Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Nghĩ như thế nào về phương thức “chửi Phật mắng Tổ” của các Thiền Sư


Thích Ngộ An (lược dịch)
Nghĩ như thế nào về phương thức “chửi Phật mắng Tổ” của các Thiền Sư
“Ha Phật mạ Tổ” là xu thế lịch sử của thiền tông Phật giáo từ sau Lục Tổ Huệ Năng. Vào thời kỳ Ngũ gia thiền, phương thức này đã đạt đến mức hoàn hảo. Nhân vật đại biểu có ngài Đức Sơn Tuyên Giám, Lâm Tế Nghĩa Huyền v.v.. “Ha”,  nghĩa là lớn tiếng chửi mắng; “ha Phật mạ Tổ” tức là phương thức chửi mắng chư Phật, nhục mạ chư Tổ của Thiền tông.
Ngài Đức Sơn Tuyên Giám là cháu đời thứ ba của Tổ Thạch Đầu Hi Thiên, Ngài là người rất thông hiểu kinh Kim Cang Bát Nhã và đã từng đăng đàn dạy các đệ tử rằng: “ bản thân đã vô sự thì đừng vọng cầu, vọng cầu nếu được thì cũng không phải thật được, nếu các ông không chấp việc gì ở nơi tâm, vô tâm đối với mọi việc thì tuy hư mà linh, tuy không mà diệu.” Đó là ngài đã đem những tâm đắc về tư tưởng kinh Kim Cang của mình để nhìn toàn thể thế giới nhân sinh. Rất có thể từ điểm này đã phát triển thành phương thức “chửi Phật mắng Tổ”. Thật đúng như thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, người cùng thời với ngài đã có lời dự ngôn rằng: “ Tuyên Giám sau này sẽ đi ngược lại lẽ thường, sẽ chửi Phật mắng Tổ.” Lời lẽ của Ngài Tuyên Giám về phương diện này rất là phong phú, ví dụ như, có vị tăng hỏi: “thế nào là bồ đề ?” Ngài vừa đánh vừa mắng vị tăng đó rằng: “cút ngay, đừng đến đây nữa!” lại có vị tăng hỏi : “thế nào là Phật?” ngài đáp rằng: “Phật chính là lão tỳ kheo già ở Tây thiên.” Và nói tiếp rằng “chỗ ta đây không có Phật cũng không có Tổ; Đạt Ma là tên mọi Hồ dơ dáy, mười phương Bồ Tát là những kẻ gánh phân, Bồ tát Đẳng giác và Diệu giác là những tên phàm phu phá giới, bồ đề niết bàn là cọc gỗ trói lừa, mười hai phần giáo là sách vở của quỹ thần, là giấy lau ghẻ lở; Bồ tát thập địa mới phát tâm là những tên quỷ giữ mộ cổ, không thể tự cứu được mình; Phật là lão mọi rợ cố chấp đáng ghét.” Ngài còn chửi rằng: “người có lòng nhân chớ cầu làm Phật, vì Phật là kẻ cướp giết người không gớm tay, gạt biết bao nhiêu người rơi vào động ma dâm, cho nên chớ cầu làm Phật; Văn Thù, Phổ Hiền là những kẻ làm công hèn mọn, đáng tiếc những kẻ đường đường là một bậc đại trượng phu lại uống nhầm phải thuốc độc của hắn.” Sau khi đã chửi Phật và Bồ tát tan nát, làm sụp đổ quyền quy của tam tạng kinh điển vẫn còn cảm thấy chưa đã, Tuyên Giám liền chửi đến cả những vị xuất gia tu hành trên đời này. Ngài nói rằng có những hạng người học Phật chẳng khác nào những kẻ đến khắp nơi tìm ăn những thứ đàm giải của những bọn hòa thượng trọc đầu hèn hạ nhổ ra, lại còn nói rằng mình đã nhập vào được tam muội, tu thành công hạnh, nuôi lớn được thánh thai để mong cầu Phật quả. Nếu cứ như thế thì chẳng khác nào bị tên độc cắm vào tim. Ngài lại khuyên giải những hạng người học Phật như thế rằng: “Lão Ấn Độ đó trãi qua ba đại A tăng kỳ kiếp nhưng bây giờ thì ở đâu? Sống trên đời được 80 năm thì chết chẳng khác nào các ngươi, cớ chi lại tranh nhau để bị lường gạt thê thảm như vậy?”
Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền nói: “Cầu Phật cầu pháp, xem kinh học giáo đều là tạo nghiệp. Nếu ông cầu Phật tức bị ma Phật thống nhiếp, nếu ông cầu Tổ thì bị ma Tổ trói buộc. Nếu ông có cầu tất có khổ, chi bằng đừng cầu gì cả.” Ngài thậm chí còn đề xuất ra chủ trương “giết Phật”: “Nếu muốn hiểu biết như pháp thì chớ để người mê hoặc, nhìn khắp trong ngoài, gặp ai giết nấy. Gặp Phật giết Phật, gặp La Hán giết La Hán, gặp Cha Mẹ giết Cha Mẹ.” Ngài lại nói: “Phàm là bậc đại thiện tri thức, ngay từ đầu đã dám hủy Phật hủy Tổ, náo loạn thiên hạ, bài xích Tam tạng giáo.” “Mười hai phần giáo của Tam thừa đều là những giấy vệ sinh không sạch; Phật chỉ là thân huyễn hóa; Tổ chỉ là lão Tỳ kheo.” “Đẳng giác và Diệu giác là những kẻ bị xiềng xích, La Hán, Bích Chi giống như nhà xí nhơ bẩn, Bồ đề Niết bàn như cọc trói lừa.” (Những câu trên được trích trong “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, quyển 12, 15).
Chúng ta nên xem loại hiện tượng trên với thái độ như thế nào?
Chúng ta thường cho rằng về phương diện bối cảnh tư tưởng của việc chửi Phật mắng Tổ và việc Thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật gỗ là giống nhau, bởi vì ban đầu thuyết Thật tướng Phật giáo của Đại thừa Không tông và sự phát triển của tư tưởng Bát Nhã, bản thân nó đã hàm chứa tính có thể chuyển hóa những mặt đối lập. Kế đến là do Phật giáo truyền bá lâu ngày dần dần dung hợp được với nền tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, đẩy mạnh sự phát triển thuyết phiếm thần luận. Và cuối cùng là bản thân thiền tông vốn được làm mới bởi các đời Tổ Sư. Các ngài đã ra sức đem Phật tính từ thế giới giác ngộ trở về với thế giới nội tâm. Dưới cái nhìn của các Ngài thì phi tâm, phi Phật hay chửi Phật mắng Tổ là phù hợp với học thuyết Bát Nhã và Phật giáo đại thừa Không Tông. Các ngài còn nói Phật Tổ và kinh luận thật tướng vốn không thì cầu Phật cầu Tổ hay tin vào kinh điển chỉ làm mất đi niềm tin tự thân, trói buộc chân tính.
Khách quan mà nói thì phương thức “chửi Phật mắng Tổ” có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển mạnh mẽ của thiền tông và toàn diện hóa Phật giáo Trung Quốc. Phương thức này đã kéo Phật Tổ ở Tây Thiên từ địa vị thần thánh trở về với thế tục. Đây là một việc làm vô cùng táo bạo. Ngài Tuyên Giám và Nghĩa Huyền là những người đã kêu gọi mọi người không nên làm nô lệ cho Phật Tổ ở Tây Thiên, không nên hạ thấp địa vị của mình mà phải kiến lập niềm tin tự thân, khẳng định giá trị hiện thực của bản thân con người. Điều này không chỉ tấn công vào Phật giáo truyền thống mà trên bình diện khách quan nó còn đánh thẳng vào những quy phạm luân lí đạo đức của chế độ phong kiến về mặt trói buộc quyền tự do của con người.
Nhưng chúng ta cũng nên thấy rằng những người chửi Phật mắng Tổ vẫn chưa buông bỏ được lập trường căn bản của thần học tôn giáo. Về mặt bản chất ngôn luận, những người ấy chỉ nhắm thẳng vào các học thuyết tôn giáo không đủ cơ sở và thiếu tinh thần chủ quan. Phương thức “chửi Phật mắng Tổ” không hề gây trở ngại gì đối với việc truy cầu làm Phật làm tổ, nếu không thì xuất gia cũng không có ý nghĩa gì cả.


(Hình)
Tượng Lục Tôn giả, một bộ phận còn lưu lại của Thập Bát La Hán đồ của họa sĩ Lô Tuấn Già đời Đường. Tác giả đã chọn dùng phương thức tơ nhện để vẽ nhân vật, đường nét mềm mại, thần sắc mạnh mẽ, hiển thị được vẽ uy nghiêm tôn quý nhưng lại mang đặc điểm thế tục hóa của nhân vật Phật giáo thời kỳ đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét