục lục

Pháp giới trí

法 界 智; S: dharmadhātu-jñāna;

Một trong Năm trí theo Kim cương thừa.

Về mục lục

Pháp giới vô lượng

法 界 無 量; C: făjiè wúliàng; J: hokkai muryō;

Giai vị thứ 10 trong Thập hồi hướng của hàng Bồ Tát . Giai vị mà hàng Bồ Tát chứng thực rằng mọi hiện hữu đều là trung đạo, không có tự tính riêng biệt.

Về mục lục

Pháp hạnh

法 行; C: făxíng; J: hōgyō; S: dharma-carana.

1. Hành vi, công hạnh tương ứng với thực tại. Theo kinh Viên Giác, Pháp hạnh là công năng tu tập, chỉ cho sự tuỳ thuận với chứng ngộ của chư Phật, ngược với phương pháp tiệm tiến. Nên gọi là »chân như hạnh«; 2. Tuỳ thuận theo; 3. Làm cho suy nghĩ của mình xứng hợp với giáo lí; 4. Người quay bánh xe pháp, truyền bá chính pháp (S: dharmacārin).

Về mục lục

Pháp hỉ

法 喜; C: fă xĭ; J: hōki;

Niềm vui trong Phật pháp; niềm hân hoan khi được tiếp nhận Phật pháp (S: prītijanana).

Về mục lục

Pháp Hiền

法 賢; ?-626

Thiền sư Việt Nam thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi , đắc pháp của Tổ Tì-ni-đa Lưu-chi.

Sư họ Ðỗ, quê ở Chu Diên (Sơn Tây), thân hình cao lớn, chững chạc. Ban đầu Sư xuất gia thụ giới cụ túc với sư Quán Duyên tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu), hằng ngày cùng các tăng hữu nghe các Ðại sư truyền giảng yếu chỉ Thiền tông .

Gặp lúc Thiền sư Tì-ni-đa Lưu-chi từ Quảng Châu đến chùa này. Thấy Sư, Tổ nhìn kĩ rồi hỏi: »Ngươi họ chi?« Sư không đáp, hỏi lại: »Hoà thượng họ gì?« Tổ bảo: »Ngươi không có họ ư?« Sư thưa: »Họ không phải không có, nhưng Hoà thượng cần gì phải biết?« Tổ quát: »Biết để làm gì?« Sư ngay đây tỉnh ngộ liền sụp lạy.

Sau khi Tổ viên tịch, Sư đến núi Thiên Phúc tu tập thiền định, quên cả vật lẫn bản thân mình. Chim rừng đến vây quanh, dã thú đến đùa giỡn. Nhiều người nghe tin đua nhau đến học với Sư. Nhân đây, Sư kiến lập chùa Chúng Thiện tuyển dạy môn đệ. Thứ sử nhà Tuỳ là Lưu Phương về trình lại với triều đình. Tuỳ Cao Tổ bèn sai sứ đem Xá-lị của Phật đến Việt Nam để Sư xây tháp cúng dường.

Sư tịch năm Bính Tuất, niên hiệu Ðường Vũ Ðức thứ 9 (626).

Về mục lục

Pháp Hiển

法 顯; C: fǎxiăn; J: hōken, 320?-420?

Cao tăng Trung Quốc. Năm 399, Sư đi Ấn Ðộ và học hỏi kinh điển đạo Phật, nhất là Luật tạng (S: vinaya-piṭaka). Sư về lại Trung Quốc bằng đường biển năm 414 và cùng với Giác Hiền (S: buddhabhadra) dịch bộ Ðại bát-niết-bàn kinh (S: ma-hāparinirvāṇa-sūtra) và Luật tạng của Ðại chúng bộ (S: mahāsāṅghika) ra chữ Hán. Sư cũng thuật lại trong Phật quốc kí chuyến du hành Ấn Ðộ (Phật quốc kí), là một tư liệu quý báu về lịch sử, văn hoá và tình trạng Phật giáo của thế kỉ thứ 4-5.

Pháp Hiển là tăng sĩ đầu tiên của một phong trào học Phật của Trung Quốc. Sư là người đầu tiên thật sự đến Ấn Ðộ, thu thập kinh sách, học hỏi giáo pháp với các tăng sĩ tại đó và lại trở về Trung Quốc. Chuyến du hành của Sư bắt đầu từ Trường An đến các trung tâm Ấn Ðộ như Benares, Càn-đà-la (gandhāra), Giác Thành (bodhgayā), Ma-kiệt-đà (magadha), Patna. Sư cũng ở Tích Lan hai năm, sau đó đi Su-ma-tra và Ja-va (Nam Dương). Tổng cộng, Sư thăm 30 nước khác nhau. Tại Hoa Thị thành (pāṭalipu-tra) Sư tìm được Luận tạng của Ðại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ cũng như một văn bản của Ðại bát-niết-bàn kinh. Sau đó Sư cũng tìm thấy Luận tạng của Hoá địa bộ và mang tất cả về Trung Quốc.

Về mục lục

Pháp Hoa huyền tán

法 華 玄 贊; C: făhuā xuánzàn; J: hokke gensan;

20 quyển, Khuy Cơ biên soạn. Nhan đề đầy đủ là Pháp liên hoa kinh huyền tán (法 蓮 華 經 玄 贊). Đó là giải thích về kinh Pháp Hoa theo quan điểm của Pháp tướng tông . Bao gồm trích dẫn luận giải của Thế Thân về kinh Pháp Hoa, cũng như trích dẫn luận giải của vài học giả nổi tiếng khác về Duy thức .

Về mục lục

Pháp Hoa kinh

法華經; C: făhuā jīng; J: hokkekyō;

Có 2 bản dịch: 1. Diệu pháp liên hoa kinh (妙 法 蓮 華 經), Cưu-ma-la-thập dịch; 2. Chính Pháp Hoa kinh (正 法 華 經), Trúc Pháp Hộ (S: dharmarakṣa) dịch.

Về mục lục

Pháp Hoa luận

法 華 論; C: fă huá lùn; J: hokkeron;

Diệu pháp liên hoa kinh ưu-ba-đề-xá (妙 法 蓮 華 經 憂 波 提 舎).

Về mục lục

Pháp Hoa nghĩa sớ

法 華 義 疏; C: făhuā yìshū; J: hokke gisho;

Tác phẩm của Cát Tạng (吉 藏).

Về mục lục

Pháp Hoa nhất thừa

法 華 一 乘; C: făhuā yīshèng; J: hōkke ichijō;

Giáo lí Nhất thừa được dạy trong kinh Pháp Hoa.

Về mục lục

Pháp Hoa tam bộ kinh

法 華 三 部 經; C: făhuā sānbù jīng; J: hokke sanbu kyō;

Ba bộ kinh căn bản của tông Thiên Thai và Nhật Liên (日蓮). Đó là Vô lượng nghĩa kinh (無 量 義 經), là phần giới thiệu về kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Hoa, là phần kinh văn chính, và Phổ Hiền quán kinh (普 賢 觀 經), xem như là phần kết giáo lí trong kinh.

Về mục lục

Pháp Hoa tông

法 華 宗; C: făhuāzōng; J: hokkeshū;

Tên gọi khác của tông Nhật Liên (日 蓮 宗).

Về mục lục

Pháp Hoa tông yếu

法 華 宗 要; C: făhuā zōngyào; J: hokke shūyou;

Giáo lí thiết yếu về kinh Niết-bàn . 1 quyển, của Nguyên Hiểu (元 曉).

Về mục lục

Pháp Hộ

法 護; C: făhù; J: hōgo; S: dharmarakṣa.

1. Dharmarakṣa thuộc đời Đông Tấn Trúc Pháp Hộ (竺 法 護); 2. Tăng sĩ Ấn Độ (?-1058), đến Trung Hoa vào đời Tống năm 1004, là một nhà dịch kinh đã lưu lại rất nhiều nơi.

Về mục lục

Pháp hội

法 會; C: făhuì; J: hōe;

1. Một buổi lễ, tập hợp với mục đích đọc tụng kinh điển; 2. Phật sự, tích cực hoạt động cứu độ chúng sinh. Tập trung lại để cùng làm các việc cúng dường chư Phật và chúng sinh, giảng pháp, v.v… tại một pháp hội.

Về mục lục

Pháp huý

法 諱; C: făhuì; J: hōki;

Tên được đặt khi xuất gia. Pháp danh được trao cho khi thụ giới.

Về mục lục

Pháp Kế

法 繼; C: făjì; J: hōkei;

Tăng sĩ đời Bắc Nguỵ, Trung Hoa, thành viên của Bắc phái Địa luận tông , đệ tử của Đạo Sủng (道 寵).

Về mục lục

Pháp khí

法 器; C: făqì; J: hōki;

1. Người sẵn sàng đúng lúc để tin nhận giáo lí Phật pháp; 2. Trong Thiền tông , người có năng lực để được giao phó Chính pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm (正 法 眼 藏 涅 槃 妙 心); 3. Những khí cụ được dùng trong lễ nghi tôn giáo.

Về mục lục

Pháp không

法 空; C: făkōng; J: hōkū;

Tính không của các pháp, Tính không của các đối thể. Đồng nghĩa với Pháp vô ngã (法 無 我). Quan điểm có ảnh hưởng mạnh của Đại thừa cho rằng không chỉ những chúng sinh cá biệt không có một bản ngã (我 空) mà các hợp thể cơ cấu các pháp cũng là không, trống không (pháp không 法 空, S: dharma-śūnyatā). Quan điểm này được các nhà Đại thừa xem như là mức độ nội chứng để phân biệt với hàng Nhị thừa, vì họ vốn chỉ nhận thức được Ngã không. Theo thuật ngữ Nhị chướng (二 障) trong Du-già hành tông Phật giáo thì thực chứng được pháp không là điều rất quan trọng để giải trừ Sở tri chướng (所 知 障).

Về mục lục

Pháp không quán

法 空 觀; C: făkōngguān; J: hōkūkan;

Pháp thực hành thiền trong đó hành giả quán sát hợp thể cơ cấu của các pháp không có ngã tính. Xem mục Pháp không (法 空) ở trên. Pháp thiền quán này vượt xa pháp thiền quán sát Nhân vô ngã hay Nhân không quán (人 空 觀).

Về mục lục

Pháp kiều

法 橋; J: hōkyō;

Một danh từ chỉ đạo Phật, ví Phật pháp như một cái cầu độ chúng sinh bước qua bể khổ Luân hồi .

Về mục lục

Pháp Kinh

法 經; C: făjīng; J: hōkyō; tk 6.

Người sưu tập mục lục kinh điển Phật giáo. Năm 549, sư cùng một nhóm 20 vị đã hoàn thành Chúng kinh mục lục (衆 經 目 録).

Về mục lục

Pháp Kinh lục

法 經 録; C: făjīnglù; J: hōkyōroku;

Tên gọi tắt thông dụng của Chúng kinh mục lục (衆 經 目 録).

Về mục lục

Pháp lạc

法 樂; C: fălè; J: hōraku;

1. Hưởng được niềm vui chân lí, giác ngộ giải thoát. Niềm vui có được do tu học Phật pháp; 2. Niềm vui do giải trừ chấp trước, nhờ tụng kinh, hoặc do bất kì mọi sự tu tập khác.

Về mục lục

Pháp Lãng

法 朗; C: fǎlǎng; J: hōrō; K: pŏmnang;

1. Cao tăng Trung Quốc (507-581), một trong trong những vị đại biểu xuất sắc của Tam luận tông . Sư gia nhập Tăng-già năm 21 tuổi và chăm chỉ tu học Thiền địnhLuật tạng . Sau, Sư chuyển qua tu học kinh luận của Tam luận tông và năm 558, Sư đến Nam Kinh xiển dương giáo lí Tam luận. Tương truyền rằng, môn đệ theo học với Sư có đến hàng ngàn. Sau khi Sư tịch, đệ tử xuất sắc là Gia Tường Ðại sư Cát Tạng đã đưa giáo lí của tông này đến tuyệt đỉnh.

2. Nguyên là Thiền sư (và có lẽ là vị Thiền sư sớm nhất) của Hàn Quốc. Sư sang Trung Hoa để học Thiền dưới sự bảo trợ của Tổ sư thiền Trung Hoa Đạo Tín (道 信, 580-651). Pháp Lãng được truyền thống công nhận là khởi nguyên của việc truyền thừa Thiền tông Hàn Quốc, và là người đồng khai sáng Hi Dương sơn (曦 陽) với Trí Săn Đạo Hiến (智 詵 道 憲, k: chisŏn tohŏn) thuộc Thiền tông Hàn Quốc.

Về mục lục

Pháp liên hoa kinh huyền tán

法 蓮 華 經 玄 贊; C: fă liánhuá jīng xuán zàn; J: hōrengekyō gensan;

Pháp Hoa huyền tán (法 華 玄 贊) ở trên.

Về mục lục

Pháp Loa

法 螺; 1284-1330

Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử . Sư là môn đệ của Trần Nhân Tông , là Tổ thứ hai của dòng thiền này. Sư là người ấn hành Ðại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329. Kinh này đã bị Trương Phụ thời nhà Minh phá huỷ, ngày nay không còn. Sư để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già , Diệu pháp liên hoa , Bát-nhã ba-la-mật -đa. Sư có nhiều đệ tử đắc pháp mà người để lại tên tuổi đến ngày nay trong thiền học và thi ca là Huyền quan g. Sư mất sớm, lúc mới 46 tuổi.

Sư tên tục là Ðồng Kiên Cương, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha tên là Ðồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Tháng 8 năm Quý Mùi (1283), mẹ Sư đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần và sau đó sinh ra Sư. Sư còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích ăn thịt cá.

Năm 1304, Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước, có ý tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Sư đỉnh lễ xin xuất gia, Trần Nhân Tông bảo ngay: »Ðứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí« và cho theo về thụ giới Sa-di. Ðiều Ngự lại bảo Sư đến Quỳnh Quán học nơi Hoà thượng Tính Giác. Khi đã có sở đắc, Sư từ tạ trở về với Ðiều Ngự.

Một hôm, Sư dâng ba bài tụng nhưng cả ba đều bị chê. Ðiều Ngự khuyên Sư phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ. Ðiều Ngự thầm ấn khả cho Sư. Từ đây, Sư tu theo 12 hạnh Ðầu-đà .

Năm sau, Ðiều Ngự đích thân truyền Giới Tha nh văn và Bồ Tát cho Sư. Năm 1306, Ðiều Ngự cử Sư làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Tại đây Sư gặp Huyền Quang lần đầu tiên, lúc đó Sư mới 23 tuổi. Hai năm sau, Ðiều Ngự mất, Sư phụng mệnh đưa Xá-lị về kinh đô và sau khi trở về núi, Sư soạn lại những bài tụng của Ðiều Ngự lúc ở Thạch thất và biên tập lại dưới tên Thạch thất mị ngữ.

Tháng 12 năm 1319, Sư kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Ðại tạng kinh hơn 5000 quyển. Vua Trần Anh Tông cũng tự chích máu mình viết Ðại tạng kinh cỡ nhỏ. Sư chuyên giảng kinh Hoa nghiêm , mỗi lần giảng cả ngàn người nghe.

Năm 1330, Sư lâm bệnh nặng, đệ tử xin bài kệ, Sư viết:

萬緣裁斷一身閒。四十餘年夢幻間

珍重諸人休借問。那邊風月更邇寬

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan.

*Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn.

Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa,

Bên kia trăng gió mặc thênh thang.

Viết xong, Sư ném bút an nhiên viên tịch, thọ 47 tuổi. Nhục thân Sư được đệ tử nhập tháp tại Thanh Mai Sơn.

Các tác phẩm của Sư còn được lưu truyền: 1. Ðoạn sách lục; 2. Tham thiền chỉ yếu; 3. Kim cương đạo trường đà-la-ni kinh; 4. Tán Pháp hoa kinh khoa sớ; 5. Bát-nhã tâm kinh khoa; và một vài bài kệ trước lúc tịch.

Về mục lục

Pháp Long tự

法 隆 寺; C: fălóng sì:; J: hōryūji;

Chùa toạ lạc gần vùng nay là An Dương, phía Bắc tỉnh Hồ Nam, được biết đó là nơi có tấm bia ghi công hạnh ngài Tín Hành (信 行), người đã sáng lập Tam giai giáo; 2. Đại bản sơn của phái Thánh Đức ở Nại Lương (J: nara), do Thái tử Thánh Đức (J: shōtoku) sáng lập năm 607. Nay còn nhiều di sản văn hoá được lưu trữ ở đây.

Về mục lục

Pháp luân

法 輪; C: fămén; J: hōmon; S: dharmacakra; P: dhammacakka; nghĩa là bánh xe pháp;

Bánh xe pháp; Thuật ngữ »bánh xe« xuất phát từ chữ cakra trong tiếng Phạn, là một loại vũ khí của Ấn Độ thời cổ đại. Do vậy, Pháp luân là vũ khí để hàng phục mọi tà kiến ngoại đạo – là giáo lí của Đức Phật.

Trong đạo Phật, pháp luân tượng trưng cho giáo pháp của đức Phật, gồm Tứ diệu đế , Bát chính đạo , Trung đạo . Pháp luân thường được vẽ như một bánh xe tám nhánh, tượng trưng cho Bát chính đạo (xem Tám báu vật ).



H 46: Pháp luân. Hai con nai là biểu hiện của Lộc uyển (vườn nai; S: mṛgadāva), nơi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu.

Truyền thuyết cho rằng, pháp luân được chuyển ba lần: 1. Phật giảng pháp lần đầu sau khi đạt chính quả tại Lộc uyển ; 2. Lúc thành hình giáo pháp Ðại thừa ; 3. Lúc thành hình giáo pháp Kim cương thừa (S: vajrayāna).

Về mục lục

Pháp Minh

法 明; C: fămíng; J: hōmyō;

Ánh sáng của pháp. 1. Ánh sáng vốn có là bản tính giác ngộ giải thoát của mọi hiện tượng; 2. Pháp Minh (k: pŏmmyŏng, thế kỉ thứ 13), Thiền sư thộc tông Tào Động Hàn Quốc. Sư xuất gia từ nhỏ, sang Trung Hoa học Phật pháp vào đời Tống. Năm 1247, sư đến Nhật Bản, bỏ qua nhiều năm hành cước qua các vùng Kansai, Kantō and Tohoku. Được biết sư có quen thân với Đạo Nguyên trước khi vị này viên tịch.

Về mục lục

Pháp môn

法 門; C: fǎmén; J: hōmon;

Giáo lí Phật pháp; học thuyết; chính pháp. Giáo lí của Đức Phật. Cánh cửa chân lí. Cửa ngõ dẫn vào chân lí. Cánh cửa dẫn đến giải thoát giác ngộ (S: dharma-mukha).

Trong ý hẹp thì Pháp môn chỉ những bài Kinh của đức Phật , hoặc những phương pháp Phật dạy đưa đến Giác ngộ . Mỗi bài dạy này được ví như là một cửa (môn) để mọi người bước qua và giác ngộ. Trong Tứ hoằng thệ nguyện thì nguyện thứ ba là »Pháp môn vô số lượng, thệ nguyện đều tu học.«

Về mục lục

Pháp ngã

法 我; C: făwǒ; J: hōga;

Tin rằng các pháp đều hiện hữu trên cở sở tự tính. Xem Pháp chấp (法 執).

Về mục lục

Pháp ngã kiến

法 我 見; C: făwǒ jiàn; J: hōga ken;

Quan niệm rằng các pháp (法) đều hiện hữu trên cở sở tự tính. Giáo lí Đại thừa, đặc biệt điển hình là tư tưởng Du-già hành tông, cho rằng Phật tử hàng Nhị thừa (tức bên ngoài Đại thừa) có khả năng xoá bỏ quan điểm chấp trước vào có một bản ngã tồn tại trên cở sở tự tính (nhân ngã kiến 人 我 見), nhưng chưa có khả năng cắt đứt quan điểm chấp trước vào các đối tượng khách quan như là tồn tại trên cở sở tự tính.

Về mục lục

Pháp ngữ

法 語; C: făyŭ; J: hōgo;

1. Giáo lí chân thực, giáo pháp khế hợp với thực tại; 2. Lời giảng về pháp tu tập giải thoát của một Thiền sư.

Về mục lục

Pháp Nhãn

法 眼; C: făyăn; J: hōgen; S: dharma-cakṣus.

1. »Con mắt pháp«, năng lực nhận ra các pháp một cách tường tận. Với Pháp nhãn này, Bồ Tát có thể cứu độ tất cả chúng sinh; 2. Dạng thứ 2 trong Ngũ nhãn (五 眼); 3. Tên của một vị Thiền sư quan trọng (885-958) vào đời Đường Trung Hoa, thường được biết với thuỵ hiệu là Thanh Lương Quốc Sư (清 涼 國 師). Còn được biết qua pháp danh Văn Ích (文 益). Pháp Nhãn Văn Ích .

Về mục lục

Pháp Nhãn tông

法 眼 宗; C: fǎyǎn-zōng; J: hōgen-shū;

Một trường phái của Thiền tông tại Trung Quốc, được xếp vào Ngũ gia thất tông . Tông này bắt nguồn từ Thiền sư Huyền Sa Sư Bị , nối pháp của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn và ban đầu cũng được gọi là Huyền Sa tông. Sau, danh tiếng của Thiền sư Pháp Nhãn Ích – hai đời sau Huyền Sa – vang dội khắp nơi và vì thế, tông này được gọi là tông Pháp Nhãn. 63 pháp tự của sư Pháp Nhãn hoằng hoá khắp nơi, truyền tông này qua đến cả Triều Tiên. Tông này hưng thịnh ba đời nhưng tàn lụi sau đời thứ năm.

Về mục lục

Pháp Nhãn Văn Ích

法 眼 文 益; C: fǎyǎn wényì; J: hōgen buneki; 885-958;

Thiền sư Trung Quốc, khai sáng tông Pháp Nhãn, môn đệ nối pháp của Thiền sư La Hán Quế Sâm và là thầy của Quốc sư Thiên Thai Ðức Thiều . Sư là một trong những Thiền sư trội nhất của đời đó và vì vậy dòng Thiền của Sư sau được gọi là Pháp Nhãn tông mặc dù trước đó được gọi là Huyền Sa tông (Huyền Sa Sư Bị ). Sư có 63 môn đệ ngộ huyền chỉ.

Sư xuất gia lúc 5 tuổi, thụ giới cụ túc năm 20. Tại pháp hội của Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng , mặc dù Sư chưa đốn ngộ nhưng học chúng rất kính nể. Sư cùng kết bạn với hai vị Thiệu Tu và Hồng Tiến, rủ nhau đi hành cước. Ðến viện Ðịa Tạng gặp trời trở tuyết, ba người xin ở lại đây. Thiền sư trụ trì đây là Quế Sâm hỏi: »Ði đây làm gì?« Sư đáP: »Ði hành cước.« Quế Sâm hỏi: »Thế nào là việc hành cước?« Sư trả lời: »Chẳng biết.« Quế Sâm nói: »Chẳng biết là rất thân thiết.« Sau, nhân lúc ba người ngồi sưởi ấm, bàn về Triệu luận , Quế Sâm lại hỏi: »Sơn hà đại địa cùng Thượng toạ là đồng nhất, là khác biệt?« Sư đáP: »Khác.« Quế Sâm đưa hai ngón tay lên. Sư nói: »Ðồng.« Quế Sâm cũng đưa hai ngón tay lên rồi đứng dậy đi.

Tuyết tan, cả ba đều rủ nhau đi tiếp. Quế Sâm tiễn chân ra cổng chỉ phiến đá hỏi: »Thường Thượng toạ nói ›Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức‹, như vậy thì phiến đá này là trong hay ngoài tâm?« Sư không đáp được bèn ở lại cầu học. Ở lại hơn một tháng mà mỗi lần Sư trình kiến giải nói đạo lí đều bị Quế Sâm gạt đi nói »Phật pháp không phải như vậy.« Sư thưa: »Con đã hết lời cùng lí rồi.« Quế Sâm bảo: »Nếu luận Phật pháp thì tất cả hiện thành.« Qua câu này, Sư Ðại ngộ triệt để.

Sư sau trụ ở đâu chúng cũng đến rất đông, tương truyền rằng lúc nào cũng không dưới ngàn người. Tông của Sư hưng thịnh ba đời nhưng tàn lụi sau đời thứ năm

Niên hiệu Hiền Ðức năm thứ năm nhà Châu, ngày mùng năm tháng bảy năm Mậu Ngọ, Sư từ giã chúng ngồi kết già viên tịch, thọ 74 tuổi, 54 tuổi hạ. Vua sắc phong là Ðại Pháp Nhãn Thiền sư, tháp hiệu Vô Tướng.

Về mục lục

Pháp nhĩ

法 爾; C: făěr; J: hōni;

1. »Theo quy luật«. Tất nhiên, tự nhiên. Sự vận hành của quy luật vũ trụ (S: dharmatā); 2. Sự tất định (s, P: niyati); 3. Từ ban đầu, bẩm sinh.

Về mục lục

Pháp Nhiên

法 燃; J: hōnen; 1133-1212;

Tịnh độ tông

Về mục lục

Pháp nhũ

法 乳; C: fărǔ; J: hōnyū;

»Dòng sữa pháp«. Dụ cho giáo lí của bậc đạo sư. Lời dạy của đạo sư khiến cho đệ tử lớn mạnh tâm đạo cũng như sữa giúp cho sự tăng trưởng của trẻ em.

Về mục lục

Pháp như như

法 如 如; C: fărúrú; J: hōnyonyo;

Tất cả các pháp tuyệt đối chân thật như chúng đang là.

Về mục lục

Pháp mạch

法 脈; C: fămài; J: hōmyaku;

Dòng truyền thừa Phật pháp, sự truyền thừa Phật pháp.

Về mục lục

Pháp phọc

法 縛; C: făfú; J: hōbaku;

Chấp trước vào pháp; chấp cứng vào văn tự kinh điển và không nhận ra được điểm chính trong Phật pháp. Đồng nghĩa với Pháp chấp (法 執).

Về mục lục

Pháp Phong

法 豐; C: fă fēng; J: hōbu;

Dịch nghĩa tên của Dharmakṣema. Đàm Vô Sấm (曇 無 讖).

Về mục lục

Pháp phục

法 服; C: făfú; J: hōfuku;

Y phục của tăng ni.

Về mục lục

Pháp quán kinh

法 觀 經; C: făguānjīng; J: hōkankyō;

Trúc Pháp Hộ (竺 法 護) dịch.

Về mục lục

Pháp sư

法 師; C: făshī; J: hōshi, hosshi;

1. Thầy truyền dạy giáo pháp; vị tăng hay ni hành xử như một người dẫn đạo cho chúng sinh (S: dharma-kathika; t: chos smra ba); 2. Theo Thập địa kinh (十 地 經) thì Pháp sư là người chuyên chỉ dạy về Bồ Tát thập địa. Kinh Pháp Hoa có giới thiệu 5 loại Pháp sư; 3. Người thông đạt xuất sắc giáo lí Phật pháp; 4. Chỉ một vị tăng hay ni.

Về mục lục

Pháp Tạng


Pháp tạng

法 藏; C: făzàng; J: hōzō;

1. Kho tàng giáo pháp – thường đề cập đến kinh điển Phật giáo (S: dharma-kośa) để phân biệt với Luật tạng. Đây là phần kinh do ngài A-nan trùng tuyên trong kì kết tập lần thứ nhất (Đệ nhất kết tập 第 一 結 集).

2. Phật pháp như là sự thật tối hậu trong ý nghĩa, tư tưởng triết học.

3. (643-712); Tăng sĩ học giả vào đầu đời Đường, do những đóng góp to lớn của Sư vào sự phát triển và củng cố tông Hoa Nghiêm, nên được xem là Tổ thứ 3 của tông này. Sau khi phát tâm tu tập ban đầu tại Thái Bạch sơn (太 白 山), sư trở thành đệ tử của vị Tổ thứ 2 tông Hoa nghiêm là Trí Nghiễm (智 儼). Sau khi Trí Nghiễm viên tịch vào năm 670, sư chính thức xuất gia tại chùa Thái Nguyên (太 原 寺). Sau đó sư lần lượt đi đến rất nhiều chùa để truyền bá giáo lí Hoa Nghiêm và hỗ trợ chương trình phiên dịch. Cuối cùng sư trở nên nổi tiếng trong giới quan chức triều đình nhà Đường. Sư là thầy của Hoàng hậu Vũ Tắc Thiên. Sư viết rất nhiều sách và luận giải, tác phẩm gồm có: 1. Hoa Nghiêm kinh thám huyền kí (華 嚴 經 探 玄 記), 20 quyển; Hoa Nghiêm ngũ giáo chương (華 嚴 五 教 章), 3 hoặc 4 quyển; Khởi tín luận nghĩa kí (起 信 論 義 記), 5 quyển. Các đệ tử của sư gồm có Văn Siêu (文 超) và Huệ Uyển (慧 苑). Sư cũng là sư đệ của một đệ tử khác của ngài Trí Nghiễm – là Nghĩa Tương (義 湘, k: ǔisang), người sáng lập tông Hoa Nghiêm tại Hàn Quốc. Sư kết giao thân mật với vị này và còn giữ liên lạc sau khi Nghĩa Tương trở về Tân La.

4. Tăng sĩ thuộc Tam giai giáo xuất thân từ chùa Tịnh Vực (淨 域 寺), sau được bổ nhiệm coi sóc Vô tận tạng (無 盡 藏) ở Phúc Quang tự (福 先 寺) và Hoá Độ tự (化 度 寺).

Về mục lục

Pháp Tạng bộ

法 藏 部; C: făzàng bù; J: hōzōbu; S: dharmaguptaka;

Một bộ phái Phật giáo, xuất phát từ Trưởng lão bộ (S: sthavira) và Hoá địa bộ (S: mahīśasaka). Bộ phái này do Cao tăng Tích Lan tên là Pháp Tạng (dharmagupta) thành lập và lưu truyền rộng rãi tại Nam Ấn Ðộ. Pháp Tạng bộ có một quan niệm về Bố thí khác với các tông phái kháC: họ cho rằng cúng dường Tăng không mang lại phúc đức bằng cúng dường Phật. Luật tạng (S: vinaya-piṭaka) của phái này gồm có bốn phần, được nhiều phái Phật giáo xem như hoàn chỉnh nhất. Bộ này được dịch ra Hán văn năm 105 sau Công nguyên, bao hàm 250 giới dành cho tăng và 348 giới dành cho ni.

Về mục lục

Pháp tập biệt hạnh lục tiết yếu tính nhập tư kí

法 集 別 行 録 節 要 并 入 私 記; C: făjíbié xínglù jiéyào bīngrùsījì; J: hōshūbetsugyō roku sechiyōhyōnyū shiki; K: pŏpchip pyŏrhaeng nok chŏryo pyŏngip sagi;

Tác phẩm của Tri Nột (知 訥). Bản dịch tiếng Anh của Robert Buswell trong tác phẩm The Korean Approach to Zen.

Về mục lục

Pháp tập yếu tụng kinh

法 集 要 頌 經; C: făjí yàosòng jīng; J: hōshū yōshō kyō;

Của Pháp Cứu (法 救, S: dharmatrāta).

Về mục lục

Pháp thân

法 身; C: făshēn; J: hōshin; S: dharmakāya

1. Theo giáo lí Hữu bộ là lời dạy chân thực của Đức Phật, hoặc là pháp vi diệu trong Thập lực. Kinh sách ghi lại giáo pháp; 2. theo giáo lí Đại thừa chung, Pháp thân là tên gọi chỉ cho sự hiện hữu tuyệt đối, sự biểu hiện của mọi thực thể tồn tại. Là chân thể của thực tại. Đức Phật như là nguyên lí vĩnh hằng. Thể tính của hiện hữu vốn thường thanh tịnh, không một tướng phân biệt, đồng đẳng với tính không; 3. Một trong Tam thân của Phật. Thân pháp giới của Phật – là chân thân vượt ngoài sắc tướng. Là căn bản của tất cả các pháp; 4. (Giáo) pháp như là thân Phật, khác với thân thể vật lí của Đức Phật; 5. Như Lai tạng (S: tathāgatagarbha); 6. Bốn loại Pháp thân (Tứ chủng Pháp thân 四 種 法 身); 7. Theo luận Đại thừa khởi tín, Pháp thân được đồng nhất với Nhất tâm; 8. Theo Bạch Ẩn (白 隱, J: hakuin), là 1 trong những loại công án. Pháp thâh công án là công án giúp sáng tỏ nguyên lí thực tại tuyệt đối (Phật tâm) để siêu việt mọi hiện hữu; 9. Theo giáo lí Duy thức , Pháp thân có đủ Pháp giới thanh tịnh, cũng như Đại viên kính trí. Xem Ba thân

Về mục lục

Pháp Thiên

法 天; S: dharmadeva;

Tên một vị tăng Ấn Ðộ đến Việt Nam rất sớm trong thế kỉ thứ 5. Tương truyền rằng Sư cùng Bồ-đề Ðạt-ma, Sơ tổ Thiền Trung Quốc đến Việt Nam (Giao Chỉ) trước rồi sau đó Bồ-đề Ðạt-ma mới đi Trung Quốc. Pháp Thiên đã giảng dạy về các phương pháp Thiền quán cho người Việt Nam. Học trò có tiếng của Sư là Huệ Thắng.

Về mục lục

Pháp Thuận

法 順

Ðế Tâm Ðỗ Thuận

Về mục lục

Pháp Thuận

法 順; 914-990

Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 10 của dòng thiền Tì-ni-đa Lưu-chi .

Sư họ Ðỗ, xuất gia thụ giới từ nhỏ với Thiền sư Long Thụ. Trong thời nhà Tiền Lê mới dựng cơ nghiệp, Sư hay được vua Lê Ðại Hành mời vào triều luận bàn chính sự. Về sau Sư rút lui không nhận phong thưởng, vua Lê rất kính trọng, thường gọi là Ðỗ Pháp sư.

Năm 986 nhà Tống sai sứ là Lí Giác sang phong tước hiệu cho Lê Ðại Hành, vua sai Sư giả làm lái đò đón sứ. Trên sông, thấy hai con ngỗng bơi, Lí Giác ngâm:

鵝鵝兩鵝鵝。仰面向天涯

Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nhai.

*Song song ngỗng một đôi,

Ngửa mặt ngó ven trời.

Sư liền ngâm tiếp (bản dịch của Thích Mật Thể):

白毛鋪綠水。紅掉擺青波

Bạch mao phô lục thuỷ

Hồng trạo bãi thanh ba.

*Lông trắng phơi dòng biếc,

Sóng xanh chân hồng bơi.

Ngày nọ vua Lê Ðại Hành hỏi vận nước thế nào, Sư đáp (bản dịch của Thích Thanh Từ):

國祚如藤絡。南天裏太平

無爲居殿閣。處處息刀兵

Quốc tộ như đằng lạc, nam thiên lí thái bình

Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh.

*Vận nước như dây cuốn,

Trời Nam sống thái bình

Rảnh rang trên điện các

Chốn chốn dứt đao binh.

Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh, an nhiên tịch, thọ 76 tuổi. Tác phẩm quan trọng nhất của Sư là Bồ Tát hiệu sám hối văn.

Về mục lục

Pháp Thường


Pháp tính

法 性; C: făxìng; J: hosshō;

1. Bản tính chân thực của các »pháp« (mọi hiện hữu, mọi hiện tượng). Bản thể của mọi hiện hữu; Thực tại của Phật pháp; Chân như, Pháp giới; 2. Thực tại như đã hoàn chỉnh trong chính nó; 3. Không, tính không.

Về mục lục

Pháp tính bình đẳng

法 性 平 等; C: fă xìng píngděng; J: hosshōbyōdō;

Sự bình đẳng trong thể tính của thực tại.

Về mục lục

Pháp tính tông

法 性 宗; C: făxìngzōng; J: hōshōshū; K: pŏpsŏngjong.

Tên gọi có tính co giãn được dùng sau sự kiện một hệ thống nghiên cứu học thuật Hàn Quốc quan tâm đến đề tài Như Lai tạng (如 來 藏, S: tathāgatagarbha) và A-lại-da thức (阿頼耶識, S: ālayavijñāna), nhưng là những vấn đề được tiếp cận từ quan điểm »duyên khởi tính« hơn là phát xuất từ những đặc tính riêng. Do vậy, dạng nghiên cứu những vấn đề ngược lại những gì được gọi là »Pháp tướng« (法 相, k: pŏpsang). Sự thành lập tông này thường được xem là ảnh hưởng của Nguyên Hiểu (元 曉, k: wŏnhyo).

Về mục lục

Pháp trí

法 智; C: făzhì; J: hōchi;

trí tuệ vô lậu trang nghiêm, thấy biết rõ 4 sự thật của các hiện tượng nhân duyên trong thế gian, vận hành để giải trừ phiền não (S: dharma-jñāna). Là một trong Tam trí và Thập trí.

Về mục lục

Pháp trú kí

法 住 記; C: făzhùjì; J: hōjūki;

Tên bản dịch cuốn Nandimitrāvadāna, được Huyền Trang dịch năm 654. Là tên gọi tắt của Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trú kí (大 阿 羅 漢 難 提 蜜 多 羅 所 説 法 住 記). Một quyển, của Nandimitra (phiên âm là Nan-đề-mật-đa-la 難 提 蜜 多 羅, Hán dịch là Khánh Hữu 慶 友); còn có tên khác là Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trú kệ (大 阿 羅 漢 難 提 蜜 多 羅 所 説 法 住 偈), Đại A-la-hán Nan-đà-mật-đa-la sở thuyết pháp trú kí (大 阿 羅 漢 難 陀 蜜 多 羅 法 住 記), và Kí pháp trú truyện (記 法 住 傳). Đề tài tác phẩm này tập trung vào giải thích về khái niệm Thập lục La-hán còn lưu lại thế gian để hộ trì Phật pháp. Tác phẩm còn cho rằng sự hiện hữu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni trên thế gian là có giới hạn, và chư tăng làm thế nào để thay ngài hoằng truyền Phật pháp.

Về mục lục

Pháp tự

法 嗣; C: fǎsì; J: hōshi;

Là người nối pháp của vị thầy mình; người nối pháp này ít nhất phải đạt được trình độ ngộ nhập, Kiến tính của vị thầy và đã được Ấn khả .

Tuy nhiên, các vị Ðại thiền sư thường nhấn mạnh rằng, »Thiền« không thể được dạy truyền và chính vì vậy mà những danh từ như »giáo hoá«, »truyền tâm ấn« … chỉ có thể hiểu là những danh từ tạm bợ, được dùng để mô tả một hiện tượng không thể trình bày. Nhiệm vụ của một Thiền sư có thể so sánh với một chất xúc tác (e: catalyst) trong hoá học. Với sự hiện diện hoặc giáo hoá của một vị thầy, thiền sinh có thể tự chứng ngộ và ngay lúc đó, không có gì có thể gọi là thầy »truyền« trò »nhận.«

Trong thời gian đầu, biểu tượng của sự công nhận pháp tự là y bát của vị thầy truyền giao lại cho đệ tử. Danh từ »y bát« sau được hiểu như là »truyền tâm ấn ngoài giáo pháp«, một đặc tính của Thiền tông tại Ðông, Ðông nam á.

Về mục lục

Pháp tướng

法 相; C: făxiāng; J: hossō;

Pháp tướng tông (法 相 宗).

Về mục lục

Pháp tướng giáo

法 相 教; C: făxiāngjiāo; J: hossōkyō;

1. Giáo lí Pháp tướng tông, dạng Á Đông của Du-già hành phái Ấn Độ. Được miêu tả như một dạng giáo lí đặc biệt với sự phân loại nhiều hệ thống học thuyết, đặc biệt tương phản với giáo lí Bát-nhã về Tính không; 2. Theo 5 hệ thống giáo lí (五 教) mà Tông Mật phân định thì Pháp tướng giáo là giáo lí về sự trình hiện của các pháp (hiện tượng giới của các pháp)

Về mục lục

Pháp tướng tông

法 相 宗; C: fǎxiàng-zōng; J: hossō-shū;

Hình thái Á Đông của Du-già hành phái Ấn Độ. Tông này do Huyền Trang lập nên, khi trở về Trung Hoa sau chuyến cầu học ở Ấn Độ, sư đã mang về rất nhiều những tác phẩm quan trọng của Duy thức tông. Với sự hỗ trợ của triều đình và nhiều người phụ tá, sư đã dịch những kinh văn này sang tiếng Hán. Giáo lí Pháp tướng tông đã được truyền sang Hàn Quốc (k: pŏpsang), Nhật Bản (J: hossō), nơi tông này đã có được những ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù Pháp tướng tông chìm dần như một tông phái độc lập, nhưng giáo lí Duy thức vẫn tạo nên một ảnh hưởng lớn mà sau này giáo lí ấy phát triển trong những truyền thống Á Đông, đáng kể nhất là tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm tông và Thiền tông . Peter Gregory nhận xét: »Pháp tướng tông liên hệ đặc biệt với tư tưởng của Huyền Trang và Khuy Cơ, không như những hình thái cổ điển của Du-già hành phái Trung Hoa, Pháp tướng tông khước từ ý niệm Như Lai tạng nên phủ nhận cảnh giới chứng ngộ mà có thể trực nhận được, từ lí do đó, nên tông này chỉ được xem như một hình thái sơ đẳng theo cách nhìn của Hoa Nghiêm tông Đại thừa. Thuật ngữ Pháp tướng tự nó được dùng đầu tiên bởi nhà tư tưởng Hoa Nghiêm tông là Pháp Tạng, để nhấn mạnh vị thế thứ yếu của giáo lí Pháp tướng, vốn chỉ đề cập đến »sự trình hiện của chư pháp« tương phản với giáo lí Hoa Nghiêm, đề cập đến hạ tằng của »tính« mà các trình hiện của chư pháp lấy làm nền tảng«. (Gregory-1995: 213). Xem Du-già hành phái (瑜 伽 行 派) và Duy thức (唯 識).

Tông này mang tên Pháp tướng vì họ chuyên nghiên cứu về »Tướng của các Pháp« (法 相; S: dharmalakṣaṇa). Pháp tướng tông xem toàn bộ thế giới do 100 pháp tạo thành, được chia làm 5 nhóm: I. 8 Tâm pháp (心 法; S: cittadharma), II. 51 Tâm sở hữu pháp (心 所 有 法; S: caitasikadharma), III. 11 Sắc pháp (色 法; S: rūpadharma), IV. 24 Tâm bất tương ưng hành pháp (心 不 相 應 行 法; cittaviprayukta-saṃskāradharma); V. 6 Vô vi pháp (無 爲 法; asaṃskṛtadharma).

100 pháp của Pháp tướng tông bao gồm cụ thể:

I. 8 Tâm pháp (cittadharma): bao gồm tám thức Thứ c (vijñāna), là A-lại-da, ý thức (manas), Mạt-na thức (manovijñāna), và năm thức cảm giác khác;

II. 51 Tâm sở hữu pháp (caitasikadharma), bao gồm 51 Tâm sở (theo lối sắp xếp của Duy thức tông);

III. 11 Sắc pháp (rūpadharma), tức là các hiện tướng sinh lí, vật lí, bao gồm: 1. Nhãn căn: mắt, cơ quan giúp cho nhãn thức phát sinh; 2. Nhĩ căn: lỗ tai, cơ quan giúp nhĩ thức phát sinh; 3. Tỉ căn: mũi, cơ quan giúp tỉ thức phát sinh; 4. Thiệt căn: lưỡi, cơ quan giúp thiệt thức phát sinh; 5. Thân căn: da thịt, cơ quan giúp cho thân thức phát sinh; 6. Sắc trần: đối tượng của nhãn thức; 7. Thanh trần: âm thanh, đối tượng của nhĩ thức; 8. Hương trần: mùi hương, đối tượng của tỉ thức; 9. Vị trần: đối tượng của thiệt thức; 10. Xúc trần: đối tượng của thân thức; 11. Pháp xứ sở nhiếp sắC: chỉ các vật có hình, danh, sắc, tướng trong pháp giới.

IV. 24 Tâm bất tương ưng hành pháp (cittaviprayukta-saṃskāradharma), chỉ các pháp độc lập với tâm, bao gồm: 1. Ðắc (prāpta): sự hình thành của các pháp; 2. Mệnh căn (prāṇa): sự sống của sinh mệnh; 3. Chúng đồng phận (nikāyasabhāga): sự giống nhau trong từng loại; 4. Dị sinh tính (visabhāga): sự khác biệt của từng loại; 5. Vô tưởng báo (āsaṃjñika): quả báo vô tưởng; 6. Vô tưởng định (asaṃ-jñāsamāpatti): sự tạm diệt của các tâm sở; 7. Diệt tận định (nirodhasamāpatti); 8. Danh thân (nā-makāya): sự cấu thành của các danh từ; 9. Cú thân (padakāya): sự cấu thành của từng câu; 10. Văn thân (vyañjaṇakāya): sự cấu thành của các mẫu tự và các nét; 11. Sinh (jāti): sự phát sinh, hình thành của các pháp; 12. Trụ (sthitī): sự tồn tại nhất thời của các pháp; 13. Lão (jāra): sự suy tàn của các pháp; 14. Vô thường (anityā); 15. Lưu chuyển (pravṛtti): sự biến chuyển liên tục theo luận nhân quả; 16. Ðịnh dị (pratiniyama): sự sai khác của các hiện tượng nhân quả; 17. Tương ưng (yoga): sự liên hợp với nhau của các pháp; 18. Thế tốc (jāva): sự chuyển biến mau lẹ của các pháp; 19. Thứ đệ (anukrama): trật tự trong sự chuyển biến của các pháp; 20. Phương (deśa): không gian; 21. Thời (kāla): thời gian; 22. Số (saṃkhyā): số lượng của các pháp; 23. Hoà hợp tính (sāmagrī): tính hoà hợp của các pháp; 24. Bất hoà hợp tính (anyathātva): tính bất hoà hợp của các pháp.

V. 6 Vô vi pháp (asaṃkṛtadharma), các pháp không tuỳ thuộc, Vô vi (asaṃkṛta), bao gồm: 1. Hư không vô vi; 2. Trạch diệt vô vi; 3. Phi trạch diệt vô vi; 4. Bất động diệt vô vi; 5. Tưởng thụ diệt vô vi; 6. Chân như vô vi;

Trong lúc các trường phái khác xem thức là một pháp thì Pháp tướng tông cho rằng có tám dạng của thức, gồm có: 1-5, năm thức của năm giác quan; 6. Ý thức (manovijñāna), là thức suy nghĩ, đánh giá đo lường các ấn tượng do năm thức kia mang lại; 7. Mạt-na (manas), thức tự ý thức về chính mình, thức »ô nhiễm«, là thức nghĩ rằng mình có một cái ta và 8. A-lại-da thức (ālayavijñāna), thức tàng chứa tất cả các kinh nghiệm của đời sống vô tận. A-lại-da thức được xem mênh mông như biển cả, bản thân nó không chủ động tạo tác. Nhưng một khi Mạt-na tác động lên A-lại-da thức thì những chủng tử nằm sẵn trong A-lại-da thức được khởi động và tạo tác những sự vật tưởng chừng như khách quan. Mạt-na là thức liền phân biệt khách thể chủ thể, tạo nên ý thức nhị nguyên, ý thức về một cái »ta« và »cái không phải ta«. Sáu giác quan (kể cả ý thức) là những kẻ báo cho Mạt-na các thông tin từ bên ngoài, không hề đánh giá tốt xấu. Và chính Mạt-na là kẻ đánh giá phải trái hay dở, ra lệnh cho sáu ý thức kia hoạt động và phản ứng. Ðồng thời, Mạt-na thức lại đưa các cảm giác hay Chủng tử (bīja) đó vào A-lại-da thức. Chủng tử này lại là kẻ ảnh hưởng và tạo tác lên thế giới bên ngoài và vòng tròn ấy tiếp tục vô cùng tận. Mạt-na được xem là gạch nối giữa sáu ý thức kia và A-lại-da thức, là kẻ tưởng mình có một cái ta, là kẻ gây »ô nhiễm« lên A-lại-da thức. Muốn tránh vòng tròn ô nhiễm vô tận đó, hành giả phải chấm dứt hoạt động đầy phân biệt của Mạt-na, biến thức này thành »Bình đẳng tính trí«, là thức đứng trên mọi tính chất nhị nguyên. Nhờ đó, hành giả đạt được tri kiến về tính chất huyễn hoặc của vạn sự.

Pháp tướng tông chia đặc tính xuất hiện của các pháp làm ba (S: trisvabhāva): 1. Huyễn giác hay Biến kế sở chấp (parikalpita), hiện tượng xuất hiện theo ý tưởng tượng của con người; 2. Y tha khởi (paratantra): Chân lí xuất hiện có tính thời gian, dựa lên nhau mà có; 3. Cấp Viên thành thật (pariniṣpanna): đây là cấp bậc của Chân như thường hằng, vượt trên mọi điều kiện và mọi tương đối. Tính chất của cấp này là bất nhị, đó là sự thật »như như« (如 如; S: tathatā), trong đó mọi hiện tượng và tính chất riêng biệt đều được chuyển hoá. Ðó là Niết-bàn , là trạng thái đích thật của Chân như . Muốn đạt được cấp cuối cùng, hành giả phải vượt qua mọi tiến trình tu dưỡng và phát triển tâm, phải đạt Phật quả. Muốn thế, năm thức đầu tiên phải biến thành Thành sở tác trí, ý thức thành Diệu quan sát trí, Mạt-na thức thành Bình đẳng tính trí và A-lại-da thức thành Ðại viên kính trí (xem Năm trí ).

So với các giáo phái Ðại thừa khác, Pháp tướng tông có chỗ khác biệt là không công nhận mỗi chúng sinh đều có Phật tính và có thể đắc quả Phật. Ví dụ như Nhất-xiển-đề (S: icchantika) là kẻ không bao giờ đạt Phật quả. Sau đời Ðường, Pháp tướng tông bị mất uy tín nhiều cũng vì quan điểm này.

Về mục lục

Pháp uẩn

法 蘊; C: fă yùn; J: hōun;

Bộ sưu tập giáo lí.

Về mục lục

Pháp uyển châu lâm

法 苑 珠 林; C: făyuànzhūlín; J: hōonjurin;

Tác phẩm của Đạo Thế (道 世).

Về mục lục

Pháp vân địa

法 雲 地; C: făyúndì; J: hōunji; S: dharma-meghā; t: chos kyi sprin

Giai vị thứ 10 trong Thập địa của Bồ Tát đạo. Giai vị mà trí tuệ thấm nhuần khắp pháp giới như mưa rơi từ một đám mây.

Về mục lục

Pháp vị

法 位; C: făwèi; J: hōi; S: dharma-niyāmatā.

1. Nhân duyên hay tiến trình mà các pháp (sinh mệnh, vật thể, tâm ý) được biểu hiện. Những luận sư thuộc phái Hữu bộ ban sơ, trong lúc cố gắng giải thích làm sao chúng ta có thể phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, vị lai đã kết luận rằng đó là do quan điểm hoạt dụng khác nhau giữa các sự hiện hữu. Lí thuyết này được giải thích chi tiết trong Câu-xá luận, cho rằng thời gian mà các pháp đã hoại là quá khứ. Quan điểm này, nếu như không được giải thích kĩ, có thể dẫn đến kết quả xu hướng dẫn đến tà kiến cho rằng các pháp có một bản ngã nhất định và có tự tính riêng của chúng. Do vậy, quan điểm này bị Long Thụ và các vị khác bác bỏ.

2. Một pháp, hay mỗi pháp hiện hữu trong một vị thế tương ứng với chân tính như thật của nó.

3. Thành viên trong tăng đoàn.

Về mục lục

Pháp vô khứ lai tông

法 無 去 來 宗; C: fă wú qùlái zōng; J: hōmukorai shū;

Chủ trương »Pháp vốn chẳng có quá khứ lẫn vị lai«.

Về mục lục

Pháp vô ngã

法 無 我; C: făwúwǒ; J: hōmuga;

Hợp thể các yếu tố hiện hữu không tồn tại trên cơ sở tự tính. Đây là một nhận thức cao cấp về tính không hơn là quan điểm Nhân vô ngã (人 無 我). Đồng nghĩa với Pháp không (法 空) và Vô tự tính (無 自 性).

Về mục lục

Pháp vương

法 王; C: fă wáng; J: hō-ō;

1. Vua của các pháp – Đức Phật; 2. Vị vua chân thực trong việc truyền bá chính pháp.

Về mục lục

Pháp vương tử trú

法 王 子 住; C: fă wángzí zhù; J: hō-ōshi jū;

Giai vị thứ 9 trong Thập trú trong 52 giai vị tu đạo của hàng Bồ Tát . Là giai vị xuất sinh trí tuệ tương ứng với giáo pháp của Đức Phật, và niềm xác tín là tương lai sẽ thành Phật.

Về mục lục

Pháp xứ

法 處; C: fă chù; J: hossho; S: dharma-āyatana.

Một trong 12 xứ theo giáo lí Duy thức . Là những gì hiện hữu ngay lúc phát sinh ý niệm. »Ý niệm«. Cảnh giới sở đối của ý niệm.

Về mục lục

Pháp xứ sở nhiếp sắc

法 處 所 攝 色; C: făchù suŏshè sè; J: hosshoshojōshiki;

Còn gọi là Đoạ pháp xứ sắc (墮 法 處 色). Theo giáo lí Pháp tướng tông , thuật ngữ này chỉ cho các sắc pháp bao gồm trong đối tượng của 6 giác quan mà không được bao hàm trong Ngũ căn (五 根) và Ngũ cảnh (五 境). Nghĩa là có những pháp đối tượng của tâm được gom vào trong sắc pháp.

Theo giáo lí Duy thức, có 5 loại bao hàm trong loại này: 1. Cực lược sắc (極 略 色): Lí giải tính chất cực nhỏ sự hiện hữu của 5 giác quan, 5 trần cảnh, tứ đại, v.v… đúng theo sự phân tích qua trí tuệ . Đây là mức độ vi tế được lí thuyết hoá qua phân tích, nhưng không thể cảm nhận được qua các giác quan. Đối tượng vật thể quá nhỏ không thể thấy được, nhưng sự hiện hữu của chúng của thể được xác nhận qua tỉ lượng (sự phân tích); 2. Cực sắc (極 色): Những hiển sắc cực kì vi tế trong phạm trù tương quan như ánh sáng, bóng tối, chói chang, u ám; và những phạm trù tương quan với vật thể như dài, ngắn, vuông tròn; 3. Thụ sở dẫn sắc (受 所 引 色): Vô biểu sắc phát sinh trong tâm mình từ kết quả thụ nhận giới pháp. (Vô biểu sắc 無 表 色 và Giới thể 戒 體). Theo học thuyết trong A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đây chỉ đơn giản là »Vô biểu sắc«, nhưng theo Duy thức, »chủng tử thiện« có được như là tâm hành ngay vào lúc thụ nhận giới pháp được gọi là »giới thể«. Nên thuật ngữ trên được hiểu là »tâm hành có được ngay khi thụ giới«. Chỉ là sắc pháp có tạm thời; 4. Định sở dẫn sắc (定 所 引 色): là sắc pháp mà các bậc thánh có thể tự tại biến hiện trong định. Khi nghĩ đến nước hoặc lửa, họ có thể tạo ra ngay. Hoặc có thể biến đất cát thành vàng bạc,v.v… 5. Biến kế sở khởi sắc (遍 計 所 起 色): trường hợp của thức thứ 6, không quan hệ gì với 5 thức trước, tương ứng với quá khứ, hoặc sinh khởi những ảo tượng như hoa đốm giữa hư không, sắc pháp này sinh khới do sức phân biệt sai lầm của thức thứ 6.

Về mục lục

Pháp Xứng

法 稱; S: dharmakīrti;

Tên của hai luận sư Phật giáo:

1. Devarakṣita Jayabahu Dharmakīrti, sống khoảng năm 1400, một Cao tăng của Phật giáo Tích Lan và tác giả của hai tác phẩm nói về sự phát triển của đạo Phật tại đây là Nikāya-saṃgrahaya và Saddharmalaṅkāraya.

2. Một trong những Luận sư quan trọng nhất của triết học đạo Phật, đại điện quan điểm của Duy thức tông (vijñānavāda) và Nhân minh học (S: hetuvidyā), sống trong thế kỉ thứ 7 (~ 600-650) tại Nam Ấn Ðộ và là môn đệ của Hộ Pháp (dharmapāla) tại Na-lan-đà (Mười đại luận sư ).

Sư sinh ra trong một gia đình theo đạo Bà-la-môn (S: brāhmaṇa) và đã tinh thông tất cả những môn học thời đó lúc còn trẻ. Sau đó, Sư bắt đầu nghiên cứu, tu học Phật pháp với tư cách của một Cư sĩ . Phật học lôi cuốn Sư đến mức Sư bỏ đạo Bà-la-môn, đến viện Na-lan-đà thụ giới cụ túc và tham học với Hộ Pháp. Các tác phẩm của Trần-na (S: dignāga, diṅnāga) tại viện Phật học này chính là yếu tố ngộ đạo của Sư. Sau khi kết thúc giai đoạn tu tập, Sư bắt đầu công việc hoằng hoá, xiển dương đạo Phật, viết nhiều luận giải, đại diện Phật giáo tham dự nhiều cuộc tranh luận. Trong những cuộc tranh luận này, Sư dùng Nhân minh học để hàng phục đối phương và trong lĩnh vực này, truyền thống Tây Tạng đặt Sư lên một địa vị cao hơn cả Trần-na. Trong những năm cuối đời mình, Sư từ bỏ việc chu du đây đó và lui về một trụ trì một Tinh xá tại Orissa (bây giờ là Kālinga) và mất tại đây.

Sử sách mô tả Sư là một người tự lực cánh sinh, căm ghét tính phàm tục của dân dã và các tăng chúng dối trá, nhưng Sư cũng được tả là một Ðại sư thiếu khiêm tốn, nếu không nói là kiêu mạn. Nhà sử học nổi tiếng của Tây Tạng là Bố-đốn (t: buston) có ghi lại một sự việc sau: Sau khi Sư viết và trình bày Lượng thích luận (S: pramāṇavarttika-kārikā) và -chú (-vṛtti), nhiều người không hiểu nổi. Những người hiểu được thì trở nên ganh tị, tuyên bố rằng, tác phẩm này không đúng. Họ lấy dây buộc bài luận này vào lưng một con chó và cho nó chạy rong ngoài đường, với kết quả là những trang (lá bối) của luận này bay tung toé khắp nơi. Thấy cảnh tượng này, Sư tuyên bố rằng: »con chó sẽ chạy đến khắp nơi và truyền bá tác phẩm này toàn thế giới«.

Những lời sau đây của Sư còn được lưu lại: »Loài người có những đặc tính, tư tưởng rất phàm; họ không hướng vào nội tâm để tìm lấy cái tinh hoa, cốt tuỷ. Không chú ý đến những lời dạy của Thiện tri thức đối với họ chưa đủ, họ còn phát lòng thù ghét và ganh tị. Vì vậy mà ta cũng chẳng viết cho họ. Tuy thế, tâm của ta đã có được niềm an vui khi viết tác phẩm này bởi vì qua nó, lòng quý trọng thiền định thâm sâu vượt qua mọi ngôn ngữ của ta đã được bù đáp.«

Sư viết nhiều luận giải nhưng quý giá hơn hết là các tác phẩm về Nhân minh học Phật giáo. Trong lĩnh vực này, truyền thống Tây Tạng có giữ lại bảy tác phẩm của Sư, được gọi chung là Pháp Xứng nhân minh thất bộ, là luận lí học nền tảng của Phật giáo Tây Tạng (tất cả đều chưa được dịch ra Hán ngữ).

Bảy tác phẩm chính về Nhân minh học của Sư là: 1. Quan tướng thuộc luận (saṃbandhaparīkṣāpra-karaṇa), chỉ còn bản Tạng ngữ; 2. Lượng quyết định luận (pramāṇaviniścaya), chỉ còn bản Tạng ngữ. Bộ luận này được chia làm 3 phần với chủ đề thụ tưởng, kết luận và trình bày phương pháp suy diễn ba đoạn (e: syllogism). Luận này được xem là bản nhỏ của Lượng thích luận vì hơn nửa phần được trích ra từ đây; 3. Lượng thích luận (pramāṇavarttika-kārikā), luận quan trọng nhất, chú giải Tập lượng luận (pramāṇasamuccaya) của Trần-na (dignāga); 4. Chính lí nhất đích luận (nyāyabindu-prakaraṇa); 5. Nhân luận nhất đích luận (hetubindu-nāma-prakaraṇa), bản Tạng ngữ có, bản Phạn ngữ mới được tìm thấy. Bộ luận này được chia làm 3 phần, giảng giải về ba đoạn của suy luận; 6. Luận nghị chính lí luận (vādanyāya-nāma-prakaraṇa), chỉ còn bản Tạng ngữ, nói về cách tranh luận với địch thủ; 7. Thành tha tướng thuộc luận (saṃtānāntarasiddhi-nāma-prakaraṇa), triết luận chống đối quan niệm Duy ngã và nói về »sự thật« của ý nghĩ người khác;

Về mục lục

Pháp y

法 衣; J: hō'e;

Danh từ dùng chỉ áo Ca-sa của một vị tăng tu học Phật pháp . Trong Thiền tông thì pháp y chính là biểu hiện của việc »Dĩ tâm truyền tâm« trong hệ thống truyền thừa của các vị Tổ sư, bắt nguồn từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni (S: śākyamuni). Tại Trung Quốc, pháp y được các vị Tổ sư truyền cho nhau làm một dấu hiệu của sự Ấn khả .

Về mục lục

Phạp đạo

乏 道; C: fádào; J: bōdō;

Tiếng Hán dịch từ chữ samaṇa của tiếng Pa-li hoặc śramaṇa từ tiếng Phạn . Xem Sa-môn (沙 門).

Về mục lục

Phát

發; C: fā; J: hotsu, hatsu

1. Nảy sinh ra, xuất hiện, khởi phát (起). Trổ hoa; 2. Sinh ra (生); 3. Bắn ra (một mũi tên v.v...); đi, đi ra (xuất 出). Phát ra, rời đi; 4. Mở ra, hiển bày (những gì bị ẩn dấu, 顯). Làm cho hiện ra (hiện 現); 5. Bắt đầu.

Về mục lục

Phát bồ-đề tâm

發 菩 提 心; C: fā pútíxīn; J: hotsu bodaishin

Chỉ sự quyết định đạt Bồ-đề bằng con đường của một vị Bồ Tát . Một thệ nguyện xuất phát từ Ðại tín cănÐại nghi đoàn .

Về mục lục

Phát dương

發 揚; C: fāyáng; J: hotsuyō

Làm cho mọi người được biết rộng rãi; lan truyền, truyền bá.

Về mục lục

Phát đắc

發 得; C: fā dé; J: hottoku

Phát ra, hay đạt được trí tuệ , thiền định v.v... trong chính mình.

Về mục lục

Phát huy

發 揮; C: fāhuī; J: hokki

1. Truyền bá giáo pháp; 2. Giảng giải nghĩa lí giáo pháp; 3. Bày tỏ, thể hiện, thực hiện. Biểu thị, làm sáng tỏ, phát triển.

Về mục lục

Phát minh

發 明; C: fāmíng; J: hotsumyō

1. Làm sáng tỏ, làm cho sáng sủa dễ hiểu; 2. Sáng chế ra. Giảng giải.

Về mục lục

Phát nghiệp

發 業; C: fāyè; J: hotsugō

Gây ra nghiệp, tạo tác.

Về mục lục

Phát nguyện

發 願; C: fāyuàn; J: hotsugan

Phát khởi tâm nguyện (cứu độ tất cả chúng sinh). Phát khởi tâm nguyện đạt đến giác ngộ, hoặc vãng sinh Tịnh độ.

Về mục lục

Phát quang địa

發 光 地; C: fāguāngdì; J: hotsukōchi

Giai vị phát ra ánh sáng (S: prabhākarī). Địa thứ 3 trong Thập địa trong pháp tu của hàng Bồ Tát .

Về mục lục

Phát tâm

發 心; C: fā xīn; J: hosshin

1. Sự khởi phát của tư duy hoặc ý nguyện chân thành, nghiêm túc để đạt giác ngộ, đặc biệt là vì lợi ích của chúng sinh (S: bodhicitta-samutpāda). Viết tắt của Phát bồ-đề tâm (發 菩 提 心).

Về mục lục

Phát tâm trú

發 心 住; C: fāxīn zhù; J: hosshinjū

Giai vị đầu tiên trong Thập trú. Giai vị Thập tín nhất thời nhập vào Tính không đã hoàn mãn, trí tuệ vô lậu chân chính phát sinh, tâm an trú trong thể tính chân như cứu cánh.

Về mục lục

Phát tâm tu hành chương

發 心 修 行 章; C: fāxīn xiūxíng zhāng; J: hosshin shugyō shō

Tác phẩm của Nguyên Hiểu (元 曉; k: wŏnhio).

Về mục lục

Phát thú vị

發 趣 位; C: fāqùwèi; J: hosshui

Vị trí bắt đầu tu tập.

Về mục lục

Phát trí luận

發 智 論; C: fāzhì lùn; J: hotsuchiron

A-tì-đạt-ma Phát trí luận (阿 毘 達 磨 發 智 論).

Về mục lục

Phạt

罰; C: fá; J: batsu

1. Tội, tội ác; sự phạm tội; 2. Trừng phạt. Làm cho trong sạch. Sự trừng phạt.

Về mục lục

Phạt-na Bà-tư

伐 那 婆 斯; C: fánàpósī; J: banabashi; S: vanavasin.

Tên của một trong 16 vị A-la-hán, nguyện ở lại thế gian này để đảm nhiệm việc truyền bá chính pháp.

Về mục lục

Phạt-tô-mật-đa-la

伐 蘇 蜜 多 羅; C: fásūmìduōluó; J: bassomittara;

Phiên âm từ chữ Phạn Vasumitra, dịch sang Hán ngữ là Thế Hữu (世 友).

Về mục lục

Phạt-xà-la Phất-đa-la

伐 闍 羅 弗 多 羅; C: fádūluófúduōluó; J: batoraputara; S: vajraputra.

Tên của 1 trong 16 vị A-la-hán, nguyện ở lại thế gian này để đảm nhiệm việc truyền bá chính pháp.

Về mục lục

Phẩm

品; C: pǐn; J: hin, hon;

Có các nghĩa sau: 1. Thuộc về một thứ lọai nào đó; 2. Loại, hạng, phạm trù, thứ, loài; 3. Sự phân loại, mức độ; 4. Một phần của tác phẩm, chương, đoạn (S: parivarta, patala, varga). Varga được phiên âm là bạt-cừ (跋 渠).

Về mục lục

Phẩm loại

品 類; C: pǐnlèi; J: honrui;

Loại, hạng, phạm trù, thứ, loài.

Về mục lục

Phân, phần, phận

分; C: fēn; J: fun, bun;

Có các nghĩa sau: 1.Chia, cắt ra, phân ra; 2. Bị chia cắt; 3. Phân biệt; 4. Phần việc. Phần việc của một người trong đời sống. theo ý nghĩa cá tính hoặc thiên hướng.

Ý nghĩa trong Phật họC: 1. Khoảnh khắc thời gian nhỏ (thời phần; S: kala); 2. Một nhánh, một chi phần (S: anga). Một phần trong Tam đoạn luận Phật giáo (Nhân minh luận; S: hetu-vidyā; 因 明); 3. Một trong Mười hai nhân duyên ; 4. Một phần (S: ava-yāna); 5. Cục bộ, thiên vị; 6. Một phương diện theo kinh Hoa Nghiêm; 7. Sự phân định, sự phán quyết.

Về mục lục

Phân biệt

分 別; C: fēnbié; J: funbetsu;

Có các nghĩa sau: 1. Sự phán quyết, sự kết luận (đối với hiện tượng ngoại giới; P: vinicchaya). Thuật ngữ này thường dùng với ý nghĩa chê bai, liên quan đến các tâm hành có tính thiên vị và cục bộ gây chướng ngại cho tính dụng của tâm giác ngộ. Suy nghĩ với sự phân biệt (S: vikalpa, kalpana); 2. Bất đồng ý kiến, tranh luận, không tán thành (P: vivadati); 3. Sự thụ kí của đức Phật cho một đệ tử sẽ được thành Phật trong tương lai; 4. Luận nghị (論 議; S: upadeśāh), một trong 9 (hay 12) thể loại trong kinh văn Phật giáo; 5. Phân loại, chia ra từng phần, giải quyết được, sắp xếp; 6. Sự phân tích, sự phân huỷ, sự phân biệt, sự khác nhau (S: vibhāga, lakṣayati); 7. Trong nghĩa tích cực, là phân biệt rõ chính với tà, chính pháp và tà thuyết.

Về mục lục

Phân biệt bộ

分 別 部; S: vibhajyavādin;

Một bộ phái Tiểu thừa , tách ra từ Trưởng lão bộ (S: sthavira, P: theravāda) khoảng 240 năm trước Công nguyên. Từ bộ này lại xuất phát ra Thượng toạ bộ , Ẩm Quang bộ và Hoá địa bộ (xem biểu đồ của các bộ phái cuối sách).

Về mục lục

Phân biệt chướng

分 別 障; C: fēnbié zhàng; J: funbetsushō;

Chướng ngại do phân biệt. Là Phiền não chướng (煩 惱 障) và Sở tri chướng (所 知 障) sinh khởi từ ý thức phân biệt. Vì phân biệt là chức năng của thức thứ 6 nên Phân biệt chướng sinh khởi từ thức đó. Nó sinh khởi do tà sư, tà thuyết, hay là tà kiến. Phân biệt khởi (分 別 起).

Về mục lục

Phân biệt du-già luận

分 別 瑜 伽 論; C: fēnbié yúqié lùn; J: funbetsuyugaron;

Được xem là một tác phẩm của Bồ Tát Di-lặc (彌 勒), Thế Thân (世 親) luận giải. Là 1 trong 11 bộ luận của Pháp tướng tông, nhưng chưa được dịch sang Hán văn.

Về mục lục

Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn kinh

分 別 縁 起 初 勝 法 門 經; C: fēnbié yuànqǐ chūshèng fǎmén jīng; J: funbetsu engi shoshō hōmon kyō; S: vikalpa-pratītya-samutpāda-dharmottara-praveśa-sūtra.

Kinh, 2 quyển, Huyền Trang dịch tại chùa Đại Từ Ân năm 650. Đây là bài thuyết pháp về Mười hai nhân duyên .

Về mục lục

Phân biệt khởi

分 別 起; C: fēnbiéqǐ; J: funbetsuki;

Phiền não sinh khởi từ phân biệt. Phiền não sinh khởi sau khi xuất sinh trong thế gian này, tùy thuộc vào những tà kiến mà người ta đã ôm ấp do y cứ vào giáo lí sai lầm… Những phiền não này sẽ được giải trừ khi qua giai vị Kiến đạo. Phiền não này khác với Câu sinh khởi (倶 生 起) và Nhậm vận khởi (任 運 起).

Về mục lục

Phân biệt kinh

分 別 經; C: fēnbié jīng; J: funbetsu kyō;

Tên gọi tắt của kinh Phật thuyết A-nan phân biệt (佛 説 阿 難 分 別 經).

Về mục lục

Phân biệt lực

分 別 力; C: fēnbiélì; J: bunbetsuriki;

Năng lực nhận biết, năng lực phán đoán (theo Nhị chướng nghĩa 二 障 義).

Về mục lục

Phân biệt sự thức

分 別 事 識; C: fēnbié shìshì; J: funbetsu jishiki;

1. Thức phân biệt các hiện tượng khác nhau (S: vastu-prativikalpa-vijñāna); 2. Thức thứ 6, ý thức (意 識; S: mano-vijñāna).

Về mục lục

Phân biệt thức

分 別 識; C: fēnbiéshì; J: funbetsushiki;

Đồng nghĩa với thức thứ 6, Ý thức (意 識).

Về mục lục

Phân biệt tính

分 別 性; C: fēnbié xìng; J: funbetsushō;

Bản tính y theo tâm phân biệt (S: parikalpita-svabhāva). Đồng nghĩa với Biến kế sở chấp tính (遍 計 所 執 性; S: parikalpita-svabhāva).

Về mục lục

Phân đoạn

分 段; C: fēnduàn; J: bundan;

Có hai nghĩa: 1. Sự phân chia, sự phân biệt (S: pariccheda); 2. Những khía cạnh khác nhau của một lí thuyết đơn độc.

Về mục lục

Phân đoạn sinh tử

分 段 生 死; C: fēnduàn shēngsǐ; J: bundanshōji;

Có hai nghĩa: 1. Việc sống chết mà hàng phàm phu phải trôi lăn trong cõi giới vô minh này. Sự luân hồi trong một thân xác và cuộc sống tiên định; 2. Phần đoạn sinh tử. Dạng sinh tử luân hồi của hàng phàm phu, khác với Biến dị sinh tử (變 易 生 死), dạng luân hồi mà hàng Bồ Tát trải qua.

Về mục lục

Phân giải

分 解; C: fēnjiě; J: bunkai;

Phân tích, chia thành từng phần, sự phân tích, tháo dỡ hết vật che đậy bên ngoài, sự phân huỷ, sự giải tán, sự giảm trừ.

Về mục lục

Phân giới

分 界; C: fēnjiè; J: bunkai;

Sự phân định ranh giới, giới tuyến, ranh giới, biên giới.

Về mục lục

Phân lượng

分 量; C: fēnliàng; J: bunryō;

Có hai nghĩa: 1. Số lượng, mức độ, phạm vi; 2. Trọng lượng.

Về mục lục

Phân minh

分 明; C: fēnmíng; J: bunmyō;

Thấy một cách rõ ràng. Rõ ràng (S: vyakta, vispasta).

Về mục lục

Phân tế

分 際; C: fēnjì; J: bunzai;

Có ba nghĩa: 1. Sự phân biệt; 2. Sự giới hạn, cực độ; 3.Trạng thái, chi tiết.

Về mục lục

Phân tề

分 齊; C: fēnqí; J: bunzai;

Có các nghĩa sau: 1. Sự khác nhau, sự phân biệt; 2. Mức độ, giới hạn, phạm vi, lĩnh vực (S: pariccheda, pravibhāga); 3. Trạng thái, tình trạng sự việc, điều kiện; 4. Ranh giới giữa 2 làng.

Về mục lục

Phân thân

分 身; C: fēnshēn; J: bunjin;

Có nghĩa là »phân chia thân«, là hoá thân của đức Phật để giáo hoá và cứu độ chúng sinh.

Về mục lục

Phân tích quán

分 析 觀; C: fēnxī guān; J: bunshakukan;

Pháp quán sát bằng phân tích.

Về mục lục

Phân tích thân phần

P: dhātu-vavatthāna;

Một trong 40 phép tu tập được trình bày trong Thanh tịnh đạo (P: visuddhi-mag-ga) của Ðại sư Phật Âm (S: buddhaghoṣa). Theo phương pháp này, hành giả trong tâm phân thân ra những phần tử và nhận thức được rằng, thân thể chẳng qua là sự tổng hợp của Tứ đại chủng , đó là Ðịa, Thuỷ, Hoả, Phong. Từ đó kiến chấp Ngã bị tiêu diệt.

Ẩn dụ sau đây được ghi lại trong Thanh tịnh đạo (XI, 2) để mô tả cách tu tập này:

»Ngoài ra, này chư tăng, một tỉ-khâu quán chính cái thân thể này trong mọi tư thế và phân nó ra theo từng bộ phận: ›Ở thân phần này ta tìm thấy yếu tố đất, yếu tố nước, yếu tố lửa, yếu tố gió.‹ Giống như một đồ tể hoặc người phụ tá của ông – sau khi ông ta mổ một con bò và phân nó ra thành nhiều phần rồi ngồi đợi (bán) ở ngã tư đường, cũng như vậy, này chư tăng, một tỉ-khâu phân chia chính cái thân thể này trong bất cứ tư thế nào ra thành tứ đại chủng… Người đồ tể – kẻ đã nuôi con bò lớn, dẫn đến nơi làm thịt, trói lại, để đấy rồi làm thịt – ông ấy không bao giờ thoát khỏi ý nghĩ ›Bò‹ nếu ông ta chưa mổ và phân nó ra thành từng miếng. Nhưng khi ông ta đã phân nó ra thành từng miếng và ngồi đó thì ông ta không còn mang theo ý nghĩ ›Bò‹, và thay vào đó là ý nghĩ ›Thịt‹. Ông ta không mang những ý nghĩ như ›Tôi bán một con bò‹ hoặc ›Người ta mua một con bò.‹ Cũng như thế, thâm tâm của một tỉ-khâu – khi vị này còn là một Phàm phu , có nhà hoặc không nhà – không thoát khỏi ý nghĩ ›Tự ngã‹ hoặc ›Một người nam‹ hoặc ›Cá nhân‹, cho đến khi vị này phân ngay chính cái thân này trong bất cứ tư thế nào ra thành từng phần và quán từng yếu tố. Nhưng khi vị này đã phân cái thân này ra thành từng phần và yếu tố thì sẽ thoát khỏi ý nghĩ ›Tự ngã‹, tâm của vị này sẽ dần dần vững chắc trong lúc quán các yếu tố.«

Về mục lục

Phân tướng môn

分 相 門; C: fēn xiāng mén; J: funsōmon;

Nhất thừa là tuyệt đối, là độc lập. »Phương diện riêng biệt« của Nhất thừa .

Về mục lục

Phần

焚; C: fén; J: fun

Đốt, nấu nướng.

Về mục lục

Phần Châu Vô Nghiệp

汾 州 無 業; C: fénzhōu wuýè; 760-821;

Thiền sư Trung Quốc, pháp tự của Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư.

Sư họ Ðỗ, quê ở Thượng Lạc, Thương Châu, theo học kinh luận lúc lên chín và xuất gia lúc mười hai tuổi. Nghe tiếng Mã Tổ, Sư tìm đến tham học. Mã Tổ thấy Sư tướng mạo kì đặc, tiếng nói thanh như chuông bèn bảo: »Phật đường to lớn mà trong ấy không có Phật.« Sư lễ bái quì thưa: »Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe Thiền môn ›Tức tâm là Phật‹ thật chưa hiểu thấu.« Tổ bảo: »Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.« Sư hỏi: »Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?« Tổ bảo: »Ðại đức chính đang ồn, hãy đi, khi khác lại!« Sư vừa quay đầu đi, Tổ gọi: »Ðại đức!« Sư xoay đầu lại, Tổ hỏi: »Là cái gì?« Ngay đây Sư lĩnh hội, quì lễ bái. Tổ bảo: »Kẻ độn, lễ bái làm gì!«

Sau khi ngộ huyền chỉ, Sư diêu du đây đó và sau dừng tại Tinh xá Khai Nguyên, Tây Hà tuỳ duyên hoằng hoá. Khi đáp những câu hỏi của thiền khách, Sư thường nói: »Chớ vọng tưởng!« (莫 妄 想; mạc vọng tưởng). Vua nhiều phen thỉnh Sư nhưng Sư lúc nào cũng từ chối không đến. Sau có hai vị quyết tâm thỉnh Sư đi cho bằng được, Sư chúm chím cười đáP: »Bần đạo có đức gì làm phiền Thế chủ. Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng.« Sau khi sứ giả về, Sư tắm gội, nửa đêm bảo đệ tử vào khuyên: »Các ngươi! Tính thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sinh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết, tâm tính vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như kim cương không thể phá hoại. Tất cả như bóng vang không có thật. Cho nên kinh nói: ›Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thỉ chẳng chân.‹ Thường hiểu tất cả thông, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thật hành.« Nói xong Sư ngồi kết già thị tịch, thọ 62 tuổi, 42 tuổi hạ. Lễ trà tì có mây năm sắc, hương thơm lạ bốn phương. Vua sắc phong là Ðại Ðạt Quốc sư, tháp hiệu Trừng Nguyên.

Về mục lục

Phần Dương Thiện Chiêu

汾 陽 善 昭; C: fényáng shànzhāo; J: hun'yo zenshō; 947-1024;

Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế , môn đệ của Thủ Sơn Tỉnh Niệm và thầy của Thạch Sương Sở Viên . Tương truyền rằng, Sư tham vấn rất nhiều Thiền sư để học hỏi cho được tất cả tinh hoa của Thiền tông trong thời kì suy tàn. Vì vậy, những nét đặc biệt của những tông khác đều được tông Lâm Tế hấp thụ và lưu truyền. Sư cũng là một trong những Thiền sư đầu tiên trứ tác những bài kệ tụng lời nói dạy của các vị Tiên sư (xem thêm dưới Tuyết Ðậu Trọng Hiển , Trí Môn Quang Tộ ).

Sư họ Du, quê ở Thái Nguyên. Lúc nhỏ Sư đã có thái độ thâm trầm, trí tuệ siêu việt. Vì cha mẹ mất sớm nên Sư xuất gia và du phương. Trước, Sư tham vấn nhiều vị Thiền sư nhưng chưa ngộ ý chỉ. Ðến Thiền sư Thủ Sơn. Sư hỏi: »Bách Trượng cuốn chiếu, ý chỉ thế nào?« Thủ Sơn đáP: »Áo rồng vừa phất toàn thể hiện.« Sư hỏi: »Ý thầy thế nào?« Thủ Sơn đáP: »Chỗ voi đi bặt dấu chồn.« Nghe câu này, Sư thông suốt. Sau, theo lời thỉnh của chúng, Sư về chùa Thái Bình ở Phần Dương. Ở đây, Sư ba mươi năm không rời cổng, đức hạnh vang xa.

Có vị quan quen với Sư, thỉnh Sư trụ trì một ngôi chùa nhưng Sư vẫn từ chối. Ông lại sai sứ giả đi thỉnh lần nữa, sứ giả nói: »Quyết thỉnh thầy cùng đi, nếu thầy không đi, tôi liều chết thôi.« Sư cười bảo: »Bởi nghiệp già không thể xuống núi, giả sử đi phải có trước sau, tại sao lại quyết đồng?« Sư sửa soạn hành lí, hỏi các đệ tử có ai muốn đi theo. Vị đầu ra nói được, Sư hỏi: »Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?« Vị này trả lời: »Năm mươi dặm.« Sư nói không được. Vị thứ hai ra nói 70 dặm, Sư cũng nói không được. Thị giả ra nói: »Con đi theo được, chỉ Hoà thượng đi đến đâu con đi đến đó.« Sư bảo: »Ngươi đi theo được.« Nói xong Sư bảo: »Ta đi trước nghe!« và dừng lại ngồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo. Sư thọ 78 tuổi.

Về mục lục

Phần Dương Vô Đức Thiền sư ngữ lục

汾 陽 無 徳 禪 師 語 録; C: fényáng wúdéchánshī yŭlù; J: funyō mutoku zenshi goroku;

Ngữ lục của Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu , Thạch Sương Sở Viên (楚 圓) biên soạn.

Về mục lục

Phần thiêu

焚 燒; C: fénshāo; J: funshō

1. Thiêu cháy; đốt cháy; 2. Hán dịch chữ homa trong tiếng Phạn. Hộ-ma (護 摩).

Về mục lục

Phất tử

拂 子; J: hossu; S: camāra; cũng gọi là Phất trần;

Cây đuổi ruồi, có truyền thống từ các vị Sa-môn tại Ấn Ðộ. Phất tử được dùng để đuổi ruồi và các côn trùng biết bay để chúng khỏi bị đạp. Phất tử nguyên là một khúc gỗ, được gắn một chùm lông đuôi ngựa ở một đầu. Trong những thiền viện tại Trung Quốc thời xưa, chỉ có vị trụ trì trong viện mới được sử dụng phất tử và các vị này sử dụng nó như là một phương tiện khai thị cho môn đệ. Phất tử trở thành một biểu tượng của »Dĩ tâm truyền tâm« trong Thiền tông và cũng được các Thiền sư truyền lại cho môn đệ xuất sắc nhất.

Về mục lục

Phật

佛; S, P: buddha; T: sangs rgyas;

Dạng viết tắt của chữ Phật-đà, dịch âm của từ Buddha ra Hán ngữ, cũng được gọi là Bụt, dịch nguyên nghĩa là Bậc giác ngộ, Giác giả. Danh từ Phật có nhiều nghĩa:

1. Phật là người đã dứt khỏi Luân hồi (S: saṃsāra), đạt Giác ngộ hoàn toàn, đạt giải thoát (Niết-bàn ). Nội dung quan trọng nhất của giáo pháp giác ngộ là Tứ diệu đế . Phật là người đã vượt qua mọi tham Ái (S: tṛṣṇā; P: taṇhā), là người biết phân biệt hay dở tốt xấu nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi chết, một vị Phật không còn tái sinh.

Người ta phân biệt hai quả vị Phật: Ðộc giác Phật (S: pratyeka-buddha), là người hoàn toàn giác ngộ, nhưng không giáo hoá, và Tam-miệu Tam-phật-đà, dịch ý là Bậc Chính đẳng chính giác, (S: samyak-saṃbuddha) là người giáo hoá chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Một vị Tam-miệu Phật là một vị đạt Nhất thiết trí (S: sarvajñatā), Mười lực (S: daśabala), chứng Bốn tự tín . Vị Phật của thời đại chúng ta là Thích-ca Mâu-ni . Ðức Thích-ca – một nhân vật lịch sử – không phải là vị Phật đầu tiên và duy nhất. Trong những kinh Tiểu thừa nguyên thuỷ, người ta đã nhắc các vị Phật trong các thời đại trướC: Tì-bà-thi (S: vipaśyin; P: vipassi), Thi-khí (S: śikin; P: sikhī), Tì-xá-phù (S: viśvabhū, P: vessabhū), Ca-la-ca-tôn-đại (S: krakuccanda, P: kakusandha), Câu-na-hàm (s, P: konagāmana) và Ca-diếp (S: kāśyapa, P: kassapa). Vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai để tiếp tục hoằng pháp là Di-lặc (S: maitreya, P: metteyya). Trong kinh sách, người ta còn nhắc đến 13 vị Phật khác mà vị quan trọng nhất là Nhiên Ðăng (s, P: dīpaṅkara). Trong thời quá khứ, Phật Thích-ca là người tu khổ hạnh mang tên Thiện Huệ (sumedha), đệ tử của Nhiên Ðăng Phật. Lịch sử các vị Phật được ghi trong Tiểu bộ kinh (P: khuddaka-nikāya).

Bắt đầu con đường tiến lên Phật quả, một vị Bồ Tát phát nguyện trước một vị Phật, quyết tâm thành đạo giác ngộ. Trải qua vô lượng kiếp, vị Bồ Tát đó thực hành mười hạnh Ba-la-mật-đa . Trước khi sinh lần cuối, vị đó thường giáo hoá ở cung trời Đâu-suất (S: tuṣita). Khi sinh lần cuối vị Phật sẽ mang trong người Ba mươi hai tướng tốt , 80 vẻ đẹp khác cũng như đã đạt 37 Bồ-đề phần. Các vị Phật khi sinh ra thì mẹ của các Ngài sẽ chết bảy ngày sau đó. Lúc lớn lên, đến thời kì thích hợp, các vị Phật sẽ sống không nhà và sau khi giác ngộ sẽ thành lập Tăng-già. Lúc đức Phật nhập Niết-bàn là cũng là lúc chấm dứt quá trình đạt đạo.

2. Nhân vật lịch sử Thích-ca Mâu-ni . Ngài sinh năm 563 trước Công nguyên, con trai của một tiểu vương của dòng họ Thích-ca (S: śākya), ngày nay thuộc nước Nepal, gần Hi-mã-lạp sơn. Tên thật Ngài là Tất-đạt-đa (S: siddhārtha), thuộc họ Cồ-đàm (S: gautama; P: gotama), vì vậy cũng có người gọi là Phật Cồ-đàm. Sau quá trình tu hành đạt đạo, Ngài mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni – »Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca.« Nhằm phân biệt đức Phật lịch sử với Phật tính (xem phần 3), người ta nên gọi rõ là Phật Thích-ca.

3. Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Tiểu thừa chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này là phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hoá, thì phái Ðại thừa cho rằng có vô số đức Phật được biểu hiện khác nhau. Theo quan điểm Ba thân (S: trikāya) của Ðại thừa thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như .

Các dạng siêu việt của Phật tính, Chân như (xem Phật gia ) được kể là các vị Phật A-di-đà , Ðại Nhật , Bảo Sinh , Bất Ðộng, Bất Không Thành Tựu , Kim cương Tát-đoá. Các vị này là thầy của các vị Bồ Tát và là giáo chủ của các Tịnh độ . Các dạng Phật-đà siêu việt của Chân như đều có tính chất siêu thế gian, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, toàn năng, vô lượng thọ. Theo quan điểm Ba thân thì Báo thân Phật (S: saṃbhogakāya) chính là hình ảnh lí tưởng của các vị Bồ Tát tự tạo nên để theo đó mà tu học. Báo thân lại chính là Chân tâm của Ứng thân (hay Hoá thân; S: nirmāṇakāya), là thân của Phật có dạng con người sống trên địa cầu. Khoảng năm 750 sau Công nguyên, sau khi Kim cương thừa ra đời thì trong các trường phái Ðại thừa cũng chấp nhận ngoài Pháp thân (dharmakāya) có thêm năm vị Phật chuyển hoá từ Pháp thân đó, được gọi là Ngũ Phật hay Phật gia , vì mỗi một vị Phật đó được xem có thêm một vị Phật lịch sử (từng sống trên địa cầu) và một vị Bồ Tát đi kèm: 1. Cùng với Phật Ðại Nhật là vị Ca-la-ca-tôn-đại (S: krakuccanda) và Bồ Tát Phổ Hiền (S: samantabhadra), 2. Cùng với Phật Bất Ðộng (S: akṣobhya) là vị Ka-na-ca Mâu-ni (S: kanakamuni) và Bồ Tát Kim Cương Thủ (S: vajrapāṇi), 3. Cùng với Phật Bảo Sinh là vị Phật lịch sử Ca-diếp (S: kāśyapa) và Bồ Tát Bảo Thủ (S: ratnapāṇi), 4. Cùng với Phật Bất Không Thành Tựu là vị Phật Di-lặc và Bồ Tát Phổ Chùy Thủ (S: viśvapāṇi), 5. Cùng với Phật A-di-đà là đức Thích-ca Mâu-ni và Bồ Tát Quán Thế Âm (S: avalokiteśvara).

4. Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối, cuối cùng của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, không thể nghĩ bàn, là bản thể không hề biến hoại của Phật tính.«

Về mục lục

Phật Âm

佛 音; C: fóyīn; J: button; S: buddhaghoṣa; P: buddhagosa; tk. 4;

Một Ðại luận sư của Thượng toạ bộ (P: theravāda). Sư sinh trong một gia đình Bà-la-môn tại Ma-kiệt-đà (magadha), gần Giác Thành (bodh-gayā). Sau khi đọc kinh sách đạo Phật, Sư theo Phật giáo , đi Tích Lan học giáo lí của Thượng toạ bộ dưới sự hướng dẫn của Tăng-già Ba-la (P: saṅghapāla thera). Sư viết 19 bài luận văn về Luật tạng (s, P: vinayapiṭaka) và về các Bộ kinh (P: nikāya). Tác phẩm chính của Sư là Thanh tịnh đạo (P: visuddhi-magga), trình bày toàn vẹn quan điểm của phái Ðại tự (P: mahāvihāra) trong Thượng toạ bộ.

Về mục lục

Phật ba thời

Hán Việt: Tam thế Phật (三 世 佛);

Tam thế Phật .

Về mục lục

Phật bản hạnh tán

佛 本 行 讚; C: fó běnxíng zàn; J: butsu hongyō san;

Phật sở hạnh tán (佛 所 行 讚).

Về mục lục

Phật bản hạnh tập kinh

佛 本 行 集 經; C: fó běnxíng jíjīng; J: butsu hongyō shūkyō; S: abhiniṣkramaṇa-sūtra.

Kinh; Xà-na-quật-đa (闍 那 崛 多) dịch, gồm 60 quyển. Trình bày lịch sử đầy đủ nhất của đức Phật tiện dụng cho người Trung Hoa, bao gồm cả tiểu sử các đệ tử lớn của đức Phật.

Về mục lục

Phật cảnh giới

佛 境 界; C: fójìngjiè; J: bukkyōkai;

Cõi Phật, cảnh giới Phật, đất Phật…

Về mục lục

Phật cốt

佛 骨; C: fógǔ; J: bukkotsu;

Phần xương (tinh tuý) của đức Phật còn lưu lại sau khi trà tì. Thường gọi là Xá-lợi (舎 利), phiên âm từ tiếng Phạn śarīra.

Về mục lục

Phật-đà

佛 陀; C: fótuó; J: budda; S: buddha.

Có các nghĩa sau: 1. Tiếng Hán phiên âm từ chữ Buddha của tiếng Phạn , có nghĩa là »tỉnh thức, giác ngộ« hoặc »người tỉnh thức, người giác ngộ«. Hầu hết những tác giả và nhà phiên dịch gọi ngắn lại là Phật; 2. Hai chữ này cũng là phần đầu pháp danh của nhiều Cao tăng ở Ấn Độ và vùng Trung Á.

Về mục lục

Phật-đà Bạt-đà-la

佛 陀 跋 陀 羅; C: fótuóbátuóluó; J: buddabaddara; S: buddhabhadra.

Có các nghĩa sau: 1. Cao tăng, sinh ở thành Ca-tì-la-vệ (S: Kapilavastu), đến Trung Hoa năm 408. Sư là người phiên dịch đầu tiên kinh Hoa Nghiêm (60 quyển) và kinh Quán Phật Tam-muội hải (觀 佛 三 昧 海 經); Giác Hiền ; 2. Tên vị đệ tử của Dharmakoṣa, người mà Huyền Trang gặp ở Ấn Độ năm 630-640.

Về mục lục

Phật-đà Đa-la

佛 陀 多 羅; C: fótuóduōluó; J: buddatara, S: buddhatrāta.

Tên được ghi ở cuối kinh Viên Giác (圓 覺 經), như là dịch giả của kinh này. Thực tế vấn đề này còn đáng ngờ, vì dường như khá rõ ràng là kinh được soạn ở Trung Hoa. Tên Phật-đà Đa-la cũng dường như không thấy có sự tương quan với những bộ kinh khác.

Về mục lục

Phật-đà Ðạt-đa

佛 陀 達 多; P: buddhadatta; dịch nghĩa là Phật Thọ;

Luận sư của Thượng toạ bộ (P: theravāda), sống trong thế kỉ thứ 4-5. Sư sinh tại Tích Lan và viết các tác phẩm của mình tại A-nu-ra-đa-pu-ra (anurādhapura). Sư viết nhiều bài luận về Luật tạng (s, P: vinaya-piṭaka), Tiểu bộ kinh (P: khuddaka-nikāya) và tác phẩm quan trọng nhất là Nhập a-tì-đạt-ma luận (P: abhidhammāvatāra), luận giải A-tì-đạt-ma (P: abhidhamma), trình bày quan điểm của Thượng toạ bộ một cách ngắn gọn, rõ ràng.

Về mục lục

Phật-đà Già-da

佛 陀 伽 耶; C: fótuóqiéyé; S: buddhagayā.

Địa danh, được ghi nhận là nơi Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo. Phát âm theo tiếng Hindi mới là Bodhgayā. Ở vào khoảng 10km về hướng Nam của thành phố Gaya hiện đại ngày nay trong vùng Biharu.

Về mục lục

Phật-đà Phiến-đa

佛 陀 扇 多; C: fótuóshànduō; J: buddasenta; S: buddhaśānta.

Tên người, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Giác Định (覺 定). Người miền Bắc Ấn Độ, sang Trung Hoa năm 511 thời Bắc Nguỵ, ở đây sư cùng với Bồ-đề Lưu-chi (菩 提 流 支; S: bodhiruci) và Lặc-na Ma-đề (勒 那 摩 提; S: ratnamati) dịch Thập địa kinh luận (十 地 經 論; S: daśabhūmika-śāstra). Sau sư trú tại chùa Bạch Mã, dịch Nhiếp Đại thừa luận (攝 大 乘 論; S: mahāyāna-saṃgraha) và một số kinh luận khác. Ngày sinh, ngày mất của sư không rõ.

Về mục lục

Phật-đà-tiên

佛 駄 先; C: fótuóxiān; J: buddasen; S: buddhasena.

Phật-đại-tiên (佛 大 先).

Về mục lục

Phật-đà Tư-na

佛 陀 斯 那; C: fótuósīnà; J: buttashina; S: buddhasena.

Phật-đại-tiên (佛 大 先).

Về mục lục

Phật-đại-tiên

佛 大 先; C: fódàxiān; J: butsudaisen; S: buddhasena.

Luận sư của phái Hữu bộ, sống vào thế kỉ thứ 5, ở nước Kế Tân (罽 賓 國; kashmir). Còn gọi là Phật-đà-tiên (佛 駄 先), Phật-đà Tư-na (佛 陀 斯 那).

Về mục lục

Phật đản hội

佛 誕 會; C: fódànhuì; J: buttan'e.

Nghi lễ cử hành để kỉ niệm ngày sinh của đức Phật.

Về mục lục

Phật đạo

佛 道; C: fódào; J: butsudō;

1. Giáo pháp của đức Phật, Phật giáo . Phật đạo thường được dùng đồng nghĩa với Phật pháp nhưng trong trường hợp này thì khía cạnh thực hành để thấu triệt chân lí được nhấn mạnh hơn; 2. Con đường dẫn đến Phật quả , Niết-bàn , Giải thoát ; 3. Vô thượng chính đẳng chính giác, Phật quả tối thượng. Trong Thiền tông , người ta thường hiểu Phật đạo dưới nghĩa này.

Về mục lục

Phật đệ tử

佛 弟 子; C: fódìzǐ; J: butsudeshi.

Đệ tử của đức Phật. Nghĩa chính xác nhất là 10 vị đệ tử lớn của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, như Ma-ha Ca-diếp (摩 訶 迦 葉; S: mahākāśyapa), Xá-lợi-phất (舎 利 弗; S: śāriputra), Mục-liên (目 連; S: maudgalyāyana), A-nan (阿 難; S: ānanda)…, nhưng cũng được dùng để gọi chung cả hàng Phật tử tại gia và xuất gia.

Về mục lục

Phật địa

佛 地; C: fódì; J: butsuji;

Có các nghĩa sau: 1. Quả vị Phật; đồng nghĩa với Phật vị (佛 位), Phật quả (佛 果). Giai vị cuối cùng của hàng Bồ Tát , chứng đạt được nhờ chuyển hoá toàn vẹn Nhị chướng (二 障, theo Du-già luận 瑜 伽 論); 2. Giai vị thứ 11 của Thập nhất địa trong kinh Giải Thâm Mật (解 深 密 經; S: saṃdhinirmocana-sūtra).

Về mục lục

Phật địa kinh

佛 地 經; C: fódì jīng; J: butsujikyō.

1 quyển, Huyền Trang dịch, hoàn chỉnh năm 645 tại chùa Hoằng Phúc. Tên đầy đủ là Phật thuyết Phật địa kinh (佛 説 佛 地 經). Kinh giảng giải về 5 khía cạnh của Phật địa, gồm Pháp giới thanh tịnh và Bốn pháp chuyển thức thành trí, giải thích chi tiết về Thập địa và Phật địa.

Về mục lục

Phật địa kinh luận

佛 地 經 論; C: fódìjīng lùn; J: butsujikyōron.

Luận; gồm 7 quyển do Thân Quang (親 光) cùng một số các vị khác trứ tác. Huyền Trang dịch năm 650. Còn gọi là Phật địa luận (佛 地 論). Tác giả giải thích 5 pháp đề cập trong kinh Phật địa. Kết hợp với những luận giải về Phật địa. Vì có một số đoạn xuất hiện trong Thành duy thức luận (成 唯 識 論), nên có người suy đoán những đoạn văn trùng lặp này là của Hộ Pháp (護 法; S: dharmapāla) mặc dù hiển nhiên là cả Phật địa kinh luận lẫn Thành duy thức luận đều không phải của Hộ Pháp. Bản dịch Phật địa kinh luận bằng tiếng Tây Tạng cũng có đoạn văn trùng lặp này. Người Tây Tạng cho luận giải này là của Giới Hiền (戒 賢; S: śīlabhadra), viện chủ Học viện Na-lan-đà (S: nālandā) trong thời đoạn Huyền Trang còn lưu lại tại đây. Có bản dịch Anh ngữ luận giải này của Tiến sĩ John Keenan, nhưng chưa phổ biến (luận án Tiến sĩ).

Về mục lục

Phật địa luận

佛 地 論; C: fódìlùn; J: butsujiron;

Phật địa kinh luận (佛 地 經 論).

Về mục lục

Phật đỉnh phóng vô cấu quang minh nhập phổ môn quán sát nhất thiết Như Lai tâm đà-la-ni kinh

佛 頂 放 無 垢 光 明 入 普 門 觀 察 一 切 如 來 心 陀 羅 尼 經; C: fódǐng fàngwúgòu guāngmíng rù pǔmén guānchá yīqiè rúláixīn tuóluóní jīng; J: bucchō hōmuku kōmyō nyū fumon kanzatsu issai nyorai shin darani kyō; S: samantamukha-praveśara-śmivimalo-ṣṇīṣaprabhāsa-sarvatathāgata-hṛdayasamāvalokita-dharaṇī; T: kun nas sgor 'jug pa'i 'od zer gtsug tor dri ma med par snang ba de bzhin gshegs pa tham cad kyi snying po dang dam tshig la rnam par lta ba shes bya ba'i gzungs.

2 quyển, tên gọi tắt là Như Lai tâm kinh (如 來 心 經; S: tathāgatahṛdaya-dhāraṇī), Thí Hộ (施 護; S: dānapāla) dịch. Kinh văn gốc về một man-đà-la quay chung quanh Vimaloṣṇīṣa (nhục kế thù thắng thanh tịnh của Như Lai). Đà-la-ni này được khắc trên cổng vòm của Cư Dung Quan (居 庸 關), ở gần Bắc Kinh bằng tiếng Phạn, Tây Tạng, Hán, Uighur, Mông Cổ, và tiếng Tangut.

Về mục lục

Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni kinh

佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 經; C: fódǐng zūnshèng tuóluóní jīng; J: bucchō sonshō darani-kyō; S: uṣṇīṣavijayādhāraṇī; T: de bzhin ghegs pa thams cad kyi gtsug tor rnam par rgyal ba shes bya ba'i gzungs rtog pa dang bcas pa;

Kinh nói về sự thù thắng vi diệu của Phật đỉnh (Tôn thắng Phật đỉnh 尊 勝 佛 頂; S: uṣṇīṣavijayā), có năng lực làm tăng tuổi thọ và tiêu trừ khổ nạn sinh tử luân hồi. Bản văn thứ tư trong Bảy bộ sao lục (S: saptavāra). Các bản dịch của kinh này còn lưu truyền ở các nước Khotan, Uighur, Tangut, Mông Cổ, cùng với rất nhiều bản dịch tiếng Tây Tạng và chữ Hán. Bản dịch dùng trong Chân ngôn tông là của Phật-đà Ba-lị (S: buddhapāli, Đại chính 967), Pháp Thiên (法 天, Đại chính 978) và Vũ Triệt (武 徹, Đại chính 974c). Trong số các bản dịch chữ Hán, bản dịch của Pháp Thiên tương ưng với 4 bản dịch tiếng Tây Tạng (To.598, P.200), trong khi các bản dịch trước đó lại tương ưng với một bản dịch khác (To.597/984, P.198/609).

Các bản dịch chữ Hán hiện còn là: 1. Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni kinh (佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 經), 1 quyển, Phật-đà Ba-lị (佛 陀 波 利; S: buddhapāli) dịch. Luận giải bằng tiếng Hán có Giáo tích nghĩa kí (教 跡 義 記) của Pháp Sùng (法 崇); 2. Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni kinh (佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 經), 1 quyển, Đỗ Hành Khải (杜 行 顗) dịch. Luận giải bằng tiếng Hán có Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni kinh thích (佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 經 釋) của Độc Pháp (讀 法); 3. Tối thắng đà-la-ni kinh (最 勝 陀 羅 尼 經), 1 quyển, Địa-bà Ha-la (地 婆 訶 羅; S: divākara). Bản đà-la-ni được duyệt lại này xuất hiện trong nhiều nghi quỹ đời Đường như Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni niệm tụng nghi quỹ pháp (佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 念 誦 儀 軌 法) và Du-già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi quỹ (瑜 伽 集 要 焔 口 施 食 儀 軌) của Bất không (不 空; S: amoghavajra) và Tôn thắng Phật đỉnh tu du-già pháp nghi quỹ (尊 勝 佛 頂 修 瑜 伽 法 儀 軌) của Thiện Vô Uý (善 無 畏; S: śubhākarasiṃha); 4. Tối thắng Phật đỉnh đà-la-ni tịnh trừ nghiệp chướng chú kinh (最 勝 佛 頂 陀 羅 尼 淨 除 業 障 呪 經), 1 quyển, Địa-bà Ha-la (地 婆 訶 羅; S: divākara) dịch; 5. Phật đỉnh tôn thắng đà-la-ni kinh (佛 頂 尊 勝 陀 羅 尼 經), 1 quyển, Nghĩa Tịnh (義 淨) dịch; 6. Tối thắng Phật đỉnh đà-la-ni kinh (最 勝 佛 頂 陀 羅 尼 經), 1 quyển, Pháp Thiên (法 天) dịch; 7. Nhất thiết Như Lai Ô-sắt-nị-sa tối thắng tổng trì kinh (一 切 如 來 烏 瑟 膩 沙 最 勝 總 持 經), Pháp Thiên dịch, là bản phiên âm tương ưng với bản dịch của Chỉ Không (指 空; S: dhyānabhadra); 8. Vu-sắt-sa Tì-tả-dã đà-la-ni (于 瑟 沙 毘 左 野 陀 囉 尼), 1 quyển, Chỉ Không (指 空; S: dhyānabhadra) dịch. Ấn bản tiếng Phạn: Anecdota Oxonensiāryan Series, quyển 1, phần III của F. Max Müller và Bunyu Nanjio, Oxford xuất bản năm 1884.

Về mục lục

Phật Ðồ Trừng

佛 圖 澄

C: fó túchéng; J: buttochō; S: buddhasiṃha; 232-348;

Cao tăng Ấn Ðộ. Năm 310, Sư đến Lạc Dương để thành lập một trung tâm Phật giáo tại đây. Nhờ trổ tài thần thông (tiên tri, gọi mưa), Sư được Tấn Hoài Ðế kính ngưỡng và trở thành cố vấn của ông hai mươi năm.

Thời niên thiếu, sư tu học ở nước Ô-trượng-na (烏 仗 那 國; S: udyāna), đạt được thần thông. Những phép lạ mà sư thi triển đã tác động rất lớn đến vua chúa thời đó như Thạch Lặc, đã tôn sư làm Quốc sư. Phật-đồ-trừng cũng là một trong những vị thầy của sư Đạo An (道 安). Sư nổi tiếng đã lập rất nhiều ngôi chùa trong sự nghiệp truyền bá Phật giáo ở Trung Hoa.

Sư truyền bá Phật pháp rất chú trọng đến các việc làm nhân đạo, không sát hại, không đàn áp bức bách và điểm cuối có ảnh hưởng tốt đến vương triều bấy giờ. Nhờ sự hỗ trợ của Sư, lần đầu tiên dân Trung Quốc được công khai gia nhập Tăng-già và thụ giới. Tương truyền rằng, Sư cũng có công thành lập Tăng-già cho các Tỉ-khâu-ni .

Về mục lục

Phật đức

佛 德; C: fódé; J: buttoku;

Dịch từ chữ Jñānagupta tiếng Phạn , thường được phiên âm là Xà-na-quật-đa (闍 那 崛 多).

Về mục lục

Phật gia

佛 家; S: buddhakula;

Năm dạng xuất hiện cơ bản của Báo thân (S: saṃbhogakāya; Ba thân ). Ðó là năm cách thể hiện của trí tuệ (S: prajñā), xuất hiện dưới mọi dạng »xấu,« »tốt« khác nhau. Mỗi một hiện tượng thế gian đều thuộc về một trong năm nhóm này, nên mỗi nhóm được xem như một »gia đình« (Phật gia ) với mọi quyến thuộc. Trong Kim cương thừa (S: vajrayāna), Ngũ Phật được nêu thành nguyên lí vũ trụ, thể hiện trong mọi tranh tượng. Các hình ảnh của năm Phật gia này cũng là cơ sở của phép quán linh ảnh hay được áp dụng trong những Nghi quỹ (S: sādhana). Năm vị Phật chủ của năm gia đình này là: Ðại Nhật Như Lai (S: vairocana), Bất Ðộng Như Lai (S: akṣobhya), Bảo Sinh Như Lai (S: ratnasambhava), A-di-đà Như Lai (S: amitābha) và Bất Không Thành Tựu Như Lai (S: amoghasiddhi).

Vị đầu tiên trong năm Như Lai là Ðại Nhật, có sắc trắng, được đặt vào trung tâm Man-đa-la. Thuộc về Phật gia này có Vô minh (S: avidyā), nguồn gốc của Luân hồi (S: saṃsāra). Cũng thuộc về Phật gia này là trí tuệ cao tột của Pháp thân thường trụ, được gọi là Pháp giới trí (法 界 智; S: dharmadhātu-jñāna; Năm trí ). Phía đông của Man-đa-la là Bất Ðộng Như Lai. Ðó là vị Phật chủ của Phật gia Kim cương (S: vajra). Năng lượng của nhóm này khi xấu thì biến thành sự sân hận (S: dveṣa), khi được chuyển hoá thì thành Ðại viên kính trí (大 圓 鏡 智; S: ādarśa-jñāna), có nghĩa là đạt được trí như một tấm gương tròn sáng. Thân Phật Bất Ðộng được vẽ màu xanh thẩm. Phía Nam của Man-đa-la là Bảo Sinh Như Lai, sắc vàng, Phật chủ của Phật gia Bảo sinh (S: ratna). Năng lượng này có gốc là mạn (S: māna), được chuyển hoá thì trở thành Bình đẳng tính trí (平 等 性 智; S: samatā-jñāna). Phía Tây của Man-đa-la là Phật A-di-đà, Phật chủ của Phật gia Liên hoa (hoa sen; S: padma). Màu đỏ của A-di-đà tượng trưng cho tham dục (S: rāga), một khi năng lượng này biến thể thành xấu ác, nhưng khi được chuyển hoá thì đó là Diệu quan sát trí (妙 觀 察 智; S: pratyavekṣaṇa-jñāna). Cuối cùng, phía Bắc là Bất Không Thành Tựu Như Lai, Phật chủ của Phật gia Nghiệp (S: karma; cũng được gọi là Yết-ma), mang sắc xanh lục. Ðó là năng lượng của sự ganh ghét (S: īrṣyā), một khi được chuyển hoá sẽ thành Thành sở tác trí (成 所 作 智; S: kṛtyānuṣṭhāna-jñāna).

Trong một vài Tan-tra thì sự sắp xếp Man-đa-la có chút khác nhau, nhất là trong Phật gia trung tâm và Phật gia Kim cương. Các Phật gia có nhiều quyến thuộc, thuộc tính, vật cỡi, châu báu khác nhau, có khi được biểu diễn thêm bằng dạng nữ nhân.

Về mục lục

Phật giáo

佛 教; S: buddhaśāsana; P: buddhasāsana;

Một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới (hai tôn giáo lớn khác là Thiên chúa giáo và Hồi giáo). Phật giáo do đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni sáng lập khoảng thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên. Ngài là người đầu tiên giảng Tứ diệu đế , là giáo pháp trung tâm của đạo Phật, là điều mà Ngài đã chứng ngộ lúc đạt đạo. Bốn chân lí đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của thời đại đó là: Tại sao con người cứ bị trói buộc trong Luân hồi (輪 回; S: saṃsāra) và liệu con người có thoát khỏi nó chăng. Ðức Phật xem cuộc đời là Vô thường (無 常; S: anitya; P: anicca), Vô ngã (無 我; S: anātman; P: anattā) và vì vậy mà con người phải chịu Khổ (苦; S: duḥkha; P: duk-kha). Thấu hiểu Ba tướng (三 相; S: trilakṣaṇa; P: tilakkhaṇa) đặc trưng của sự vật đó là bắt đầu đi vào đạo Phật. Khổ xuất phát từ Ái (愛; S: tṛṣṇā; P: taṇhā) và Vô minh (無 明; S: avidyā; P: avijjā), và một khi dứt được những nguyên nhân đó thì ta có thể thoát khỏi Vòng sinh tử (有 輪; S: bhavacakra; P: bhavacakka). Cơ chế làm cho chúng sinh còn vướng mãi trong vòng sinh tử được đạo Phật giải thích bằng thuyết Mười hai nhân duyên (緣 起; duyên khởi; S: pratītyasamutpāda; P: paṭicca-samuppāda). Chấm dứt vòng sinh tử chính là chứng ngộ Niết-bàn (涅 槃; S: nirvāṇa; P: nibbāna). Theo Tứ diệu đế, con đường dẫn đến Niết-bàn là Bát chính đạo (八 正 道; S: aṣṭāṅgika-mārga; P: aṭṭhāṅgika-magga;), tức là tu học Giới (戒; S: śīla; P: sīla), Ðịnh (定; S: samādhi, dhyāna; P: samādhi, jhāna) và Huệ (慧; trí tuệ ; S: prajñā; P: paññā). Tư tưởng cơ bản của đức Phật đều được nhắc lại trong các kinh sách, nhưng có khi chúng được luận giải nhiều cách khác nhau và vì vậy ngày nay có nhiều trường phái khác nhau, hình thành một hệ thống triết lí hết sức phức tạp. Giáo pháp đạo Phật được tập hợp trong Tam tạng (三 藏; S: tripiṭaka; P: tipiṭaka). Tăng-già (僧 伽; s, P: saṅgha) của đạo Phật gồm có Tỉ-khâu (比 丘; S: bhikṣu; P: bhikkhu), Tỉ-khâu-ni (比 丘 尼; S: bhikṣuṇī; P: bhikkhunī) và giới Cư sĩ .

Sự phát triển đạo Phật có thể được chia làm bốn giai đoạn:

1. Giữa thế kỉ thứ 6 đến giữa thế kỉ thứ 5 (trước Công nguyên): Giai đoạn nguyên thuỷ, do đức Phật giáo hoá và các đệ tử của Ngài truyền bá.

2. Kể từ thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên: Giai đoạn bắt đầu phân hoá ra nhiều trường phái qua các lần Kết tập (hội nghị) về giáo pháp.

3. Kể từ thế kỉ thứ 1 sau Công nguyên: Xuất hiện giáo phái Ðại thừa (大 乘; S: mahāyāna;) với hai tông phái quan trọng là Trung quán tông (中 觀 宗; S: mādhya-mika) và Duy thức tông (唯 識 宗; S: vijñānavāda, yogācāra).

4. Kể từ thế kỉ thứ 7: Sự xuất hiện của Mật tông Phật giáo (Phật giáo Tây Tạng , Kim cương thừa).

Sau thế kỉ thứ 13, Phật giáo được xem là bị tiêu diệt tại Ấn Ðộ, là nơi sản sinh đạo Phật. Từ thế kỉ thứ 3, đạo Phật được truyền đi các nước khác ngoài Ấn Ðộ và mang nặng bản sắc của các nước đó. Ngày nay, phái Tiểu thừa (小 乘; S: hīnayāna) với quan điểm của Thượng toạ bộ (上 座 部; S: sthaviravāda; P: theravāda) được truyền bá rộng rãi tại Tích Lan, Thái lan, Miến Ðiện, Campuchia. Ðại thừa được truyền tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc. Giáo pháp Kim cương thừa – cũng được xếp vào Ðại thừa – phát triển mạnh tại Tây Tạng, Mông Cổ. Ngày nay, chưa ai có một con số tín đồ Phật giáo chính xác, người ta ước lượng có khoảng từ 150 đến 500 triệu người.

Phật giáo tại Miến Ðiện: Truyền thuyết cho rằng Miến Ðiện đã tiếp cận với đạo Phật trong thời vua A-dục (S: aśoka, thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên). Theo một thuyết khác, đạo Phật đã đến Miến Ðiện trong thời đức Phật còn tại thế, do hai thương nhân từ Ấn Ðộ mang tới. Những vị này mang theo cả tóc Phật, ngày nay được giữ trong đền Shwe-Dagon tại Rangun.

Kể từ thế kỉ thứ 5, Phật giáo phát triển rực rỡ với sự có mặt của Thượng toạ bộ và Nhất thiết hữu bộ (S: sarvāstivāda). Kể từ thế kỉ thứ 7, hai phái Tiểu thừaÐại thừa cùng song hành tại Miến điện, sau đó Mật tông cũng bắt đầu có ảnh hưởng. Thế kỉ thứ 11, nhà vua A-na-ra-tha tuyên bố chỉ chấp nhận Thượng toạ bộ và từ đó, Ðại thừa biến mất tại đây. Tại Miến Ðiện, Pagan ở miền Bắc trở thành trung tâm Phật giáo. Phật giáo Miến Ðiện liên hệ chặt chẽ với Phật giáo Tích Lan, nhất là với Ðại Tự (P: mahāvihāra). Thế kỉ thứ 15, vua Ðạt-ma Tất-đề (P: dhammaceti) lại xác định lần nữa rằng, Phật giáo Miến Ðiện mang nặng quan điểm của Thượng toạ bộ. Sự có mặt của người Anh trong thế kỉ thứ 19 làm xáo trộn Phật giáo Miến Ðiện đáng kể. Mãi đến lúc giành lại độc lập năm 1947, Miến Ðiện mới trở lại cơ chế cũ. Năm 1956 tại Rangun có một cuộc kết tập kinh điển quan trọng. Ngày nay, 85% dân Miến Ðiện là Phật tử, đạo Phật được xem là quốc giáo.

Phật giáo tại Tích Lan: Người ta cho rằng Phật giáo đến Tích Lan khoảng năm 250 trước Công nguyên, do Ma-hi-đà và Tăng-già Mật-đa (P: saṅghamitta), hai người con của A-dục vương (S: aśoka; P: asoka), truyền từ Ấn Ðộ. Nhà vua Tích Lan hồi đó là Thiên Ái Ðế Tu (P: devānampiya tissa) trở thành Phật tử và thành lập Ðại Tự (P: mahāvihāra) nổi tiếng, nơi đó ông trồng một nhánh cây Bồ-đề của nơi Phật thành đạo. Ðại Tự trở thành trung tâm của Thượng toạ bộ.

Theo thời gian, nhiều tông phái Phật giáo khác thành hình và gây nhiều tranh cãi, đến nỗi có khi nhà vua phải can thiệp. Ðó là những tranh luận ban đầu của Tiểu thừa và mầm mống của Ðại thừa , của cả Mật tông thời bấy giờ. Cuối cùng, Thượng toạ bộ thắng, trong đó Phật Âm (S: buddhaghoṣa) – một Luận sư xuất sắc của Thượng toạ bộ – đóng vai trò quyết định. Tác phẩm của Phật Âm ngày nay vẫn còn ảnh hưởng lên Phật giáo Tích Lan. Ðến thế kỉ thứ 12, vua Ba-lạc-la Ma-bà-ha-y (P: parakkambahu), họp hội nghị Phật giáo và ép tất cả các trường phái phải theo giáo lí của Thượng toạ bộ tại Ðại Tự.

Qua thế kỉ thứ 16 người Bồ-đào-nha vào Tích Lan và tìm cách du nhập đạo Thiên chúa. Ðến thế kỉ thứ 17, người Hoà-lan lại ủng hộ việc khôi phục đạo Phật tại Tích Lan. Ngoài ra, Miến Ðiện và Thái Lan cũng có ảnh hưởng đáng kể lên nền đạo Phật tại đây. Kể từ khi Tích Lan giành lại độc lập năm 1948, đạo Phật luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tín ngưỡng và nền văn hoá của xứ này.

Phật giáo tại Nam Dương: Người ta cho rằng Phật giáo du nhập đến Nam Dương khoảng thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Cao tăng Pháp Hiển , vị tăng Trung Quốc đầu tiên đến Ấn Ðộ, cũng là người đến Nam Dương năm 418. Cuối thế kỉ thứ 5 thì Phật giáo bắt đầu phát triển tại Nam Dương, đến thế kỉ thứ 7 thì Su-ma-tra và Ja-va trở thành hai trung tâm Phật giáo quan trọng. Tại đây, giáo lí Ðại thừa được truyền bá rộng rãi, có một số tư tưởng Tiểu thừa , có lẽ của Nhất thiết hữu bộ , được thừa nhận. Dưới thời vua Shai-len-dra, Phật giáo phát triển rực rỡ, đó là thời kì xây dựng tháp tại Bô-rô-bu-đua (borobudur), là Phật tích lớn nhất còn lưu tới ngày nay. Khoảng cuối thế kỉ thứ 8, Mật tông bắt đầu thịnh hành. Ðại thừa và Mật tông tồn tại mãi đến thế kỉ thứ 15, trong suốt thời gian này, Phật giáo Nam Dương liên hệ nhiều với Ấn Ðộ và với viện Na-lan-đà (S: nālandā). Với sự xâm nhập của Hồi giáo (e: islamism), Phật giáo bắt đầu tàn lụi tại Nam Dương, kể từ thế kỉ thứ 15. Ngày nay chỉ còn một số nhỏ tín đồ, nhất là trong giới người Hoa.

Phật giáo tại Campuchia: Người ta cho rằng Phật giáo du nhập vào Campuchia trong thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên, theo văn hệ Phạn ngữ , theo trường phái Nhất thiết hữu bộ và đạt được đỉnh cao khoảng thế kỉ thứ 5, thứ 6. Năm 791 người ta tìm thấy gần đền Ðế Thiên Ðế Thích (Ăng-kor Wat ) một văn bản chứng tỏ rằng, Ðại thừa đã có mặt nơi đây song song với việc thờ thần Thấp-bà (S: śiva). Sự hỗn hợp này có lẽ bắt nguồn từ việc thờ cúng Bồ Tát Quán Thế Âm , mà Thấp-bà được xem là một hoá thân. Mọi nhà vua của Campuchia cũng đều được xem là hoá thân của Quán Thế Âm . Sau một thời gian thì yếu tố thần Thấp-bà hầu như bị mất đi, nhưng đến thế kỉ thứ 13, người ta lại tôn thờ thần Thấp-bà và tăng già Phật giáo bị bức hại. Theo các Cao tăng Trung Quốc thì trong thời gian này, Thượng toạ bộ được phát triển trong lúc Ðại thừa bị lu mờ. Một số văn bản bằng văn hệ Pā-li ghi năm 1309 chứng minh rằng, Thượng toạ bộ được hoàng gia công nhận và kể từ đó là giáo phái chính thống của Campuchia. Mãi đến cuối thế kỉ thứ 19, Phật giáo truyền từ Thái Lan mới bắt đầu có ảnh hưởng.

Phật giáo tại Thái Lan: Người ta biết rất ít việc đạo Phật được truyền bá đến Thái Lan. Kết quả khảo cổ cho thấy Phật giáo đến Thái Lan khoảng thế kỉ thứ 6 từ Miến Ðiện. Ban đầu giáo lí Tiểu thừa có ảnh hưởng rộng rãi. Khoảng giữa thế kỉ thứ 8 và 13, Ðại thừa được truyền bá rộng hơn. Giữa thế kỉ 11 và 14, ảnh hưởng của Ấn Ðộ giáo bắt đầu phát triển. Trong thế kỉ 13, hoàng gia Thái Lan chính thức công nhận Thượng toạ bộ và mối liên hệ với Tích Lan trong thời kì này càng làm cho bộ này phát triển thêm rộng rãi. Năm 1782, nhà vua triệu tập một đại hội nhằm kiểm điểm lại Tam tạng kinh điển. Trong thế kỉ thứ 19, nhà vua Ma-ha Mông-cút (mongkut) lên ngôi, bản thân ông cũng là một tăng sĩ, ông là người đặt nền tảng cho nền Phật giáo cận đại. Ông thành lập Pháp tông (dhammayut), cơ sở dựa vào Luật tạng và ngày nay có nhiều tín đồ nhất tại Thái Lan. Vua Chu-la-lang-korn – trị nước từ 1868 đến 1910 – cho xuất bản các tạng kinh quan trọng của đạo Phật, có thể gọi là đầy đủ nhất từ xưa đến nay. Ngày nay, 95% dân số Thái Lan theo đạo Phật.

Phật giáo tại Hàn QuốC: Từ Trung Quốc, Phật giáo lan qua Hàn quốc trong thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên và phát triển rực rỡ nhất là giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 9. Trong thời kì này, các trường phái quan trọng của Trung Quốc đều được thành lập tại Hàn Quốc như Thiền tông , Hoa nghiêm tông, Mật tông (Chân ngôn tông). Bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật -đa (S: prajñāpāramitā-sūtra) cũng được truyền bá rộng rãi rất sớm tại Hàn Quốc. Người ta cũng tìm thấy nhiều tác phẩm văn hoá mang đặc tính Phật giáo tại đây. Suốt thời nhà Lí (yi, 1392-1910), nền văn hoá Khổng giáo trở thành quốc đạo và tăng ni Phật giáo bị ép buộc phải vào núi tu hành. Sau năm 1945, Phật giáo được phục hưng và phát sinh một phong trào mới gọi là Vi ên Phật giáo (e: won-buddhism). Ngày nay, tại Hàn Quốc người ta ít phân biệt các tông phái đạo Phật và thực hành song song với nhau thiền quán, niệm Phật A-di-đà và tụng kinh. Phép niệm thần chú cũng được truyền bá rộng rãi, vốn có nguồn gốc từ Mật tông của thời trung cổ. Trong giới trí thức, Thiền tông được nhiều người theo, trong lúc giới dân giã lấy niệm danh hiệu các đức Phật làm chủ yếu. Trộn lẫn với đạo Phật là hình thức thờ đa thần như thần núi, linh vật, thần tinh tú.

Về mục lục

Phật giáo Nhật Bản

日 本 佛 教

Tại Nhật, Phật giáo du nhập năm 522 với điểm xuất phát là Hàn Quốc. Mới đầu người Nhật thấy đây là một nền văn hoá ngoại lai, nhưng năm 585, Phật giáo được Nhật hoàng Dụng Minh (J: yomei) thừa nhận. Dưới thời vua Thánh Ðức (J: shokotu, 593-621), Phật giáo trở thành quốc giáo. Năm 594 nhà vua ra lệnh cho dân chúng phải thờ phụng Tam bảo (S: triratna). Ông khuyến khích dịch và viết kinh sách, bản thân ông cũng viết luận giải về các kinh (Duy-ma-cật sở thuyết kinh ) và cho xây chùa chiền và thành lập Pháp Long tự (J: hōryū-ji) nổi tiếng ở Nại Lương (nara). Các Cao tăng Trung Quốc và Hàn Quốc được mời đến giáo hoá, người Nhật bắt đầu gia nhập Tăng-già. Trong thời kì này, tông Tam luận được thịnh hành.

Trong thời gian từ 710-794, có sáu tông phái tại Nhật Bản, phần lớn do Trung Quốc du nhậP: Câu-xá (J: kusha), Pháp tướng (J: hossū), Tam luận (J: sanron), Thành thật (J: jōjitsu), Luật (J: ritsu), Hoa nghiêm (J: kegon). Phật giáo Nhật Bản có ảnh hưởng mạnh lên hoàng tộc, nhất là Hoa nghiêm tông. Bộ kinh Kim quang minh tối thắng vương (S: suvarṇaprabhāsottamarāja-sūtra) đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá đạo Phật tại Nhật Bản vì được triều đình thời đó chấp nhận. Ðến thời kì Bình An (heian, 794-1184), tông Thiên Thai (J: tendai) và Chân ngôn (J: shingon) bắt đầu có ảnh hưởng. Ðến giữa thế kỉ thứ 10, việc tôn thờ phật A-di-đà bắt đầu thịnh hành và từ đó thành hình ra Tịnh độ (J: jōdo-shū) và Tịnh độ chân tông (J: jōdo-shin-shū) trong thời đại Liêm Thương (kamakura, 1185-1333). Năm 1191, Thiền tông du nhập Nhật Bản, một tông phái Phật giáo đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt đến ngày nay. Thiền Nhật Bản cũng có hai hệ phái: Tào Ðộng (J: sōtō) và Lâm Tế (J: rinzai).

Trong thế kỉ thứ 13, Nhật Liên (nichiren) thành lập Nhật Liên tông, chủ trương theo kinh Diệu pháp liên hoa , xem đó là kinh quan trọng duy nhất. Trong các thế kỉ sau đó, đạo Phật không còn phát triển. Ðến thế kỉ 19, quan điểm Thần đạo (J: shintō) trở thành quốc giáo. Sau thế chiến thứ hai, Phật giáo phục hưng, hình thành các phái như Sáng Giá Học Hội (sōka gakkai), Lập Chính Giải Chính (risshō ko-seikai), Nhật Bản Sơn Diệu Pháp Tự (nipponzan myōhōji). Các tông phái này đều lấy Diệu pháp liên hoa kinh làm căn bản.

Về mục lục

Phật giáo Tây Tạng

西 藏 佛 教; cũng được nhiều nơi gọi là Lạt-ma giáo (e: lamaism);

Một hệ phái Phật giáo quan trọng thuộc Ðại thừa , được truyền bá nhiều nơi gần Hi-mã-lạp sơn, không chỉ ở Tây Tạng. Ðặc trưng của Phật giáo Tây Tạng là sự trộn lẫn của các giới luật của Nhất thiết hữu bộ và các phép tu của Kim cương thừa. Phật giáo Tây Tạng được xem là thành hình trong thế kỉ thứ 8 dưới triều vua Tri-song Ðet-sen (t: trisong detsen, 755-597), do hai Cao tăng Ấn Ðộ là Tịch Hộ (S: śāntarakṣita) và Liên Hoa Sinh (padmasambhava) truyền sang. Ðợt đầu của việc truyền bá đạo Phật qua Tây Tạng chấm dứt trong thế kỉ thứ 9. Trường phái Ninh-mã (t: nyingmapa) được thành lập từ thời gian đó. Sau một thời gian bị bức hại, Phật giáo lại phục hưng trong thế kỉ 11, phát sinh hai trường phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) và Tát-ca (t: sakyapa) và đó là thời gian mà rất nhiều kinh sách được dịch ra tiếng Tây Tạng. Kể từ thế kỉ 14, phái Cách-lỗ (t: gelugpa) thịnh hành, được xem là một trong bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Ngày nay, trên thế giới, Phật giáo Tây Tạng được coi trọng, nhiều Lạt-ma Tây tạng đang giáo hoá tại các nước phương Tây.

Trước khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng thì đạo Bôn được xem là quốc giáo. Khoảng dưới thời vua Tùng-tán Cương-bố (t: songten gampo; 620-649) thì hoàng gia bắt đầu quay qua Phật giáo. Năm thế hệ sau vị vua này thì Phật giáo được tuyên bố chính thức là quốc giáo và với sự xây dựng tu viện Tang-duyên (samye, 775), các tăng sĩ Tây Tạng bắt đầu thành lập Tăng-già.

Mới đầu Phật giáo Tây Tạng cũng có tiếp xúc, tranh luận với Thiền tông Trung Quốc, nhưng sau đó, người ta theo hẳn giáo lí của Trung quán tông (S: mādhya-mika; t: dbu ma pa). Khoảng dưới thời vua Lãng-đạt-ma (langdarma, 838-842), Bôn giáo lại được phục hồi, Phật giáo bị bức hại. Trong thời gian đó, chỉ có phái »áo trắng«, là các vị cư sĩ tại gia, được bảo tồn. Ngày nay phái này còn lưu truyền với phái Ninh-mã (nyingmapa).

Với A-đề-sa , đạo Phật lại được truyền bá lần thứ hai sang Tây Tạng. Từ đây, người ta lại quan tâm đến các trường phái, nhất là các phái truyền tâm từ thầy qua trò, và từ đó sinh ra các tu viện lớn của tông Tát-ca (1073), lôi kéo được »dịch giả« Mã-nhĩ-ba (marpa) – người sáng lập tông Ca-nhĩ-cư (kagyupa) – sang Ấn Ðộ thu thập kinh sách. Trong Phật giáo Tây Tạng và các tông phái tại đây, các vị đại sư được gọi là Lạt-ma , đóng một vai trò rất quan trọng. Một trong các vị quan trọng nhất là Tông-khách-ba (t: tsong-kha-pa), »Nhà cải cách«, là người thiết lập và tổ chức lại toàn bộ các tông phái. Sư cũng là người xây dựng tu viện Gan-den (1409) và thành lập tông Cách-lỗ (t: gelugpa).

Các tông phái và giáo lí khác như Ðoạn giáo (chod), tuy có một hệ thống kinh sách mạch lạc, nhưng lại không xây dựng tu viện nên cuối cùng hoà vào các dòng khác. Các dòng tu quan trọng của Tây Tạng thường hay có một hệ thống các tu viện, đồng thời cũng bắt nguồn từ các vị Ma-ha Tất-đạt (S: mahāsiddha). Về mặt lí thuyết, ngoài A-tì-đạt-ma , Phật giáo Tây Tạng còn dựa vào các giáo pháp Ðại thừa của Long Thụ (S: nāgārjuna) và Vô Trước (S: asaṅga), xem đó là hai lí thuyết căn bản mà đặc biệt là triết lí Trung quán cụ duyên (mādhyamika-prāsaṅgika) được xem trọng hơn hết. Ngoài ra Nhân minh học (S: hetuvidyā; có thể gọi là logic, luận lí học) cũng được đưa vào để luận giải các vấn đề có tính giáo khoa. Ðặc biệt, các phép tu Tan-tra hay được dùng để biến các kiến thức lí thuyết thành kinh nghiệm bản thân.

Năm chủ đề (S: pañcavacanagrantha) quan trọng phải được học hỏi, nghiên cứu trong một thiền viện tại Tây Tạng trước khi đạt được danh hiệu Ge-she (tương ưng với Hoà thượng tại Ðông, Ðông nam á, có thể so sánh với bằng cấp Tiến sĩ của Tây phương): 1. Bát-nhã ba-la-mật -đa (S: prajñāpāramitā); 2. Trung quán (mādhyamika); 3. Nhân minh hoặc Lượng học (pramāṇavāda); 4. A-tì-đạt-ma (abhidharma); 5. Luật (Tì-nại-da; vinaya).

Về mục lục

Phật giáo Trung Quốc

中 國 佛 教

Theo truyền thuyết thì đạo Phật vào Trung Quốc khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Mới đầu nhiều người nghĩ rằng, đạo Phật là một tông phái của đạo Lão (Lão Tử ). Sự hiểu lầm này bắt nguồn từ quan điểm chung của hai tôn giáo này; cả hai đều hướng đến giải thoát. Có người cho rằng, mới đầu người Trung Quốc không hiểu đạo Phật vì ngôn ngữ chữ Hán thời đó không tiếp cận được với các khái niệm hoàn toàn trừu tượng của Phật giáo và khi dịch kinh sách Phật giáo, người ta đành dùng ngôn ngữ đạo Lão. Vì vậy về sau, khi đạo Phật đã phổ biến, công các dịch giả rất lớn và tên tuổi của họ còn lưu truyền đến ngày nay. Khoảng thế kỉ thứ 3, các nhà dịch kinh bắt đầu dịch từ Phạn ngữ ra tiếng Hán, mà những đại diện kiệt xuất là An Thế Cao (安 世 高), người chuyên dịch các kinh Tiểu thừa , và Chi Khiêm (支 謙), người chuyên dịch các tác phẩm Ðại thừa .

Năm 355, Tăng-già được thành lập. Kể từ thế kỉ thứ 4, nhiều trường phái Bát-nhã Ba-la-mật-đa ra đời với Cao tăng Chi Ðộn (支 遁; Chi Ðạo Lâm) là nhân vật quan trọng nhất. Năm 399, Pháp Hiển đi Ấn Ðộ và sau đó một số Cao tăng khác như Huyền Trang cũng lên đường đi Ấn Ðộ. Trong thế kỉ thứ 5, thứ 6, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và được sự ủng hộ của triều đình. Nhờ vậy trong thời gian này, nhiều chùa chiền được xây cất, nhiều tác phẩm ra đời. Vào năm 466 và 574-577 có hai lần Phật giáo bị bức hại nhưng vẫn phát triển mạnh. Trong thời kì này, hai vị có công lớn nhất trong việc dịch kinh điển là Cưu-ma-la-thập (鳩 摩 羅 什; S: kumārajīva) và Chân Ðế (真 諦; S: paramārtha). Với trình độ văn chương rất cao, hai vị này đã làm cho hầu hết các kinh Tiểu thừaÐại thừa đều có mặt tại Trung Quốc. Ðóng vai trò quan trọng trong Phật giáo Trung Quốc là các kinh Nhập Lăng-già (入 楞 伽 經; S: laṅkāvatārasūtra), Ðại bát-niết-bàn (大 般 涅 槃 經; S: mahāparinirvāṇa-sūtra) và Thành thật luận (成 實 論; S: satyasiddhi). Từ đó, các tông phái như Tam luận tông (三 論 宗), Thành thật tông (成 實 宗) và Niết-bàn tông (涅 槃 宗) ra đời.

Giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 10, Phật giáo Trung Quốc phát triển rực rỡ. Các tông Hoa nghiêm (華 嚴), Thiên Thai (天 台), Thiền (禪), Tịnh độ (淨 土), Pháp tướng (法 相) ra đời, trong đó người ta nhắc nhở đến các vị Cao tăng như Huyền Trang Tam Tạng (玄 奘), Trí Khải (智 顗), Ðế Tâm Ðỗ Thuận (帝 心 杜 順). Với sự hiện diện của Huệ Năng (慧 能) và các môn đệ kế thừa, Thiền tông phất lên như một ngọn lửa sáng rực đời Ðường.

Với thời gian, giáo hội Phật giáo – nhờ không bị đánh thuế – trở thành một tiềm lực kinh tế và có những điểm mâu thuẫn với triều đình. Nhiều nông dân cúng dường đất cho nhà chùa rồi thuê lại đất đó để trốn thuế. Năm 845, Phật giáo bị bức hại, giáo hội bị triệt hạ, tăng ni bị buộc phải hoàn tục. Từ thời điểm đó, Phật giáo Trung Quốc không bao giờ trở lại được thời đại huy hoàng như trước, nhưng vẫn để lại những dấu ấn quan trọng trong nền văn hoá nước này.

Trong đời nhà Tống (thế kỉ 10-13), Phật giáo hoà nhập với Khổng giáo và Lão giáo thành một nền văn hoá, trong các tông phái chỉ còn Thiền và Tịnh độ là quan trọng. Dưới thời nhà Minh (thế kỉ 14-17), có một khuynh hướng hợp nhất giữa Thiền và Tịnh độ (禪 淨 合 一; Thiền Tịnh hợp nhất) và gây được ảnh hưởng đáng kể (Vân Thê Châu Hoằng ).

Giữa thế kỉ thứ 17 và 20, Phật giáo Tây Tạng bắt đầu gây ảnh hưởng tại Trung Quốc. Qua thế kỉ 20, Phật giáo Trung Quốc lại bị bức hại, nhất là trong thời kì cách mạng văn hoá (1966-1976).

Về mục lục

Phật giáo Việt Nam

越 南 佛 教

Lịch sử Phật giáo tại Việt Nam được trình bày khá rõ trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang. Theo tác phẩm này, trong thế kỉ thứ nhất, thứ hai sau Công nguyên, ngoài hai trung tâm Phật giáo tại Trung Quốc là Lạc Dương và Bành Thành, một trung tâm thứ ba xuất hiện tại Luy Lâu, thuộc xứ Giao Chỉ, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Có người cho rằng, Luy Lâu hình thành trong đầu thế kỉ thứ nhất, sớm hơn cả Lạc Dương và Bành Thành, làm bàn đạp cho sự thành lập hai nơi đó. Ðiều chắc chắn là trung tâm Luy Lâu được hình thành do các tăng sĩ Ấn Ðộ trực tiếp mang lại, chứ không phải từ Trung Quốc truyền xuống. Tập luận thuyết đầu tiên về đạo Phật được Mâu Tử (sinh khoảng năm 165) viết tại Giao Châu. Khang Tăng Hội (康 僧 會; cuối thế kỉ thứ hai) được xem là tăng sĩ đầu tiên của Việt Nam. Qua thế kỉ thứ ba thì tại Giao Châu đã có khoảng năm trăm vị tăng sĩ và lưu hành ít nhất 15 bộ kinh, trong đó bộ Tứ thập nhị chương (四 十 二 章 經; S: dvācatvāriṃśat-khanda-sūtra) là kinh chủ yếu dành cho người xuất gia. Sau đó Thiền tông vào Việt Nam rất sớm, Khang Tăng Hội được xem là Khai tổ của Thiền học Việt Nam. Sư là tác giả của tập Nê-hoàn phạm bối (泥 洹 梵 唄), một tập thi ca về Niết-bàn dịch từ văn hệ Pā-li . Sư cũng viết tựa cho tập kinh An-ban thủ ý (安 般 守 意; P: ānāpānasati), soạn bộ Lục độ tập kinh (六 度 集 經) và dịch một kinh bản của kinh Bát-nhã ba-la-mật -đa. Như thế, trong đầu thế kỉ thứ ba, Phật giáo Việt Nam đã là Phật giáo Ðại thừa .

Khoảng thế kỉ thứ năm, người ta nhắc đến hai vị Thiền sư ở Giao Châu là Pháp Thiên (法 天; S: dharmadeva) và Huệ Thắng (慧 勝), theo thiền pháp Ðại thừa . Người ta biết rằng Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc là Bồ-đề Ðạt-ma đến nước này năm 520, nhưng có truyền thuyết cho rằng, Ngài có thể đã cùng Pháp Thiên đến Giao Châu cuối đời nhà Tống (khoảng năm 470).

Cuối thế kỉ thứ sáu, Thiền sư Tì-ni-đa Lưu-chi (毘 尼 多 流 支; S: vinītaruci; cũng gọi là Diệt Hỉ) – học trò của vị Tổ thứ ba của Thiền Trung Quốc là Tăng Xán (僧 璨) – đến Giao Châu khai sáng dòng thiền cùng tên. Sau đó còn có phái thiền Vô Ngôn Thông (無 言 通) và Thảo Ðường cũng xuất phát từ Trung Quốc lưu hành tại Việt Nam. Phái Thiền của Tì-ni-đa Lưu-chi truyền được 19 đời (đến năm 1213), bắt đầu bằng kinh Tượng đầu tinh xá (象 頭 精 舍 經), một bộ kinh thuộc hệ thống Bát-nhã, tạo sự lớn mạnh của Phật giáo Ðại thừa và cả Mật tông tại Việt Nam. Phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền được bốn thế kỉ, sử dụng chủ yếu các kinh Vi ên giác (圓 覺), Pháp hoa (法 華), chủ trương »Ðốn ngộ« (頓 悟) và »Vô sở đắc« (無 所 得), rất gần với Thiền phương nam của Trung Quốc. Phái thiền Thảo Ðường (草 堂) bắt đầu từ cuối thế kỉ thứ mười một, do Thiền sư Thảo Ðường sáng lập, vốn là một tù nhân của vua Lí Thánh Tông bị bắt năm 1096. Sách Thiền uyển tập anh (禪 苑 集 英) cho rằng Thảo Ðường là môn đệ của Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển (雪 竇 重 顯), là phái chủ trương dung hợp giữa Phật và Nho giáo tại Trung Quốc. Phái Thảo Ðường truyền được sáu thế hệ trong đó có những người nổi tiếng như Không Lộ (空 露) và Giác Hải (覺 海; hai vị cũng được xếp vào thiền phái Vô Ngôn Thông).

Khoảng thế kỉ thứ mười, Việt Nam giành được quyền độc lập và Phật giáo bắt đầu có ảnh hưởng trong giới vua quan. Năm 971 Ðinh Tiên Hoàng ban chức »Tăng thống« đầu tiên cho Thiền sư Khuông Việt (匡 越; Ngô Chân Lưu; 吳 真 流). Vua Lê Ðại Hành mời Thiền sư Pháp Thuận (法 順) và Vạn Hạnh (萬 行) làm cố vấn chính trị. Về sau Vạn Hạnh phò Lí Công Uẩn (李 公 蘊) lên ngôi (1010), nhà vua cho dựng nhiều chùa chiền, sùng bái đạo Phật. Năm 1036, Lí Thái Tông (李 太 宗) lên ngôi, cũng là một nhà vua quý trọng đạo Phật. Năm 1049, chùa Một Cột (延 祐; Diên Hựu) được xây dựng. Các nhà vua đời Lí về sau đều tôn sùng đạo Phật và lấy đạo từ bi làm phương pháp trị nước. Trong thời gian này, Phật giáo Ðại thừa với các bộ kinh như Kim cương, Dược sư, Pháp hoa, Viên giác… được truyền tụng.

Ðầu thế kỉ thứ 13, nhà Trần lên ngôi, đồng thời ba thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường dần dần nhập lại một. Ðây là thời kì phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Việt Nam. Các nhà vua đời Trần cũng đều là những Thiền sư uyên bác, mà một trong những người xuất sắc nhất phải kể đến là vua Trần Thái Tông (陳 太 宗; 1218-1277). Thiền phái duy nhất Việt Nam thời này, được xem là sự tổng hợp của ba thiền phái kia là thiền Yên Tử hay Trúc Lâm. Trần Thái Tông đã để lại một loạt tác phẩm thiền học rất quan trọng. Một nhân vật quan trọng của Phật giáo đời Trần là Huệ Trung Thượng Sĩ (慧 忠 上 士), tức là Trần Quốc Tung, anh cả của Trần Hưng Ðạo, anh vợ của Trần Thánh Tông. Sau Thái Tông là Trần Nhân Tông (陳 仁 宗), cũng là một ông vua xuất gia, trở thành tổ thứ sáu của trường phái Yên Tử và Ðệ nhất tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử . Trong thời nhà Trần, các bộ kinh Kim cương, Pháp hoa, Bát-nhã, Nhập Lăng-già và Hoa nghiêm được lưu truyền rất rộng rãi. Hai nhà sư đóng góp lớn nhất vào việc học Phật thời đó là Pháp Loa (法 螺) và Huyền quan g (玄 光).

Ðến cuối thế kỉ 14, Phật giáo bắt đầu suy đồi, nhà Trần đã nằm trong tay Hồ Quý Li. Trong đời nhà Lê, vua quan coi trọng Nho giáo với kết quả là năm 1464, Lê Thánh Tông cấm xây dựng chùa mới.

Khoảng giữa thế kỉ 17, lúc Nam Bắc phân tranh, Phật giáo lại phục hưng, trong đó Thiền sư Chân Nguyên và Hương Hải hoạt động ở Ðàng ngoài. Ở Ðàng trong, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) là người tôn trọng đạo Phật, cho xây chùa Thiên Mụ năm 1601. Tại đây, môn phái của Thiền sư Liễu Quán (了 觀) có công phục hưng Phật giáo. Ðầu thế kỉ thứ 19, Gia Long thắng Tây Sơn, chấm dứt những năm chinh chiến, trong đó đạo Phật cũng bị thương tổn. Các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Ðức cũng có để tâm phục hưng lại đạo Phật. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng nói chung Phật giáo chưa bao giờ mất ảnh hưởng trong dân tộc Việt Nam.

Về mục lục

Phật Hộ

佛 護; C: fóhù; J: butsugo; S: buddhapālita;

Là Luận sư kiệt xuất của Trung quán tông của Đại thừa Ấn Độ. Sư nổi tiếng với sự phát triển pháp biện chứng phủ định để chứng minh khái niệm về Tính không, và cách biện chứng này đã dẫn đến những điểm bất đồng với các Đại luận sư Trung quán như Thanh Biện (清 辯; S: bhāvaviveka, 490-570), nhưng lại có những điểm hoà đồng với những hàng hậu bối như Nguyệt Xứng (月 稱; S: candrakīrti, ~ 650). Một vài quan điểm đối lập quan trọng trong truyền thống rộng rãi của Trung Quán tông có thể được thấy qua những quan điểm bất đồng giữa Thanh Biện và Phật Hộ: trong khi Thanh Biện dùng luận lí học để khẳng định chân lí Tính không theo lập trường xác định, Phật Hộ từ chối giá trị của việc dùng tiền đề luận lí học, và quan điểm này của sư dẫn đến một sự từ khước mọi quan điểm tích cực, mọi lập trường có tính chất khẳng định nói chung. Lập trường của hai vị Phật Hộ và Nguyệt Xứng sau này kết thúc ở sự phân phái Trung luận ra một nhánh mới gọi là Quy mậu biện chứng phái (歸 謬 論 證 派; S: prāsaṅgika). Sư có để lại một bài luận quan trọng về Trung quán luận của Long Thụ với tên Phật Hộ căn bản trung sớ (bud-dhapālita-mūlamadhyamaka-vṛtti), còn được giữ lại trong Tạng ngữ.

Về mục lục

Phật huệ

佛 慧; C: fóhuì; J: butsue, butte.

trí tuệ của Phật , trí giác ngộ.

Về mục lục

Phật kinh

佛 經; C: fó jīng; J: bukkyō.

Giáo lí đạo Phật. Kinh Phật.

Về mục lục

Phật lâm niết-bàn kí pháp trú kinh

佛 臨 涅 槃 記 法 住 經; C: fó lín nièpán jì fǎzhù jīng; J: butsu rin nehan kihōjū kyō.

Kinh, 1 quyển, Huyền Trang dịch năm 652.

Về mục lục

Phật lực

佛 力; C: fólì; J: butsuriki;

Có các nghĩa sau: 1. Năng lực của Đức Phật; 2. Năng lực của chư Phật và Bồ Tát bảo hộ cho chúng sinh tu tập.

Về mục lục

Phật mẫu bảo đức tạng bát-nhã ba-la-mật kinh

佛 母 寶 悳 藏 般 若 波 羅 蜜 經; C: fómǔ băodézàng bānruò bōluómì jīng; J: butsumo hōtokuzō hannya haramitsu kyō; S: prajñāpāramitāratnaguṇa-saṃcayagāthā.

Kinh, gồm 3 quyển. Tên gọi tắt là Bảo Đức tạng kinh (寶 悳 藏 經); Pháp Hiền (法 賢) dịch. Về tiếng Phạn, xem bản của Yuyama biên tập năm 1976.

Về mục lục

Phật nhãn

佛 眼; C: fóyăn; J: butsugen; S: buddha-cakṣus.

Mắt Phật. Cái nhìn của nhất thiết trí viên mãn, đạt được sau khi chứng Phật quả. Cao nhất trong Ngũ nhãn (五 眼).

Về mục lục

Phật Như Lai

佛 如 來; C: fó rúlái; J: butsu nyorai.

Chỉ đức Phật .

Về mục lục

Phật pháp

佛 法; S: buddha-dharma; P: buddha-dhamma;

Chỉ lời dạy, giáo lí của đức Phật , Phật giáo .

Về mục lục

Phật quả

佛 果; C: fóguǒ; J: bukka; S: buddhaphala.

1. Quả vị Phật. Kết quả của việc tu tập Phật đạo. Giác ngộ, tỉnh giác. Đối lại là Phật nhân (佛 因); 2. Hiệu của Thiền sư Viên Ngộ, Vi ên Ngộ Khắc Cần.

Phật quả chỉ trạng thái Giác ngộ hoàn toàn của một đức Phật . Ðạt Phật quả là mục đích cao nhất của mọi chúng sinh. Theo các kinh điển thượng thừa thì mỗi một chúng sinh đều có Phật tính , đã là một đức Phật nên Phật quả không cần phải »đạt« và tu hành chính là chứng ngộ Phật tính đó rồi áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Về mục lục

Phật sở hạnh tán

佛 所 行 囋; C: fó suǒxíng zàn; J: butsu shogyō san; T: saṅs-rgyas-kyi spyod-pa shes-bya-baḥi sñan-ṅag chen-po; S: buddha-carita;

Là tác phẩm văn vần của Mã Minh (馬 鳴; S: aśvaghoṣa), tác phẩm bằng thơ đầu tiên nói về toàn bộ cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni từ ngày sinh ra tới lúc nhập Niết-bàn . Tác phẩm này gồm có 28 bài thơ, ngày nay chỉ còn 13 bài viết bằng văn hệ Phạn ngữ . Tác phẩm này cũng được dịch ra tiếng Tây Tạng.

Theo các du kí của người Trung Quốc qua Ấn Ðộ khoảng thế kỉ thứ 7, người ta biết là Phật sở hạnh tán rất được ưa chuộng trong dân gian thời đó. Sách này nghe qua như các bài truyền tụng về các vị anh hùng, đầy tính chất thơ nhạc. Kinh này giúp truyền bá đạo Phật rất rộng rãi. Luận này được Đàm-vô-sấm dịch (曇 無 讖; S: dharmakṣema). Còn được gọi các tên: Phật bản hạnh tán (佛 本 行 讚), Phật sở hạnh tán kinh (佛 所 行 讚 經), Phật sở hạnh tán truyện (佛 所 行 讚 傳), Phật sở hạnh tán kinh truyện (佛 所 行 讚 經 傳), Mã Minh Bồ Tát tán (馬 鳴 菩 薩 讚), Mã Minh tán (馬 鳴 讚). Cowell dịch sang tiếng Anh năm 1969, Johnston dịch năm 1936.

Về mục lục

Phật sở hạnh tán kinh

佛 所 行 讚 經; C: fó suǒxíng zànjīng; J: butsu shogyō san kyō.

Phật sở hạnh tán .

Về mục lục

Phật sở hạnh tán kinh truyện

佛 所 行 讚 經 傳; C: fó suǒxíng zànjīng chuán; J: butsu shogyō sangyō den.

Phật sở hạnh tán .

Về mục lục

Phật sở hạnh tán truyện

佛 所 行 讚 傳; C: fó suǒxíng zàn chuán; J: butsu shogyō san den.

Phật sở hạnh tán .

Về mục lục

Phật sự

佛 事; C: fóshì; J: butsuji; S: buddha-kārya;

Có các nghĩa: 1. Công hạnh Đức Phật thể hiện. Hoằng truyền Phật pháp. Công hạnh cứu độ chúng sinh; 2. Mọi công hạnh thi tác sau khi tu tập chứng ngộ được gọi là Phật sự.

Về mục lục

Phật tâm

佛 心; C: fóxīn; J: busshin;

Có các nghĩa: 1. Tâm Phật, tâm đại từ bi ; 2. Tâm Phật mà mọi chúng sinh đều vốn có; cũng như Phật tính (佛 性).

Về mục lục

Phật tâm tông

佛 心 宗; C: fúxīn-zōng; J: busshin-shū;

Một tên gọi khác của Thiền tông vì tông này chủ trương »Dĩ tâm truyền tâm« và tâm này chính là tâm (ấn) của đức Phật truyền cho Ðại Ca-diếp (S: mahākāśya-pa).

Về mục lục

Phật thân

佛 身; C: fóshēn; J: busshin; S, P: buddhakāya; nghĩa là thân của Phật;

Sắc thân (thân vật chất của đức Phật). Do từ sự lưu tâm của Phật tử nên phát sinh lí thuyết về một »sắc thân Phật«. Phật Thích-ca Mâu-ni đưa ra quan niệm tin vào Pháp, rằng chính ngài cũng tịch diệt nhưng Pháp thì không thể nào hoại diệt, do vậy nên dạy rằng sau sự tịch diệt của ngài thì Pháp vẫn thường còn. Tuy nhiên, nhiều đệ tử vẫn giữ quan niệm về con người của Đức Phật, xem như chính thân của ngài là biểu hiện của Phật pháp. Do vậy, ngay cả khi Phật còn tại thế, sắc thân của ngài đã được xem là siêu việt. Vì điểm này nên, sau khi Phật nhập diệt, Pháp mà ngài đã giảng được xem như bất hoại, và được đưa ra như một đối lập với thân tự nhiên, và cũng từ đó mà phát sinh ra lí thuyết »hai thân«.

Về mục lục

Phật Thế Tôn

佛 世 尊; C: fóshìzūn; J: butsuseson;

Đức Phật được tôn quý ở thế gian. Một trong Mười danh hiệu của đức Phật, phiên âm là Bạc-già-phạm (蒲 伽 梵; S: bhagavān).

Về mục lục

Phật thị

佛氏; C: fóshì; J: busshi.

Những nhà tư tưởng Phật giáo, triết gia Phật giáo, những người tu tập theo đạo Phật.

Về mục lục

Phật thị tạp biện

佛 氏 雜 辨; C: fóshì zábiàn; J: busshi zōben; K: pulsshi chappyǒn.

Luận chiến phê phán đạo Phật vào thế kỉ thứ 14 từ phía Nho giáo của Trịnh Đạo Truyền (鄭 道 傳; k: chǒng tojǒn, bút danh là Tam Phong 三 峰; k: sambong, 1342-1398). Trong tác phẩm này, ông đưa ra những vấn đề bao quát nhất để bài xích Phật giáo, tách riêng ra phần giáo lí và thực hành để phê bình chi tiết. Ông Trịnh cho rằng tác phẩm này được viết ra một cách khách quan để bài bác Phật giáo, tất cả là »để khỏi bị phá hoại nền đạo đức và cuối cùng là nhân tính.« Mức độ cuộc tấn công Phật giáo của Phật thị tạp biện bao gồm một tóm tắt đầy đủ về những lí lẽ khác nhau của các nhà Nho giáo và Tân Nho giáo từ thời kì Phật giáo du nhập vào Đông Á thế kỉ thứ 2. Các lí lẽ được trình bày thành 18 chương, mỗi chương phê phán mỗi khía cạnh riêng biệt về giáo lí hay thực hành của đạo Phật.

Về mục lục

Phật thuỳ niết-bàn lược thuyết giáo giới kinh

佛 垂 般 涅 槃 略 説 教 誡 經; C: fóchuí bonièpán lüèshuō jiāojiè jīng; J: bussui hannehan ryakusetsu kyōkaikyō;

Kinh, Cưu-ma La-thập (鳩 摩 羅 什; S: kumārajīva) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết A-di-đà kinh

佛 説 阿 彌 陀 經; C: fóshuō āmítuójīng; J: bussetsu amidakyō; S: amitābha-sūtra.

Kinh, Cưu-ma La-thập (鳩 摩 羅 什) dịch. Xem chi tiết ở mục A-di-đà kinh .

Về mục lục

Phật thuyết A-nan phân biệt kinh

佛 説 阿 難 分 別 經; C: fóshuō ānán fēnbié jīng; J: bussetsu anan funbetsu kyō.

Kinh; 1 quyển, Pháp Kiên (法 堅) dịch. Thường gọi tắt là A-nan phân biệt kinh (阿 難 分 別 經) và Phân biệt kinh (分 別 經). Nói về lời dạy của đức Phật cho Tôn giả A-nan.

Về mục lục

Phật thuyết bất tăng bất giảm kinh

佛 説 不 増 不 減 經; C: fóshuō bùzēngbùjiǎn jīng; J: bussetsu fuzoufukan kyō.

Kinh, 1 quyển, Bồ-đề Lưu-chi (菩 提 流 支) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết Bồ Tát bản nghiệp kinh

佛 説 菩 薩 本 業 經; C: fóshuō púsà běnyè jīng; J: bussetsu bosatsu hongyō kyō.

Kinh. Chi Khiêm (支 謙; S: lokakṣema) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết Bồ Tát nội tập lục ba-la-mật kinh

佛 説 菩 薩 内 習 六 波 羅 蜜 經; C: fóshuō púsà nèixí liùbōluómì jīng; J: bussetsu bosatsu naishū rokuharamitsukyō.

Kinh. Nghiêm Phật Điều (嚴 佛 調) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết giải tiết kinh

佛 説 解 節 經; C: fóshuō jiějié jīng; J: bussetsu gesekkyō.

Kinh, 1 quyển. Chân Đế (眞 諦; S: paramārtha) dịch. Là một chương trong kinh Giải thâm mật (解 深 密 經; S: saṃdhinirmocana-sūtra), tương đương với phẩm Thắng nghĩa đế tướng (勝 義 諦 相 品, xem Đại chính 675).

Về mục lục

Phật thuyết huệ ấn tam-muội kinh

佛 説 慧 印 三 昧 經; C: fóshuō huìyìn sānmèi jīng; J: bussetsu kaiinsanmai kyō.

Kinh; 1 quyển. Chi Khiêm (支 謙; S: lokakṣema) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết Như Lai hưng hiển kinh

佛 説 如 來 興 顯 經; C: fóshuō rúlái xīngxiǎn jīng; J: utsusetsujoraikougankyō.

Kinh; 4 quyển, Trúc Pháp Hộ (竺 法 護; S: dharmarakṣa) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết pháp tập kinh

佛 説 法 集 經; C: fóshuō fǎjí jīng; J: bussetsu hōshūkyō; S: dharmasangiti-sūtra.

Kinh; Bồ-đề Lưu Chi (菩 提 流 支; S: bodhiruci) dịch.

Về mục lục

Phật thuyết phân biệt thiện ác sở khởi kinh

佛 説 分 別 善 惡 所 起 經; C: fóshuō fēnbié shànè suǒqǐ jīng; J: bussetsu funbetsu zen'aku shokikyō.

Kinh; An Thế Cao dịch.

Về mục lục

Phật thuyết Phật địa kinh

佛 説 佛 地 經; C: fóshuō fódì jīng; J: bussetsubutsuchikyō.

Kinh; 1 quyển. Huyền Trang dịch. Thường gọi là Phật địa kinh. Kinh giảng giải về 5 khía cạnh của Phật địa, gồm Pháp giới thanh tịnh và Bốn pháp chuyển thức thành trí. Kinh giải thích chi tiết về Thập địa và Phật địa.

Về mục lục

Phật thuyết quán Di-lặc Bồ Tát thượng sinh Đâu-suất thiên kinh

佛 説 觀 彌 勒 菩 薩 上 生 兜 率 天 經; C: fóshuō guān mílèpúsà shàngshēng dōu-shuòtiān jīng; J: bussetsu kan mirokubosatsu jōshō tosotsuten kyō.

Kinh, 1 quyển. Thường gọi tắt là Di-lặc thượng sinh kinh (彌 勒 上 生 經). Một trong những kinh văn chính của trường phái tôn xưng Bồ Tát Di-lặc. Kinh nói về việc thị hiện của Bồ Tát Di-lặc ở cung trời Đâu-suất (兜 率 天; S: tuṣita), với lời Đức Phật thụ kí Bồ Tát Di-lặc sẽ trụ ở cung trời này 12 năm.

Về mục lục

Phật thuyết quán Vô Lượng Thọ Phật kinh

佛 説 觀 無 量 壽 佛 經; C: fóshuō guān wúliángshòu fó jīng; J: bussetsu kan mu-ryōju butsu kyō.

Kinh. Tên gọi đầy đủ của Quán vô lượng thọ kinh (觀 無 量 壽 經).

Về mục lục

Phật thuyết thất Phật kinh

佛 説 七 佛 經; C: fóshuō qīfó jīng; J: bussetsu shichibutsu kyō.

Tên gọi đầy đủ của Thất Phật kinh .

Về mục lục

Phật thừa

佛 乘; S: buddhayāna; cũng còn được gọi là Nhất thừa (S: ekayāna);

»Cỗ xe duy nhất«, giáo pháp cao tột đưa đến Giác ngộ , Phật quả .

Về mục lục

Phật tính

佛 性; C: fóxìng; J: busshō; S: buddhatā, buddha-svabhāva;

Theo quan điểm Ðại thừa , Phật tính là thể bất sinh bất diệt của mọi loài. Vì thế, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị đời sống hiện tại hạn chế. Có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính, người ta tranh cãi liệu tất cả mọi loài đều có Phật tính, liệu thiên nhiên vô sinh vô tri như đất đá có Phật tính hay không.

Giữa Tiểu thừaÐại thừa có sự khác biệt, liệu Phật tính có thường hằng trong mọi loài hay không. Tiểu thừa hầu như không nhắc đến Phật tính, cho rằng không phải chúng sinh nào cũng có thể thành Phật. Ðại thừa xem đạt Phật quả là mục đích cao nhất, đó là thể hiện Phật tính nằm sẵn trong mọi chúng sinh, thông qua những phép tu học nhất định.

Theo Thiền tông thì mỗi chúng sinh đều có Phật tính (J: busshō), nhưng nói chung thì không tự biết và cũng không sống với sự tự hiểu biết này như một bậc giác ngộ, một vị Phật. Sự thức tỉnh này và sự sinh diệt – xảy ra từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc nọ – là biểu hiện của sự đồng nhất với Phật tính và cũng chính là mục đích của Thiền.

Như vị Thiền sư hiện đại người Nhật Bạch Vân An Cốc viết thì Phật tính – cũng đồng nghĩa với Pháp tính (S: dharmatā; J: hosshō) – chính là cái mà người ta gọi trong Ðại thừa là tính Không (S: śūnyatā; J: ku). Sư dạy: »Qua kinh nghiệm giác ngộ – nguồn gốc của tất cả những giáo lí đạo Phật – người ta ngộ được thế giới của tính Không. Thế giới này – chuyển động, không có trọng lượng, vượt mọi cá thể – vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Vì thế nên chúng ta không thể nào hiểu được và cũng không thể nào tìm hiểu được cái tự tính chân thật của vạn vật, cái Phật tính, pháp tính của chúng. Vì tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được đều phải có màu sắc nên tất cả những gì chúng ta tưởng tượng về Phật tính tất nhiên là sai. Cái người ta có thể tưởng tượng được chỉ là sự phản chiếu của Phật tính – nhưng không phải Phật tính. Nhưng, mặc dù Phật tính không thể diễn bày (Bất khả thuyết ), không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghị ), chúng ta vẫn có thể tỉnh thức, chứng ngộ được nó bởi vì chúng ta bản lai là Phật tính.«

Về mục lục

Phật tính luận

佛 性 論; C: fóxìng lùn; J: busshōron.

Luận, gồm 4 quyển. Được xem là của Thế Thân (世 親; S: vasubandhu). Chân Đế (眞 諦; S: paramārtha) dịch sang Hán ngữ. Luận giải này trình bày rất chi tiết lí thuyết Phật tính trong 16 chương, qua 4 phương diện: 1. Nhân duyên sinh; 2. Phá chấp; 3. Hiển thể; 4. Biện tướng.

Luận giải thích như thế nào mà chúng sinh có được Phật tính, bác bỏ vọng chấp của ngoại đạo và Tiểu thừa . Tác giả trích dẫn rộng rãi kinh Thắng Man, Pháp Hoa và luận Du-già sư địa (瑜 伽 師 地 論; S: yogācārabhūmi-śāstra).

Về mục lục

Phật tính Phật

佛 性 佛; C: fóxìng fó; J: busshō butsu.

»Phật như là Phật tính.« Khía cạnh thứ nhì của Tam giai giáo (三 階 教), đề xướng tư tưởng Phật hiện hữu trong mọi chúng sinh (普 佛; Phổ Phật), chỉ rõ Phật tính là Chính nhân (Chính nhân Phật tính 正 因 佛 性) của tất cả chúng sinh hữu tình (ngoại trừ chúng sinh vô tình).

Về mục lục

Phật toạ

佛 座

Nơi Phật ngồi, cái nền Phật ngồi. Phật toạ được trình bày trong tranh tượng phần lớn dưới ba dạng: 1. Sư tử toạ, 2. Liên hoa toạ và 3. Tu-di toạ.

Sư tử là chúa tể của loài thú, biểu hiện của Thế giới vương và năng lực chinh phục được tất cả của Phật pháp. Hoa sen là biểu hiện của sự tinh khiết, vô cấu nhưng đôi lúc cũng được xem là biểu tượng của vũ trụ và vị Phật ngồi trên đó được hiểu như một Vũ trụ vương, hiện thân của thể tính tuyệt đối, của Chân như . Dạng liên hoa toạ được tìm thấy lần đầu trong nghệ thuật Càn-đà-la (gandhāra) ở thế kỉ 3-4. Dạng ngồi thứ ba được tìm thấy trong nghệ thuật Trung Quốc và Nhật Bản. Phật ngồi trên núi Tu-di và núi này có dạng như một đồng hồ cát, tức là ở chính giữa hẹp hơn ở hai đầu.

Thỉnh thoảng người ta cũng trình bày đức Phật ngồi trên thân xoắn lại của một con rắn chín đầu và chín đầu này vươn qua khỏi đầu của đức Phật để bảo vệ Ngài. Một cách trình bày khác là hai con nai quì đối nhau trước chỗ Phật ngồi, ở giữa có một bánh xe pháp (Pháp luân ). Cách trình bày này nhắc lại lần Phật chuyển pháp luân tại Lộc uyển , thuyết giảng Phật pháp cho năm vị Tỉ-khâu .

Về mục lục

Phật Tổ lịch đại thông tải

佛 祖 歴 代 通 載; C: fózǔ lìdài tōngzài; J: busso rekitai tsūsai;

Tác phẩm ghi chép toàn bộ về sự truyền thừa của chư Phật và Tổ sư của sư Niệm Thường (念 常, 1282-1323); gồm 22 quyển, hoàn tất vào năm 1341.

Về mục lục

Phật Tổ thống kỉ

佛 祖 統 紀; C: fózǔ tǒngjì; J: busso touki.

Biên niên sử về Đức Phật và chư Tổ; gồm 54 quyển. Chí Bàn (志 磐, 1220-1275). Hoàn tất năm 1269.

Về mục lục

Phật trí

佛 智; C: fózhì; J: butchi.

trí tuệ Phật (S: buddha-jñāna). Đồng nghĩa Nhất thiết trí (一 切 智).

Về mục lục

Phật trí tuệ

佛 智 慧; C: fózhìhuì; J: butchie;

trí tuệ Phật (S: buddha-jñāna); người có trí tuệ Phật. Người giác ngộ.

Về mục lục

Phật tưởng Phật

佛 想 佛; C: fóxiǎng fó; J: bussō butsu

Khía cạnh thứ tư và là phương diện cụ thể nhất của Tam giai giáo, đề xướng tư tưởng Phật hiện hữu trong mọi chúng sinh (Phổ Phật 普 佛), chỉ rõ tất cả chúng sinh nên tưởng đến thể tính tối thượng của mình, đó là, như chư Phật giác ngộ viên mãn.

Về mục lục

Phật tượng

佛 像; C: fóxiàng; J: butsuzō;

Hình ảnh của đức Phật.

Về mục lục

Phật vị Tâm Vương Bồ Tát thuyết đầu-đà kinh

佛 爲 心 王 菩 薩 説 投 陀 經; C: fó wéi xīnwáng púsà shuō tóutuó jīng; J: butsui shin'ou bosatsu setsu touta kyō.

Tên của một bộ kinh.

Về mục lục

Phật xá-lợi

佛 舍 利; C: fóshèlì; J: butsushari.

Phần còn lưu lại của nhục thân Phật sau khi trà tì, chính là Phật cốt (佛 骨; S: buddha-dhātu, jina-dhātu). Xem Xá-lợi (舎 利).

Về mục lục

Phệ-đà

吠 陀; C: fèituó; J: haita;

Phiên âm chữ Veda từ tiếng Phạn, là kinh văn căn bản của Bà-la-môn Ấn Độ giáo.

Về mục lục

Phệ lưu li

吠 琉 璃; C: fèiliúlí; J: bairuri; S: vaiḍūrya; E: lapiz lazuli.

Một loại đá quý màu xanh da trời. Thường gọi tắt là Lưu li (瑠 璃).

Về mục lục

Phi phúc hạnh

非 福 行; C: fēifú xíng; J: hifuku gyō

Việc làm không tốt lành, nghiệp xấu ác.

Về mục lục

Phi tiềm tẩu thực

飛 潛 走 植; C: fēi qián zŏu zhí; J: hisensōshoku

Chỉ chim, cá, thú vật và cây cỏ.

Về mục lục

Phi thời thực

非 時 食; C: fēishíshí; J: hijijiki

Ăn uống không đúng thời gian quy định, có nghĩa là đối với chư tăng ni ăn sau giờ ngọ. Việc này bị ngăn cấm theo như trong Mười điều giới của hàng xuất gia (Sa-di thập giới).

Về mục lục

Phi trạch diệt

非 擇 滅; S: apratisaṃkhyā-nirodha;

Là diệt độ không cần sự cố gắng, vô tình, không phụ thuộc, không dựa trên Bát-nhã (S: prajñā), không phân biệt, phân tích (phi trạch). Ðây là một trong những Pháp (S: dharma) không phụ thuộc (Vô vi ) trong học thuyết của Nhất thiết hữu bộ (S: sarvāstivāda) và Duy thức tông (S: yogācāra).

Về mục lục

Phiên

翻; C: fān; J: hon

1. Phản lại, ngược với, đối lập (S: viparyāya, viparyayat); 2. Mâu thuẫn với, sự mâu thuẫn; 3. Khác với, khác biệt với; 4. Nghịch lí.

Về mục lục

Phiên dịch danh nghĩa tập

翻 譯 名 義 集; C: fānyì míngyìjí; J: honyaku myōgishū; K: pŏnyŏk myŏngŭijip

7 quyển, Pháp Vân (法 雲) biên soạn, được hoàn thành năm 1143 đời Nam Tống. Bàn rất rộng về ý nghĩa vi tế của những thuật ngữ Phật giáo đã được phiên âm hoặc dịch ý sang Hán văn.

Về mục lục

Phiên đại bi thần chú

番 大 悲 神 呪; C: fān dàbēi shénzhòu; J: ban daihi jinju

Tên một bản dịch của Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát đại bi tâm đà-la-ni (千 手 千 眼 觀 世 音 菩 薩 大 悲 心 陀 羅 尼).

Về mục lục

Phiên kinh

翻 經; C: fānjīng; J: hongyō

Dịch kinh Phật sang tiếng Hán, đồng nghĩa với Dịch kinh (譯 經).

Về mục lục

Phiên kinh viện

翻 經 院; C: fānjīngyuàn; J: hongyōin

Trung tâm phiên dịch kinh Phật, gắn liền với một ngôi chùa Trung Hoa thời xưa, nơi kinh điển được phiên dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán.

Về mục lục

Phiền lao

煩 勞; C: fánláo; J: bonrō

Phiền não, khó khăn, đau khổ.

Về mục lục

Phiền loạn

煩 亂; C: fánluàn; J: bonran

Khiến cho rối loạn, không ổn định, phiền não, rắc rối.

Về mục lục

Phiền não

煩 惱; S: kleśa; P: kilesa; J: bonnō;

Ðặc tính của tâm thức chuyên sinh ra các pháp Bất thiện (S: akuśala; P: akusala) và làm con người bị vướng mãi trong Luân hồi (s, P: saṃsāra). Khi dứt bỏ tất cả phiền não, hành giả xem như đạt thánh quả A-la-hán (S: arhat).

Có nhiều cách phân loại phiền não. Trong luận Tha nh tịnh đạo, Ðại sư Phật Âm chia phiền não ra làm 10 loại: tham, sân (giận dữ), si (mê mờ), Mạn (kiêu mạn), Kiến (kiến giải sai lầm, tà kiến), Nghi (nghi ngờ), hôn trầm (buồn ngủ mệt mỏi), trạo cử (lăng xăng vọng động), vô tàm (không biết tự thẹn), vô quý (không biết thẹn với người).

Người ta thường gặp tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam cách phân chia phiền não ra bốn loại: 1. Ngã si (我 癡), 2. Ngã kiến (我 見), 3. Ngã mạn (我 慢) và 4. Ngã ái (我 愛).

Có khi người ta cũng chia phiền não ra hai nhóm, Căn bản phiền não (根 本 煩 惱; S: mūla-kleśa) và phiền não phụ thuộc, cấu uế trong tâm, được gọi là Tuỳ phiền não (隨 煩 惱; S: u-pakleśa). Căn bản phiền não gồm có tham, sân, si, mạn, nghi, Ðảo kiến (tin có tự ngã, tin nơi sự thường hằng, tin nơi sự huỷ diệt, phủ nhận nghiệp, chấp chặt vào tri kiến sai lầm, cho rằng giáo pháp sai lầm có thể cứu độ). Tuỳ phiền não là các tâm bất thiện đi liền với các Căn bản phiền não. Ðôi lúc phiền não cũng được hiểu là Năm chướng ngại (s, P: nīvaraṇa). Nếu đảo kiến tương đối dễ đối trị thì các phiền não khác không thuộc suy luận mà thuộc về cảm giác thụ tưởng nên rất khó khắc phục. Muốn đối trị chúng, hành giả phải chuyên tu tập thiền định.

Về mục lục

Phiền não cấu

煩 惱 垢; C: fánnăogòu; J: bonnōku

Sự nhiễm ô của phiền não. Sự nhiễm ô do phiền não.

Về mục lục

Phiền não chướng

煩 惱 障; C: fánnăo zhàng; J: bonnōshō ; S: kleśa-āvaraṇa.

»Chướng ngại do phiền não«, những đam mê tiêu cực phát xuất từ vô minh, sân hận, tham lam làm trở ngại sự thành tựu Niết-bàn. Những phiền não này được các tông phái Đại thừa như Du-già hành tông xem là phiền não thô trọng, phần lớn được xem là có thể được giải trừ qua sự tu tập giới luật và thiền định của hàng A-la-hán và Bích chi Phật. Những phiền não nhiễm ô đối lại là Sở tri chướng (所 知 障), hợp lại thành nhị chướng (二 障). Những chủng tử của phiền não chướng bao gồm trong bảy thức đầu, những »chuyển thức« (轉 識) và không thuộc A-lại-da thức (阿 頼 耶 識).

Về mục lục

Phiền não ngại

煩 惱 碍; C: fánnăoài; J: bonnōge

Phiền não chướng (煩 惱 障).

Về mục lục

Phiền não phẩm

煩 惱 品; C: fánnăopĭn; J: bonnōbon

Phạm trù phiền não; đồng nghĩa với Nhiễm phẩm (染 品).

Về mục lục

Phiệt dụ

筏 喩; C: fáyù; J: batsuyu

Dụ ngôn về chiếc bè (phiệt 筏). Giáo lí của chư Phật cũng giống như chiếc bè, người tu phải bỏ chiếc bè pháp này một khi đã qua sông.

Về mục lục

Phiệt-tô-mật-đát-la

筏 蘇 蜜 呾 羅; C: fásūmìdáluó; J: bassomittara; K: pŏlsomildalla; S: vasumitra

Phiên âm Hán Việt tên của Thế Hữu (世 友) từ tiếng Phạn Vasumitra.

Về mục lục

Phó chúc

付 囑; C: fùzhǔ; J: fuzoku;

Có các nghĩa sau: 1.Nhắm đến một người nào đó, và có sự thỉnh cầu ở họ điều gì; 2. Giao phó, đề nghị, giao cho (nhiệm vụ, trách nhiệm). Trong đạo Phật thì Phó chúc có nghĩa là sự giao phó trọng trách truyền bá giáo pháp của đức Phật (cho đệ tử).

Về mục lục

Phọc

縛; C: fú; J: baku

1. Giữ lại, trói buộc, cột lại, buột chặt; 2. Sự ràng buộc, mối ràng buộc, sự giam cầm; do vậy, phiền não hoặc nhiễm ô thường đồng nghĩa với Hệ (繫; S: bandhana, anubaddha, pratibaddha, baddha, bandhu, yama, niyama).

Về mục lục

Phọc-củ-la

縛 矩 羅; C: fújŭluó; J: bakura; S: bakkula

Bạc-câu-la (薄 拘 羅).

Về mục lục

Phọc-nhật-la

縛 日 羅; C: fúrìluó; J: bajira

Phiên âm chữ vajra từ tiếng Phạn, Kim cương chử (金 剛 杵).

Về mục lục

Phong Can

豐 干; C: fēnggān; J: bukan; tk. 7;

Thiền sư Trung Quốc đời Ðường. Sư là người trụ trì chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai. Ngoài ra người ta không biết gì hơn ngoài vài sự tích được ghi lại trong Hàn Sơn thi. Tương truyền cũng có một vài bài thơ của Sư trong tập thơ này (xem thêm n Sơn).

Về mục lục

Phong Huyệt Diên Chiểu

風 穴 延 沼; C: fēngxué yànzhǎo; J: fuketsu enshō; 896-973;

Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế , nối dòng của Nam Viện Huệ Ngung . Sư là thầy của Thủ Sơn Tỉnh Niệm , được xem là một trong những Ðại Thiền sư trong môn phong Lâm Tế – như lời tiên đoán của Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch . Bích nham lục có ghi lại pháp ngữ của Sư trong Công án 38 và 61.

Sư họ Lưu, quê ở Dư Hàn, lúc nhỏ đã có chí hơn người. Vì thi làm quan lần đầu không thành, Sư quyết chí xuất gia, học kinh luật nghiêm túc, và sau đó Hành cước . Ðến các vị Tôn túc như Tuyết Phong Nghĩa Tồn , Thuỵ Nham Sư Ngạn , nh Thanh Ðạo Phó, Sư đều trổ tài hùng biện của mình, ai ai cũng chấp nhận mặc dù Sư chưa phát minh đại sự. Nhân nghe thị giả Khoách của Nam Viện thuật lại, Sư ước mong đến đây đọ sức.

Ðến Thiền sư Nam Viện, Sư vào cửa chẳng lễ bái. Nam Viện bảo: »Vào cửa cần biện chủ.« Sư thưa: »Quả nhiên mời thầy phân.« Nam Viện lấy tay trái vỗ gối một cái, Sư hét. Nam Viện lấy tay mặt vỗ gối một cái, Sư cũng hét. Nam Viện bảo: »Vỗ bên trái gác lại, vỗ bên mặt là sao?«Sư đáP: »Mù.« Nam Viện liền chỉ cây gậy. Sư hỏi: »Làm gì? Con đoạt cây gậy đập Hoà thượng, chớ bảo không nói.« Nam Viện liền ném cây gậy nói: »Ba mươi năm trụ trì, hôm nay bị gã Chiết mặt vàng vào cửa hãm hại.« Sư thưa: »Hoà thượng giống như người mang bát không được, dối nói chẳng đói.« Nam Viện hỏi: »Xà-lê từng đến đây chăng?« Sư thưa: »Là lời gì?« Nam Viện bảo: »Khéo khéo hỏi lấy.« Sư thưa: »Cũng chẳng cần bỏ qua.« Nam Viện bảo: »Hãy ngồi uống trà.«

Nam Viện cũng chưa biết được mức độ ngộ nhập của Sư sau cuộc vấn đáp hào hứng này. Vài hôm sau, Nam Viện chỉ hỏi đơn giản: »Hạ này ở chỗ nào?« Sư thưa: »Ở Lộc Môn cùng thị giả Khoách đồng qua hạ.« Nam Viện bảo: »Vốn là thân kiến tác gia đến.« và hỏi thêm: »Người kia nói với ông cái gì?« Sư thưa: »Trước sau chỉ dạy con một bề làm chủ.« Nam Viện nghe vậy hiểu ngay mọi việc, đánh đuổi Sư ra khỏi phương trượng, nói: »Kẻ này là loại thua trận, dùng làm gì!«

Sư từ đây đành chịu thua, ở lại nhận chức Tri viên . Một hôm, Nam Viện vào vườn hỏi: »Phương Nam một gậy làm sao thương lượng?« Sư thưa: »Thương lượng rất kì đặc«, và hỏi lại: »Hoà thượng nơi đây một gậy thương lượng như thế nào?« Nam Viện cầm cây gậy lên bảo: »Dưới gậy vô sinh nhẫn, gặp cơ chẳng nhượng thầy.« Sư nhân đây triệt ngộ, ở lại Nam Viện sáu năm và được Nam Viện Ấn khả .

Niên hiệu Trường Hưng năm thứ ha (931), Sư sang Nhữ Thuỷ nơi chùa Phong Huyệt, một ngôi chùa đang bị hư hoại. Sư dừng lại đây, ban ngày lượm trái rụng ăn, tối đốt dầu thông, suốt bảy năm như vậy. Dần dần, đồ chúng hay tin góp sức xây dựng chùa mới và Sư bắt đầu giáo hoá.

Sư thượng đường bảo chúng: »Phàm con mắt người tham học gặp cơ liền phải đại dụng hiện tiền, chớ tự ràng buộc nơi tiết nhỏ. Giả sử lời nói trước tiến được, vẫn còn kẹt vỏ dính niệm, dù là dưới câu liền được tinh thông, chưa khỏi phạm đến lại là thấy cuồng. Xem thấy tất cả các ông đều là nhằm đến nương người tìm hiểu, sáng tối hai lối vì các ông một chút quét sạch, dạy thẳng mỗi người các ông như sư tử con gầm gừ rống lên một tiếng, đứng thẳng như vách cao ngàn nhẫn, ai dám để mắt nhìn đến, nhìn đến là mù mắt y.«

Sư thượng đường, có vị tăng bước ra hỏi: »Thầy xướng gia khúc tông phong ai, nối pháp người nào?« Sư đáP: »Siêu nhiên vượt khỏi ngoài Uy Âm, kiễng chân luống nhọc khen đất cát«. Tăng hỏi: »Hát xưa không âm vận, thế nào hoà được bằng?« Sư đáP: »Gà gỗ gáy nửa đêm, chó rơm sủa hừng sáng.«

Ðời Tống, niên hiệu Khai Bảo, năm thứ sáu, ngày rằm tháng tám, Sư lên toà ngồi kết già viên tịch, thọ 78 tuổi, 59 tuổi hạ. Trước khi tịch, Sư để lại bài kệ sau:

Ðạo tại thừa thời tu tế vật

Viễn phương lai mộ tự đằng đằng

Tha niên hữu tẩu tình tương tự

Nhật nhật hương yên dạ dạ đăng.

*Phải thời truyền đạo lợi quần sinh

Chẳng quản phương xa tự vươn lên

Năm khác có người dòng giống đó

Ngày ngày hương khói đêm đêm đèn.

Về mục lục

Phóng diệm khẩu

放 焰 口; C: fàngyànkǒu; nghĩa là »Phóng thả những miệng đang cháy«;

Một nghi lễ dành cho người đã chết. Diệm khẩu là một loại Ngạ quỷ . Buổi lễ này – vốn bắt nguồn từ hệ thống Tan-tra của Mật tông – được thực hành với mục đích giải thoát những con quỷ đói ra khỏi những cảnh khổ đau của địa ngục và tạo điều kiện cho chúng tái sinh trở thành người hoặc bước vào những Tịnh độ . Lễ này rất được ưa chuộng và phổ biến, được các thân quyến của những người chết tổ chức thực hiện và cũng có khi được thực hiện chung với lễ Vu-lan-bồn (S: ullambana). Ngày nay, buổi lễ này không thuộc vào một trường phái nhất định nào của Phật giáo.

Lễ Phóng diệm khẩu kéo dài khoảng 5 tiếng và được thực hiện vào buổi tối bởi vì trong thời gian này, quỷ đói dễ di chuyển kiếm ăn hơn. Các vị tăng thực hiện nghi lễ này đều mang mũ đỏ hoặc vàng dưới dạng một vương miện, sử dụng những khí cụ thuộc Mật giáo như chuông, Kim cương chử (S: vajra) và kêu gọi Tam bảo hỗ trợ. Sau đó, các vị mở cửa địa ngục bằng những thủ ấn, khế Ấn , mở những »miệng đang cháy« và rót nước dịu ngọt vào, một loại nước trước đó được ban phép lành bằng những Man-tra . Ngay sau đó thì những Diệm khẩu này Quy y tam bảo, Thụ giới Bồ Tát . Nếu buổi lễ này được thực hiện nghiêm chỉnh với kết quả tốt thì những quỷ đói có thể lập tức tái sinh vào cõi người hoặc một tịnh độ.

Lễ này còn được thực hiện đến ngày nay tại các nước Ðông, Ðông nam á, đặc biệt là tại Ðài Loan (taiwan) và Hương Cảng (hongkong). Theo truyền thuyết thì lễ này bắt nguồn từ Tôn giả A-nan-đà . Sau khi nằm chiêm bao thấy những Diệm khẩu, Tôn giả sợ hãi. Ðể ngăn ngừa khả năng tái sinh thành loài quỷ đói này, Tôn giả bèn tham vấn đức Phật và Ngài liền đọc chú Ðà-la-ni (S: dhāraṇī) để cứu giúp chúng.

Về mục lục

Phổ

普; C: pŭ; J: fu;

Rộng rãi, nói chung, toàn thể.

Về mục lục

Phổ biến

普 徧 (遍); C: pŭbian; J: fuhen;

Thâm nhập khắp nơi. Phổ biến, truyền bá khắp nơi.

Về mục lục

Phổ biến quang minh thanh tịnh xí thạnh như ý bảo ấn tâm vô năng thắng đại minh vương đại tuỳ cầu đà-la-ni kinh

普 遍 光 明 清 淨 熾 盛 如 意 寶 印 心 無 能 勝 大 明 王 大 隨 求 陀 羅 尼 經; C: pŭbiàn guāngmíng qīngjìng chìchéng rúyìbăo yìnxīn wúnéngshèng dàmíngwáng dàsuíqiú tuóluóní jīng; J: fuhen kōmyō shōjō shijō nyoishō inshin munōshō daimyōō daizuigu daranikyō; S: mahāpra-tisarā-vidyārājñī; T: phags pa rig pa'i rgyal mo so sor 'brang ba chen mo;

Là kinh văn đầu tiên trong Ngũ vị lục (S: pañcarakṣā), dâng lên cho Đại tuỳ cầu (大 隨 求, S: mahāpratisarā), vị bảo hộ thoát khỏi điều xấu ác, tội lỗi và bệnh tật. Có 2 bản dịch tiếng Hán đang lưu hành:

1. Phổ biến quang minh thanh tịnh xí thạnh như ý bảo ấn tâm vô năng thắng đại minh vương đại tuỳ cầu đà-la-ni kinh (普 遍 光 明 清 淨 熾 盛 如 意 寶 印 心 無 能 勝 大 明 王 大 隨 求 陀 羅 尼 經), viết tắt là Đại tuỳ cầu đà-la-ni kinh (大 隨 求 陀 羅 尼), 2 quyển, Bất Không dịch. Luận giải tiêng Nhật của Minh Giác (明 覺, J: myōkaku) nhan đề Đại tuỳ cầu đà-la-ni khám chú (大 隨 求 陀 羅 尼 勘 註) .

2. Đại tuỳ cầu ấn đắc đại tự tại đà-la-ni thần chú kinh (隨 求 即 得 大 自 在 陀 羅 尼 神 呪 經), 1 quyển; Bảo Tư Duy (寶 思 惟, S: maṇicintana) dịch. Bản dịch tiếng Anh từ bản kinh tương ứng xin xem Lewis (1995).

Về mục lục

Phổ chiếu

普 照; C: pŭzhào; J: fushō;

1. Chiếu sáng rộng khắp (S: spharaṇa; t: khyab pa); 2. (k: pojo); thuỵ hiệu của Thiền sư Hàn Quốc Tri Nột (知 訥, k: chinul); 3. (J: fushō); thuỵ hiệu của Thiền sư Ẩn Nguyên (隱 元), người sáng lập Hoà ng Bá tông (黄 檗, J: ōbaku) ở Nhật Bản.

Về mục lục

Phổ diệu kinh

普 曜 經; S: lalitavistara; C: pŭyàojīng; J: fuyō kyō; còn được gọi là Thần thông du hí kinh (神 通 遊 戲 經), nguyên nghĩa là »Trình bày chi tiết cuộc đời đức Phật«;

Được xem là bản dịch sớm nhất của Phương quảng đại trang nghiêm kinh (方 廣 大 莊 嚴 經, S: lalitavistara). Pháp Hộ (法 護, S: dharmarakṣa) dịch vào thời Tây Tấn, năm 308; gồm 8 quyển, 33 phẩm. Đó là tác phẩm đề cập đến cuộc đời Đức Phật theo tinh thần Đại thừa.

Kinh bao gồm nhiều đoạn văn trình bày hai đời cuối cùng của Phật Thích-ca Mâu-ni . Kinh mang tính chất tiếp nối giữa Tiểu thừa (S: hīnayāna) và Ðại thừa (S: mahāyāna), được soạn giữa thế kỉ thứ hai trước và sau Công nguyên, chịu ảnh hưởng của phái Nhất thiết hữu bộ (S: sarvāstivāda) và về sau được Ðại thừa hoàn chỉnh.

Về mục lục

Phổ-đà sơn

普 陀 山; C: pǔtuó-shān; S: potalaka; cũng được gọi là Tiểu Bạch Hoa, Mai Sầm sơn;

Một ngọn núi trên đảo Phổ-đà, một trong Tứ đại danh sơn của Trung Quốc. Núi này là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng tại đây và được xem là trú xứ của Bồ Tát Quán Thế Âm .

Một vài truyền thuyết kể lại việc Phổ-đà sơn trở thành trú xứ của Quán Thế Âm . Tên Phổ-đà vốn xuất phát từ chữ »Potalaka« của Phạn ngữ , tên của một hòn đảo tại Ấn Ðộ dương. Hòn đảo này cũng được biết là trú xứ của Quán Thế Âm . Năm 847, một vị tăng người Ấn Ðộ bỗng nhiên thấy Quán Thế Âm xuất hiện trong một hang động trên một ngọn núi. Sau đó, vị này đặt tên cho núi này là Potalaka, dịch âm là Phổ-đà.

Một truyền thuyết khác kể rằng, vào khoảng năm 850, một vị tăng đốt hết những ngón tay của mình để cúng dường. Nghe ông than thở, đức Quán Thế Âm hiện ra cứu giúp, vì ông thuyết pháp.

Một truyền thuyết rất nổi tiếng khác bảo rằng, một vị tăng người Nhật muốn thỉnh một tượng Quan Âm từ Ngũ Ðài sơn sang Nhật. Trên đường trở về nước thì thuyền của ông không may gặp bão. Ông nguyện trước bức tượng Quan Âm rằng, nếu thoát khỏi nạn này ông sẽ xây dựng một ngôi chùa để cúng dường. Ngay sau đó thì thuyền của ông – như được một bàn tay vô hình – được dẫn ngay đến núi Phổ-đà. Ðể báo ân, ông bèn lập một ngôi chùa tại đây và từ đó, Quan Âm cũng được xem là vị Bồ Tát chuyên giúp những người đi biển.

Về mục lục

Phổ Đức

普 徳; C: pŭdé; J: futoku; K: podŏk

Tăng sĩ thuộc Cao cú lệ (k: koguryŏ), bị lưu đày sang Tân La vào thời Nguyên Hiểu (元 曉, k: wŏnhyo). Là người nổi tiếng tinh thông về kinh Niết-bàn.

Về mục lục

Phổ Giác

普 覺; C: pŭjué; J: fukaku;

»Giác ngộ rộng khắp«. Một trong 12 vị Bồ Tát đương cơ trong kinh Viên Giác (圓 覺 經).

Về mục lục

Phổ Hiền

普 賢; S: samantabhadra; C: pǔxián; J: fugen;

Một trong những Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Ðại thừa . Ngài được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho »Bình đẳng tính trí« tức là trí tuệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích-ca và Bồ Tát Văn-thù (S: mañjuśrī). Ngài ngồi trên voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong Ngũ Phật , Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Ðại Nhật (S: vairocana). Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Ngài. Tại Trung Quốc, Phổ Hiền được xem là một trong bốn Ðại Bồ Tát , trú xứ của Ngài là núi Nga Mi. Ðó là nơi Ngài lưu trú sau khi cỡi voi trắng từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc.

Trong Kim cương thừa, tên Phổ Hiền được sử dụng chỉ Bản sơ Phật (S: ādi-buddha), hiện thân của Pháp thân (S: dharmakāya; Ba thân ). Phổ Hiền này (không phải vị Ðại Bồ Tát ) được vẽ với màu xanh đậm, tượng trung cho tính Không . Tranh tượng cũng vẽ Ngài hợp nhất (Yab-yum ) với nữ thần sắc trắng, tượng trưng cho sự nhất thể. Trong phép Ðại thủ ấn (S: mahāmudrā), thân của Phổ Hiền là Báo thân (S: saṃbhogakāya) và đóng một vai trò trung tâm.

Về mục lục

Phổ Hiền Bồ Tát đà-la-ni kinh

普 賢 菩 薩 陀 羅 尼 經; C: pŭxián púsà tuóluóníjīng; J: fugen bosatsu daranikyō; S: samantabhadrāṣṭottaraśatakanāmadhāraṇī-mantra-sahita; t: kun tu bzang po'i mtshan brgya rtsa brgyad pa gzungs sngags dang bcas pa

1 quyển, Pháp Thiên (法 天) dịch.

Về mục lục

Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện tán

普 賢 菩 薩 行 願 讚; C: pŭxián púsà xíngyuàn zàn; J: fugen bosatsu gyōgan san; S: bhadracaryā-praṇidhānarāja; T: bzang po spyod pa'i smon lam gyi rgyal po'i rgya cher 'grel pa;

Gọi tắt là Phổ Hiền hạnh nguyện tán (普 賢 行 願 讚), Bất không (不 空, S: amoghavajra) dịch.

Về mục lục

Phổ Hiền cảnh giới

普 賢 境 界; C: pŭxián jìngjiè; J: fugenkyōkai;

Theo giáo lí kinh Hoa Nghiêm, đó là cảnh giới chứng nhập bởi các căn cơ bậc thượng của nhất thừa Bồ Tát Phổ Hiền. Là phương diện thực tại của cảnh giới mà chúng sinh chưa thành Phật có thể nhận biết, được diễn tả là cảnh giới Phổ Hiền. Vì Phổ Hiền là Bồ Tát tượng trưng cho tu tập thiền định, là điều có thể giải thích được; khác với cảnh giới trí tuệ giải thoát của Bồ Tát Văn-thù Sư-lợi là không thể nghĩ bàn.

Về mục lục

Phổ Hiền hạnh nguyện tán

普 賢 菩 薩 行 願 讚; C: pŭxián xíngyuàn zàn; J: fugen gyōgan san;

Tên ngắn của Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện tán .

Về mục lục

Phổ Hiền quán kinh

普 賢 觀 經; C: pŭxián guān jīng; J: fugen kan kyō;

Tên gọi đầy đủ là (Phật thuyết) quán Phổ Hiền Bồ Tát hạnh pháp kinh ([佛 説] 觀 普 賢 菩 薩 行 法 經).

Về mục lục

Phổ Hoá

普 化; C: pǔhuà; J: fuke; ?-860; cũng được gọi là Trấn Châu Phổ Hoá;

Thiền sư Trung Quốc dòng Mã Tổ , môn đệ của Thiền sư Bàn Sơn Bảo Tích . Sư nổi danh vì những hành động quái dị và những hành động này còn được ghi lại trong Lâm Tế lục.

Sau khi Bàn Sơn tịch, Sư đến trợ giúp Lâm Tế hoằng hoá trong thời gian đầu. Khi việc đã xong, toàn thân biến mất không để lại dấu vết. Dòng Thiền của Sư được Thiền sư Tâm Ðịa Giác Tâm truyền sang Nhật với tên Phổ Hoá tông (J: fukeshū)

Bàn Sơn sắp tịch, gọi đệ tử đến bảo: »Có người vẽ được chân dung ta chăng?« Tất cả môn đệ đều trình đã vẽ đến nhưng chẳng hợp ý Bàn Sơn. Sư liền ra thưa: »Con vẽ được.« Bàn Sơn bảo: »Sao chẳng trình Lão tăng?« Sư liền lộn nhào rồi ra. Bàn Sơn liền bảo: »Gã này sau chụp gió chạy loạn đây.«

Như Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch tiên đoán trước, Sư là người phụ giúp Lâm Tế Nghĩa Huyền hoằng hoá trong thời gian đầu tại Trấn Châu. Lâm Tế lục có ghi lại nhiều giai thoại của Sư với Lâm Tế. Một trong những câu chuyện thường được nhắc đến nhất là việc thiên hoá của Sư. Một hôm Sư ra giữa chợ hô hào xin người qua lại một cái áo dài. Ai cũng cho nhưng Sư không vừa lòng. Lâm Tế nghe vậy liền khiến một vị đệ tử mua một chiếc quan tài. Sư đến viện, Lâm Tế bảo: »Ta có cho ông cái áo dài rồi!« Sư bèn tự vác đi quanh chợ kêu lên rằng: »Lâm Tế làm cho tôi một cái áo dài rồi. Tôi qua cửa Ðông Thiên hoá đây!« Mọi người đua nhau theo xem, Sư bèn nói: »Hôm nay chưa, ngày mai ra cửa Nam thiên hoá!« Cứ như thế ba ngày thì không ai đi theo và đến ngày thứ tư, một mình Sư ra ngoài thành, tự đặt mình vào quan tài, nhờ người đóng nắp lại. Tin đồn ra thì mọi người đổ xô lại, mở quan tài ra xem thì không thấy xác đâu, chỉ nghe trên không tiếng chuông văng vẳng xa dần.

Về mục lục

Phổ Hoá tông

普 化 宗; C: pǔhuà-zōng; J: fuke-shū;

Một nhánh thiền nhỏ không quan trọng tại Trung Quốc, được Thiền sư Phổ Hoá khai sáng trong thế kỉ thứ 9. Trong tông này, người ta thay thế việc tụng kinh niệm Phật bằng cách thổi sáo – cây sáo này được gọi là Xích bát (尺 八; J: shakuhachi).

Phổ Hoá tông được Thiền sư Tâm Ðịa Giác Tâm (J: shinchi kakushin, 1207-1298) truyền sang Nhật trong thời đại Liêm Thương (kamakura). Các người theo tông này – phần lớn thuộc giới Cư sĩ – chu du khắp nơi, lúc nào cũng mang một cái nón tre che cả khuôn mặt và thổi sáo. Họ được gọi là »Hư vô tăng« (虛 無 僧; J: komusō). Tông này sau bị cấm vì có nhiều hiệp sĩ (侍; J: samurai) vô chủ, lợi dụng chiếc nón tre che mặt che đậy tông tích, hành vi bất thiện.

Về mục lục

Phổ Huyễn

普 幻; C: pŭhuàn; J: fugen; K: pohwan, 1245-1278;

Tăng sĩ học giả thuộc Thiền tông Hàn Quốc thế kỉ thứ 13, nổi tiếng là chuyên gia về kinh Thủ-lăng-nghiêm . Sư viết 2 cuốn luận giải về kinh này: Lăng-nghiêm kinh tân khoa (楞 嚴 經 新 科, k: nŭngŏmgyŏng singwa), 2 quyển, có khả năng hiện còn lưu hành, và Thủ-lăng-nghiêm kinh hoàn giải bổ kí (首 楞 嚴 經 環 解 補 記, k: surŭngŏmgyŏng hwanhae pogi), 2 quyển, hiện đang lưu hành.

Về mục lục

Phổ Hương

普 香; C: pŭxiāng; J: fukō; S: samantagandha;

Tên một vị thần trong kinh Pháp Hoa.

Về mục lục

Phổ khuyến toạ thiền nghi

普 勸 坐 禪 儀; J: fukan zazengi;

Một tác phẩm của vị Tổ tông Tào Ðộng Nhật Bản là Ðạo Nguyên Hi Huyền (J: dōgen kigen). Sư biên soạn quyển sách này sau khi từ Trung Quốc trở về nhằm khuyến khích các môn đệ tinh tiến Toạ thiền . Sư nhấn mạnh là toạ thiền không phải là »Phương tiện đạt giác ngộ« bởi vì ngay khi ngộ đạo, người ta cũng phải tiếp tục toạ thiền bởi vì toạ thiền là việc thực hành căn bản của chư Phật. Toạ thiền là một cách tu tập vô cùng tận.

Về mục lục

Phổ Minh

普 明; C: pŭmíng; J: fumyō;

Ánh sáng chói lọi chiếu khắp. Tự điển Phật Quang Sơn liệt kê 8 nhân vật mang tên này.

Về mục lục

Phổ Ngu

普 愚; C: pŭyú; J: fugu; K: pou, 1301-1382;

Thiền sư Hàn Quốc xuất thân từ Hồng Châu (洪 州), thường được gọi với pháp danh Thái Cổ (太 古, k: t'aego). Sư xuất gia vào năm 13 tuổi, được biết năm 19 tuổi, sư quyết chí giải trừ mối nghi sinh tử của mình, xúc tiến tham công án Vô và thấu suốt công án này năm 30 tuổi. Năm 1341, sư trú tại Trùng Hưng tự (重 興 寺, k: chunghŭngsa) ở Tam giác sơn, nơi sư bắt đầu thâu nhận đồ chúng. Sư lập một nơi ẩn cư ở phía Đông ngôi chùa, gọi đó là Thái Cổ (t'aego), ở đó sư viết tập Ca nhất thiên (歌 一 篇, k: kailp'yŏn). Sau đó sư viết Sơn trung tự lạc ca (山 中 自 樂 歌, k: sanjungjallakka). Sau, sư được mời làm Vương sư và Quốc sư. Sư là truyền nhân thuộc dòng thiền Lâm Tế (臨 濟, k: imje), dòng thiền theo tinh thần của Đại Huệ (大 慧); chú trọng vào việc tham thoại đầu. Sư nổi tiếng qua thi ca, các tác phẩm đã được môn đệ sưu tập lại.

Về mục lục

Phổ Nhãn

普 眼; C: pŭ yăn; J: fugen;

»Cái nhìn suốt khắp«, »mắt vũ trụ«. 1. Con mắt từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn toàn thể chúng sinh; 2. Nhận ra rằng các pháp đều bao hàm trong một pháp; 3. Một trong 12 vị Bồ Tát đương cơ trong kinh Viên Giác; nhan đề của phẩm thứ 3 trong kinh Viên Giác.

Về mục lục

Phổ pháp

普 法; C: pŭfă; J: fuhō;

Theo giáo lí Tam giai giáo, Phổ pháp là giáo lí phổ biến thích nghi với mọi chúng sinh có căn cơ chậm lụt và vô minh, được xêp vào hàng thứ ba; khác với biệt pháp (別 法), thích ứng với chúng sinh căn cơ bậc thượng của Nhất thừa (一 乘, S: ekayāna) và Tam thừa (三 乘, S: triyāna).

Về mục lục

Phổ Phật

普 佛; C: pŭfó; J: fubutsu;

Theo giáo lí Tam giai giáo; Phổ Phật thích ứng cho chúng sinh mù quáng vô minh, thuộc loại có căn cơ xếp hạng thứ 3 (tam giai 三 階); được trình bày chi tiết bằng 4 phương diện Như Lai Tạng Phật (如 來 藏 佛), Phật tính Phật (佛 性 佛), Đương lai Phật (當 來 佛), và Phật tưởng Phật (佛 想 佛).

Về mục lục

Phổ vi thừa giáo

普 爲 乘 教; C: pŭwéi shèngjiāo; J: fuijōkyō;

»Giáo lí bao gồm hết tất cả các thừa«. Gọi như thế vì giáo lí này chứa đựng hết thảy 5 thừa. Là tên gọi khác của Pháp tướng tông. Đây là một thuật ngữ Pháp tướng tông thường dùng để gọi tên tông của mình xuất phát từ ngài Khuy Cơ (窺 基).

Về mục lục

Phổ Vũ

普 雨; C: pŭyŭ; J: fu-u; K: pou,1515-1565;

Thiền sư Hàn Quốc vào thời Chosŏn. Sư sống vào thời kì có chút nới lỏng của sự đàn áp Phật giáo nhờ sự thừa kế của Hoàng hậu thừa kế Văn Định Vương Hậu (文 定 王 后, k: munjŏng), là một Phật tử thuần thành, nắm vương quyền từ con của mình là Minh Tông (明 宗, k: myŏngjong; trị vì từ 1545-1567), bà liền bãi bỏ nhiều biện pháp cấm ngăn Phật giáo.

Về mục lục

Phú-na Da-xá

富 那 耶 舍; S: puṇyayaśa;

Tổ thứ 11 của Thiền tông Ấn Ðộ

Về mục lục

Phù Dung Ðạo Khải

芙 蓉 道 楷; C: fúróng dàokăi; J: fuyo dōkai; 1043-1118, cũng được phiên thiết là Phù Dung Ðạo Giai;

Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng . Sư nối pháp Thiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh và là thầy của nhiều vị danh tiếng như Ðan Hà Tử Thuần , Hương Sơn Pháp Thành, Ðại Trí Tề Liên và Bảo Phong Duy Chiếu.

Sư họ Thôi, quê ở Nghi Thuỷ, Nghi Châu, tính tình cương trực. Thuở nhỏ Sư đã tu học kham nhẫn, vào ở ẩn trong núi Y Dương. Sau, Sư đến kinh đô tu học tại chùa Thuật Ðài và thụ giới cụ túc tại đây.

Bước đầu du phương, Sư đến tham học nơi Thiền sư Nghĩa Thanh ở núi Ðầu Tử chùa Hoa Nghiêm. Sư hỏi: »Ngôn giáo của Phật Tổ như việc cơm nước thường ngày trong nhà. Lìa rời việc này riêng có chỗ vì người hay chăng?« Ðầu Tử đáP: »Ngươi nói sắc lệnh của Thiên tử trong cõi này, lại nhờ vua Võ, Thang, Nghiêu, Thuấn hay chăng?« Sư suy nghĩ đáp lại, Ðầu Tử thấy thế liền cầm phất tử bịt miệng Sư, nói: »Ngươi phát ý ra đã đáng ăn ba mươi gậy rồi!« Ngay câu này, Sư tỉnh ngộ, làm lễ và ra đi. Ðầu Tử gọi: »Xà-lê hãy lại đây!« Sư chẳng ngó lại. Ðầu Tử liền nói: »Ngươi đến chỗ chẳng nghi chăng?« Sư liền bịt tai.

Sau, Sư coi trông việc nhà trù. Ðầu Tử hỏi: »Việc trong nhà trù không phải là dễ.« Sư thưa: »Chẳng dám.« Ðầu Tử hỏi: »Ngươi thổi cơm ư? Nấu cháo ư?« Sư thưa: »Nhân công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm.« Ðầu tử hỏi: »Còn ngươi làm gì?« Sư thưa: »Nhờ ơn Hoà thượng từ bi cho con rảnh rang.«

Sau, Sư trở về Nghi Châu núi Mã An truyền bá Phật pháp. Ban đầu, Sư ở Tiên Ðộng, sau dời đến chùa Long Môn, rồi lại sang trụ núi Thái Dương thuộc Dĩnh Châu và Ðại Hồng ở Tuỳ Châu. Môn phong của tông Tào Ðộng rất hưng thịnh vùng Tây bắc.

Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ ba (1104), vua ban chiếu mời Sư trụ trì Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhân ở Ðông Kinh. Ðến niên hiệu Ðại Quan năm thứ nhất (1107), Vua áp đặt Sư trụ trì tại Thiên Ninh không được từ chối. Vì nghe lời ca tụng đạo hạnh của Sư, vua ban tử y và danh hiệu Ðịnh Chiếu Thiền sư. Sư thắp hương tạ ân xong rồi dâng biểu từ chối không nhận. Vua Tống Huy Tông xem biểu của Sư xong sai quan là Lí Hiếu Thọ khuyên Sư không nên từ chối. Quan họ Lí khuyên dụ nhiều lời nhưng Sư vẫn một mực từ chối. Vua nổi giận bắt Sư đem giam. Quan tra khảo hỏi Sư: »Trưởng lão thân gầy ốm như vậy có bệnh chăng?« Sư đáP: »Ngày thường cũng có bệnh nhưng hiện nay thì không bệnh.« Quan tra khảo lại nói: »Nếu nói có bệnh thì đối với pháp luật khỏi bị hình phạt.« Sư bảo: »Ðâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội« và an nhiên chấp nhận hình phạt. Sau đó, Sư bị đày ra Tri Châu, người người đều đau xót nhưng Sư sắc khí vẫn nhàn hạ.

Mùa đông năm sau, vua ban sắc phóng thích. Sư cất am tại hồ Phù Dung và từ đây, tăng chúng hội họp vây quanh. Tại đây mỗi ngày chỉ có một chén cháo, những người không chịu nổi đều dần dần đi bớt nhưng số tăng thường trực không dưới một trăm.

Sư dạy chúng: »Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sinh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong mắt. Vì từ vô thuỷ đến giờ, những cái ấy đâu chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này…

Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người, Triệu Châu (Tòng Thẩm) đến chết chẳng biên thư cho đàn việt, thà lượm trái dẻ trái lật mà ăn. Ðại Mai (Pháp Thường) lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Ðạo Giả mặc y phục bằng giấy, Thượng toạ Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương (Khánh Chư) nơi nhà cây khô cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Ðầu Tử (Ðại Ðồng) sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi. Các bậc Thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi…«.

Năm thứ tám niên hiệu Chính Hoà (1118) ngày 14 tháng năm, Sư cầm bút viết bài kệ:

吾年七十六,世緣今已足

生不愛天堂,死不怕地獄

撒手橫身三界外,騰騰任運何拘束

Ngô niên thất thập lục

Thế duyên kim dĩ túc

Sinh bất ái thiên đường

Tử bất phạ địa ngục

Tán thủ hoành thân tam giới ngoại

Ðằng đằng nhậm vận hà câu thúc.

*Ta tuổi bảy mươi sáu

Duyên đời nay đã đủ

Sinh chẳng thích thiên đường

Chết chẳng sợ địa ngục

Buông tay đi ngang ngoài tam giới

Mặc tình vươn bảng nào buộc ràng.

Ngay sau khi viết kệ, Sư viên tịch, thọ 76 tuổi.

Về mục lục

Phù-đà Mật-đà

浮 陀 蜜 陀; S: buddhamitra;

Tổ thứ 9 của Thiền tông Ấn Ðộ

Về mục lục

Phù-đà Nan-đề

浮 陀 難 提; S: buddhanandi;

Tổ thứ 8 của Thiền tông Ấn Ðộ

Về mục lục

Phù-đồ

浮 圖; C: fútú; J: futo;

Phiên âm chữ buddha (Phật 佛) hoặc chữ stūpa (tháp 塔) từ tiếng Phạn. Còn có thể chỉ cho chùa viện hoặc là tăng sĩ Phật giáo. Cũng được dùng chỉ Phật pháp (viết 浮 屠).

Về mục lục

Phù trần

浮 塵; C: fúchén; J: fujin;

»Bụi lăng xăng«. Là mọi hiện tượng tạo tác. Vì không nhận ra chân tính của mình, nên thấy các pháp sinh khởi và hoại diệt một cách lăng xăng không có cơ sở.

Về mục lục

Phù tưởng

浮 想; C: fúxiăng; J: fusō;

Vọng tưởng, niệm tưởng lăng xăng.

Về mục lục

Phúc

福; C: fú; J: fuku; S: puṇya; P: puñña;

1. Sự may mắn, sự giàu có, thịnh vượng, phúc lành; công đức; lòng tốt, việc lành; 2. Quả báo tốt đẹp do kết quả tu tập Phật pháp. Quả báo do thiện nghiệp (P: puñña; S: puṇya); 3. Thiện nghiệp có được trong Dục giới; 4. Lòng nhân đức, lòng bao dung, lòng từ thiện; sự ban tặng, sự bố thí.

Phúc đức nhờ bố thí, hay thực hiện nghi Lễ (S: pūjā), tụng kinh niệm Phật. Người ta cho rằng phúc này có thể tạo Thiện nghiệp để tái sinh trong một đời sống hạnh phúc hơn. Trong Ðại thừa – với mong cầu mọi chúng sinh cùng được giác ngộ – nhiều hành giả không quan tâm đến phúc đức riêng của mình mà »hồi hướng«, trao truyền phúc đức của mình cho mọi người. Ðó là một trong những hạnh Bồ Tát quan trọng.

Về mục lục

Phúc điền

福 田; C: fútián; J: fukuden

1. Chỉ cho Tam bảo: Phật, pháp, tăng; cũng chỉ cha mẹ và những người nghèo nàn. Đây là những đối tượng mà người tu tập phải hướng đến; 2. Nơi mà mọi Phật tử gieo trồng và nuôi dưỡng lớn mạnh công đức; 3. Công hạnh tu tập dẫn đến giác ngộ.

Về mục lục

Phúc đức

福 德; C fúdé: ; J: fukutoku

Thiện hạnh; công đức. Mọi thiện nghiệp và công đức đều xuất phát từ đây. Là năm món đầu tiên trong Lục độ ba-la-mật, khác với điều thứ 6 là trí tuệ ba-la-mật. Cùng với trí tuệ là một trong hai thứ Tư lương (nhị tư lương 二 資 糧)

Về mục lục

Phúc huệ

福 慧; C: fúhuì; J: fukue

1. Phước đức và trí tuệ . Có khi gọi là Nhị tài; 2. Khi đề cập đến Lục độ thì Bố thì, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định là Phúc; còn trí tuệ là Huệ.

Về mục lục

Phúc nghiệp

福 業; C: fúyè; J: fukugō

Công đức, thiện nghiệp. Những việc làm hoặc sự tu tập sẽ đem lại những trạng thái tốt đẹp trong tương lai.

Về mục lục

Phúc Quang tự

福 先 寺; C: fúxiān sì; J: fukusen ji

Ngôi chùa do Lương Vũ Đế lập cho mẹ ở tại Lạc Dương. Năm 691, chùa được đổi tên là Thái Nguyên Tự (太 原 寺), một thời là địa điểm hoạt động của phong trào Vô tận tạng (無 盡 藏) thuộc Tam giai giáo (三 階 教).

Về mục lục

Phúc sinh thiên

福 生 天; C: fúshēng tiān; J: fukushō ten

Cõi trời nơi được sinh ra do tu tập các thiện nghiệp, là cõi trời thứ nhì trong 8 cõi trời thuộc Tứ thiền thiên. Được xem là một trong 17 cõi trời thuộc Sắc giới (sắc giới thập thất thiên 色 界 十 七 天).

Về mục lục

Phúc trí

福 智; C: fúzhì; J: fukuchi

Phúc đức và trí tuệ , cũng gọi là Phúc huệ (福 慧; S: puṇya-jñāna). Là hai thứ Tư lương (nhị tư lương 二 資 糧) cho việc tu tập và giác ngộ trong đạo Phật.

Về mục lục

Phúc tụ

福 聚; C: fújù; J: fukushu; S: puṇya-skandha

Tích luỹ công đức; chứa nhóm phước đức.

Về mục lục

Phục

伏; C: fú; J: buku;

Có các nghĩa: 1. Chinh phục, hàng phục, ngăn chặn, đánh bại (S: abhibhava, nigraha). Thuật ngữ này thường dùng để chỉ sự hàng phục phiền não. Khi đi cùng với thuật ngữ Đoạn (斷) thì nó có nghĩa là sự khởi đầu, giai đoạn đầu của việc chuyển hoá phiền não, vì thuật ngữ đi sau là Đoạn (斷) liên quan đến sự chuyển hoá rốt ráo toàn bộ phiền não, khác với việc đè nén, đối trị. Trong ý nghĩa này, nó đồng nghĩa với Trị (治), xem Phục đoạn (伏 斷); 2. Ẩn nấp, che đậy, náu mình, tiềm ẩn.

Về mục lục

Phục

服; C: fú; J: fuku;

1. Mặc; 2. Áo quần; 3. Theo, lắng nghe, cùng đi với. Đáp ứng, phục vụ.

Về mục lục

Phục diệt

伏 滅; C: fúmiè; J: bukumetsu;

Có các nghĩa: 1. Phá huỷ, cắt đứt, trừ diệt, làm tiêu tan (S: vinivartate; t: ldog pa); 2. Hàng phục và làm tiêu tan hết sạch phiền não. Đồng nghĩa với Phục đoạn (伏 斷; theo Thành duy thức luận 成 唯 識 論).

Về mục lục

Phục đoạn

伏 斷; C: fúduàn; J: fukudan;

Có các nghĩa: 1. Sự hàng phục và đoạn trừ phiền não. Phục ám chỉ việc giải trừ sức mạnh và ảnh hưởng của phiền não và Đoạn chỉ cho sự tiêu diệt phiền não vĩnh viễn. Đồng nghĩa với Phục diệt (伏 滅); 2. Giải trừ phiền não với ý nghĩa đè nén, phản nghĩa với sự diệt trừ vĩnh hằng (vĩnh đoạn 永 斷; theo Du-già luận 瑜 伽 論).

Về mục lục

Phục hổ

伏 虎; C: fúhǔ; J: fukko;

Có các nghĩa sau: 1. Người hàng phục hổ (Phục hổ nhân), tên ám chỉ Đức Phật và các vị Tổ sư kiệt xuất đã dùng giáo pháp để hàng phục mọi oán nghịch; 2. Tên của một bậc cổ đức, được thêm vào trong bản gốc 16 vị A-la-hán để thành 18 vị (Thập bát A-la-hán 十 八 羅 漢, vị kia là Hàng Long A-la-hán).

Về mục lục

Phục nhẫn

伏 忍; C: fúrěn; J: bukunin;

Điều nhẫn nhục thứ nhất được dạy trong Nhân vương kinh (仁 王 經). Phục nhẫn là giữ cho phiền não không sinh khởi.

Về mục lục

Phục ưng

服 鷹; C: fú yīng; J: fukuyō;

Giữ trong tâm, ghi nhớ kĩ. Nhớ một cách trọn vẹn.

Về mục lục

Phụng Lâm sơn

鳳 林 山; C: fènglín shān; J: hōrin zan; K: pongnim san

Là một trong chín tông phái thiền (Cửu sơn 九 山) của Triều Tiên do ngài Viên Giám Huyền Dục (圓 鑑 玄 昱; k: wŏngam hiŏn'uk) và đệ tử là Thẩm Hi (審 希; k: simhŭi) sáng lập.

Về mục lục

Phur-bu

T: phurbu;

Chỉ một loại đao trừ ma quỷ do Liên Hoa Sinh (padmasambhava) áp dụng trong các cuộc hành lễ của Phật giáo Tây Tạng . Phur-bu cũng là biểu tượng trong các phép quán tưởng, tương truyền do Ye-she Tsog-yel (t: yeshe tsogyel) bày ra, nhằm hoá giải các tà lực.

Trong các cuộc hành lễ của các Lạt-ma , ngày nay vẫn còn phép trừ tà bằng đao Phur-bu. Nơi đây, ma quỷ thường được biểu diễn bằng một hình nộm và Pháp sư dùng Phur-bu đâm vào tim. Quan niệm của Kim cương thừa cho rằng, đây là một hành động từ bi , vì ma quỷ bị Phur-bu đâm chết sẽ được giải thoát.

Phur-bu có liên hệ mật thiết với một phép Tan-tra đặc biệt, tương truyền do Liên Hoa Sinh áp dụng lúc bắt đầu lên đường đi Tây Tạng. Phur-bu là một vị Hộ Thần (t: yidam) và có vai trò quan trọng trong phái Tát-ca (t: sakyapa) và Ninh-mã (t: nyingma-pa).

Về mục lục

Phước


Phương đẳng kinh

方 等 經; S: vaipulya-sūtra;

Chỉ một thể loại kinh Ðại thừa với các nội dung nhất định. Các kinh sau đây thuộc về kinh Phương đẳng: Bát-nhã ba-la-mật -đa, Hoa nghiêm , Bảo tích. Ngoài ra Phương đẳng kinh của Trung Quốc còn kể thêm kinh Ðại bát-niết-bàn , Ðại tập (S: mahāsaṃnipāta-sūtra) và Diệu pháp liên hoa .

Về mục lục

Phương tiện

方 便; S, P: upāya; J: hōben; thường được gọi là »Phương tiện thiện xảo« (善 巧 方 便; S: upāyakauśalya);

Có nhiều khía cạnh:

1. Phương tiện của Bồ Tát nhằm giúp chúng sinh giải thoát, với nhiều cách thức khác nhau, từ giáo hoá đơn giản cho đến những thần thông siêu nhiên. Phương pháp này được xem là một trong những hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ ) mà Bồ Tát hoàn thành trong cấp thứ 7 của Bồ Tát thập địa (Thập địa ).

2. Phương tiện trong cách trình bày giáo pháp. Nhiều trường phái Phật giáo (Hoa nghiêm , Thiên Thai) cho rằng chính đức Phật lịch sử đã áp dụng phương tiện này rồi, khi Ngài tuỳ căn cơ từng người mà giảng dạy. Ðặc biệt Ngài đã trình bày giáo lí Tiểu thừa trong giai đoạn một, rồi lúc cuối đời mới giảng pháp Ðại thừa đầy đủ hơn, đặc biệt trong kinh Diệu pháp liên hoa .

Phương tiện được xem là khía cạnh hoạt động của cái Tuyệt đối trong thế giới tương đối của hiện tượng, hiện thành lòng Từ (s, P: maitrī). Phương tiện là khía cạnh ngược của trí Bát-nhã (S: prajñā). Nếu Bát-nhã tượng trưng cho thể tính duy nhất của vạn sự thì phương tiện tượng trưng cho chính cái thiên hình vạn trạng. Trong cách nhìn của bậc giác ngộ thì với con mắt Bát-nhã (Huệ nhãn), Phật hay Bồ Tát không thấy có chúng sinh đau khổ, vì không có gì hiện hữu ngoài Pháp thân (S: dharmakāya; Ba thân ). Còn nếu các Ngài nhìn với con mắt của lòng Từ (S: maitrī) thì khắp nơi đều là Khổ , Khổ do chấp trước vào sắc tướng. Muốn cứu độ chúng sinh thoát khổ, các Ngài dùng mọi phương tiện giúp chúng sinh đạt Niết-bàn , vốn xuất phát từ lòng Từ vô lượng của Pháp thân.

Về mục lục

Phương trượng

方 丈; J: hōjō;

Có nhiều nghĩa: 1. Chỉ căn phòng của vị trụ trì của một ngôi chùa. Danh từ này ám chỉ căn phòng của Duy-ma-la-cật (S: vimalakīrti), một vị Cư sĩ đạt Giác ngộ viên mãn của một vị Phật (Duy-ma-cật sở thuyết kinh ); 2. Chỉ vị trụ trì của một ngôi chùa; 3. Danh hiệu của một Thượng toạ trong một Thiền viện .

Về mục lục

Phường

坊; C: fáng; J: bō;

Có các nghĩa sau: 1. Trú xứ của tăng sĩ; 2. Một khu nhỏ trong thành phố; vùng lân cận; khu phố; 3. Phân xưởng, cửa hàng.

Về mục lục

Pu-ta-li-pa (78)

S: putalipa; »Khất sĩ với bức tranh«;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.

Ông là người Ban-ga-la (S: baṅgala), thuộc giới thương nhân. Ngày nọ có một Du-già sư khất thực đến, ông phục vụ tận tình và phát lòng muốn học hỏi. Vị này truyền cho ông năng lực của Hô kim cương tan-tra (S: hevajra-tantra) và dạy phép quán tưởng. Ngoài ra vị này còn cho ông một cuộn hình của Hộ Thần Hô Kim cương. Ông đeo cuộn hình vào cổ và thiền quán 12 năm. Sau đó ông đạt thánh quả Đại thủ ấn tất-địa (S: mahā-mudrāsiddhi) mà không ai biết cả.

Lần nọ, ông đi ngang lâu đài một nhà vua, vị này thờ các thần của Ấn Ðộ giáo. Vua thấy bức hình ông mang vẽ thần Hô Kim cương ngồi trên toà được các vị thần của mình nâng, rất giận. Pu-ta-li-pa nói Hô Kim cương là thần của các vị kia. Cuối cùng nhà vua cho vẽ lại bức hình, nhưng Pu-ta-li-pa dùng thần lực hoán chuyển ngôi thứ. Vua chịu thua và xin ông giáo hoá. Bài kệ chứng đạo của ông như sau:

Phật tính trong mọi loài.
Hãy bỏ con đường sai,
do tư duy xây cất.

Theo con đường tất yếu,
của trái tim vạch rõ,
rồi ngươi sẽ chứng đạt.

Ai được truyền năng lực,
của Ðạo sư đích thật,
là kẻ được chân như,
xuyên chiếu khắp tất cả,
kẻ ấy nếm được mùi,
Tuyệt đối vô sinh tử,
của Kim cương bất hoại.