Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Kinh Lăng Già Có Những Tư Tưởng Quan Trọng Nào?

Kinh Lăng Già Có Những Tư Tưởng Quan Trọng Nào? 
Thích Ngộ An (dịch)

“Kinh Lăng Già” tổng cộng có 3 bản dịch. Một là bản do Cầu Na Bạt Đà La đời Lưu Tống dịch, tên là “Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh”, gồm có 4 quyển; hai là bản do Bồ Đề Lưu Chi đời Bắc Ngụy dịch, tên là “Nhập Lăng Già Kinh”, gồm có 10 quyển; ba là bản do Thực Xoa Nan Đà đời Đường dịch, tên là “Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh”, gồm có 7 quyển. Trong đó, sớm nhất là bản dịch đời Lưu Tống, ảnh hưởng của bản dịch này rất sâu rộng, đó là bản Kinh y cứ căn bản của các Lăng Già Sư. “Lăng Già” là tên của một ngọn núi. “A Bạt Đa La” có nghĩa là “nhập”. Tên kinh nói cho chúng ta biết đây là quyển kinh quý do đức Phật nói trong núi Lăng Già. Nội dung tư tưởng của bốn quyển Kinh Lăng Già rất phức tạp, bao hàm nhiều thể hệ khác nhau, nó không chỉ là bản kinh mà các Lăng Già sư phụng trì mà còn là bản được Pháp Tướng tông (Duy Thức tông ) v.v.. sau này rất xem trọng. Quyển đầu kinh Lăng Già nêu rõ mệnh đề “tam giới duy tâm”, mệnh đề này về sau đã trở thành tư tưởng căn bản của Duy Thức Pháp Tướng tông. Trong quyển 7 Thành Duy Thức Luận nói : việc nêu ra mệnh đề “tam giới duy tâm”, khiến người học có thể nương theo đó mà ngộ nhập vào “duy thức vô cảnh”. Kinh Lăng Già căn cứ vào lập thuyết “tam giới duy tâm”, lại chỉ ra những tư tưởng đại thừa như “Ngũ pháp, Tam tự tánh, Bát thần thức cùng hai loại Vô ngã”, về sau những tư tưởng đại thừa này đã trở thành nội dung căn bản của học thuyết Duy Thức tông. “Ngũ pháp” là chỉ cho sự vật, khái niệm, tư duy, chân lí và trí huệ; “Tam tự tánh” là chỉ cho Vọng tưởng tự tánh, Duyên khởi tự tánh và Thành tự tánh, nhưng Duy Thức tông lại đổi tên của Tam tự tánh là Biến kế chấp tự tánh, Y tha khởi tự tánh và Viên thành thật tự tánh. Học thuyết “Bát thức” trong kinh Lăng Già đã từng được phát triển rực rỡ trong Duy thức tông. Hai loại Vô ngã là Nhân vô ngã và Pháp vô ngã là tư tưởng căn bản của Đại thừa. Nội dung quan trọng khác của Kinh Lăng Già là học thuyết Như Lai Tàng. “Như Lai Tàng” ý muốn nói trong tất cả chúng sanh luôn tiềm ẩn pháp thân Như Lai thanh tịnh, tức là Phật tính. Kinh Lăng Già cho rằng tự tánh Như Lai vốn thanh tịnh, nhưng do vì từ vô thỉ đến nay đã huân sâu những tập khí xấu ác mà có tên là “Thức tàng”, tự tánh của Thức tàng tuy thanh tịnh nhưng do bị trần lao che lấp nên thấy như là bất tịnh. Căn cứ lý luận của thiền Đạt Ma là “Luôn tin tưởng tất cả chúng sanh đều cùng bản tánh chân thật, tuy bị trần trần lao che lấp nhưng vẫn có thể bỏ ngụy về chân”. “Đồng một bản tánh” là chỉ cho Phật tánh Như Lai tàng, vì Phật tính thường bị trần lao che lấp, nên mục đích của thiền Đạt ma là phải tu tập Bích quán, tẩy trừ trần lao để thấy được Phật tánh thanh tịnh. Có thể nói tư tưởng Như Lai tàng không chỉ ảnh hưởng đến các Lăng Già Sư, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử Thiền tông. Sở dĩ Kinh Lăng Già được xem là bảo vật vô giá của các Lăng Già Sư là bởi vì phần lớn Kinh văn đều đề cập đến Thiền. Căn cứ vào cách nói của Kinh Lăng Già thì Thiền có 4 loại: Ngu phu sở hành thiền, Quán sát nghĩa thiền, Phan duyên như thiền và Như lai thiền. Ngu phu sở hành thiền là Thiền chỉ quán về “Nhân vô ngã”, là thiền thuộc cấp bực thấp nhất. “Ngu phu” là chỉ cho hai thừa Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo. Quán sát nghĩa thiền là chỉ cho thiền sau khi quán Nhân vô ngã tiến lên quán Pháp vô ngã, nó có sự tiến bộ hơn loại thiền đầu. Phan duyên như thiền là chỉ quán Nhị vô ngã mà không khởi vọng tưởng về Nhị vô ngã; “Phan duyên ” nghĩa là tiếp cận, “như” là chân như. Như Lai thiền là chỉ cho thiền cấp bực cao nhất của người đã ngộ nhập vào cảnh giới Như Lai. Như Lai thiền, theo cách nói của Ngài Tông Mật là tương đương với thiền Tối Thượng Thừa mà các môn đệ của Tổ Đạt Ma truyền thụ cho nhau. Một nội dung khác của luận thuyết Thiền trong Kinh Lăng Già là tư tưởng “Tông thông”. Cái gọi là “Tông thông” chính là xem trọng lý ngộ, nội chứng, xa lìa ngôn ngữ, văn tự, vọng tưởng, nhấn mạnh việc nương vào bản thân để tự tu, tự ngộ, tự chứng, hoàn thành “cảnh giới tự giác của bậc Thánh”. Tư tưởng này cũng là điểm y cứ quan trọng trong Thiền học Lăng Già Sư. Về sau Thiền tông căn cứ vào sự khác biệt giữa “Tông thông” và “Thuyết thông” được nói trong Kinh Lăng Già để chia Phật giáo thành 2 loại lớn, một là “Tông môn” tức Thiền tông, hai là “Giáo hạ” tức chỉ cho các tông phái chú trọng đến việc giảng giải Kinh giáo nằm ngoài hệ thống Thiền tông. Kinh Lăng Già còn đề cập đến hai vấn đề Đốn và Tiệm. Kinh cho rằng muốn diệt trừ tận gốc phiền não (cái gọi là “tự tâm hiện lưu”) thì phải dùng phương pháp thuộc về “tiệm”chứ không phải thuộc về “Đốn”, và đưa ra bốn ví dụ. Đồng thời còn cho rằng diệt trừ phiền não, đạt đến cảnh giới của Phật thì có thể “đốn chiếu”, “đốn hiển”và nêu ra ví dụ để nói rõ về những vấn đề đó. Nội dung hai thuyết Đốn Tiệm hoàn toàn đối ngược này của Kinh Lăng Già có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đối với sự phân chia Nam Thiền và Bắc Thiền sau này.

Chú thích hình :



      Đây là phẩm Như Lai Tánh thứ sáu trong Kinh Đại Bát Niết Bàn được khắc trong động Đôn Hoàng Mạc Cao, thuộc tỉnh Cam Túc. Kinh này dài 3,32m, rộng 0,28m, tổng cộng gồm 190 hàng. Kinh Đại Bát Niết Bàn còn gọi là Kinh Đại Bổn Niết Bàn hoặc Kinh Đại Niết Bàn, gọi tắt là Kinh Niết Bàn. Bản này do Ngài Đàm Vô Sấm dịch ở Bắc Kinh, gồm 40 quyển. Kinh này sau khi truyền vào Trung Quốc có sự ảnh hưởng rất sâu rộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét