Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Sao gọi là “Ngũ Vị Quân Thần”


 Thich Ngộ An (lược dịch)
Sao gọi là “Ngũ Vị Quân Thần”
Tông Tào Động là do Ngài Động Sơn Lương Giá, một cao tăng cuối đời Đường cùng với Tào Sơn Bổn Tịch là đệ tử ngài sáng lập. Ảnh hưởng của Tông này trong hệ thống Ngũ gia thiền chỉ đứng sau tông Lâm Tế, nhưng do nét đặc sắc trong phong cách tư tưởng khiến người ta phải chú ý. “Ngũ Vị Quân Thần” là giáo nghĩa quan trọng của tông Tào Động.
Tông Tào Động do chịu ảnh hưởng của thuyết “Hồi hổ” trong tác phẩm “Tham Đồng Khế” của ngài Hi Thiên nên đặc biệt xem trọng mối quan hệ giữa thế giới bản thể và thế giới hiện tượng. Ngài Lương Giá và Bổn Tịch đã dựa trên mối quan hệ giao thiệp cá biệt của sự và lý mà kiến lập nên học thuyết “Ngũ Vị” (5 loại thứ bậc, cảnh giới), đồng thời lấy đây để tiếp độ và trắc nghiệm trình độ của đệ tử. Trong học thuyết “Ngũ vị” thì “Ngũ vị quân thần” là đặc sắc nhất.
Biểu hiện của “Ngũ vị” là thiên và chánh. “Thiên” đại biểu cho sự, “chánh” đại biểu cho lý, sự và lý phối hợp hỗ tương nhau hình thành nên 5 loại hình thức. Ngài Bổn Tịch giải thích rằng: “Thiên vị tức là sắc giới, có muôn hình vạn trạng”, dự báo mai sau có điều kỳ diệu vạn tượng xum la ẩn hiện; “Chánh vị thuộc về không giới, vốn không có vật gì cả”, được lập ở vị “Trẫm triệu vị sanh”. Tông Tào Động cho rằng: trong mối quan hệ của bản thể chân như và thế giới vạn vật có 4 loại nhận thức mang tính phiến diện có thể xuất hiện. Một là tuy thừa nhận có bản thể tinh thần như đã nói, nhưng không hiểu được vạn vật từ bản thể tinh thần phát sinh, ở nơi mối quan hệ giữa thể và dụng lại bỏ qua yếu tố dụng, đây gọi là “chánh trung thiên”, thuộc về quân vị, nên lấy lý luận “thể khởi dụng” để chỉnh lại quan niệm trên, khiến cho nó “giảm lý thêm sự”. Hai là thừa nhận hiện tượng là giả, nhưng không hiểu được phải xuyên qua hiện tượng và tiến thêm một bước tham cứu về bản thể tinh thần của thế giới khách quan. Trong mối quan hệ giữa thể và dụng lại thiếu mất mặt thể, đây gọi là “thiên trung chánh”, thuộc về thần vị, nên lấy lý luận “dụng quy thể” để chỉnh lại quan niệm trên, khiến cho nó “bỏ bớt sự thể nhập lý”. Ba là tuy đã thừa nhận bản thể tinh thần như đã nói, lại bắt đầu từ thể khởi dụng, nhưng vẫn chưa đạt đến sự hoàn thiện, đây gọi là “chánh trung lai”, hoặc “quân thị thần”. Bốn là tuy thừa nhận hiện tượng là giả, nhưng lại mong muốn thông qua cái huyễn đã nói để tìm cầu bản thể tinh thần nhưng vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện, đây gọi là “kiêm trung chí” hoặc “thần hướng quân”. Tông Tào Động cho rằng chỉ có đứng vững trên lập trường chủ nghĩa duy tâm, toàn tâm đối với vấn đề quan hệ giữa hiện tượng và bản thể, tức là đã thừa nhận vạn vật do bản thể phát sinh, lại còn thừa nhận bản chất của vạn vật là không vô tự tánh thì mới có thể khắc phục được 4 loại sai lầm trên, lúc này gọi là “kiêm trung đáo” hay “quân thần đạo hợp”.
Tông Tào Động xem “đạo hợp quân thần, thiên chánh hồi hổ” là thế giới quan của lý tưởng, lúc có thế giới quan này liền có thể “rộng ứng chư duyên, không theo các pháp, không nhiễm không tịnh, không chánh không thiên.” Hoặc được miêu tả một cách hình tượng là “ Hỗn loạn khắp trong ngoài, trên dưới cùng một thể, quân thần thảy đều vong, điện xưa hồn lạnh ngắt, tuyết rơi hòe ngàn năm, cửa thành giờ vắng lặng, chỉ có bóng liễu già, bay bay theo chiều gió.” Cũng chính là nói, lúc này đã đạt đến cảnh giới cao nhất của thể dụng viên dung; sự lý viên dung; người, tình và cảnh hợp nhất.
Trong tác phẩm “Tông Môn Thập Quy Luận” ngài Thanh Lương Văn Ích đã từng đề cao địa vị quan trọng của tư tưởng “thiên chánh hồi hổ” (ngũ vị quân thần) của tông Tào Động rằng: “ chánh giáo của Phật Tổ đầy đủ lý và sự, sự nương theo lý mà có, nhờ lý mà sự được hiển bày, lý sự hỗ tương nhau cũng như trí và hạnh vậy. Nếu có sự mà không lý thì rơi vào những cố chấp khác nhau, nếu có lý mà không sự thì lan man không chổ quay về. Muốn hợp nhất thì phải có sự viên dung. Lại như gia phong của tông Tào Động thì có thiên có chánh, có minh ám. … …nếu không biết được yếu chỉ của tông Tào Động thì chỉ đàm luận vớ vẫn đến nỗi tiếp với xúc cái thiện cũng không biết mà cái ác cũng không hay; thiên chánh không thể dung hợp, thể dụng hòa lẫn vào tự nhiên”. Ngài chỉ trích có một số người thiếu sự nhận thức chân chánh đối với tông chỉ của tông Tào Động, chỉ có nhìn thấy một măt dung hợp của thiên và chánh. Trên thực tế tông Tào Động đề cập đến thiên chánh, quân thần, không chỉ nói đến sự dung hợp mà còn bao gồm cả không dung hợp, đây mới là mối quan hệ thể dụng, sự lý một cách hoàn chỉnh. Cho nên tông Tào Động vốn nổi tiếng là “gia phong nghiêm mật, nói làm đi đôi, tùy cơ lợi vật, lợi khẩu độ người”, có thể đường đường sánh vai với tông Lâm Tế vốn có tiếng tăm vang dội.

(Hình)
Cầu Phùng Cừ ở chùa Phổ Lợi, chùa Phổ Lợi từ lúc xây cầu đến nay đã hơn 1000 năm, lịch sử của cầu Phùng Cư đã không thể khảo chứng được. Tương truyền ngài Động Sơn Lương Giá đã bái kiến thiền sư Vân Nham Đàm Thịnh ở đây, lúc từ biệt, ngài đã qua cầu này mà được tỏ ngộ thiền cơ và lưu lại đây một đoạn công án.

(Hình)
Các ngôi tháp mộ ở chùa Phổ Lợi. Sau khi các vị cao tăng viên tịch, thường thì những ngôi chùa lân cận sẽ xây tháp tôn thờ xá lợi của những vị ấy, lâu ngày dài tháng dần hình thành nên rừng tháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét