Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Câu Chuyện “Mài Ngói Làm Gương” Muốn Nói Rõ Điều Gì


Thích Ngộ An (lược dịch)
Câu Chuyện “Mài Ngói Làm Gương” Muốn Nói Rõ Điều Gì
Câu chuyện “mài ngói làm gương”muốn nói rõ “thiền” của thiền tông không giống với cách thức tọa thiền của Phật giáo về mặt ý nghĩa truyền thống. Thành Phật chỉ là sự chuyển biến về ý thức tư tưởng và thế giới quan, việc thành Phật không phải do tọa thiền quyết định được; tọa thiền không chỉ không thể thành Phật mà trái lại còn tạo thành sự chấp trước giữa thủ và xả một cách nghiêm trọng.
Lúc nhỏ Mã Tổ Đạo Nhất xuất gia với hòa thượng Tư Châu Đường, trong khoảng niên hiệu Khai Nguyên nhà Đường, Đạo Nhất dựng am ở Nam Nhạc Hoành Sơn để tu, phàm có ai đến hỏi đạo ngài đều không tiếp. Nghe nói dung mạo của ngài rất kỳ dị, tướng đi như Trâu, ánh nhìn như hổ, lưỡi dài qua mũi. Đương thời Nam Nhạc Hoài Nhượng ở chùa Bát Nhã thấy ngài dung mạo không giống người thường, biết là bậc nhân tài trong Phật pháp liền đến trước ra sức dẫn dụ hỏi ngài rằng: “Đại đức tọa thiền để làm gì?” Đạo Nhất trả lời rằng: “Muốn làm Phật”. Thế là có một hôm, Hoài Nhượng lấy một miếng ngói đặt trên tảng đá trước cửa am để mài. Lúc đầu Đạo Nhât cũng không hề để ý, một lúc sau ngài không kiên nhẫn được nữa bèn hỏi: “ngài mài ngói làm gì? Hoài Nhượng đáp: “mài ngói để làm gương soi”. Đạo Nhất hỏi tiếp: “mài ngói há có thể thành gương sao?” Hoài Nhượng nhân đó hỏi ngược lại rằng: “mài ngói tức nhiên không thể thành gương, thế ông ngồi thiền lại có thể thành Phật ư ?” Đạo Nhất sau khi nghe xong, vội vàng đứng dậy thỉnh Hoài Nhượng chỉ điểm. Hoài Nhượng bảo Đạo Nhất: “giống như trâu kéo xe, nếu xe không đi thì đánh trâu hay là đánh xe ? ông suốt ngày ngồi thiền ở đây, rốt cuộc là muốn học ngồi thiền hay học làm Phật ? nếu học ngồi thiền thì thiền vốn không phải là nằm hay ngồi, nếu ông muốn làm Phật thì Phật cũng không phải ngồi lì ra như thế. Yếu chỉ của thiền môn không nên có lấy hay bỏ, nếu ông học làm Phật kiểu đó thì chẳng khác nào giết Phật, còn như ông chấp trước vào tướng ngồi thiền, điều đó nói rõ ông vẫn chưa hiểu được thiền là gì” (đoạn văn trên được trích trong “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, quyển 6). Đây chính là câu truyện “mài ngói làm gương” nổi tiếng trong lich sử thiền tông.
Đạo Nhất nghe xong những lời khai thị của Hoài Nhượng hốt nhiên đại ngộ, liền bái Hoài Nhượng làm thầy, theo làm thị giả suốt mười năm. Sau đó ngài rời khỏi Nam Nhạc, một mình đến Giang Tây truyền dạy thiền pháp, khai sáng ra phái “Thiền Hồng Châu”.
Câu chuyện “mài ngói làm gương” nói rõ thiền của thiền tông không giống với pháp tòa thiền Phật giáo trên ý nghĩa truyền thống. Thành Phật chỉ là sự chuyển biến của ý thức tư tưởng và thế giới quan chứ không phải do tọa thiền quyết định. Tọa thiền không chỉ không thể thành Phật mà trái lại còn tạo thành sự chấp trước giữa thủ và xả một cách nghiêm trọng. Tư tưởng này xuất phát từ Huệ Năng nhưng Hoài Nhượng đã thong qua động tác hành vi cụ  thể để hình tượng hóa nó và truyền dạy lại cho Đạo Nhất, do đó mà nó mang đầy đủ những ý nghĩa đặc thù như dưới đây:
Một là nó phản ánh sau thời Lục Tổ Huệ Năng thì thiền tông vẫn tiếp tục đi theo con đường mà tổ khai sáng, vận dụng nguyên tắc tư tưởng chủ nghĩa duy tâm chủ quan trên phương pháp luận của giải thoát luận ra sức tiến tới. Hoài Nhượng đã bảo với Đạo Nhất một cách rõ ràng rằng mài ngói không thể thành gương, ngồi thiền không thể thành Phật, nguyên nhân thật đơn giản là gương không thể do ngói tạo thành, Phật cũng không do ngồi mà được tỏ ngộ. Căn bản của việc thành Phật là do ở tự tâm, bởi vì tự tâm đồng với Phật tính, nếu như không đi phát hiện Phật tánh này, chỉ đề xướng giác ngộ một cách chủ quan thì cho dù ngồi thiền cả đời cũng không được gì cả. Điều này yêu cầu các thiền tăng chú trọng nắm lấy tự tâm bên trong của mình để thăng tiến. Sau khi Đạo Nhất chuyển đổi tư tưởng thì Hoài Nhượng đã kịp thời ra sức dẫn dụ, dùng một bài kệ khai thị để thuật lại những đạo lý trên rằng: “Trong tâm hàm giống Phật, gặp nước ắt nảy mầm, tam muội vốn không tướng, có gì hoại gì thành.” Một lần nữa Hoài Nhượng yêu cầu Đạo Nhất phải ra sức dụng công trên tự tâm của mình. Về sau Đạo Nhất cũng dùng tư tưởng này để khai thị cho đệ tử của mình là Đại Châu Huệ Hải là: “nay ông hỏi ta rằng bảo tang của ông tất cả đầy đủ không hề thiếu sót, sử dụng một cách tự tại, cớ sau lại đi tìm cầu bên ngoài?” Ngài lại bảo chúng tang rằng: “các ông mỗi người đều tin tâm mình là Phật, tâm này chính là tâm Phật, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm” (“Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”,  quyển 6). Phương pháp luận của giải thoát luận rất là quan trọng đối với thiền tông, nó là một nhân tố vô cùng quan trọng khiến cho thiền tông đạt đến phồn vinh và phát triển.
Hai là lối giáo dục cụ thể và hình tượng hóa nó đã trở thành mối giao lưu và truyền dạy học vấn giữa các thiền tang với nhau, đưa thiền tông tiến them một bước phát triển về phương diện thần bí. Ví dụ mài ngòi không thể thành gương này, chỉ cần vài động tác vài câu nói đã nói rõ được vấn đề nguyên tắc của thiền tông. Các thiền gia đời sau tranh nhau bắt chước theo phương thức đó dung các loại ví dụ ẩn ngữ ám thị động tác để biểu đạt rõ tư tưởng và kiến giải độc đáo về thiền của mình, từ đó lưu lại những câu thoại đầu hết sức hoang đường vô lý như: “Quy Tông giết rắn”, “Nam Tuyền chém mèo”, “Triệu Châu phóng hỏa”, “Tử Hồ ban đêm hô to bắt cướp” v.v.. đồng thời phát triển thành những cử chỉ gây sóng gió như : chửi Phật mắng Tổ, hủy hoại kinh điển. Tất cả những điều trên đã tạo thành những sản phẩm quái thai của hành vi tư tưởng chủ nghĩa thần bí, khiến cho thiền phong tiếp tục phát triển theo hướng sôi nổi, tự do, mở rộng và khoáng đạt. Trong lịch sử thiền tông, Đạo Nhất là người đầu tiên gây ra sóng gió, phát động phong cách thiền đanh đá chua ngoa, điều đó có thể thấy ngài đã bị ảnh hưởng từ lời dạy của Hoài Nhượng không ít.
Chú thích hình
Điện Thánh Đế ở miếu Nam Nhạc núi Hoành Sơn tỉnh Hồ Nam
Chú thích hình



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét