Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

“Bản thân tôi nghĩ, để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì đừng phân biệt mẹ chồng hay con dâu".


“Bản thân tôi nghĩ, để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì đừng phân biệt mẹ chồng hay con dâu".

>>
Mẹ chồng phải 'biết điều'?
Nghệ sĩ Kim XuânKhi đọc được bài viết “Mẹ chồng phải biết điều”, tôi có thể cảm nhận được sự bức xúc của người viết. Tôi hiểu và thông cảm cho tác giả vì có thể môi trường sống của cô ấy không như mong muốn. Mặc dù những lí lẽ của cô ấy có thể sẽ được phần nào được cảm thông, nhưng đó là những ý nghĩ tiêu cực và khó chấp nhận.
Hãy để 2 người phụ nữ cùng vun đắp hạnh phúc
Tình huống dẫn đến những suy nghĩ này của tác giả bài viết bắt nguồn từ việc mẹ chồng quan tâm con trai mình mà nhiều khi quên mất sự hiện diện của nàng dâu. Lỗi một phần cũng có ở mẹ chồng, nhưng nếu nàng dâu chịu suy nghĩ thoáng hơn: người được quan tâm là chồng mình, mẹ sinh con ra thì luôn muốn con được hạnh phúc, vợ cũng mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chồng mình.
Vì vậy, đừng bao giờ đưa tới ý nghĩ ai sẽ mang lại hạnh phúc cho người đàn ông nhiều hơn, mà hãy nghĩ tích cực hơn là cả hai người phụ nữ sẽ cùng vun đắp hạnh phúc. Suy nghĩ như vậy, cả mẹ chồng hay nàng dâu sẽ có những suy nghĩ thoáng hơn, xuất hiện sợi dây gắn kết kéo gần hai người lại với nhau.
Trong suy nghĩ của một số cô gái cho rằng bản thân từ nhỏ đã được ba mẹ ruột nuông chiều, cơm dâng nước rót thì khi ra ngoài, mọi người cũng phải làm vậy với mình, đó là một suy nghĩ cần phải xem xét lại.
Người con gái biết suy nghĩ thì phải biết rằng sau này mình lớn, mình cũng sẽ có gia đình riêng, phải tự xây dựng cho mình những vốn kiến thức cần có thì mới mong có một gia đình hạnh phúc.
Đừng để sự ích kỷ cá nhân lấn át hạnh phúc
Tôi nói thế để khẳng định rằng, tôi hoàn toàn không tán đồng với việc tác giả bài viết cho rằng: "Các mẹ chồng ngày nay phải biết điều với các nàng dâu, nếu không sẽ mất luôn cả con trai". Tôi nghĩ tác giả phải hiểu rõ bản chất của người Việt, không phải như các đất nước ở trời Tây, nơi con cái khi đủ 18 tuổi thì trở thành một cá thể độc lập, phần tử của xã hội.
Đất nước chúng ta, truyền thống kính cha trọng mẹ không thể nào thay đổi. Gia đình vẫn luôn là một điểm tựa vững chắc, là niềm tin để mọi người sống và làm việc. Ngay cả khi tác giả dùng từ "biết điều" thì đã là một quan điểm sai trái.
Từ "biết điều" không dùng trong mối quan hệ giữa những người trong gia đình mà dùng cho những lối sống và cách cư xử của những người không quen biết ngoài xã hội. Chúng ta có thể nói với những người xa lạ không cùng chính kiến: "Anh không biết điều thì anh coi chừng tôi" chứ không thể nói với mẹ chồng mình phải biết điều này điều nọ với con.
Tại sao cứ muốn mở ra cuộc chiến tranh ngay trong chính gia đình? Suy nghĩ sâu hơn, tác giả bài viết có nghĩ ai là người bị tổn thương trong chuyện này? Xin thưa, nạn nhân chính là người đàn ông cô ấy yêu thương nhất, khi cậu ấy phải đứng giữa ranh giới cuộc chiến mà chính vợ mình tạo ra.
Bản thân tôi nghĩ, để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì đừng phân biệt mẹ chồng hay con dâu. Hãy xem con dâu như con ruột, làm thế nào để con dâu có thể thoải mái sống trong gia đình chồng như đang sống ở gia đình mình. Với một người mẹ chồng tâm lý, thì việc cô con dâu kính trọng và yêu thương mẹ chồng là việc không khó.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, giá trị của mỗi gia định là ở chỗ chúng ta quan tâm lẫn nhau, trên cơ sở các thành viên đều được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình. Đừng để sự ích kỷ lấn át bản chất, vô tình sẽ gây tổn thương đến những người mà ta yêu quý.
Nghệ sĩ Kim Xuân (Thái An ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét