Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Nghi Lễ Phật Giáo Đưa Đạo Phật Vào Lòng Người

Nghi Lễ Phật Giáo Đưa Đạo Phật Vào Lòng Người

A Dẫn Nhập:
            Phật là vị giải thoát, bậc tỉnh thức vẹn toàn, là người trí tuệ sáng tỏ, ngài đã đi truyền bá giáo lý, vì lòng từ bi, tình thương người khác. Ngài chỉ có một trọng trách duy nhất là truyền dạy Giáo Pháp và công bố đời sống thiêng liêng phạm hạnh (brahmacariya) để đưa con người vượt cõi mê đến con đường giải thóat an vui. Ngài còn dạy cho các đệ tử, “chức vụ căn bản của chư vị A La Hán những người đã thành tựu mục tiêu giải thoát, là nâng cao đời sống đạo đức của người khác bằng cách nêu gương lành trong sạch và nghiêm túc trì giới”. Giới pháp còn là Phật Pháp còn. Từ ngày giáo pháp như lai đã lan tỏa đến đất nước chúng ta, Phật giáo rất gần gũi với nếp sống tâm tư, tình cảm của mọi con người Việt Nam chúng ta. Trước khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam, trước đó Đất Nước ta đã trở thành trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi. Qua lịch sử con thấy rằng, Phật giáo truyền vào Việt Nam theo con đường thuyền buông, các thiền sư truyền đạo, dùng các chú thuật và Tụng Kinh niệm Phật khi thuyền gặp nạn, cũng chính vì thế khi có một vị sư trên Thuyền, người nhân an tâm, khi gặp sóng gió, và những đều bất trắc “tăng đáo như Phật lai”. Dĩ nhiên, trong chiều dài phát triển đạo Phật, Nghi Lễ như một trong những yếu tố tạo nên một tôn giáo đích thực, đã đơm hoa kết trái những hình thức truyền đạo. Vẫn biết rằng, Nghi Lễ là phương tiện trong cuộc sống của Phật Giáo, không phải cốt lõi, nhưng nó cũng là một phần của cơ thể, như chân và tay, không có những chi phần như thế thì không thể truyền đạo. Nhưng theo “lịch sữ âm nhạc Việt Nam của Lê Mạnh Thát, nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam bắt đầu với việc Mâu Tử (TKII) Ghi nhận: các sa môn suốt đêm giảng đạo tụng kinh”. Qua đó cho chúng ta thấy rằng, “Phật Pháp Nhị Bảo Toàn Tạ Tăng Hoằng, Tăng Bảo Trường Tồn Phật Pháp Bất Diệt”, đây cũng  là lý do mà chúng con làm đề tài tiểu luận này.
Theo dòng lịch sử, Phật giáo Việt Nam với Nghi Lễ đã nuôi dưỡng nền Văn Hóa Dân Tộc Việt, bằng con đường Giới Định Tuệ, thêm tố chất hồn Thiền, để tạo nên dòng chảy truyền thừa, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau. Qua đề tài này, người viết muốn trình bày
1.   Khái quát về nghi lễ.
2.   Vai trò Nghi Lễ trong đời sống Văn Hóa Dân Tộc.
3.   Đưa Nghi Lễ vào đời sống xã hội.
Mong rằng bài viết như là một quá trình tìm hiểu qua những khía cạnh văn hóa mà người viết đã được học tập và tiếp nhận qua bốn năm dưới mái trường Học Viện. Nhân bài viết này, người viết xin được thành kính đảnh lễ và chân thành  tri ân Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Học Viện, Chư Tôn Đức, Chư Vị Giáo Thọ Sư trong Ban Giảng Huấn Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhất là giáo sư  tiến sĩ Thích Đồng Văn đã tận tình hướng dẫn cũng như cung cấp những tài liệu quí giá để con có thể hoàn thành tốt tiểu luận này.
Mặc dầu đã cố gắng tập trung để viết, nhưng với kiến thức còn hạn chế và thời lượng cho phép nên vẫn không sao tránh khỏi những sai sót trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và trích dẫn. Kính mong Giáo Thọ Sư, Giáo sư hoan hỷ chỉ giáo cho con.
B.Nội Dung:
I. Khái Niệm về Nghi Lễ:
Nghi lễ là hình thức, là nghi dung biểu đạt của một vị tu sĩ qua sự công phu tu tập, hành trì giới luật thể hiện qua giới tướng để mọi người kính nể. Nghi là khuôn mẫu để mọi người người nương theo, mà là phép tắc bên ngoài, để bày tỏ Lễ bên trong. Nghi là phong cách, dáng dấp nghiêm nghị bên ngoài. Lễ là cách bày tỏ kính trọng, nghĩa cử sự đẹp đẽ, là khuôn mẫu định sẳn. Lễ gồm lễ nhạc, lễ tụng, lễ ký, lễ nghi, lễ bái, lễ phục. Theo truyền thống Nghi Lễ Việt Nam, người mới vào chùa xuất gia, phải xin đồ cũ của mấy vị tu trước mà mặc, để tăng trưởng phước đức. Khi một vị xuất gia có giới tướng lên làm lễ, thì chúng ta thấy sự uy đức, tôn kính, long trọng trong buổi lễ tỏa ra làm cho người phật tử có cái nhìn thiện cảm, uy lực quay về với bản thể chính thực tại của chính họ và xóa đi những ưu phiền trong cuộc sống hàng ngày, đem lại sư an lạc trong giây phút hiện tại.
Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh và của Thiều Chửu: “Nghi là dáng vẻ bên ngoài như oai nghi. Lễ là khuôn mẫu, phép tắc, cung cách như lễ bái.[1]” Trong luật sa di luật nghi yếu lược tăng chú quyển hạ: “Oai nghi giả, vị hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”. Bởi lẽ, có oai khả sợ, có nghi khả kính”và “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm”. Chính vì vậy, Đạo Phật đến Việt Nam rất sớm, từ thời Hùng Vương khoảng từ thế kỷ thứ I, II. Đạo Phật đi đến đâu như nước thấm vào đất, hòa vào dân tộc Việt như máu và thịt như tim với óc của một cơ thể con người. Vai trò của tăng, đối với đạo Phật rất quan trọng, tăng đoàn chính là đoàn thể đẹp, cùng đi trên con đường tu học và giải thoát, đem niềm vui, an lac và giải thoát đến với mọi người.
II. Nghi Lễ Đến Với Sự Truyền Bá Phật Giáo.
      Sự thật Đạo Phật tồn tại cho đến ngày hôm nay cũng chính là do ba ngôi báu, Phật Pháp,Tăng, Ngài biết rõ nguyên nhân và thành quả của sanh tử, biết rõ nguyên nhân và thành quả của giải thoát sanh tử, đồng thời Ngài cũng biết rõ sự sanh thành và hoại diệt của mọi sự vật. Cũng gọi sự giác ngộ ấy là “Trí biết tất cả loại” (Nhất thiết chủng trí). Chính trí tuệ này, Ngài đã được viên mãn và cũng đem nó giáo hóa chúng sanh khiến tất cả đều được viên mãn. Pháp là những giáo huấn của Phật trao truyền lại những kinh nghiệm, những điều hay lẽ phải của cuộc sống, mà mọi người không nhận được trước sự việc của cuộc sống. Tăng là người hành trì giới luật, sống và hành trì  trao truyền những lời giáo huấn của chư Phật dạy cho chúng sanh, hiểu và sống thực hành theo. Một khi đã đứng trong hàng ngũ của Tăng, thì vị Tăng thay chư Phật chỉ dạy. Một vị tăng phải đầy đủ các yếu tố, oai nghi, đức hạnh, hành trì Tam Vô Lậu Học, tức là Giới Định Tuệ. “có oai khá sợ, có nghi khá kính. Thế nào có oai khá sợ? Bởi giữ tịnh giới, hạnh tốt đầy đủ, tăng trưởng các đức oai nghiêm, khiến mọi người phải sợ. Nên có câu: “tịnh hạnh thành, nhờ đạo nghi. Trong sạch tròn, nhờ giới phẩm”.[2] Cho nên Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “cụ túc thọ trì, oai nghi giáo pháp, năng linh tam bửu bất đoạn thị giả” tức là giữ gìn trọn đủ, phép dạy oai nghi, hay khiến ngôi tam bảo chẳng đoạn. Thật vậy, như Ngài Huệ Viễn, sơ tổ Liên Hoa Tông, giảng Pháp Hoa rất hay, đem Phật pháp vào lòng người, nhìn Ngài chứa đức oai hùng như sư tử, dáng vững chải như tượng vương. Nếu một vị không giữ giới luật thì vị tu sĩ như xác không hồn.Cho nên, Ngài là một người giữ Giới thanh tịnh, thay Phật thuyết pháp, thay mặt cho Thiên bá ức chư Phật để thuyết pháp cho mọi người, trong một đạo tràng, thay mặt cho đức thanh tịnh pháp thân tỳ lô giá na Phật để ban bố pháp. Và ngài phải có cái tướng của Phật, như mặt y mão, tỏ rõ sự uy nghi trong đạo tràng qua cái y phục, đại diện cho đức Phật để thuyết pháp “ Phật Pháp nhị bảo, toàn tạ tăng hoằng, tăng bảo trường tồn, phật pháp bất diệt”,qua câu trên, là đệ tử Phật con thấy rất đúng. Trong ba ngôi báu, có mặt trong nhau, tương hổ lẩn nhau, trong Phật có Pháp, trong Pháp có Tăng, trong Tăng có Phật. và “Phật Pháp trường tồn do Tăng hòa hợp”. Tăng là ngôi báu thứ ba, đại diên cho Phật để hoàng pháp độ sanh, trong đó có Nghi Lễ , Nghi Lễ là mạng mạch của Tăng già. Nghi lễ của chư tăng mới nhiếp phục được mọi người thể hiên qua oai nghi, giới hạnh thanh cao, từ đó người ta mới tín thành. Sở dĩ mọi người kính chư Tăng là vì chư tăng có Giới đức.
2.1 Nghi Lễ Trong Văn Hóa Giáo Dục.
        Trong thời đại ngày nay, nền khoa học ngày càng hiện đại, phát triển, nhu cầu của con người về đời sống vật chất được nâng cao, cho nên đời sống đạo đức con người bị suy giảm, về tâm linh được chú tâm nhiều như đi chùa, coi ngày, phong thủy, cúng kính. Trong khi đó, Phật giáo đã hòa nhập vào lòng dân tộc, nghi lễ có sự hòa nhập của nghi lễ dân gian, nghi lễ cung đình (nhất là phần âm nhạc) mang sắc thái của ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong tôn chỉ, hoàng pháp độ sanh, các ngài dùng âm nhạc của phật giáo để chuyển tải chân lý của đức Phật đến với mọi người nhằm mục đích hướng họ về với một đời sống thánh thiện. trong văn hóa, nghi lễ có 30-40 nhịp điệu khác nhau, các thể thơ, “ngũ ngôn” “trầm hương xông ngát điện” “sen nở phật hiện thân”. Mỗi nơi có một âm điệu khác nhau, âm điệu lúc trầm lúc bổng, đưa tâm trạng về với thực tại bản tâm. Thất ngôn: “Trí tuệ hoàng thâm đại biện tài, hoa hương thơm ngát tuyệt trần ai…”qua sự cung điệu, văn hóa, ta thấy rằng, Phật giáo đi vào tầng lớp nào thì hòa nhập vào tầng lớp đó, vào xứ nào thì hòa nhập vào văn hóa bản địa xứ đó. Đoàn thể tăng già là đoàn thể truyền thừa giáo pháp của Phật, đem Phật pháp đến mọi nơi, truyền đến đâu thì tùy Văn Hóa bản địa đó mà dung hòa để tạo một nét riêng. Nghi lễ phật giáo là một trong pháp môn hành đạo tự lợi, lợi tha, chúng ta cần bảo tồn và phát huy đưa Phật pháp vào đời, để cuộc sống nhân dân an lạc, bớt khổ đâu.
2.2 Nghi Lễ Phật Giáo Qua Vấn Đề Tâm Linh.
       Sau khi đức Phật diệt độ giáo lý thường kết lại ba tạng kinh, luật, luận, chế định khi chư tăng còn trụ định, ý nghĩa ba tạng kinh điển là giải thoát. ‘Sự tu tập là do đệ tử Phật giữ gìn giới luật “Tam thế Phật Pháp , Giới vi căn bản, bổn chi bất tu, đạo viễn hồ tai[3]. Khi một vị xuất gia, có thể giới đức, thì mọi người kính nễ, quỷ thần đều phải kinh sợ. Một vị sám chủ muốn trang nghiêm mình, thì phải trang nghiêm trong đạo tràng như vậy đó gọi là nghi lễ. Trong các phương tiện dẫn dắt người vào đạo, nghi lễ là một phương tiện phổ biến, hiệu quả rất cao, có nhiều người không bao giờ đi chùa, nhân dịp cha mẹ, ông bà qua đời, quý thầy giúp đỡ lễ tang, từ đó họ đi chùa quy y. Nghi lễ Phật giáo có giá trị, mang triết lý truyền tải giáo lý đạo Phật, đem lời Phật dạy cho mọi người, không những cho mọi người mà cho các hữu tình và vô tình. Vẫn biết rằng, cuộc đời có nhiều oan gia trái chủ, khi sống cũng vậy, mẹ cha, con cái đôi khi không hiểu nhau, mang mối thù không đội trời chung. Cũng chính cuộc đời là bể khổ, như Dương Khuê có nói “ Biển khổ mênh mông sống ngập trời, khách thuyền chèo một chiết thuyền vơi, thuyền ai ngược gió…..”vì Vô Minh che lấp nên chúng sanh bị chìm đấm trong luân hồi. Phật ra đời, chỉ dạy chúng sanh nguyên nhân vì sao khổ và cách diệt khổ, đi đến giải oan kết, vị tha thương yêu giúp nhau trên đường đạo. Nghi Lễ Phật giáo do chư Tăng trao truyền, truyền tải những lời phật dạy: “Không làm các điều ác, thành tựu các hạnh lành. Tâm ý giữ trong sạch, chính lời chư phật dạy” đến người đang khổ đau, như người bệnh cần thuốc, như con thơ gặp mẹ đó là niềm hạnh phúc ước ao của đời người.
III. Nghi Lễ Phật Giáo Đưa Đạo Phật Vào Lòng Người.
    Đạo Phật là đạo hiếu, hạnh Hiếu là hạnh Phật, con người Việt Nam ta có dòng máu đỏ, ai ai trong chúng ta cũng có bản tánh sự hiếu kính và thương yêu. Nghi Lễ là một món ăn tinh thần cần thiết của tín đồ. Khi mà tâm hồn con người chưa được khai phóng triệt để, nói cách khác là trình độ nhận thức của tín đồ chưa đạt đến tầm cao, chưa tự giải thoát đối với mọi hệ lụy của cuộc đời thì nghi lễ biểu lộ lòng thành kính trong sạch của tín đồ đối với bậc Đạo sư, đối với Pháp, đối với Tăng, qua hành vi ngôn ngữ, “Linh Chánh Pháp Cửu Trụ” Tăng đoàn hòa hợp, giữ gìn giới hạnh thực hành quy cũ thống nhất, giữ được an trú trang nghiêm, khiến cho chánh pháp trụ lâu đời. Nói về vô hình, thì nhân Thiên hộ vệ, về Hữu Tình thì tín thí đàn na, người ta nhìn vào đó sẽ nể phục kính bái, tôn trọng và ủng hộ để duy trì Phật pháp. Muốn được như vậy thì trong Tăng đoàn phải có kỷ cương, những nghi thức cách thức để người ta mến phục. Trong thời hiện tại bây giờ, nghi lễ tất nhiên được coi trọng và khuyến khích, vì đó là hành động tăng thượng tâm, thiện pháp củng cố, ác pháp tổn giảm. Nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập cũng có tác dụng chuyển hóa khổ đau, làm giảm áp lực của tham lam, sân hận, si mê. Mặt khác, đó là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh rất có hiệu quả. Suốt gần 2.000 năm, đạo Phật có mặt trên đất Việt, nghi lễ Phật giáo đã tạo thành những dấu ấn tín ngưỡng văn hóa, đã xây dựng nền đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt.
C.Kết Luận:
Qua môn nghi lễ, con có cảm nhận được rằng: “Kính lạy người thừa chí cả, thay thế tôn hoàng hóa đạo mầu, tùy duyên hóa độ vô cầu, làm thầy mô phạm dẫn đường chúng sanh”. Giới luật còn, thì Phật Pháp trường tồn. Tăng là người hành trì Giới, Giới như ngọn Hải Đăng, như ngọc Minh Châu phá tan mọi tăm tối; như thuyền bè vượt qua biển khổ; như thầy thuốc giỏi chữa các loại bệnh. Nghi lễ bắt nguồn từ Giới Luật mà có, khi một ngôi chùa tụng kinh, ngồi thiền, một chú tiểu hay chư Tăng thể hiện oai nghi, chấp tay chào nhau, đó cũng là nghi lễ. Vì từ nội dung bên trong biểu hiện ra bên ngoài. Không những thế, qua cách hành lễ của các vị cao đức Hòa Thượng, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự uy lực, mà con người không thể cảm nhận và nói lên thành lời được. Chúng con là những người hậu lai nương bóng ân sư. Quý ngài là bóng cây cổ thụ che mát chúng con và chúng sanh, trong những trưa hè của lửa lòng ngùn ngụt, làm dịu đi bao phiền não khổ đau tâm hồn trở về sự an lạc hạnh phúc xã hội phôn vinh,an cư lạc nghiệp.


[1] Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, NXB Văn Hóa Thông Tin 1999, tr 32.
[2] LUậT GIảI, Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Thành Hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh,1997 tr172.
[3] LUậT GIảI, Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Thành Hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh,1997, TR 38.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét