Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Những cái "bẫy" dễ mắc ở nữ trí thức


Tự kiêu. Với những người phụ nữ thông minh, lại được có cơ hội học hành đến nơi đến chốn thì "bẫy" tự kiêu – tự cho mình giỏi hơn người khác rất dễ mắc. Tự kiêu ở họ không đơn giản như những người khác, họ ít tỏ vẻ ta đây hay coi thường người khác ra mặt. Họ có biểu hiện tự kiêu rất kín đáo, đôi khi chính họ cũng không nhận ra.

>> Muốn ly dị nhưng sợ không nuôi được con >> Làm việc để làm gì?
Những cái
Những cái "bẫy" dễ mắc ở nữ trí thức
Tự kiêu ở họ không đơn giản như những người khác, họ ít tỏ vẻ ta đây hay coi thường người khác ra mặt. Họ có biểu hiện tự kiêu rất kín đáo, đôi khi chính họ cũng không nhận raCó thể họ tự cho mình giỏi nên ít chịu chấp nhận, lắng nghe ý kiến người khác. Khi có tranh luận họ thường giành phần thắng một cách khéo léo, nếu ai đó phản đối họ sẽ tìm cách lập luận và bắt bẻ lại ý kiến của người đó.
Những người mắc bẫy này thường không công nhận họ là người tự kiêu. Họ cho rằng họ có lý luận sắc bén, có hiểu biết thì suy nghĩ của họ chắc chắn đúng hơn người khác là điều bình thường. Họ cho mình cái quyền phê phán người khác, nhất là phê phán những phụ nữ kém sắc sảo hơn họ. Chính họ không cho họ có cơ hội nhìn ra điểm yếu của mình dù họ biết ai cũng có khuyết điểm. Và họ càng đánh mất cơ hội học hỏi từ mọi người xung quanh vì họ cho rằng ít người xứng đáng để họ học. Họ dễ mắc lỗi không biết mình là ai trong quan hệ với người khác.
Mẫu phụ nữ này không hiếm gặp ở các cơ quan, đơn vị. Họ luôn là người nổi bật ở mọi nơi, mọi lúc. Lời nói của họ hùng hồn và khó ai có thể bác bỏ. Thời gian đầu tiếp xúc mọi người rất thán phục sự thông minh, sắc sảo của họ. Nhưng dần dần thái độ kiêu ngạo ngầm đó cũng không che dấu được ai. Mọi người sẽ lắc đầu và nhún vai khi nghe họ nói.
Nếu bạn thông minh, giỏi giang mà mọi người bắt đầu xa lánh bạn, hay mẫu thuẫn với bạn, bạn hãy tự nhìn lại xem mình có rơi vào "bẫy" này không?
Để thoát khỏi "bẫy thông minh" do bạn tự giăng ra, bạn cần nhìn nhận giá trị của mọi người xung quanh. Ai cũng có thế mạnh nào đó. Và suy nghĩ của mỗi người trong từng hoàn cảnh là khác nhau. Chúng ta cần lắng nghe và chấp nhận người khác cho dù mình có ý kiến khác họ. Cho mình luôn đúng, luôn giỏi liệu có phải là mình đang tự lừa dối chính mình rằng mình thông minh?
Biết mà không làm được
"Bẫy" này ngược lại với "bẫy tự kiêu". Nếu "bẫy tự kiêu" tự bản thân người mắc không ý thức được thì bẫy “biết mà không làm được” được khá nhiều người tự công nhận. Ví dụ, lướt trên các diễn đàn thấy các bà mẹ trí thức rất rành chuyện nuôi dạy con, chiều chồng nhưng chính họ lại vò đầu bứt tai vì biết mà làm khó quá.

Ai cũng biết giữa nhận thức và việc làm luôn có khoảng cách. Khoảng cách này lớn hay nhỏ là tùy người. Tùy thuộc vào sự kiên trì, hoàn cảnh của họ,… Nhưng với phụ nữ có học thì khó khăn hơn các chị em học ít. Các chị em học ít không biết nhiều nên họ có thái độ ham hỏi. Và khi họ đã tin tưởng vào kiến thức từ ai đó họ làm liền, không băn khoăn do dự. Nhưng chị em có học thì khổ vì cái sự biết nhiều của mình nên lại mất thời gian do dự, kiểm chứng, tìm hết nguồn thông tin này đến nguồn thông tin khác. Đến khi đọc nhiều quá, biết nhiều quá nên... mệt mỏi không biết tin vào kiến thức nào, (vì kiến thức trong sách, trên mạng đôi khi mâu thuẫn nhau). Có chị em mắc bệnh "đẽo cày giữa đường", ai bảo sao làm vậy. Có chị em đa nghi quá cuối cùng chẳng theo một kiểu nào, cứ nghĩ sao làm vậy. Vì thế, đôi khi họ bỏ qua những lời khuyên rất xác đáng, hay một cơ hội nghe tư vấn từ người có chuyên môn.
Đặc biệt người học nhiều thường lại dễ đánh mất cơ hội học hỏi từ cuộc sống, từ mọi người xung quanh. Đôi khi một bà mẹ chồng mù chữ nhưng có cách chăm con rất khéo, dạy con ngoan nhưng lại không được cô con dâu bằng cấp đầy mình tin tưởng, nhờ vả, hỏi han…
Trường hợp khác, phụ nữ có học biết nhiều nhưng không có thời gian để ...áp dụng. Do bận công việc cơ quan, bận phấn đấu cho sự nghiệp riêng nên con để người giúp việc dạy, chồng cũng để người giúp việc lo… Họ cũng đem kiến thức về hướng dẫn người giúp việc nhưng kết quả thường không như ý muốn. Và khi nhìn lại thì con mình giống ai đó. Chồng mình thuộc về ai đó.
Và có một số trường hợp biết nhiều nhưng không kiên nhẫn làm. Có chị em vì quá bận, quá áp lực, quá mất cân bằng nên … hay nổi nóng, hay cáu gắt, đánh con. Vậy là mọi kiến thức như nói nhẹ nhàng con mới nghe, phải gần gũi làm bạn với con con mới chia sẻ, … đều chỉ là lúc nào bình tĩnh mới nhớ ra. Nhớ ra thì đã muộn…
Nếu bạn đang rơi vào "bẫy" này xin đừng chần chừ mà không tìm cách thoát ra. Thời gian là con đường một chiều. Bạn sẽ không bao giờ lấy lại được từng ngày đã trôi qua, bạn càng không quay lại tuổi thơ của con cái, và rất khó quay ngược tình cảm vợ chồng. … Bạn giỏi chuyên môn chưa đủ, bạn cần biết và áp dụng những kiến thức giản dị nhưng thiết thực cho cuộc sống của bạn, con bạn, gia đình bạn. Học cách dạy con nên người, học cách giữ gìn sự ấm áp trong gia đình, học cách giữ gìn sức khỏe … rất cần phụ nữ đầu tư học đến nơi đến chốn, học suốt đời. Và chọn lọc thông tin, học đi đôi với hành là hai khả năng quan trọng đối với sự học suốt đời của mỗi người.
Bị mọi người đánh giá khắt khe vì cái mác học vấn
Phụ nữ có học vấn cao, có địa vị… càng bị cái mác đó làm cho khổ sở. Với mọi người xung quanh hình như họ không được phép mắc sai lầm. Sai lầm là bị chê cười: có học mà ..vậy à? Tưởng ghê gớm…Cô ấy phải ứng xử khác chứ, sao lại như vậy?…. Mọi người thường quên người có học, có bằng cấp, có địa vị thì họ cũng chỉ là những con người bình thường. Họ cũng có những hỉ, nộ, ái, ố… như mọi người. Và họ cũng hoàn toàn có thể mắc sai lầm trong vài hoàn cảnh nào đó. Hơn nữa không ai giỏi mọi thứ. Nhưng người giỏi nổi bật thường bị gán cho phải giỏi nhiều thứ, thứ gì cũng phải biết. Đặc biệt giao tiếp ứng xử mà kém là bị đánh giá rất nặng nề.
Ai đó đang rơi vào "bẫy" này có thể sẽ rất khó chịu. Bạn sẽ thấy mọi người bất công với mình, thấy mình bị kỳ vọng nhiều quá. Thoát khỏi cảm giác này hay không phụ thuộc vào chính bạn. Cảm xúc là tự nhiên, nhưng duy trì cảm xúc nào đó là do ta chịu trách nhiệm, do suy nghĩ của ta điều khiển. Ai đó đánh giá bạn dựa vào mác học vấn, mác địa vị của bạn, bạn hãy thông cảm cho họ. Đánh giá ta là quyền của họ, ta có nhận đánh giá đó hay không là quyền của ta. Họ đánh giá ta theo lăng kính “cách nhìn” của họ. Sao ta lại phải mất thời gian khổ sở vì những đánh giá của người khác? Sao ta lại để mình bị tổn thương vì đánh giá của ai đó? Bạn tự tin bạn là chính bạn với tất cả ưu và nhược điểm, bạn hãy vui vẻ với tất cả những lời nhận xét tốt và xấu về bạn. Không ai làm ta tổn thương được trừ chính ta mà thôi.
Dễ làm chồng tự ái
 Một cái "bẫy" nữa khá nguy hiểm đó là phụ nữ có học vấn cao dễ làm chồng tự ái. Tự ái vì kém vợ!
Tự ái có thể đến từ mọi người xung quanh khích bác. Đi nhậu, đi tụ tập đều bị bạn chọc là kém vợ, vợ nuôi, vợ là sếp… Vậy là tích tụ lâu ngày những lời khích đó biến thành tự ái.
Tự ái của chồng đôi khi đến từ phía người vợ. Có thể do người vợ thông minh nên tự mình giải quyết mọi chuyện của vợ và của gia đình, không cần đến chồng, không nhờ chồng, không bàn bạc với chồng. Có thể do người vợ thiếu tế nhị nên thể hiện mình trước chồng và mọi người hơi lấn lướt nên con cái, hàng xóm, bạn bè … chỉ thấy vợ hơn chồng, còn chồng thì không có vai trò gì nên cũng khiến chồng tự ái.
Tự ái còn do chính tâm lý của người đàn ông. Thường đàn ông rất muốn mình hơn phụ nữ một cái đầu nên khó chấp nhận chuyện vợ hơn mình. Nhưng xu thế hiện nay nam giới tự tin, không so sánh mình với phụ nữ nên chuyện vợ làm gì, học đến đâu không ảnh hưởng đến vị thế của họ.
Thực tế những bà vợ có học rất khó xử trong trường hợp này. Xử sự sao cho chồng không tự ái là rất khó khăn. Sự tế nhị rất có ích, nhất là khi có người thứ 3. Luôn tôn trọng chồng, yêu thương chồng sẽ dần lấp đầy hố sâu tự ái.
Chúng ta đóng nhiều vai trò xã hội khác nhau. Ở cơ quan chúng ta là nhà quản lý. Ở nhà trong quan hệ với chồng con, chúng ta là vợ, là mẹ. Mỗi vai trò có những quyền và nghĩa vụ riêng. Phụ nữ biết mình đang ở đâu, đang là ai trong quan hệ với ai sẽ đóng đúng vai trò của mình và sẽ ứng xử đúng với vai trò đó.
Biến mình thành... siêu nhân
"Bẫy" tự biến mình thành siêu nhân luôn được nhiều phụ nữ hiện đại rơi vào. Họ gắng chu toàn mọi việc trong gia đình, ngoài xã hội. Thời gian luôn là thứ họ thiếu nhất. Việc chăm sóc bản thân họ luôn bị họ quên nhất. Từ “không” là từ họ ngại nói nhất. Ai nhờ cũng nể mà làm, và còn tự hào vì được tin tưởng nữa. Việc gì cũng đến tay họ và phải là họ làm họ mới yên tâm. Với phụ nữ bình thường họ chỉ chọn đầu tư nhiều vào sự nghiệp hoặc gia đình, còn với phụ nữ siêu nhân họ muốn cả hai. Danh hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà trao cho họ là rất xứng đáng. Nhưng họ được gì? Sau một thời gian nỗ lực sẽ là sự mệt mỏi, sẽ là bệnh tật, sẽ là sự bất như ý trong cả gia đình và cơ quan.
Mỗi người chúng ta là một người bình thường. Bạn chỉ có từng đó sức khỏe, bạn chỉ có từng đó thời gian. Bạn phân thân càng nhiều bạn càng thấy vất vả hơn, càng thấy áp lực hơn mà kết quả lại thường không được như mong đợi. Đừng kỳ vọng  vào bản thân quá nhiều. Bạn có thể rất giỏi, rất đảm đang nhưng bạn cần giữ sức để chạy đường trường bên cha mẹ bạn, con bạn, chồng bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét