Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bài Dịch Đầy Đủ Bài Kinh Bách Dụ

Kinh Bách Dụ (HT. Thích Phổ Tuệ dịch)
Như kẻ ngoại đạo trộm lời hay của Phật làm của mình, đến lúc người ta bảo tu hành thì không chịu theo, trả lời: "Chỉ vì lợi dưỡng, nên đem lời Phật dạy bảo chúng sinh mà không có sự thật, còn nói gì tu hành. Cũng như kẻ ngu vì cần tiền của mà nhận là anh, khi đòi nợ thì không nhận là anh cũng như thế đấy".

KINH BÁCH CÚ THÍ DỤ

        Ngày 10 tháng 9 năm thứ 10 pháp sư Cầu Na Tỳ Địa sao kinh Bách Dụ này từ trong tạng kinh 12 bộ thành 1 bộ riêng gồm 100 truyện.
Pháp sư Tăng Già Tư Na (Người thiên trúc ) soạn cho lớp tân học bộ kinh này.
  
KINH BÁCH DỤ QUYỂN THƯỢNG.

Ngài Tăng Già Tư Na soạn. Ngài Cầu Na Tì Địa dịch

Chính Tôi được nghe, một thời Phật ở vườn Trúc Thước Phong thành Vương Xá với các bậc Đại Bồ Tát, Tỷ Khiêu và tám bộ ba vạn sáu ngàn vị.
Thời ấy ở trong  pháp hội có cả 500 người ngoại đạo Phạm Chí từ toà đứng lên bạch Phật rằng:
Tôi nghe đạo Phật rộng sâu lắm, không lường nổi được, nên tôi đến muốn hỏi xin Phật trả lời.
Phật nói: hay lắm!
Hỏi: Thiên hạ là có hay không?
Đáp: Cũng có cũng không.
Hỏi: Hiện có đây sao bảo là không?
        Đã là không sao bảo là có?
Đáp: Sống thì là có, chết nên là không.Vì thế nên hoặc có hoặc không.
Hỏi loài người từ đâu sinh ra?
Đáp: Từ thóc sinh ra.
Hỏi:  Ngũ cốc từ đâu sinh ra?
Đáp: Từ tứ đại hoả phong sinh ra.
Hỏi:  Tứ đại hoả phong từ đâu sinh ra?
Đáp: Từ không khí sinh ra.
Hỏi:  Không khí từ đâu sinh ra?
Đáp: Từ tự nhiên sinh ra.
Hỏi: Tự nhiên từ đâu sinh ra?
Đáp: Từ Nê Hoàn sinh ra.
Hỏi:  Nê Hoàn từ đâu sinh ra?
Phật nói: Ông hỏi sao mà sâu thế? Nê Hoàn là pháp bất sinh, bất tử.  
Hỏi:   Thế Phật đã Nê Hoàn chưa?
Đáp:  Ta chưa Nê Hoàn.
Nếu chưa Nê Hoàn tại sao biết được Nê Hoàn thường vui?
Phật nói: Giờ tôi hỏi ông, chúng sinh trong thiên hạ là khổ hay vui?
Đáp:  Chúng sinh rất khổ.
Phật hỏi: Thế nào là khổ?
Đáp: Tôi thấy chúng sinh khi chết đau khổ khó nhẫn, nên biết chết là khổ.
Phật nói: Ông nay chưa chết cũng biết chết khổ. Ta thấy mười phương chư Phật không sinh, không tử nên biết Nê Hoàn thường vui.
         500 Phạm Chí tâm ý cởi mở, cầu thụ 5 giới chứng quả Tu Đà Hoàn, lại ngồi như trước. Phật dạy các ông phải nghe rõ Tôi nói cho mọi truyện ví dụ:

DỤ 1: KẺ NGU ĂN MUỐI.
Xưa có chàng ngu, đến 1 nhà kia, họ cho ăn nhạt chê không ngon, họ nghe rồi, cho thêm muối, ăn thấy ngon. Anh tự nghĩ, ngon là vì có muối, ít muối mà ngon, thế thì nhiều muối hẳn ngon hơn. Thế rồi anh ăn muối không, ăn nghe sướng miệng, nhưng lại bị khốn vì mặn quá.
     Ví như ngoại đạo nghe truyện ăn dè sẻn có thể đắc đạo. liền bỏ hẳn ăn uống chỉ bị khốn thân không ích cho đạo. Như kẻ ngu kia chỉ ăn rặt muối đến nỗi xoăn miệng.

DỤ 2: KẺ NGU GÓP SỮA BÒ

Xưa có kẻ ngu muốn tích sữa bò để đãi khách, tự nghĩ: "Nếu ta cứ hàng ngày vắt sữa nhiều quá không có chỗ để, hoặc nó hoá chua chẳng bằng cứ để ở bụng bò, khi nào thết khách hãy vắt".
       Nghĩ thế rồi liền đem bò mẹ, bò con buộc cách riêng ra khác nơi.
       Sau một tháng mới đặt tiệc mời khách, dắt bò ra vắt sữa thì sữa tiêu hết rồi, thế là kẻ bực, người chê.
       Ví như người ngu, muốn tu bố thí, nhưng đợi tới khi nào giầu to đã, nhưng có ngờ đâu hoặc bị quan tịch thu, nước, lửa, trộm, cướp hay chết trước không kịp bá thí.

DỤ 3: LẤY GẬY ĐẬP  VỠ ĐẦU
Xưa có kẻ ngu đầu không tóc. Bị người khác dùng gậy đập đầu đến vỡ, người ngu cứ nhẫn chịu không tránh. Người ta thấy thế bảo sao không tránh đi,  cứ chịu vỡ đầu?
Đáp: Họ là kẻ ngu kiêu mạn ngu si không Trí tuệ thấy ta không tóc cho là đá, đánh ta vỡ đầu.
Người bên thấy thế nói: Đúng anh là ngu chứ không phải họ ngu, bị đánh vỡ đầu không biết tránh.
Tỷ khiêu cũng thế, không chịu tu học giữ giới, chỉ ra vẻ uy nghi để kiếm lợi dưỡng. Như kẻ ngu bị đánh vỡ đầu không tránh, đến nỗi bị thương vỡ lại bảo kẻ khác là ngu si.

DỤ 4: VỢ GIẢ VỜ CHẾT
Xưa có kẻ ngu rất yêu vợ đẹp nhưng nó lẳng lơ ngoại tình, một lần nó đi với trai nó bảo một bà lão: Lần này tôi đi vắng, bà giúp tôi đem một xác cô gái đặt vào giường tôi, bảo là tôi chết rồi.
Đến khi chồng cô vắng, bà già kia làm theo kế nó đã bày.
Đến lúc chồng chính nó về nhìn thấy thây chết, tin là vợ mình đã chết, kêu gào thảm thiết, đem thây chết đốt lấy tro đựng vào lọ, đeo suốt ngày đêm đi đến đâu cũng không rời.
Đến khi vợ thật theo trai chán rồi về với chồng chính, nó nhận là vợ mấy cũng không tin nữa.
Ví như kẻ ngoại đạo nói bậy, tâm mình bị mê nhận là đúng thực, không chịu sửa đổi, dù nghe chính pháp cũng không tin nhận.

DỤ 5: KHÁT THẤY NƯỚC.
Thủa quá khứ có kẻ ngu si, thấy hơi nước bốc cho đấy là nước liền chạy tới sông. Đã đến rồi chỉ đứng nhìn, không uống. Người bên cạnh nói: "Anh bị khát đi tìm nước, nay đến chỗ nước sao không uống?". Người ngu đáp: "Anh cứ uống hết, rồi tôi sẽ uống, nước này rất nhiều uống không hết được, thế nên không uống”. Lúc đó mọi người nghe hắn nói thế đều chê cười.
Ví như ngoại đạo, cho là mình không giữ đủ được giới Phật thì không dám thụ, đến nỗi sau này không có phần đắc đạo, trôi vào sinh tử, như kẻ ngu kia thấy nước không uống, bị đời chê cười..

DỤ 6: CON CHẾT MUỐN ĐỂ Ở NHÀ.
Xưa có kẻ ngu, nuôi bảy người con, một đứa chết trước, hắn muốn để ở nhà không chôn, tự hắn bỏ đi, người bên thấy thế nói: "Sống chết khác lối, phải bố trí đem đi chôn cất, ai lại bỏ đấy rồi mình bỏ đi."
Người ngu nghe rồi tự nghĩ: "Nếu không để được mà phải đem chôn, thì phải giết đứa nữa để gánh cho cân." Thế rồi hắn giết đứa nữa gánh vào rừng chôn. Người đời thấy thế cho là quái gở chưa từng có.
Ví như Tỷ Khiêu trót phạm một giới, ngại không cải hối, mặc nhiên che giấu nói mình thanh tịnh, có bậc trí giả nhắc nhở: "Người xuất gia phải giữ giới cấm như con ngươi mắt chớ để hỏng mới chữa, sao ông phạm giới không chịu sám hối?".
Người phạm giới nói: "Nếu phải sám hối thì phá thêm nhiều giới nữa rồi thú tội một thể".
Như người ngu kia, đã chết một con giết thêm con nữa. Ông Tỷ Khiêu này cũng thế.

DỤ 7: NHẬN NGƯỜI LÀM ANH.
Xưa có một người hình dung đoan chính, có đủ Trí tuệ lại nhiều tiền của, cả thế gian ai cũng khen ngợi.
Có một kẻ ngu thấy họ thế nhận là anh mình, vì họ có tiền sẽ mượn dùng, đến lúc  phải trả nợ thì không nhận anh.
Người khác bảo: Ngươi là kẻ ngu, lúc nhờ của dùng thì nhận là anh, khi phải trả nợ thì không nhận anh.
Kẻ ngu đáp: "Tôi vì muốn được tiền tiêu, nhận họ là anh, thực ra không phải". Nghe hắn nói thế ai cũng chê cười
 Như kẻ ngoại đạo trộm lời hay của Phật làm của mình, đến lúc người ta bảo tu hành thì không chịu theo, trả lời: "Chỉ vì lợi dưỡng, nên đem lời Phật dạy bảo chúng sinh mà không có sự thật, còn nói gì tu hành. Cũng như kẻ ngu vì cần tiền của mà nhận là anh, khi đòi nợ thì không nhận là anh cũng như thế đấy".
DỤ 8: NGƯỜI RỪNG TRỘM ÁO CỦA QUAN.
 Thuở xưa có một người rừng, trộm của trong kho nhà Vua rồi chốn đi xa, Vua sai người đi truy nã bắt được, tra hỏi được áo ở đâu?
Đáp: "Áo của tổ tiên để lại". Vua bảo: mặc xem, vì thực không phải của hắn nên không biết mặc, tay thì mặc xuống chân, ở lưng lại mặc lên đầu.
Vua thấy thế họp các quan lại nói: "Nếu là áo của tổ tiên để lại thì phải biết mặc, tại sao giáo giở dưới trên, đúng là áo mày ăn trộm được không phải của gia truyền".
Ví như tạng Pháp bảo của Phật, Người rừng này cũng như ngoại đạo trộm Phật Pháp chép vào pháp của mình, tự nhận của mình. Nhưng vì không hiểu, sắp xếp Phật Pháp rối loạn dưới trên, không hiểu phép tướng như người rừng kia được áo báu nhà Vua không biết thứ tự, mặc vận lộn ngược cũng như kẻ trộm kia.

DỤ 9: KHEN CHA ĐỨC HẠNH.
Xưa có kẻ ở trong chỗ đông người khen đức hạnh cha mình. Họ nói: "Cha tôi nhân từ, không giết, không gian tham, nói làm thẳng, thực, lại hay bá thí."
 Kẻ ngu nghe thế cũng khen bố mình còn đức hạnh hơn. Mọi người hỏi: "Đức hạnh thế nào?"
Kẻ ngu đáp: "Cha tôi từ nhỏ đến nay chưa từng dâm dục, không hề nhiễm ô".
Người khác hỏi lại: "Nếu đoạn dâm dục sao lại có anh?" Thành bị người đời chê cười.
Cũng như thế gian bọn ngu dốt, khen đức người không đúng lại bị chê cười, như kẻ ngu kia khen cha.

DỤ 10: NHÀ BA TẦNG.
Đời xưa có kẻ ngu thấy nhà người ta ba tầng cao rộng sáng đẹp, sinh lòng muốn có tự nghĩ: "Ta cũng có tiền hơn họ, ta phải làm nhà".
Liền gọi thợ mộc hỏi: "Anh có làm được nhà không?"
Đáp: "Tôi làm được."
Chủ nói: "Làm cho tôi ngôi nhà lầu thế kia",  miệng nói tay chỉ vào căn nhà lầu gần đấy. Thế rồi thợ nhận đất đắp nền, người ngu hỏi: Anh làm nhà kiểu gì?
Thợ đáp: "Làm nhà ba tầng".
Người ngu đáp: "nhưng tôi không cần hai tầng dưới, chỉ làm cho tôi tầng ba cao nhất".
Thợ đáp: "Không dựng tầng một sao dựng được tầng hai, không dựng tầng hai sao dựng được tầng ba".
Chủ đáp: "Tôi không cần hai tầng dưới chỉ dựng cho tôi tầng ba".
Người đời ai cũng cười chê.
Ví như bốn hạng đệ tử Phật, không tinh cần tu kính ngôi Tam bảo, muốn cầu đạo quả A La hán ngay, cũng như kẻ ngu kia, bị người đời chê cười.


DỤ 11: BÀ LA MÔN GIẾT CON.
Xưa có Bà La Môn cho mình là có Trí tuệ cậy mình nhiều học thuật, muốn tỉ ra tài đức. Anh đi ra nước ngoài, bế con khóc, người ta hỏi: "Tại sao khóc?"
Đáp: "Đứa bé này bảy ngày nữa chết, tôi thương nó nên khóc". Ngưòi ta nói: "Mệnh người khó hiểu, bói toán hay lầm. Ngày thứ nhất có thể không chết mà đã vội khóc trước".
"Mặt trời, mặt trăng có thể tới, ngôi sao có thể rơi, tôi đoán quyết không sai."
Khốn nỗi vì danh lợi đến ngày thứ nhất tự anh giết con, đến ngày thứ bảy nghe con anh chết rồi, ai cũng khen anh có Trí tuệ, nói rất đúng nên đều đến tôn kính.
Cũng như bốn hạng đệ tử Phật vì lợi dưỡng tỏ vẻ đắc đạo. Cũng như kẻ ngu trá hiện nhân từ, giết con lừa đời, để sau chịu khổ.


DỤ 12: NẤU NƯỚC ĐƯỜNG ĐEN.
Xưa có kẻ ngu đun đường phèn đen, có một người giàu đến nhà, kẻ ngu này liền nghĩ: "Ta nên lấy nước đường phèn đen cho người giàu này", liền dùng nước bắc lên lửa lấy quạt quạt mong nguội. Người đứng bên bảo: "Dưới cứ đốt lửa thì làm sao nguội được", khiến cho mọi người cười cho.
Cũng như vậy, ngoại đạo không tắt lửa phiền não bốc mạnh mà làm hạnh khổ, nằm trên chông gai mong được yên ổn, mát mẻ thì làm sao được? Còn bị người ta chê cười, đời sau khổ nữa.

DỤ 13: NGƯỜI HAY TỨC BỰC.
Xưa có người ngồi với đông người ở trong nhà khen người khác đức hạnh rất tốt, chỉ có hai lỗi: Một là tức giận, hai là làm việc vội vã.
Anh này đi ở ngoài nghe nói thế, liền cáu lên, xông vào nắm lấy người kia đánh, cho là họ nói xấu mình. Người bên cạnh hỏi tại sao lại đánh họ?
Đáp: "Tôi chưa bao giờ cáu giận vội vã mà người này bảo tôi thế, nên tôi đánh."
Người bên nói: "Anh đang hiện tướng vội vã, cáu giận đấy, tại sao còn giấu, lại còn đánh trách ngươi". Rất bị người đời cho là chê dở
 Ví như kẻ hay say rượu ở đời, thường hay bừa bãi thấy ai nói đến thì sinh cáu ghét dẫn ra chứng minh.
 Như kẻ ngu kia không thích nghe lỗi mình, thấy ai nói động đến mình là đánh lại họ.

DỤ 14: GIẾT CHỦ BUÔN TẾ THẦN.
Xưa có lái buôn muốn vào biển, điều cần thiết là phải có thầy dẫn đường, bèn cùng nhau đi tìm được một thầy.
Khi khởi hành đến nơi đồng vắng, có một đền thờ, phải cúng rồi mới đi được, liền bàn với nhau: "Bọn ta là họ hàng cả không được giết nhau, giết ông thầy dẫn đường để cúng Thiên thần".
Giết thầy xong không biết đường đi, bị cùng khốn chết hết.
Tất cả người đời cũng như thế, muốn vào biển kiếm của báu phải tu phép lành làm thầy, đi trên đường sinh tử mênh mông, không biết lối thoát, trải qua ba đường chịu khổ lâu xa, như bọn lái buôn vào biển lại giết thầy dẫn đường mất nơi nhờ cậy thì phải chết khốn.

DỤ 15: CHO THUỐC CON GÁI VUA CHÓNG LỚN.
Xưa có ông Vua sinh một con gái, gọi thầy thuốc đến bảo chữa cho chóng lớn. Thầy thuốc nói tôi cho thuốc rất chóng lớn. Nhưng bây giờ thì không có phải đi tìm, trong khi chờ đợi Vua chớ nhìn đến. đợi khi cho thuốc thì sẽ tâu Vua.
Thế là ông đi qua 12 năm đưa thuốc về cho công chúa uống rồi đem đến tâu Vua. Vua thấy vui mừng, liền nghĩ thật là thuốc hay, uống xong con ta lớn bổng lên ngay, liền sai đem của báu đến thưởng cho.
Ai nghe biết cũng cười Vua ngu, không biết tính toán qua nhiều năm tháng thì phải lớn chứ đâu phải sức thuốc.
Người đời cũng thế, đến xem bậc thiện tri thức giáo thụ, thấy dùng phương tiện dạy cho tu hành quán 12 duyên khởi, góp nhiều công đức được quả La Hán. Vui sướng nói lên là thầy dạy cho thành đạo

DỤ 16: TƯỚI MÍA.
Xưa có hai người cùng trồng mía, thề với nhau: "Ai trồng tốt, được, ai trồng kém bị phạt nặng."
Một người nghĩ nếu ép lấy nước tưới vào thêm thì hẳn ngọt hơn, liền làm theo, mong được ngọt hơn ngờ đâu mía lại rạc hết.
Người đời cũng thế, cậy mình thế lực hơn người bức hiếp người dưới, cướp đoạt của người dùng để làm phúc mong được quả tốt. Biết đâu sau này lại bị tai hoạ như kẻ ép mía tưới mía. Đôi đằng cùng hỏng.

DỤ 17: NỢ NỬA TIỀN.
Xưa có người bán cho người ta mượn nửa tiền, lâu không thấy họ trả, liền đi đòi. Đường đi cách sông phải mướn hai tiền một chuyến, đến không đòi được nợ, mà mất bốn tiền đò, lại thêm mệt sức đi đường nữa, được ít, mất nhiều lại bị người ta chê cười.
Người đời thường thế, cầu chút danh lợi, phá huỷ đức lớn, quen sống cẩu thả, không đoái lễ nghĩa, hiện chịu tiếng xấu, sau chịu quả báo.

DỤ 18: LÊN LẦU MÀI DAO.
Xưa có một người nghèo khổ, giúp việc nhà Vua, đã lâu ngày thân thể gầy yếu, Vua thưởng cho một con lạc đà chết, anh ta định lột da, vì dao cùn đi tìm đá mài, tìm được hòn đá trên lầu lên mài, luôn luôn phải lên xuống.Vất vả nhọc mệt, anh đành cheo con Đà lên lầu để tiện mài dao. Bị người đời chê cười.
Cũng như kẻ ngu, phá huỷ giới cấm, kiếm nhiều tiền của để làm phúc mong được sinh lên trời. Treo lạc đà lên lầu mài dao, mất nhiều công sức, mà phúc chẳng được bao nhiêu.

DỤ 19: ĐI THUYỀN MẤT NHẪN BẠC.
Xưa có người đi thuyền vượt biển mất chiếc nhẫn bạc rơi xuống nước. Anh liền vạch nước, đánh dấu để sau sẽ lấy. Đi đã hai tháng, khi qua một khúc sông, anh liền xuống mò. Người ta hỏi anh làm gì thế?
Đáp: "Trước tôi đánh rơi xuống nước một cái nhẫn bạc, nay tôi tìm".  
- "Anh mất ở đâu?"
- "Từ khi mới vào biển".
- "Nay đã hai tháng sao nay lại mò ở đây?
- "Khi đánh rơi, tôi đã vạch xuống nước đánh dấu, chỗ nước kia như nước ở đây, nên tôi tìm".
- "Nước tuy như nhau nhưng trước anh mất nhẫn ở nơi khác, nay tìm ở đây thì thấy sao được?" Thế là anh bị mọi người chê cười.
Cũng như ngoại đạo, không tu phép chính, làm việc tương tự, tạo nguyên nhân khổ  để cầu giải thoát.
Cũng như kẻ ngu, mất nhẫn một nơi tìm ở  một nơi.

DỤ 20: KẺ CHÊ VUA BẠO NGƯỢC.
Xưa có một người  nói tội lỗi Vua rằng: "Vua rất tàn ác, trị dân vô lý". Vua nghe đồn thế, bực quá, không biết từ đâu sinh chuyện đó. Tin kẻ nịnh, bắt ông quan hiền lành róc thịt xương sống ông ta 10 lạng. Có người làm chứng, không phải ông này nói, nhà Vua hối hận, tìm trăm lạng thịt khác, đến đền ông này vẫn kêu đau khổ quá. Nhà Vua nghe tiếng, hỏi ông: Ta lấy của ngươi mười lạng thịt đã đền ông 100 lạng vẫn chưa đủ ư ?
"Tâu đại vương, chặt một đầu con  đền trăm đầu con cũng vẫn chết. Tuy được thịt gấp 10 lần vẫn không khỏi đau khổ?"
Kẻ ngu cũng thế, không sợ đời sau khổ, tham vui hiện tại, bức bách trăm họ lấy nhiều tiền của mong khỏi tội, được phúc báo. Cũng như Vua kia róc thịt người này lấy thịt người khác trả mong họ khỏi đau có lý nào thế !

DỤ 21:  ĐÀN BÀ MUỐN CẦU CON NỮA.
Thủa xưa có người đàn bà, mới sinh được một con, muốn cầu con nữa, hỏi ai giúp tôi  có được đứa con nữa?
Có bà già bảo. "Ta giúp được, nhưng phải có lễ cúng thần".
- Lễ bằng gì?
- Giết đứa con trước, lấy máu cúng thần sẽ được nhiều con khác.
Người này nghe và làm theo. Người có Trí chê mắng là đồ ngu chắc gì lại sinh con, mà  đã giết con hiện tại.
Kẻ ngu cũng thế, vì muốn được vui đâm đầu vào hố lửa hại thân, để mong được sinh lên trời.

 DỤ 22: VÀO BIỂN LẤY GỖ TRẦM HƯƠNG.
Thủa xưa có con ông trưởng giả vào biển lấy gỗ trầm hương. Hàng mấy năm được một xe, đem về chợ quê  bán, vì đắt nên không ai mua bị ế, đã nhiều ngày sinh chán nản khổ não, thấy người bán than, bán được chóng hết. Liền nghĩ rằng: Đốt gỗ trầm ra than cho dễ bán đốt rồi đem than ra bán, giá trị không bằng nửa xe than.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, rất nhiều phương tiện siêng năng tinh tiến mong cầu  quả Phật, vì khó được nên sinh thoái tâm. Chẳng bằng phát tâm cầu quả Thanh văn, La Hán chóng đoạn sinh tử.
DỤ 23: KẺ CHỘM GỐM, BỌC DẺ RÁCH.
Xưa có kẻ trộm vào  nhà giàu trộm được tấm gốm dùng bọc những thứ của cải và quần áo rách, bị người trí thức chê cười.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, đã có lòng tin vào trong Phật Pháp, tu hành thiện pháp và các công đức, vì tham lợi mà phá tịnh giới và phá các công đức, bị đời cười chê cũng thế.

DỤ 24: GIEO VỪNG RANG CHÍN.
Thủa xưa có kẻ ăn vừng sống cảm thấy không ngon, rang chín ăn thấy ngon liền nghĩ: :"Rang rồi trồng, sau chỉ việc ăn ngon".
Liền rang rồi gieo, vừng đã bị chín nên không mọc.
Người đời cũng thế, Bồ Tát nhiều  kiếp tu hành, làm những việc khó làm, cho là không thích, liền nghĩ làm La Hán dễ chóng đoạn sinh tử, công đó rất dễ. Sau muốn cầu Phật đạo thì không được nữa vì giống đã cháy, không sinh được nữa.

DỤ 25: NƯỚC LỬA.
Xưa có một người có việc dùng đến lửa và cả nước mát nữa, liền rấm đống lửa, lấy chậu đựng nước để lên đống lửa, đến khi dùng lửa thì lửa lại tắt, muốn dùng nước lạnh thì  nước lại nóng, thế là lửa nóng, nước lạnh đều mất cả.
Người đời cũng thế, vào Phật Pháp xuất gia cầu đạo, đã được xuất gia lại nghĩ đến sự vui sướng vợ con họ hàng ở thế gian, vì thế mất cả lửa công đức, nước trì giới, nghĩ đến dục lạc cũng lại như thế.

DỤ 26: KẺ BẮT CHƯỚC VUA CHỢP MẮT.
Xưa có một người muốn được Vua vừa ý, hỏi mọi người rằng làm sao được như ý Vua, họ bảo muốn được ý  Vua thì tướng Vua thế nào anh phải bắt chước. Anh ta đến chỗ Vua, thấy Vua chớp mắt cũng bắt chước chớp mắt. Vua hỏi: Ngươi đau mắt à, hay phải gió, sao lại cứ chớp mắt?
 Đáp: Tâu Vua tôi không đau mắt cũng không phải gió, muốn được vừa ý Vua thấy Vua chớp mắt tôi cũng bắt chước. Vua nghe thấy thế tức quá liền gia hình phạt rồi  đuổi ra khỏi nước.
 Người đời cũng thế, Phật là bậc Pháp vương muốn được gần kề, cầu Pháp để được tăng trưởng. Đã được gần kề nhưng không hiểu Phật, vì chúng sinh hiện ra nhiều phương tiện thiếu sót. Hoặc nghe  giáo Pháp thấy có chữ không đúng, liền sinh chê bai cho là không phải, vì thế mất hẳn những phép phúc thiện trong giáo Pháp, đoạ vào ba đường ác, như kẻ ngu kia cũng thế không khác.

DỤ 27: CHỮA NHỌT BỊ ĐÁNH.
Xưa có một người bị nhà Vua đánh bị thương, rồi dùng phân ngựa đắp vào mong cho chóng khỏi. Có một kẻ ngu thấy thế thích quá, nghĩ rằng ta đã được pháp chữa nhọt rất hay, thế rồi về nhà bảo con: Ta muốn thử pháp rất hay, mày lấy gậy đập vào lưng tao. Con cũng làm theo rồi lấy phân ngựa đắp vào cho là rất hay.
 Người đời cũng thế, nghe người ta nói phép tu quán bất tịnh thì trừ được nhọt thân ngũ ấm, liền cho là ta muốn tu phép quán nữ sắc, bất tịnh và năm dục, nhưng chưa đạt được thành công chính xác, lại bị nữ sắc làm  mê hoặc tán loạn, phải chịu luân chuyển trong đường sống chết đoạ vào địa ngục. Kẻ ngu ở đời cũng thế.

DỤ 28: ĐỔI MŨ I GIÚP VỢ.
Xưa có một chàng, vợ anh xinh đẹp chỉ có mũi của cô là xấu. Anh chàng ra đường thấy vợ người khác mặt xinh mũi đẹp. Anh liền nghĩ: Nếu ta cắt được cái mũi kia đắp vào mặt vợ mình thì thật hay quá. Thế rồi  anh cắt mũi vợ người ta đem về gọi vợ mình ra liền xẻo mũi vợ, lắp mũi khác vào mặt. Đã chẳng dính được lại mất mũi trước, khiến cho vợ anh phải chịu đau khổ một cách oan uổng.
Người ngu ở đời cũng lại như thế nghe các bậc Sa môn, Bà La Môn tôn túc thân quen có danh đức lớn được thế gian cung kính và lợi dưỡng lớn, liền nghĩ: Ta có kém gì các vị kia, thế rồi huênh hoang khoe mình có đức. Đã mất mặt lợi, lại hại hạnh mình. Như cắt mũi người khác thương tổn cả mình. Kẻ ngu ở đời  cũng như thế.

DỤ 29: NGƯỜI NGHÈO ĐỐT ÁO XẤU
Xưa có một người nghèo thiếu khốn khổ đi làm mướn được quần áo thô xấu, có người thấy bảo anh là con nhà dòng họ quí phái chững chạc, tại sao lại mặc quần áo thô xấu thế, anh hãy nghe tôi bảo khiến anh được quần áo tốt đẹp nhất, tôi không nói dối anh đâu. Người nghèo vui mừng tin theo, kẻ kia lập tức đốt ngay đống lửa trước mặt bảo người nghèo rằng: Bây giờ anh trút bỏ bộ quần áo xấu đương mặc ấy ném vào đống lửa rồi sau ngay ở chỗ đốt này sẽ cho anh bộ quần áo rất đẹp. Người nghèo làm theo, sau khi lửa tắt bới ra tìm thì không được gì  cả.
Người đời cũng thế từ xa xưa đã tu mọi phép  thiện được thân người này phải nên giữ gìn tiến đức, tu nghiệp  kẻo bị yêu nữ ngoại đạo tà ác lừa dối,  nó bảo tin nó tu mọi hạnh khổ lao đầu xuống dốc, đâm đầu vào lửa, bỏ thân này rồi sẽ sinh lên cõi trời Phạm thiên hưởng sung sướng mãi mãi, liền nghe nó nói bỏ ngay thân mạng sau khi đã chết đoạ vào địa ngục chịu mọi đau khổ đã mất thân người không được gì hết. Như kẻ ngu cũng lại như thế.

DỤ 30: NGƯỜI CHĂN DÊ.
Xưa có người hỏi người chăn dê, sinh ra đến ngàn vạn, nhưng hắn rất tham lam keo kiệt không tiêu dùng gì. Đến khi có người khéo lừa dối, đến làm bạn thân và nói với anh chăn dê: Tôi biết nhà kia có một cô gái đẹp, tôi sẽ làm mối giúp anh. Anh chăn dê nghe thích quá, cho ngay cả đàn dê và của cải khác nữa.
Anh bạn lại nói: Vợ cậu sinh một con trai rồi. Chàng chăn dê chưa thấy vợ  bao giờ mà đã nghe  sinh con rồi lại mừng hơn trước lại cho anh bạn của nữa. Sau bạn lại nói: "Đứa con của anh lại chết mất rồi". Anh chăn dê liền oà lên khóc và rên rỉ mãi.
Người đời cũng thế, đã tu học nhiều nhưng vì danh lợi, dấu tiếc đạo pháp không truyền dạy ai, bị thân ngũ lậu làm khốn bằng những thú vui vợ con ở đời lừa dối mất hết phép thiện, rồi mất cả tài sản, tính mệnh mới sinh thương sót, buồn khổ như anh chăn dê kia.

DỤ 31: MƯỚN THỢ GỐM.
Xưa có vị thầy Bà La Môn, muốn mở đại hội bảo các đệ tử: Ta cần đồ gốm để dùng, các ngươi đến chợ mướn thợ giúp ta.
Các đệ tử đến nhà thợ gốm, gặp người với con lừa chở đồ gốm đi bán, chỉ trong giây phút con lừa phá hết, quay về nhà khóc lóc tiếc xót. Các đệ tử hỏi: Tại sao? Người đó đáp : Tôi chịu khổ sở nhiều năm mới thành đồ dùng đem bán, bị con lừa tệ hại này phút chốc phá tan hết nên tôi chán ngán.
Các đệ tử thấy thế rất mừng, cho con lừa này là rất hay, thành đồ dùng phải làm bao nhiêu lâu, giây phút phá được hết, ta nên mua nó, hẳn thầy ta rất vui mừng.
Về đến nhà thày hỏi thợ gốm đâu? Dùng con lừa này để làm gì? Đáp : Con lừa này hay hơn thợ gốm. Thợ làm lâu mới thành đồ dùng, lừa chỉ chốc lát bao nhiêu nó cũng phá sạch.
Ông thầy bảo: Chúng mày ngu quá, con lừa này nó chỉ tài phá những công việc trăm năm mới thành.
Người đời cũng thế, tuy hàng trăm ngàn năm, nhận người cúng dàng, tuyệt không báo đáp còn làm tổn hại, không được ích gì con người vong ân bội nghĩa cũng thế.

DỤ 32: KHÁCH BUÔN TRỘM VÀNG.
Xưa có hai khách buôn chung nhau, người mua được vàng thực, người mua lụa Đâu La. Người bán vàng đốt thử vàng, người buôn thứ hai trộm vàng vừa thử, bọc vào lụa Đâu La, vì vàng còn nóng đốt cháy hết lụa, sự tình bại lộ cả hai đều mất cả.
Như kẻ ngoại đạo trộm lấy Phật pháp chép vào sách mình, bảo là của mình không phải Phật pháp, vì thế đốt diệt sách ngoại, không được lưu hành như kẻ trộm vàng sự tình bày ra cả.

 DỤ 33: CHẶT CÂY LẤY QUẢ.
Nhà vua xưa có một cây rất nhiều quả ngon hương thơm vị ngọt, có người đến vua bảo, trên cây sắp ra quả ngon, ngươi có thích ăn không? Con muốn ăn nhưng cây cao to quá chỉ có chặt xuống mới lấy được quả. Thế là chặt cây, đã không được gì lại bị uổng công lao, sau lại muốn dựng lên thì cây đã khô rồi.
Người đời cũng thế, Phật có cây trì giới, sinh được quả tốt, thích được quả ăn phải nên giữ giới làm nhiều công đức. Không hiểu phương tiện lại huỷ giới luật. Như kẻ chặt cây lại mong sống lại, như kẻ phá giới không còn được gì nữa.

DỤ 34: ĐƯA NƯỚC NGỌT.
 Xưa có một làng cách thành vua 500 do tuần, trong làng có nước tốt lành, Vua hạ lệnh hằng ngày người làng phải đem nước dâng Vua. Người làng sợ mỏi mệt muốn lánh đi nơi khác. Ông chủ làng bảo mọi người:  Không phải đi đâu, tôi sẽ tâu Vua đổi 500 do tuần làm 300 do tuần để đi lại cho gần.
Mọi người nghe rất mừng, nhưng có người bảo: Vẫn là 500 do tuần không khác. Tuy nghe nói thế, vì tin lời Vua không đi đâu nữa.
Người đời cũng thế, tu hành chính pháp vượt qua 5 đạo, hướng về thành Niết Bàn bèn sinh chán nản muốn dời bỏ đành chịu sinh tử không muốn tiến nữa. Phật có phương tiện, vẫn pháp Nhất thừa phân biệt làm 3, hàng Tiểu thừa nghe vui mừng, cho là dễ tu, cầu thoát sinh tử. Sau nghe người nói không có Ba thừa, vẫn là Nhất thừa, vì tin lời Phật quyết không chịu bỏ, như người làng kia cũng thế.

DỤ 35: GƯƠNG TRÊN BỒ CỦA BÁU.
Xưa có người nghèo khổ nhiều nợ, định đi trốn đến cánh đồng vắng, gặp cái bồ đầy cuả báu có mặt gương sáng đặt trên đạy nắp, người nghèo thấy nồi rất mừng, liền mở nắp bồ thấy người trong gương giật mình sợ hãi, chắp tay nói: "Tôi tưởng bồ không có gì, ngờ đâu có ông ở đây xin ông đừng bực".
Kẻ phàm phu cũng thế, bị rất nhiều phiền não khốn cùng, bị chủ nợ Ma Vương  sinh tử ràng buộc. Muốn tránh sinh tử vào tu trong Phật Pháp để gây công đức, như gặp bồ của báu bị gương thân kiến làm hoảng loạn, chấp rằng có ta liền chấp thủ lấy cho là chân thật, vì thế đoạ lạc mất hết công đức đạo quả Tam  thừa. Các thiện hữu lậu, Đạo phẩm Thiền định không còn chi cả.
Như kẻ ngu si kia, bỏ hòm của báu vì mê ngã kiến cũng thế.

DỤ 36: PHÁ MẮT TIÊN NGŨ THÔNG.
Xưa có người vào núi học Đạo, được Thiên nhãn, Tiên ngũ thông, trông suốt được tất cả những của báu ở dưới đất. Nhà Vua nghe thấy rất mừng, bảo các Quan rằng: "Làm thế nào cứ giữ ông Tiên ở trong nước ta, không cho đi đâu khiến cho trong kho được nhiều của báu. Có một Quan ngu liền đến khêu hai mắt vị Tiên đem đến dâng Vua. Tiên bị khoét mắt không đi đâu được thường ở trong nước. Vua nói: Sở dĩ ta muốn được Tiên ở, là để thấy được tất cả của báu dưới đất. Nay ngươi khoét mắt ông Tiên còn dùng làm gì được".
Người đời cũng thế, thấy người tu hạnh đầu đà khổ  hạnh ở nơi núi rừng, gốc cây, Tu tứ y chỉ và quán bất tịnh lại cưỡng ép về nhà cúng dàng, phá phép thiện của người ta, khiến không thành Đạo quả mất con mắt đạo, mất hết lợi ích không được việc gì.

DỤ 37: GIẾT CẢ ĐÀN BÒ.
Xưa có một người có 250 con bò, thường nuôi. Bị hổ ăn mất một con. Người chủ nghĩ rằng: "Đã mất một bò không còn đủ cả thì không dùng nữa, liền đuổi đến chỗ bờ cao hố sâu đẩy cả xuống.
Kẻ phàm phu cũng thế, giữ đủ giới Phật. Nếu trót phạm một giới không sinh thẹn hổ, sám hối thanh tịnh lại nghĩ ta đã phá một giới, thì dùng giữ tất cả làm gì ? Thôi thì phá tất cả. Như kẻ ngu kia giết tất cả đàn bò.

DỤ 38: UỐNG NƯỚC ĐỰNG THÙNG.
        Xưa có một người đi đường bị khát, thấy trong thùng có nước trong sạch chạy đến uống đủ rồi, liền giơ tay bảo thùng rằng : Ta uống đủ rồi đừng chảy đến nữa. Tuy nói thế nước vẫn cứ chảy như trước, bực quá anh nói "Ta uống nước đủ, bảo mày đừng chảy đến nữa". Người ta thấy thế bảo: Anh ngu quá, tại sao anh không đi, bảo nó đừng đến ? liền lôi ra chỗ khác !          
       Người đời cũng thế, vì thèm khát sinh tử, uống nước ngũ dục, như kẻ uống nước đủ rồi kia, liền nói: "Sắc thanh hương vị chúng mày đừng đến nữa, để ta phải thấy.
          Nhưng ngũ dục cứ đến không ngớt, đã thấy chúng cứ đến liền phát bực nói: Mày phải diệt ngay, đừng sinh vọng tưởng thì được giải thoát cớ sao muốn nó không sinh? để mình khỏi thấy, như kẻ ngu uống nước kia không khác.
        
DỤ 39: THẤY NGƯỜI KHÁC TRÁT NHÀ.
          Xưa có một người đến nhà người khác thấy tường vách nhà họ xoa trát bằng phẳng sạch sẽ rất đẹp. Liền hỏi: Dùng gì trát được thế? Chủ đáp: Trấu ngâm nước kỹ, hoà bùn trát, nên được như thế.
          Kẻ ngu liền nghĩ: Nếu lấy rặt chấu, chẳng bằng hoà gạo thóc mà trát, thì vách chẳng phẳng đẹp hơn. Thế là hoà bùn với gạo trát, vách bị lồi lõm và nứt xé, phí cả thóc gạo không lợi ích gì giá đem cho còn được công đức.
          Kẻ phàm phu cũng thế. Nghe Thánh Nhân dậy, tu hành việc thiện, bỏ thân này được sinh lên trời và giải thoát, liền tự tử mong được sinh lên trời, chỉ là chết uổng không được lợi ích  gì.

DỤ 40: CHỮA TRỌC ĐẦU.
          Xưa có một người trên đầu không có tóc, mùa đông rét quá, mùa hè thì bị nóng và ruồi muỗi đốt ngày đêm chịu nhiều khổ não. Có ông thầy thuốc rất nhiều kế thuật. Người trọc đến nói nhờ ông chữa nhưng ông thầy thuốc kia cũng trọc đầu, ông liền chật mũ ra nói: Tôi cũng bị nạn ấy rất khổ, nếu tôi  chữa khỏi được tôi sẽ chữa cho tôi trước.
          Người thế gian cũng vậy, bị sống già bệnh chết xúc não, muốn tìm nơi sống lâu không chết, nghe có những Sa môn, Bà La Môn là thầy thuốc giỏi chữa được nhiều bệnh, đến nhờ ông chữa bệnh vô thường, sống, chết để được sống yên vui mãi. Khi ấy các Sa môn, Bà La Môn ấy cũng bảo: Tôi cũng mắc những bệnh vô thường, sinh, lão tử  ấy muốn  tìm nơi sống lâu cũng vẫn chưa được. Nếu tôi chữa được cho bác thì tôi chữa cho tôi trước. Thế là kẻ lo đầu trọc uổng công khó nhọc mà không khỏi.

DỤ 41: QUỶ TỲ XÁ XÀ.
          Xưa có hai Quỉ Tỳ Xá Xà, cùng có một bồ, một gậy, một đôi guốc. Hai Quỉ ganh nhau muốn được về mình, cãi nhau suốt ngày không ổn. Khi ấy có một người đến thấy hỏi: Bồ, gậy, guốc có phép gì lạ mà chúng mày tranh nhau bực tức đến thế? Đáp: Bồ này cho ra những món đồ dùng ăn mặc giường đệm chăn màn... Cầm gậy này kẻ oán phải hàng phục. Đi đôi guốc này khiến bay đi được không vướng mắc gì.
          Người này nghe rồi, bảo hai Quỉ: Các ngươi tránh ra một chút, ta sẽ chia đều cho, hai Quỉ liền tránh ra.
            Người này ôm bồ, cầm gậy xỏ chân vào guốc bay luôn. Hai Quỉ ngơ ngác không được gì, người gọi Quỉ bảo: Chúng mày cãi nhau nay ta đã được đi, chúng mày khỏi  cãi nhau.
          Quỉ Tỳ Xá Xà dụ với chúng ma, và ngoại đạo. Bá thí như bồ, những đồ dùng cho cõi trời,  cõi người  năm đạo, đều từ trong ấy mà ra. Thiền định như gậy tiêu phục nhưng giặc phiền não ma oán. Giữ giới như guốc, hẳn lên cõi người cõi trời.
          Các ma ngoại đạo tranh bồ, dụ với trong hữu lậu gượng cầu quả báo, uổng không được gì, nếu hay tu các hạnh lành và bá thí trì giới thiền định thì lìa khổ được đạo quả.

DỤ 42: KHÁCH BUÔN CHẾT LẠC ĐÀ.
          Ví như khách buôn giữa đường, con Lạc đà chết, con Lạc đà chở nhiều của báu, tấm thảm mềm mịn bao nhiêu của báu nữa. Con lưà đã chết rồi lột lấy da nó. Chủ buôn bỏ đi dặn hai đệ tử rằng: Giữ gìn da con đà, đừng để ướt mục. Khi gặp trời mưa đệ tử ngu dốt, lấy tấm thảm che da, tấm thảm mục nát hết, giá trị da với thảm khác nhau như trời với vực, vì ngu si lấy thảm che da.
          Người đời cũng thế, giới bất sát ví như tấm thảm, da Lạc đà ví của báu, trời mưa mục ví với phóng dật bại hoại. Khéo giữ giới bất sát là Pháp thân Phật, nhân tốt cao nhất. Nhưng không tu được, chỉ lấy của cải, dựng chùa Tháp, cúng dàng chúng Tăng, bỏ gốc lấy ngọn, không cầu gốc, trôi dạt năm đạo không ra được.
          Vì thế người tu phải tinh tiến giữ giới bất sát.

DỤ 43: MÀI HÒN ĐÁ TO.
          Ví như có người cố gắng ngày này tháng khác, mài một hòn đá to thành con bò bé tý. Dùng công nặng nề, được không đáng kể.
          Người đời cũng thế, việc mài đá to dụ với học hỏi siêng năng khó nhọc, thành con bò nhỏ ví với tiếng đồn hay giở.
          Ôi! Việc học nghiền ngẫm tinh vi, thông hiểu nhớ nhiều, phải thực hành để cầu thắng quả, chỉ cầu tiếng khen, kiêu mạn ngông nghênh thêm nhiều lỗi trái.

DỤ 44: MUỐN ĂN NỬA BÁNH.
          Ví như có người đói, ăn nửa tấm bánh nướng, ăn 6 bánh rưỡi rồi thì no, người đó hối tiếc nắm tay tự đấm nói: Bởi nữa bánh này, thế là uổng công ăn 6 bánh trước, nếu biết nửa bánh được no thì nên ăn trước.
          Người đời cũng thế, từ trước đến nay thường không được vui, nhưng họ điên đảo  cho là vui, như kẻ ngu kia, với nửa tấm bánh tưởng thế là no.
Người đời lấy giầu sang làm vui, khi cầu giầu sang thì rất khổ, được rồi giữ gìn cũng khổ, sau  bị mất đi lại càng khổ. Cả tám giai đoạn đều không vui cả. Cũng như cơm áo che ngăn nên gọi là vui ở trong cay đắng cố tưởng là vui.
          Phật dậy ba cõi không yên, đều khổ lớn cả. Phàm phu mê hoặc cứ tưởng là vui.

DỤ 45: CON Ở GIỮ CỬA.
Có người sắp đi xa, sai đứa ở phải giữ cửa cho cẩn thận, và  coi lừa, thừng.
          Khi chủ đi rồi nhà hàng xóm tổ chức cuộc vui hoà nhạc, đứa ở muốn nghe tâm không yên được, liền lấy thừng bó cánh cửa để lên lưng con lừa chở đến chỗ hoà nhạc.
          Đứa ở đi rồi, của cải ở trong nhà bị trộm lấy đi hết. Chủ về hỏi của cải đâu hết?.
          Ông trước chỉ giao cho tôi lừa, cánh cửa và thừng chão, ngoài ra tôi không biết.
          Chủ lại nói: Giao mày giữ cửa chính vì của cải, của cải mất rồi dùng cửa làm gì?
          Kẻ ngu si vì yêu đứa ở cũng thế, Như Lai dậy bảo thường phải giữ căn môn, chớ mê sáu trần, giữ lừa vô minh, coi thừng ái dục mà các Tỷ Khiêu không nghe Phật dậy, tham cầu lợi dưỡng, trá hiện thanh bạch, ngồi trong chốn vắng, tâm ý buông dông, tham đắm năm dục, bị sắc thanh hương vị làm mê, vô minh che tâm, thừng ái trói buộc của báu chính niệm, giác ý đạo phẩm  mất hết.

DỤ 46:  TRỘM BÒ.
Ví như cả làng cùng trộm bò ăn thịt, người mất bò theo dõi, gọi người làng này ra hỏi anh ở làng này à?
Đáp: Tôi không có làng.
Trong làng anh có ao, cùng ăn thịt bò ở bên bờ ao?
-Đáp: Không ao.
Bên ao có cây?
- Không  cây.
Lúc trộm bò ở bên đông làng anh  phải không?
- Không có đông.
Lúc trộm bò có phải giữa ngay?
- Không giữa.
          Không thôn, không cây có thể được, thiên hạ sao lại không phương đông, không thời gian? Mày là đứa không tin được, mày trộm bò ăn thịt phải không?
- Thực ăn.
          Kẻ gian dối cũng thế, che dấu tội lỗi không chịu phát lộ, chết vào địa ngục, các Thiện Thần dùng Thiên Nhỡn nhìn thấy không dấu được như kẻ ăn trộm bò kia.

DỤ 47: NGƯỜI NGHÈO KÊU TIẾNG UYÊN ƯƠNG.
Xưa ở nước kia về ngày khánh tiết, tất cả phụ nữ đều dùng hoa sen trang sức, một vợ nhà nghèo bảo chồng: Nếu anh có hoa sen cho tôi trang sức thì tôi là vợ anh, nếu không tôi đi.
          Anh chồng từ trước hay kêu giả tiếng chim Uyên ương, liền vào ao nhà Vua lấy trộm hoa sen.
          Người coi ao thấy động hỏi: Ai đấy?
Anh nghèo buột miệng đáp: Tôi là chim Uyên ương.
Người coi ao bắt đem nộp Vua, giữa đường anh bỗng kêu tiếng Uyên ương.
Người giữ ao nói: Trước không kêu thế bây giờ kêu thì có ích gì.
          Kẻ ngu ở đời cũng thế, suốt đời làm ác không tập làm thiện bao giờ, đến lúc sắp chết mới nói muốn được tu thiện cũng không kịp rồi, vì sắp đến cửa Diêm Vương.

DỤ 48: CON DÃ CAN BỊ CÀNH CÂU GẪY RƠI VÀO.
          Con Dã  Can ở dưới gốc cây, gió thổi cành gẫy rơi vào lưng, liền nhắm mắt chạy không dám quay lại, đến tối cũng không dám về.
          Từ đằng xa trông lại, thấy gió thổi, cành cây lay động lên xuống, tưởng gọi lại về gốc cây.
          Kẻ đệ tử ngu si cũng thế, đã được xuất gia, được gần thầy bạn, vì sự quở phạt nhỏ, liền bỏ đi đến khi gặp phải kẻ ác tri thức não hại, lại phải quay về thầy cũ đi lại như thế là kẻ ngu mê.

DỤ 49 : TRẺ CON TRANH PHÂN BIỆT LÔNG
Ngày xưa có hai trẻ xuống sông đùa nghịch được ở dưới đáy nước  một nắm lông. Một trẻ bảo : Đây là râu tiên, một trẻ bảo: Đây là lông gấu.
Lúc này bờ sông có một vị tiên, hai trẻ đi đến quyết nghi cho. Vị tiên liền nhai gạo và vừng lẫn nhau rồi nhổ vào bàn tay, bảo hai trẻ: Đây là phân chim xẻ, không trả lời vào việc trẻ hỏi.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, khi giảng pháp  thì bàn nhảm không đáp lẽ đúng như tiên kia không trả lời việc hỏi, bị mọi người chê cười rông dài nói nhảm cũng thế.

DỤ 50: THẦY THUỐC CHỮA LƯNG GÙ.
Có người bị gù lưng, mời thầy chữa, thầy dùng vị Tô trát vào trên dưới ván rồi dùng sức ép mạnh bất giác lồi cả hai mắt.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, vì tu phúc, làm việc buôn bán, làm những việc phi pháp chóng thành việc nhưng lợi bất cập hại, đời sau vào ngục dụ lòi hai mắt.

DỤ 51: NĂM NGƯỜI CÙNG THUÊ NGƯỜI GIÚP VIỆC.
Năm người cùng thuê một con ở giúp việc. Một người sai giặt áo, người nữa lại sai giặt áo. Người ở bảo: Hãy khoan, tôi còn giặt cho người trước đã.
Người sau cáu bực nói: Ta với người trước cùng mướn mày sao mày chỉ nghe hắn, liền đánh cho mười gậy, rồi 5 người cùng đánh mỗi người 5 gậy.
Năm ấm cũng thế, phiền não nhân duyên lập thành thân này, mà 5 ấm thường lấy sinh, lão, bệnh, tử và rất nhiều khổ dày vò chúng sinh.

DỤ 52: PHƯỜNG NHẠC ĐÒI TIỀN THUÊ.
Phường nhạc tấu nhạc trước mặt vua, vua thuê một nghìn đồng tấu nhạc song đòi tiền. Vua nói: Trước ngươi tấu nhạc vui xuống tai ta,  nay ta cho ngươi tiền cũng vui xuống tai ngươi.
Thế gian quả báo cũng thế, cõi trời cõi người, tuy được chút vui cũng không vui thực, vô thường tan diệt, không được bền lâu như nhạc suông kia.

DỤ 53: HAI ĐỆ TỬ CHỮA CHÂN THẦY ĐAU.
Một thầy có hai đệ tử, thầy đau chân giao cho mỗi người phải chữa một chân, nhưng hai đệ tử thường thù ghét nhau, anh phải bóp chân A đi ra, thì anh phải bóp chân B liền lấy đá đập chân A của thầy mà anh A phải bóp, lẽ dĩ nhiên anh A phải báo lại anh B.
Học trò Phật pháp  cũng vậy, phái học Đại thừa chê phái học Tiểu thừa và ngược lại. Làm cho cả Đại, Tiểu thừa đều mất.

DỤ 54; ĐẦU ĐUÔI CON RẮN TRANH NHAU ĐI TRƯỚC.
Có đuôi con rắn bảo đầu rằng: "Ta phải đi trước".
Đầu bảo đuôi:"Ta thường đi trước bỗng sao lại thế"? Ừ thì đi trước.
Đuôi quấn vào cây không đi được nữa, Đầu đành cho đuôi đi trước liền đâm vào hố lửa chết.
Thầy trò đệ tử cũng thế, đệ tử bảo: Thầy là bậc cao tuổi tôn  túc, đã ở trên mãi rồi bây giờ để lớp trẻ lãnh đạo, Nhưng tuổi trẻ chưa quen giới luật, phạm nhiều sai lầm thế rồi dắt nhau vào địa ngục cả.

DỤ 55: XIN CẠO RÂU CHO VUA.
Nhà Vua xưa có một người thân tín, ở trong trận chiến liều chết cứu Vua, Vua được an toàn rất mừng. Hỏi anh ta cần gì?
- "Chỉ xin cạo râu cho Vua" .
Vua cho ngay, thế là bị đời chê là ngu si. Làm quan phụ tướng cai trị nửa nước cũng được mà lại xin công việc hèn ấy.
Kẻ ngu cũng thế, chư Phật đã bao nhiêu kiếp làm những việc khổ hạnh mới được thành Phật,  thân người khó được, Phật pháp khó được nghe ví như rùa mù gặp hốc cây nổi, cả hai đều khó gặp, nay đã gặp được, nhưng ý hèn kém giữ giới chẳng được bao nhiêu liền cho là đủ không cầu kết bạn cao thượng tiến hoá, lại cầu việc kém cho là đầy đủ.

DỤ 56: ĐÒI THỨ  VÔ VẬT.
Xưa có hai người đi giữa đường gặp một người chở xe Hồ ma trong quãng đường hiểm không đi được. Người chở xe bảo hai người kia đẩy xe giúp ta, qua đường hiểm, hai người đòi cho vật gì? Chủ xe nói: Cho "vô vật".
Rồi hai người này đẩy xe giúp đến chỗ đường thẳng, bảo  chủ xe: Trả tôi vật gì đâu? Đáp: Vô vật!
Đưa "vô  vật" đây.
Một trong hai người mỉm cười và nói: Họ không cho cũng không thiết.
Người kia  đáp: Cho tôi "vô vật" hẳn là có "vô vật".
Một người kia nói: "Vô vật" là hai chữ hợp vào thế là giả danh.
Kẻ phàm phu ở đời hiểu "Vô vật" là không có gì. Người thứ hai  nói: "Vô vật" là "Vô tướng, vô nguyện, vô tác."


DỤ 57: ĐẠP VÀO MỒM TRƯỞNG GIẢ
Xưa có ông trưởng giả rất giàu những người thân cận muốn ông vừa ý đều cung kính ông. Khi ông nhổ, người hầu hai bên sẽ dẵm lên luôn.
Có một kẻ ngu không kịp đạp được, nghĩ rằng: Trưởng giả nhổ xuống những người gần đã đạp rồi, khi ông sắp nhổ ta liền đạp trước. Thế rồi khi trưởng giả sắp nhổ, kẻ ngu cất chân đạp ngay vào miệng trưởng giả và bị vỡ môi, gãy răng.
Trưởng giả hỏi chàng ngu: Tại sao ngươi đạp mồm ta?
Đáp: Nếu trưởng giả nhổ ra những người nịnh hai bên đã đạp trước rồi. Tôi tuy muốn đạp không kịp, vì thế miệng sắp nhổ ra tôi phải đạp trước để vừa ý ông.
Làm việc phải hợp thời, thời cơ chưa đến đã gượng làm tốn công, bị khổ. Vậy người ta nên biết đúng thời.

DỤ 58: HAI CON CHIA CỦA
Xưa nước Ma La có một nhà giàu, ốm nặng biết sắp chết, dặn hai con sau khi ta chết, của cải phải chia đôi cho đều. Nhưng anh vẫn bảo là không đều.
Khi ấy có ông già ngu dạy anh em kia rằng : Có của gì cũng phá làm hai phần, từ áo quần cho đến mâm, bát, chum, vại.v.v...đều phá làm hai phần kể cả tiền cũng chặt làm hai.  Chia của như thế bị người chê cười.
Như các ngoại đạo tu về luận phân biệt, biết có bốn loại, có môn luận: "Quyết định đáp", ví như người ta đều phải chết đó là môn  luận "quyết định đáp". Chết thì hẳn có sinh, thế là đáp "phân biệt". Hết yêu mến thì không sinh, có yêu mến hẳn có sinh, thế là môn luận đáp "phân biệt".
Có câu hỏi: Người là hơn cả phải không?
Thì phải hỏi lại: Bác hỏi ba đạo ác hay hỏi Thiên thần? Nếu hỏi ba đạo ác thì người thật hơn cả. Nếu hỏi Thiên thần thì người không  bằng, nếu hỏi như thế là môn "phản vấn đáp". Nếu hỏi 14 nạn hay thế giới chúng sinh có biên, không biên,  có chung thuỷ, không chung thuỷ, những nghĩa như thế gọi là môn luận đáp luôn.
Các ngoại đạo ngu si tự cho là trí tuệ, phá cả 4 loại luận làm một "luận phân biệt". Ví như người ngoài chia tiền, đồ vật làm hai đoạn.

DỤ 59: XEM LÀM BÌNH GỐM.
Hai người đến nhà thợ gốm xem họ đạp máy xoay làm đồ gốm, xem không biết chán. Một người bỏ đến cuộc đại hội được trọng đãi cỗ bàn, nhận tặng của báu.
Người xem làm bình nói: Đợi tôi xem xong rồi nấn ná xem đến  tối không thôi, mất cả ăn mặc. Người ngu cũng thế, mải công việc nhà thình lình chết đến.


Hôm nay bận việc này
Ngày mai bận việc kia
Phật như rồng lớn ra
Sấm vang khắp thế gian
Tuôn mưa không trở ngại
Mải việc nên không nghe
Ngờ đâu chết bỗng đến
Mất gặp được hội Phật Ú

Không được nghe pháp bảo
Thường ở mãi chốn ác
Bỏ rơi cả chính pháp
Như kẻ bận xem bình.
Thường không biết chán đủ
Thế nên mất pháp  lợi
Không bao giờ giải thoát.



DỤ 60: THẤY BÓNG VÀNG DƯỚI ĐÁY NƯỚC.
Xưa có kẻ ngu thấy bóng vàng thật dưới đáy ao reo lên là có vàng, liền xuống nước mò rất mệt mà không được, hắn lên ngồi nghỉ đợi nước trong nhìn thấy màu vàng lại xuống mò, cũng lại không được. Người cha đến tìm con hỏi: Con làm gì mà khổ thế?
Thưa cha đáy nước có vàng, con xuống mò mệt lắm mà không được. Cha nhìn thấy đáy nước có bóng vàng, biết vàng ở trên ngọn cây, bóng hiện xuống đáy nước. Ông đoán hẳn chim bay ngậm vàng để trên ngọn cây. Người con liền nghe lời cha lên cây tìm được vàng.
Kẻ phàm phu ngu si không khôn cũng thế, ở trong thân vốn không ta cứ tưởng nhầm có ta như kẻ thấy bóng vàng cần khổ mà tìm kiếm uổng công không được  gì.

DỤ 61: ĐỆ TỬ PHẠM THIÊN, TẠO VẬT.
Phái Bà La Môn đều nói: Vua trời Đại phạm là bố thế gian, tạo ra vật. Đệ tử của chủ tạo vạn vật cũng nói: Tôi cũng tạo được vạn  vật.
Người con thực là ngu si cho mình có trí, bảo Phạm thiên rằng: "Con muốn tạo vạn vật"
Vua Phạm thiên nói: Chớ nghĩ thế, con không  tạo được.
Người con  không nghe lời cha cứ tạo.
Phạm Thiên thấy đệ tử tạo, đầu to quá, cổ bé quá, bàn tay to quá, cánh tay bé quá, ống chân nhỏ, gót chân to giống như quỷ Tỳ Xá Xà.                   
Vì nghĩa này biết rằng: Đều tự nghiệp tạo ra chớ không phải Phạm Thiên.
Chư Phật thuyết pháp không cứ hai bên cũng không cứ đoạn, thường cứ theo 8 đường chính mà thuyết pháp. Các ngoại đạo thấy việc Đoạn, Thường này rồi, nên sinh chấp trược lừa dối thế gian nói pháp hình tượng qủa  là phi pháp.

 DỤ 62: NGƯỜI ỐM ĂN THỊT  CHIM TRĨ.
Xưa có một người sợ ốm nặng. Thầy thuốc bảo: Thường phải ăn thịt chim trĩ, có thể khỏi được bệnh.
Người ốm đi chợ mua 1 con chim trĩ ăn hết rồi không mua nữa.
Khi thầy thuốc hỏi: Đã khỏi chưa ?
Đáp: Trước ông bảo tôi thường phải ăn thịt chim trĩ, thì tôi đã ăn một con rồi, không dám ăn nữa .
Thầy thuốc bảo: Trước ăn hết rồi, sao không ăn nữa ? Không khỏi là phải .
Tất cả ngoại đạo cũng thế, nghe thầy thuốc Phật, Bồ Tát giảng, nên giải tâm thức, bọn ngoại đạo chấp thường kiến, cho là quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ là một thức không thay đổi, cũng như ăn thịt một con chim trĩ, vì thế không khỏi được .
Với bệnh ngu mê phiền não, chư Phật bậc đại trí, dạy ngoại đạo, phải trừ thường kiến, tất cả các pháp luôn luôn sinh diệt không phải một thức thường bất biến.
Như thầy thuốc ở đời dạy ăn 1 trĩ mà được khỏi bệnh.
Phật cũng như thế, dạy chúng sinh các pháp biến hoại, không thường tiếp tục, chẳng đoạn, thì trừ được bệnh Thường kiến.


DỤ 63: PHƯỜNG TUỒNG, MẶC ÁO LA SÁT CÙNG NHAU HOẢNG SỢ.
Xưa có nước Càn Đà Vệ có phường tuồng, nhân thời đói kém đi các nước khác kiếm ăn  ở nước khác phải qua núi Bà La Tân .
Trong núi vốn nhiều quỷ dữ, ăn thịt người, lúc này phường tuồng gặp tối nghỉ ở trong núi rét quá đốt lửa nằm.
Trong phường có một tên sợ rét, mặc cái áo vai La sát ngồi sưởi.
Trong bọn có anh ngủ thức dậy, chợt thấy bên đống lửa có quỷ La sát. Không kịp nhìn kỹ, vùng cẳng chạy, đặng tất cả bọn, xô nhau cùng chạy, anh mặc áo La sát cũng chạy theo, chúng bạn thấy anh chạy sau cho là theo hại mình càng hoảng sợ thêm, vượt qua sông núi thác ghềnh, thân thể bị  thương cho đến trời sáng mới biết không phải là quỷ.
Tất cả phàm phu cũng thế, ở chốn phiền não, đói thiếu phép thiện mà muốn đi xa cầu vô thượng phép Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, ở ngay cái thân chấp trược cái ta. Chỉ vì cái ta nên rong ruổi bị sinh tử, phiền não đuổi theo, không được tự tại, xa ngã ba đường ác, như lên ghềnh thác. Đến trời sáng là hết đêm sinh tử, trí tuệ sáng rõ mới biết ngũ ấm không có ta thật.

DỤ 64: TRONG NHÀ CŨ CÓ ÁC QUỶ.
Xưa có căn nhà cũ, người ta nói trong nhà này thường có ác  quỷ, ai cũng sợ hãi không dám vào nghỉ, rồi có một người tự cho là lớn  mật, quyết vào nghỉ một đêm.
Sau lại có người khác nhận mình là to gan hơn người trước, cũng nghe người nói trong nhà này thường có ác quỷ, nhưng cứ đẩy cửa vào. Người đã vào trước tưởng ác quỷ đến, liền đẩy cửa ngăn không cho vào. Người đến sau lại cho là quỷ dữ ở trong nhà. Hai người giành dật đến sáng  nhìn rõ nhau mới biết không phải là quỷ.
Tất cả người đời cũng thế, tạm gặp không có chủ tể, cứ xét kỹ thì cái gì là "Ta", tất cả chúng sinh chấp đúng, sai liều, ngang ngược cãi nhau như hai người kia không khác.
DỤ 65: NĂM TRĂM VIÊN THUỐC HOAN HỶ.
Xưa có  mụ vợ hoang  dâm vô độ, nặng về tình dục rất  ghét người chồng, thường nghĩ mưu  gian giết chồng  nhưng chưa được. Gặp cơ hội chồng đi sứ  sang nước khác, vợ bí mật làm viên thuốc độc để hại chồng, nói lừa chồng rằng:"Anh sắp đi xa tôi e có khi cơ lỡ, tôi làm 500 viên thuốc "hoan hỷ" để làm tư  lương tiễn anh, nếu đến cảnh giới nào lỡ đói thì ăn". Chồng nhận nhưng chưa kịp ăn gặp trời tối nghỉ ở rừng, sợ ác thú anh leo lên cây  tránh, để  quên gói thuốc "hoan hỷ" dưới  gốc.
Ngay đêm ấy bọn giặc 500 tên, lấy trộm 500 trăm con ngựa và của báu cuả nhà Vua, đến gốc cây nghỉ. Vì chúng trốn chạy nên đều đói khát cả, vớ được thuốc “hoan hỷ” chia đều nhau ăn, hơi thuốc dộc mạnh, bọn  giặc chết hết.
Đến sáng anh trên cây xuống thấy xác bọn giặc dưới gốc vờ lấy dao chém, tên cắm vào xác chết, thu yên ngựa và của báu đem đến nước kia, giữa đường gặp quân nhà  Vua đi tìm  hỏi: Anh là người thế nào, được ngựa ở đâu?
Đáp: Tôi là người nước "mỗ" gặp bọn giặc này ở đường, tôi bắn, chém nhau với chúng chết 500 tên, xác chúng còn dưới gốc cây kia, nên tôi được ngựa và của báu đem nộp Vua.
Vua nghe rồi sai người thân tín đến xem đúng thực, khen chưa từng có. Về nước rồi Vua phong tước, ban thưởng cho rất hậu. Các  quan cũ của nhà Vua đều ghen ghét nói: Hắn là người xa chưa đáng tin, thế mà đã vội ban thưởng quá  trọng hậu hơn các quan cựu trào.
Anh được thưởng này nghe nói thế thách rằng: Ai có sức khoẻ muốn thử sức  với ta thì ra bãi tập, thi tài đọ sức, nhưng đều ngạc nhiên không ai dám địch.
Thế rồi nước này ở cánh đồng rộng có con sư tử rất hung dữ đón đường hại người, các quan cũ nhà Vua bàn nhau: Anh được thưởng kia có giỏi thì bây giờ lại đi giết con sư tử kia, vì nước trừ hại thì đặc biệt lạ lùng. Liền tâu với Vua, Vua cấp cho dao gậy sai đi ngay, anh liền nhận việc quyết ý vững lòng đi giết sư tử.
 Sư tử thấy anh gầm thét chồm nhẩy xông đến, anh sợ leo lên cây, sư tử há mồm, ngửa đầu hướng lên cây, anh luống cuống đánh rơi con dao trúng vào mồm sư tử chết luôn.
Anh rất vui mừng nhảy múa trở về tâu Vua, Vua lại thưởng khen gấp bội trước, lại được người nước  kia kính   phục nữa.
Những viên thuốc của người vợ ví như của thí bất tịnh. Vua sai sứ dụ như thiện tri thức. Đến nước khác dụ với chư thiên.
Giết bọn giặc dụ được quả đầu: Tu Đà Hoàn, gắng đoạn ngũ dục và các phiền não.
Gặp  nhà Vua dụ gặp hiền thánh. Những quan nước cũ dụ ngoại đạo thấy người có trí đoạn được phiền não và ngũ dục, liền  sinh chê bai nói không có việc ấy.
Người được thưởng khích lệ các quan, nói các quan bất tài không dám đấu tài với ta, dụ với ngoại đạo không dám so sánh. Giết sư tử dụ phá ác ma, đã đoạn phiền não, ác ma lại phải hàng phục, lại được đạo quả giải thoát.
 Được phong thưởng vẫn còn nhát sợ dụ lấy yếu mà chống với mạnh.
Lúc ban đầu tuy không  tịnh tâm, nhưng của thí kia gặp thiện tri thức lại được báo tốt. Của thí bất tịnh cũng còn như thế  huống lại  thiện tâm mà hoan hỷ bá thí vì vậy đối với thiện phúc, nên sinh tâm tu thí.

DỤ 66: MIỆNG ĐỌC PHÉP CHỞ THUYỀN MÀ KHÔNG BIẾT DÙNG.
Xưa có con ông trưởng giả cùng với người buôn vào biển kiếm ngọc báu. Con ông trưởng giả này theo đọc phương pháp chở thuyền vào biển. Nếu vào biển đến chỗ xoáy đá ngầm tróc thế này đúng thế này, giữ thế này. Bảo với mọi người phương pháp vào biển ta hiểu hết, mọi ngươì nghe rồi rất tin lời anh, vào giữa biển chưa được mấy ngày thầy dẫn lối chết.
Con trưởng giả thay, đến chỗ nước xoáy chảy mạnh, to tiếng xướng phải tróc thế này đúng thế này, thuyền cứ quay ngang không tiến được, người buôn chết đuối hết.
Kẻ phàm phu cũng thế ít tập phép an ban, sổ tức (đứng và đếm hơi thở) và phép quán bất tịnh. Tuy đọc văn nhưng không hiểu nghĩa, rất nhiều phương pháp nhưng không hiểu gì, nói là rất hiểu, liều dạy phép thiền, khiến người rối trí sai lầm phép tắc. Suốt đời không được phép gì như kẻ ngu kia khiến người chết đuối hết.

DỤ 67: VỢ CHỒNG ĂN BÁNH CÙNG ĐÁNH CUỘC.

Hai vợ chồng có ba tấm bánh chia mỗi người một bánh, còn một bánh cùng đánh cuộc: Nếu ai nói gì trước thì thua cuộc mất chiếc bánh, nên  không ai dám nói. Bỗng chốc kẻ trộm vào  nhà vơ vét hết cả của cải, vợ chồng trước đã đánh cuộc nên chỉ nhìn không nói. Giặc thấy không ai nói gì bèn  ghẹo vợ trước  mặt chồng, chồng vẫn lặng yên, vợ liền kêu giặc, bảo chồng: Thằng ngốc kia, vì một tấm bánh thấy giặc không kêu. Chồng vỗ tay reo: Ta được bánh rồi. Người ta nghe truyện ai cũng  chê cười.
Kẻ phàm phu cũng thế, vì tranh giành lợi nhỏ vờ hiện yên lặng bị mọi loài gia ác phiền não giả dối hãm hại mất hết phép hay, đoạ vào ba đường đều không sợ hãi. Cầu đạo ra đời mà tham đắm ngũ dục, tuy gặp khổ lớn mà không lo, như kẻ ngu kia không khác.

DỤ 68: OÁN HẠI LẪN NHAU.
Xưa có một người tức nhau với người khác, sầu lo không vui. Có người hỏi: Tại vì sao mà không vui?
Có người huỷ hại ta, ta không có cách gì bảo được, vì thế nên buồn.
Có người bảo duy có thần chú Tỳ Đà La có thể hại được họ, nhưng khốn nỗi chưa kịp hại kẻ  kia mình bị hại trước. Người kia nghe rồi rất vui, xin cứ dạy tôi dù có hại mình, cốt hại được kẻ kia.
Người đời cũng thế chỉ vì bực tức cầu chú Tỳ Đà La, dùng hại kẻ kia họ chưa bị hại, trước vì bực tức, não hại ngay mình, đoạ vào địa ngục, súc sinh ngã  quỷ, như kẻ ngu kia không khác.

DỤ 69: BẮT CHƯỚC TỔ TIÊN ĂN NHANH.
Xưa có một người từ Bắc Thiên Trúc, đến ngụ Nam Thiên Trúc, ở đã lâu lấy vợ ở đấy. Đến bữa ăn chồng ăn rất nhanh không sợ nóng, vợ ngờ hỏi chồng: Đây không có giặc cướp có việc gì mà ăn nhanh vội  thế ?
Có việc bí mật cô không hỏi được! Vợ tưởng có phép lạ ân cần hỏi mãi. Chồng đáp: Từ ông cha đến nay phép thường ăn nhanh, giờ ta bắt chước thế đấy.
Phàm phu ở đời cũng thế, không hiểu lẽ phải, không biết thiện ác, làm những việc gian không biết xấu hổ, lại đổ ông cha để lại đến chết cứ theo không bỏ, kẻ ngu tập ăn  nhanh cho là phép hay.

DỤ 70: NẾM QUẢ AM BÀ LA.
Xưa có một trưởng giả sai người mua quả Am Ba La về ăn, dặn phải mua quả ngon ngọt.
Đến vườn người bán nói: Quả cây của tôi đều ngon, Bác nếm một quả thì biết.
Người mua nói: Tôi phải nếm từng quả rồi mới mua, nếu nếm một quả thì sao biết cả được. Thế  rồi quả nào cũng gặm, đem về trưởng giả chê không ăn liền bỏ hết.
Người đời cũng thế, nghe giữ giới bá thí, được giầu to vui sướng, thân yên ổn, không bệnh hoạn, nhưng không tin nói rằng: Bá thí được phúc, ta phải biết hẳn rồi mới tin được, nhìn thấy hiện tại  sang hèn giàu nghèo  cũng đều là nghiệp trước đem lại. Không biết xét một để cầu nhân quả mới sinh không tin, phải từng trải đã. Nhưng bỗng chết mất, của cải tan nát, như kẻ nếm quả, bỏ đi tất cả.




DỤ 71: VÌ HAI VỢ, CHỒNG MÙ CẢ ĐÔI MẮT.
Xưa có một người lấy hai vợ, gần với vợ này thì vợ kia tức, không xử phân được liền nằm ngửa giữa hai bên vợ,  gặp trời mưa to nhà dột, bụi chảy cả vào hai mắt vì trước đã hẹn không dám dậy tránh.
Phàm phu ở đời cũng thế, gần kề bạn gian ác, học theo phi pháp gây nên nghiệp luỵ đoạ vào đường ác, ở mãi trong sinh tử, mất mắt trí tuệ, như kẻ ngu kia vì hai vợ mà mù cả hai mắt.

DỤ 72: NGẬM GẠO BỊ KHOÉT MIỆNG.
Xưa có một người đến nhà vợ thấy giã gạo liền đến nơi bốc trộm gạo ngậm. Vợ muốn nói truyện với chồng, nhưng miệng chồng đầy gạo không đáp truyện được. Vì xấu hổ với vợ không dám lè gạo ra, vì thế vợ đưa tay nắn xem, tưởng là miệng xưng, bảo với bố đẻ: Chồng con mới đến tự nhiên  xưng miệng không nói được. Ông bố cho mời thầy thuốc chữa. Thầy thuốc bảo: Bệnh này rất nặng, phải lấy dao khoét mới chữa được. Khoét miệng, gạo lè ra sự việc rõ bày.
Người đời cũng thế, làm mọi việc xấu che đậy tội lỗi, không chịu phát lộ đoạ vào địa ngục, súc sinh ngã quỷ. Như kẻ ngu kia chỉ vì thẹn nhỏ không chịu nhả gạo, lấy dao khoét miệng mới thấy rõ lỗi.

DỤ 73: NÓI DỐI NGỰA CHẾT.
Xưa có một  người cưỡi ngựa đem đi đánh trận, vì anh sợ không dám chiến đấu, liền lấy máu bôi vào mặt giả hiện tướng chết nằm trong đám người chết, con ngựa hắn cưỡi bị mất.
Khi tan trận  muốn về nhà liền cắt đuôi ngựa trắng của người khác, về đến nhà có người hỏi: Con ngựa anh cưỡi đâu? Đáp: Nó chết rồi, liền giơ đuôi ra . Người ta bảo ngựa anh đen sao đuôi lại trắng? Anh yên lặng, bị người chê cười.
Người đời cũng thế, cho mình khôn khéo tu hành từ tâm, nhưng sống bừa bãi liền cho mình là hay, như kẻ ngu kia nói dối  ngựa chết.

DỤ 74: PHÀM PHU XUẤT GIA THAM LỢI
Xưa có nhà Vua dặt ra luật lệ: Những Bà La Môn ở trong nước ông, chế lệ tắm  rửa, ai không tắm sạch bắt  phải làm những việc khổ ải.
Có Bà La  Môn cầm chậu rửa không, nói dối là người tắm rửa. Nước đổ đi rồi, nói là tôi không tắm rửa, Vua tự tắm đi, vì tránh Vua sai, nói liều tắm sạch thực thì không tắm.
Kẻ phàm phu xuất gia cũng thế, cạo đầu nhuộm áo, mong cầu lợi dưỡng, lại tránh việc nước như kẻ cầm chậu không kia.

DỤ 75: MẤT CẢ LẠC ĐÀ VÀ CHUM.
Xưa có một người trước trong chum đựng thóc, con lạc đà chui đầu vào ăn thóc, rồi không ra được rất là lo buồn. Có một người già đến bảo: Không lo, nghe lời tôi là ra được, anh cứ chặt đầu lừa nó sẽ chui ra  được. Thế là anh kia lấy dao chém đầu lạc đà mà chum cũng vỡ. Kẻ ngu ấy bị đời chê cười.

DỤ 76: NÔNG DÂN MƠ CON GÁI VUA.
 Xưa có người nông dân đi rông đến thành nhà Vua, thấy công chúa đẹp, ngày đêm  tương tư không sao  quên được mắt xanh nanh vàng nên sinh ốm nặng. Người đến thăm hỏi anh bệnh gì thế? Tôi muốn tư thông với công chúa, không làm sao được nên tôi phát ốm có thể chết.
Người ta bảo: Tôi giúp  cho, không lo. Mấy hôm sau gặp anh ta họ bảo: Tôi giúp anh thì được, công chúa không đồng ý, anh nông dân nghe rồi  vui vẻ cho là sẽ được.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, không theo thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, gieo giống mùa rét mong được kết quả, chỉ uổng phí công tu tập ít công đức cho là đầy đủ sẽ chứng được Bồ đề. Như người nông dân mơ tưởng công chúa.

DỤ 77:  VẮT SỮA LỪA.
Xưa người nước kia nghe nói sữa lừa tốt lắm, mình tuyệt không biết bao giờ. Thế rồi mọi người được một con lừa đực, tranh nhau đến vắt sữa,  kẻ túm đầu, người nắm tai, người nắm đuôi, người nắm cẳng, có người mang bát muốn được uống trước, có người nắm được "căn" nó reo lên là vú, nắm vắt hết sức Đều mệt nhoài cả, không được gì hết uổng phí  công lao, bị người chê cười.
Ngoại đạo phàm phu cũng thế, nghe nói về đạo, cầu không đúng chỗ, sinh tưởng niệm sằng, khởi rất nhiều tà kiến: Trần chuồng, nhịn đói, đèo cao lao xuống, vào lửa... bởi tà kiến ấy đoạ vào ác đạo, như kẻ ngu  kia mong cầu được sữa.

DỤ 78: HẸN CÙNG ĐI SỚM VỚI CON.
Xưa có một  người bảo với con rằng: Sáng mai sẽ cùng con đi đến làng kia có việc cần. Con nghe rồi sớm mai không hỏi cha một mình đi. Đến làng kia rồi, thân thể rất mệt không được gì cả, lại bị  đói khát suýt chết, lại quay về tìm cha, cha thấy con về nói gắt:"Mày ngu quá không có trí tuệ sao không đợi cha, một mình đi về cho khổ, bị người đời chê cười.
Kẻ phàm phu cũng thế, đã được xuất gia cạo râu tóc, lại không tìm thầy thông minh học hỏi đạo pháp, mất hết tất cả đạo  quả mầu nhiệm công đức đạo phẩm và công đức thiền định. Như kẻ ngu kia đi không về rồi, uổng công nhọc mệt, không được gì cả.

DỤ 79: MANG GHẾ CHO VUA.
Xưa có ông Vua muốn vào vườn Vô Ưu chơi, sai một quan đem một cái ghế đến Vua ngồi. Ông quan này thẹn không chịu mang liền tâu: Kính tâu hoàng thượng, hạ thần không mang được, hạ thần xin gánh. Vua liền lấy ba sáu ghế chồng lên lưng dục gánh đi vào vườn. Con người ngu này bị  đời chê cười.
Kẻ phàm phu cũng thế, hoặc thấy một cái tóc của nữ nhân ở đất, tự nói là giữ giới không chịu nhặt. Song bị mê lầm vì phiền não, ba sáu vật tức lông, móng, răng,  phân, giải, bất tịnh… không cho là xấu. Ba sáu vật một thời mang đủ không sinh thẹn hổ đến chết không bỏ. Như kẻ ngu kia gánh ghế.



DỤ 80: TẮM NGƯỢC.
Xưa có một người bị bệnh hạ bộ, thầy thuốc bảo phải tắm ngược mới khỏi, liền gom thuốc tắm để tắm.
Khi thầy thuốc chưa  đến, liền lấy thuốc uống, bụng chương to gần chết không chịu nổi.
Thầy thuốc đến không hiểu tại sao, hỏi ra mới biết là uống thuốc tắm.
Thầy thuốc nghe biết mắng là ngu quá, không hiểu phương tiện mới lấy thuốc khác cho uống, thổ được thuốc tắm ra mới khỏi. Kẻ ngu như thế bị đời chê cười.
Muốn tu học thiền quán, rất nhiều phương pháp nên quán bất tịnh, lại quán sổ tức (đếm hơi), nên quán Sổ tức lại  quán Sáu giới, giáo giở trên dưới không có căn bản, chết uổng vô ích do không hỏi minh sư, tu thiền điên đảo. Như kẻ ngu kia uống nhầm bất tịnh.
DỤ 81: BỊ GẤU CẮN.
Xưa có cha con đi cùng với bạn. Người con vào rừng bị gấu cắn, cào thân thể bị thương vội ra khỏi rừng lại đến bên bạn. Cha thấy thân thể con bị thương hỏi tại sao? Thưa cha có một con vật lông xù, cụp tai đến hại con. Cha liền cầm cung tên vào rừng, thấy một vị Tiên tóc lông rất dài, toan bắn. Có người hỏi: Tại sao bắn? người này không hại, hãy trị kẻ có lỗi.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, bị kẻ vô đạo hạnh mắng nhiếc, mà hại người lương thiện đạo đức. Dụ người cha kia, con bị gấu cắn mà lại oán thần tiên.

DỤ 82: GIEO GIỐNG XUỐNG RUỘNG.
Xưa có người thôn quê đi qua ruộng thấy mầm mạ mọc tốt hỏi người chủ ruộng làm thế nào ruộng mạ tốt thế? Đáp: Làm đất phẳng, trộn phân, tưới nước nên được như thế. Anh cũng nghe lời làm theo, đến khi gieo hạt sợ chân dẫm  e đất mịn vào giống không mọc được. Anh nghĩ: Ngồi lên một cái giường, nhờ bốn người khiêng, ngồi trên giường gieo hạt. Thế là mỗi chân giường một người khiêng, bốn chân, bốn người thành tám chân, đất lại rắn hơn, liền bị người chê cười.
Kẻ phàm phu cũng thế, đã tu ruộng giới, mầm thiện sắp sinh phải cần thầy dạy răn để mầm pháp mọc, mà lại trót phạm làm nhiều điều ác, khiến mầm giới không mọc. Ví như người kia, sợ hai chân lại dùng tám cẳng.

DỤ 83: LOÀI KHỈ.

Xưa có con khỉ bị người lớn đánh, không biết làm sao lại oán trẻ con.
Kẻ phàm phu ngu cũng thế, oán giận người trước thay đổi không yên, diệt từ quá khứ đến pháp tương tục hậu sinh, cho là từ trước, liều vào sâu độc hơn. Như con khỉ ngu si bị người lớn đánh, lại giận tiểu nhi.

DỤ 84: NGUYỆT THỰC ĐÁNH CHÓ.

Xưa có Vua Tu la thấy mặt trời mặt trăng trong sáng, lấy tay che đi. Người không trí tuệ, đánh chó vô tội.
Kẻ phàm phu cũng thế, tham giận ngu si đã làm khổ thân lại nằm trên chông gai ngũ dục đốt thân, như nguyệt thực kia đánh oan con chó.

DỤ 85: PHỤ NỮ ĐAU MẮT.
Xưa có cô gái rất sợ đau mắt. Có cô tri thức hỏi: "Cô đau mắt à?"
- Đau mắt.
- Cô kia lại nói: "Có mắt phải đau, tôi tuy chưa đau, mà muốn khêu mắt vì sợ sau bị đau".
Người bên cạnh nói: "Nếu mắt còn, thì hoặc đau hay không đau; nếu như không mắt thì đau cả đời.
Kẻ phàm ngu cũng thế, nghe người giầu sang, là gốc hoạn nạn, sợ không bố thí. E sau chịu báo xấu, của cải đầy dẫy lại càng khổ não.
Có người nói: "Nếu bác bá thí sau khổ hay vui. Nếu không bá thí thì càng cùng khổ như cô gái kia không chịu đau gần, lại muốn bỏ mắt để chịu đau mãi.

DỤ 86: BỐ GIỮ HOA TAI CON.

Xưa có hai cha con, có việc cùng đi đường, giặc bỗng khởi muốn đến cướp hoa tai vàng của con. Ông bố thấy giặc phát, khởi sợ mất hoa tai, dùng tay rứt lấy, thì sợ hai tai con bị khuyết, vì hoa tai liền chém đầu con.
Trong khoảng giây phút giặc bỏ đi, lại đem đầu con lắp vào vai con, không bình phục nữa. Kẻ ngu si này, bị đời chê cười.
Chỉ vì danh lợi tạo dựng trò đùa, rằng không hai đời, có hai đời, không trung ấm, có trung ấm, không có pháp tận số, có pháp tận số, không có các loại vọng tưởng, không được pháp thật. Người khác dùng luận như pháp, phá luận sai kia, liền chối: Trong luận của tôi không có chuyện ấy.
Kẻ ngu này vì danh lợi nhỏ nên cố nói sai mất đạo quả Sa môn, chết sẽ đoạ vào ba ác đạo, như kẻ ngu kia vì chút lợi nhỏ chém đầu con.

DỤ 87: CƯỚP CHỘM CHIA CỦA.

Xưa có bọn giặc cùng đi cướp được nhiều của chia nhau, chúng quy ước phải chia bằng nhau. Chỉ có con hươu Khâm Bà La, mầu sắc sặc sỡ cho là thứ kém, cho kẻ cuối cùng.
Kẻ kém được hươu tức bực nói to: Thiệt thòi quá.  Liền đem đến thành bán, những nhà quý phái, trả cho giá đắt. Phần của một người gấp hơn chúng bạn,  thế là vui mừng vô hạn.
Cũng như người đời bá thí không biết có báo hay không nhưng bá thí ít được sinh lên trời hưởng phúc vô lượng, mới hối hận giá thí nhiều hơn, như Khâm Bà La sau được giá đắt mới sinh vui mừng.
Bá thí cũng thế, làm ít, phúc nhiều đến giờ mới mừng, tiếc không thí nhiều.

DỤ 88: KHỈ ĐÁNH RƠI ĐẬU,

Xưa có con khỉ, cầm một nắm đậu, lỡ rơi một hạt xuống đất liền bỏ cả nắm trong tay để nhặt một hạt. Chưa nhặt được, nắm đậu bỏ xuống gà vịt ăn hết.
Dụ như người xuất gia trước lỡ phạm một giới thì nên hối tiếc chớ không buông thả, như con khỉ kia đã mất một hạt thôi cho mất cả.        
 

DỤ 89: ĐƯỢC CHUỘT VÀNG.

Xưa có một người đương đi đường, được con chột vàng, anh mừng quýnh lên, bỏ vào bọc. Cứ đi, khi đến chỗ lội anh cổi áo để xuống đất.
          Ngay khi ấy chuột vàng hoá ra rắn độc, bác ta nghĩ kỹ: Thà bị rắn độc phun chết chứ không bỏ, nên cứ bọc vào áo mặc. Vì tâm vận tưởng ngầm, lại hoá chuột vàng. Kẻ ngu bên cạnh thấy rắn độc hoá vàng cho là đều thế cả, lại bắt rắn độc bỏ vào áo, liền bị nó cắn chết.
          Kẻ ngu ở đời cũng thế, thấy việc thiện được lợi, trong lòng không thực chỉ vì lợi dưỡng, dựa vào đạo pháp, chết rồi đoạ vào chốn ác, như bắt rắn độc bị cắn chết.

DỤ 90: NÓI ĐƯỢC TIỀN VÀNG

 Xưa có người nghèo, đi đường, được 1 túi tiền vàng, mừng quá dở ra đếm, chưa xong, người chủ vàng bỗng đến, lại dật hết tiền, người kia hối hận quá không đi nhanh, lòng buồn khổ quá.
 Người gặp Phật Pháp cũng thế. Tuy được gặp Tam bảo phúc điền, không siêng tu hành việc thiện, bỗng rồi chết đi, đoạ ba đường ác, như kẻ ngu kia lại bị ông chủ cướp tiền đi. Như kệ dạy đây:
                   Hôm nay bận việc này
                   Ngày mai làm việc khác
                   Mải vui không thấy khổ
                   Thình lình cái chết đến
                   Mải miết làm mọi việc.
                   Người ta ai cũng thế
                   Như kẻ đếm tiền kia
                   Không tu cũng như thế.

DỤ 91: NGƯỜI NGHÈO MUỐN BẰNG NGƯỜI GIÀU.

          Xưa có người nghèo thấy nhà rất giàu muốn bằng của với họ. Vì không bằng, tuy có ít của muốn vứt bỏ xuống nước.
          Có người bảo: Của này tuy ít, có thể sống vài ngày sao lại vứt xuống nước?.
Kẻ ngu ở đời cũng thế, tuy rằng xuất gia được ít lợi dưỡng mà có hy vọng thường tưởng không đủ, không được lợi dưỡng bằng bậc cao đức, vốn học nhiều, đông quần chúng cúng dàng, tâm liền lo khổ liền muốn bỏ đạo. Như kẻ ngu kia, muốn bằng của người giầu tự bỏ của mình.

DỤ 92: TRẺ CON ĐƯỢC VIÊN HOAN HỶ.

 Xưa có cô vú nuôi bế đứa trẻ đi đường mệt ngủ thiếp đi, lúc đó có kẻ đi đường đưa cho đứa trẻ viên “hoan hỷ”, đứa trẻ tham viên có vị ngon, không nghĩ đến của mình. Kẻ này liền mở khoá lấy hết của đem đi.
Tỷ Khiêu cũng thế, vui những nơi ồn ào, tham chút lợi dưỡng bị giặc phiền não cướp cả công đức tràng ngọc giới bảo như đứa trẻ kia, vì tham tí lợi dưỡng tất cả có gì, giặc lấy đi hết.

DỤ 93: BÀ GIÀ BẮT GẤU.

          Xưa có bà già nằm dưới gốc cây, gấu đến muốn bắt, bà già chạy quanh cây tránh, gấu đuổi sau. Gấu một tay ôm cây muốn bắt bà già, trong khi cấp bách bà túm cây ghì 2 tay gấu, gấu không cựa được. Lúc đó có thêm người khác đến. Bà già bảo: Bác cùng tôi bắt giết chia thịt.
          Người kia tin lời bà già túm lấy tay gấu, rồi bà bỏ chạy, người kia sau bị khốn khổ về gấu.        Kẻ ngu này bị người đời cười chê.
 Kẻ phàm phu cũng thế, làm các luận lạ đã không hay, lời văn lôi thôi nặng nề, có nhiều lỗi, bỏ dở mà chết, người sau cầm xem, muốn giải thích giúp, không hiểu ý, họ lại  bị khốn nạn như kẻ ngu kia thay người bắt gấu, mình lại bị hại.

DỤ 94: LỐI NƯỚC MA NI.

Xưa có một người thông dâm với vợ người khác chưa xong thì chồng từ ngoài về, đứng ngoài cửa rình kẻ gian ra thì giết.
Vợ gian bảo: “Chồng tôi biết rồi, nay lại không có lối ra, chỉ có cống Ma ni sau, dùng tiêu nước chảy (Ma ni là tiếng Ấn độ, có nghĩa là cống thoát nước), nay tôi bảo anh theo cống nước chảy mà ra. Anh kia hiểu lầm cho là chỗ ngọc Ma ni, tìm không thấy đâu liền nói “Không thấy ngọc ma ni tôi không ra”, phút chốc bị giết.
Kẻ phàm phu cũng thế, có người bảo: ở trong kiếp sinh tử, vô thường, khổ, không, vô ngã, lìa hai bên đoạn thường, ở vào trung đạo qua được chỗ này chí được giải thoát.
Kẻ phàm phu hiểu lầm, liền tìm thế giới hữu biên, vô biên và chúng sinh hữu ngã vô ngã, chứ không quán được lý trung đạo, bỗng chết, bị vô thường sát hại đoạ vào ba đường, như kẻ ngu kia, tìm kiếm ngọc Ma ni bị kẻ khác sát hại.

DỤ 95: HAI CHIM  CÁP.

Xưa có hai chim cáp đực và cái chung một tổ. Mùa thu còn nóng, lấy quả đầy tổ, về sau quả khô ngót dần, chỉ còn nửa tổ. Chim đực gắt chim cái: “Siêng năng cần khổ lấy quả, mình mày ăn chỉ còn có một nửa”.
Cáp cái đáp: “Em không ăn mảnh, quả nó ngót đấy”.
Cáp đực không tin, cáu gắt: “Mày không ăn vụng tại sao ít đi” liền mổ Cáp cái chết.
Qua mấy ngày trời mưa to quả chương đầy như cũ. Cáp đực thấy rồi, mới sinh hối hận, nó thực không ăn, ta giết lầm nó, liền thương khóc gọi cáp cái: “Hỡi em đi đâu” !
Kẻ phàm phu cũng thế, lòng đầy điên đảo nhận xằng vui thích. Không quán vô thường, phạm vào trọng cấm, sau rồi mới hối thì không kịp nữa, chỉ than thở hoài như con Cáp kia.

 

DỤ 96: GIẢ VỜ KÊU MẮT MÙ

Xưa có người thợ cả, làm việc cho nhà Vua không chịu nổi khổ nhọc, vờ nói mắt loà để được bớt khổ.
Anh thợ khác nghe chuyện liền muốn hoại mắt mình cốt tránh việc khổ.
Có người bảo: “Bác tại sao hại mình chịu khổ một cách uổng phí?”
Kẻ ngu này bị đời cười chê.
Con người phàm phu cũng thế, vì chút danh dự và lợi dưỡng cứ nói liều, hủy tịnh giới, chết đoạ vào ba đường ác, như kẻ ngu kia vì chút lợi, tự hoại mắt mình.

DỤ 97: BỊ GIẶC CƯỚP MẤT TẤM THẢM,

Xưa có hai người làm bạn với nhau cùng đi nơi hẻo lánh. Một người mặc tấm thảm, giữa đường bị giặc cướp mất, một người trốn chạy vào rừng cỏ.
Người mất thảm, trước đã bọc vào đầu tấm thảm một đồng tiền vàng. Bảo với giặc “áo này đáng giá một đồng tiền vàng, tôi tìm một đồng tiền vàng xin chuộc”.
Giặc hỏi “tiền vàng đâu?”.
“Ở đầu tấm thảm, nếu không tin tôi, ở trong cỏ rậm kia có thợ vàng đến mà hỏi” ?
Giặc thấy rồi, lại mất cả áo, thế là mình đã mất của, khiến cho người kia cũng mất.
Kẻ phàm ngu cũng thế. Đạo phẩm tu trì được bao công đức, bị giặc phiền não cướp hết, chết rồi đoạ ba đường ác, như kẻ ngu kia cả hai cùng hại.

DỤ 98: TRẺ CON ĐƯỢC RÙA LỚN.

Xưa có đứa trẻ chơi trên cạn. nó được con rùa to, muốn giết, không biết làm cách nào, hỏi người bảo cách. Họ bảo cứ ném rùa xuống nước, đứa trẻ làm theo.
Rùa được nước bơi đi.
Dụ với người tu hành, muốn giữ sáu căn làm các công đức, mình không biết phương tiện, hỏi người chỉ bảo nhân duyên giải thoát.
Bọn ngoại đạo tà kiến, thiên Ma ba tuần và ác tri thức, chúng bảo cứ sống buông thả tâm ý, chạy theo lục trần ngũ dục, như lối ta bảo thì được giải thoát.
Kẻ ngu như thế không suy nghĩ kỹ liền nghe theo chúng, chết rồi đoạ vào ác đạo, như đứa trẻ kia ném rùa xuống nước.
Tổng luận: 
Ta tạo ra luận này
Hoà hợp lời vui cười
Tổn nhiều lời chính thực
Quán nghĩa hợp hay không.
Cũng như thuốc độc đắng
Trộn lẫn với đường phèn
Thuốc vì chữa khỏi bệnh
Luận này cũng như thế.
Đùa cười trong chính pháp.
Ví như thuốc trị điên
Chính pháp Phật Định Tuệ
Soi sáng ở thế gian
Như uống thuốc thổ hạ
Dùng Tô bổ cơ thể.
Nay tôi vì nghĩa này
Làm sáng tỏ Định Tuệ
Như thuốc A Già Đà
Dùng lá cây bọc lại
Lấy thuốc bôi độc rồi
Lá cây lại bỏ đi.
Đùa cười như lá bọc
Nghĩa thật ở bên trong
Người khôn lấy nghĩa chính
Đùa cười thì nên bỏ.

HT. Thích Phổ Tuệ dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét