Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Tịnh Nghiệp Tự :

Tịnh Nghiệp Tự :
Tổ đình của Luật tông, nằm ở tỉnh Thiểm Tây huyện Trường An, diện tích hơn năm mẫu, xây vào đời Tùy (581-618). Ðời Ðường là đạo tràng của cao tăng Ðạo Tuyên khai tổ của Luật tông. Luật học là nền tảng của Phật pháp, đứng đầu trong ba vô lậu học Giới Ðịnh Huệ. Từ Ðông Hán đến Nam Bắc triều các bộ Thập tụng luật, Tứ phần luật, Ngũ phần luật và Tăng Kỳ luật lần lượt được Hán dịch, riêng Tứ phần luật được truyền bá cực thịnh. Ðời Ðường hình thành ba tông Tướng bộ, Ðông tháp và Nam sơn, sau này Ðông tháp và Tướng bộ suy vi, chỉ có Nam sơn tông do ngài Ðạo Tuyên sáng lập là lưu truyền cho tới nay. Như đạo tràng trứ danh của Luật tông tại Nam kinh Bảo hoa sơn do Kiến Nguyệt Kế Siêu sáng lập được truyền thừa từ ngài Cổ Tâm và đệ tử là Tam Muội đời Minh mạt trùng hưng Nam sơn Luật tông tại Linh Cốc tự. 
Ðạo Tuyên luật sư sinh năm Khai Hoàng thứ 16 (596) đời Tùy, 16 tuổi xuất gia học Tứ phần luật nơi cao Tăng Huệ Quang, cùng pháp hệ với Nhật bản Luật tông khai tổ Giám Chân Hòa thượng, ngài trứ thuật và phát triển Luật học, gây ảnh hưởng lớn trong Trung Quốc Phật giáo sử. Tịnh Nghiệp tự nhân ngài trụ tích đã chiếm được địa vị trọng yếu là tổ đình của Nam sơn Luật tông. Ngài tịch năm Càn Phong thứ 2 (667) đời Ðường thọ 71 tuổi. Tháp của ngài được xây ngoài chùa, vẫn được bảo tồn cho tới nay. 
Ðời Ðường Tịnh Nghiệp tự là trung tâm nghiên cứu Luật tạng, lừng lẫy một thời, từ Minh Thanh đến Dân Quốc được trùng tu nhiều lần, quy mô vẫn như xưa bao gồm Gìa Lam điện, Ðại Hùng điện, Quan Âm điện, hai bên đông tây có Trai đường, Thiền đường, Pháp Hoa đường, Khách đường và Tăng phòng... Trước đại điện có hai cây Ðỗ trọng tương truyền do chính ngài Ðạo Tuyên trồng.  
Thảo Ðường Tự  :
Cách Lô huyện tỉnh Thiểm Tây 20km dưới chân núi Khuê Phong, bốn bề là đồi núi, "Thảo đường yên vụ" là một trong Quan Trung bát cảnh, miêu tả cảnh hoàng hôn khi tịch dương phản chiếu, một màn mây khói phủ kín Thảo đường tạo nên một bức họa thiên nhiên thần kỳ. Chùa xây vào đời Diêu Tần năm Hoằng Thủy thứ ba (401) là đạo tràng phiên dịch kinh điển quy mô lớn nhất ở Trung Quốc và cũng là một trong các tổ đình của Tam Luận tông, vì Thánh tăng Cưu Ma La Thập trụ tích 13 năm ở đây. 
Ngài La Thập người xứ Quy Tư nay thuộc hai huyện Khố Xa và Nhã Sa tỉnh Tân Cương, năm Hoằng Thủy thứ ba (401) Tần chúa Diêu Hưng thỉnh ngài từ Cô tạng ở Kinh châu về Trường An, ban đầu ở Tiêu Dao viên sau xây chùa Thảo Ðường làm đạo tràng cho ngài thuyết pháp và dịch kinh. Ngài viên tịch năm Hoằng Thủy thứ 15. Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập trong suốt 13 năm dưới sự hộ trì của Diêu Hưng ngài phiên dịch Kinh Luật Luận và Tạp truyện tổng cộng 35 bộ hơn 294 quyển, các kinh luận trọng yếu về Tịnh, Thiền và Luật đều được dịch như Trung Quán, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm...giúp cho Ðại thừa Phật giáo ở Trung Quốc được hình thành và phát triển mạnh đưa đến sự khai tông lập phái. Tường chùa khắc bài thơ của Ðường Thái tông có hai câu : "Thập vạn lưu sa lai chấn tích, tam thiên đệ tử cộng phiên kinh", miêu tả sự quy mô và hưng thịnh của dịch trường thời ấy.
Nhân ba bộ luận Trung Quán, Bách luận và Thập Nhị Môn luận được ngài phiên dịch mà Tam luận tông được thành lập, ngài được tôn là Khai tổ, Thảo Ðường tự được coi là Tổ đình. Ðời Ðường Hoa Nghiêm ngũ tổ Khuê Phong Tông Mật trụ nơi đây không chỉ hoằng dương giáo nghĩa Hoa Nghiêm còn truyền Thiền học, ngài còn trước tác bộ Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận để dậy tu tập Tịnh Ðộ, nên chùa này trở thành đạo tràng Thiền Tịnh song tu. 
Tông Mật đại sư người Tây sung tỉnh Tứ xuyên, tục tính Hà, còn để chỏm đã thông kinh sử, rất khí tiết và có đại chí. Năm Nguyên hòa thứ 2 lên kinh ứng thí, ngang qua Toại châu (nay là Toại ninh ở Tứ xuyên) gặp Hòa thượng Ðạo Viên thuyết pháp, nghe xong tỉnh ngộ, liền xả tục nhập chân. Một hôm theo đại chúng ứng cúng, ngồi bên dưới lần lượt thọ kinh, được chương thứ 12 kinh Viên Giác cảm ngộ đến chẩy nước mắt, đem sở ngộ trình bầy với thầy. Viên công an ủi : "Con sẽ là người hoằng hóa pháp viên đốn, đừng ngừng nơi một góc, hãy tiến lên". Ngài từ tạ thầy lên đường hành hóa, gặp một vị Tăng bệnh bên bờ suối trao cho Hoa Nghiêm sớ, ngài vốn chưa từng học pháp này, mà vừa mới xem qua đã thông suốt như đã biết từ bao giờ, liền đến Thượng đô bái kiến Trừng Quán quốc sư lậy làm thầy. Quốc sư bảo : "Người có thể cùng ta dạo khắp Tỳ Lô Hoa Tạng đó chính là ông". Sau ngài trụ ở Khuê Phong lan nhã chùa Thảo Ðường núi Chung Nam. Niên hiệu Thái hòa giảng kinh ở Ðại nội được vua ban Tử cà sa. Hội xương nguyên niên (841) tọa hóa, thọ 62 tuổi, để lại các kinh sớ Pháp Hoa, Viên Giác và Tứ Phần Luật sớ sao cùng Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận tổng cộng hơn 100 quyển. Vua ban hiệu Ðịnh Huệ.
Ðời Ðường các vị Tăng Nhật như Huệ Quán, Trí Tạng và Ðạo Từ đều lần lượt qua Trung Quốc tu học Tam luận, thế kỷ 13 Nhật Liên dựa theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa do ngài La Thập dịch thành lập Nhật Liên tông ở Nhật, năm 1982 tông này đã cúng dường tượng ngài La Thập để thờ ở chùa Thảo Ðường. Chùa qua bao lần hưng phế, Ðường gọi là Thê Thiền tự, Tống trùng tu đổi tên thành Thanh Lương Kiến Phúc viện, Thanh đổi là Thánh Ân tự, cho tới nay người ta vẫn quen gọi Thảo Ðường. Theo Lịch Ðại Tam Bảo Ký thì Thảo Ðường là tên của điện đường dùng dịch kinh thuộc chùa Ðại tự, cuối Ngụy đầu Chu Ðại tự chia thành bốn chùa, trong đó Thảo Ðường được lập thành chùa. Hiện diện tích còn khoảng 40 mẫu bao gồm các kiến trúc Sơn môn, Chung lầu, Tháp đình, Bi lang, Bi lầu, Ðại điện và Tăng liêu. Năm Nghĩa Hy thứ 9 đời Tấn (413) xây La Thập Xá Lợi tháp cao hơn 20m hình bát giác 12 từng, dùng các ngọc thạch đủ mầu điêu khắc và xây cất, nên còn gọi là Bát Bảo Ngọc Thạch tháp, hiện cách chùa khoảng một dặm, trải qua cả ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn không hề hư tổn, trong chùa còn lưu các bài thơ vịnh chùa của các thi nhân nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Bùi Hưu, Gỉa Ðảo, Ôn Ðình Quân, Sầm Tham...và cả "Ðịnh Huệ Thiền Sư Truyền Pháp Bi" lập vào đời Ðường năm Ðại Trung thứ 9 (855) do thư pháp gia Bùi Hưu viết. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét