Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Nghiên Cứu Về Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu Từ Khi Du Nhập Đến Thế Kỷ 13

Thích Ngộ An (đặt bút)

A.  Dẫn nhập
         Khi nói đến trung tâm Luy Lâu, mỗi người Phật tử không ai không tự hào về nguồn gốc đã sản sinh ra những bậc cao Tăng thuở bình minh của Phật giáo Việt Nam.    Có thể nói Trung tâm Phật giáo Luy Lâu là đỉnh chói sáng, khởi đầu cho nền văn học Phật giáo giai đoạn đầu kỷ nguyên đến thế kỷ 10. Chính nơi đó giai đoạn ấy những con người Việt Nam đã thật sự làm nên lịch sử, tỏ rõ phẩm chất và tài năng của nồi giống Lạc Hồng, mà các đế quốc hùng mạnh phương bắc  không có được. Luy Lâu đã làm nên một dấu ấn sâu đậm đặc thù riêng của mình. Theo nhiều sử liệu của các nhà nguyên cứu thì Trung tâm Phật giáo luy lâu được hình thành rất sớm và phát triển rất mạnh mẽ về Văn học, Giáo dục Phật học, Tư tưởng Triết học cũng như sự xuất hiện của nhiều hệ phái Phật giáo kéo theo là những bậc cao Tăng cũng đồng thời xuất hiện trong giai đoạn này. Tuy tồn tại trong 10 thế kỷ, nhưng luy Lâu có thể được đánh giá là đỉnh phát triển rực rỡ của nền Phật học Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển ấy, người viết xin trình bày một ít nghiên cứu về sự phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Song song với việc tìm hiểu thì người viết xin thống kê hai nhóm giai đoạn thế kỷ hồng cho thấy rõ sự phát triển mạnh mẽ phồn thịnh mà danh tiếng của trung tâm Luy Lâu còn vang vọng trong lòng  mỗi người học Phật chúng ta.
B. Nội dung:
       I. Sự hình thành của Trung Tâm Phật giáo Luy Lâu
       Luy Lâu hay Liên Lâu là vùng đất trung tâm chính trị, hành chánh hàng đầu của Giao Chỉ ()[1] dưới thời Hậu Hán (25-220). Chính nơi đây đã thành hình một trung tâm Phật giáo vào thời điểm đầu Công nguyên. Luy Lâu ngày nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.[2]

    Quốc gia Âu Lạc đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tính vào năm 179 TCN, và lập thành quận Giao Chỉ. Năm 110 TCN, Nam Việt trở thành nội thuộc của nhà Hán, Giao Châu theo đó mà cũng quy về, và được chia thành hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân.
    Trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán, sau đó đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất, và còn là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia.
    Từ nửa sau thế kỷ thứ hai, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Châu là rất sớm, có lẽ từ đầu công nguyên.
     Vào đầu công nguyên, Ấn Độ đã có được sự giao thương mạnh mẽ với Trung Đông, và gián tiếp với vùng Địa Trung Hải, do đó họ cần có một nguồn cung cấp nguyên vật liệu, vật phẩm cho sự giao thương này họ dong buồm, theo gió mùa Tây Nam mà đi về Đông. Họ đến Giao Chỉ, rồi có thể từ Giao Chỉ mà lại theo tiếp đường biển hay đường bộ vào trong nội địa Trung Hoa. Trong khi đợi gió mùa Đông Bắc để quay về Ấn, sự lưu trú của số thương gia này đã lan truyền dần những nét văn hóa Ấn Độ, trong đó có việc thờ cúng Phật, tụng kinh…
       Những tăng sĩ mà các thương nhân đem theo trên thuyền buôn nhằm làm công việc cầu khấn sự phù trợ của đức Phật, là những người đã trực tiếp truyền bá Phật học và lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
       Một số chứng liệu, lập luận đáng chú ý khác cũng củng cố nguồn gốc khởi thủy sớm sủa từ Ấn Độ của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Trung Hoa. Theo đó thì vào thời kỳ nhà Hán, Khổng và Lão giáo, đặt biệt là Khổng giáo, đã rất mạnh, giới trí thức Khổng, Lão đã chống lại Phật giáo, một luận thuyết tỏ ra khá xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, xã hội của Khổng, Lão. Do đó mà Phật giáo rất khó để có thể thâm nhập. Người Hán muốn đưa Phật giáo vào, sau đó đã phải mượn thuyết “Hóa Hồ” để dễ dàng hơn trong việc thực hiện công việc này [4].   
      Trong khi đó, ở Giao Châu, Phật giáo xem ra rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian, nên việc thâm nhập không gặp trở ngại, mà lại còn dễ dàng và nhanh chóng.
      Vào thời đó, dù từ Trung Hoa đã có con đường bộ đi đến Ấn gần hơn đường biển, nhưng con đường xuyên qua Trung Á lại chứa đựng nhiều hiểm nguy, và đường biển lại là con đường an ninh hơn, không có núi non, sa mạc, hay cướp bóc, giết chóc. Bằng chứng là vào đầu thế kỷ thứ tư, con đường bộ đã dễ đi hơn, nhưng đến cuối thế kỷ này, Pháp Hiển[5] mới từ Trung Hoa sang Ấn, và đến tận thế kỷ thứ bảy, Huyền Trang đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian nan mới đi trọn vẹn con đường.
      Ngoài ra còn có hai chứng liệu rất quan trọng cho nguồn gốc rất sớm của Phật giáo Việt Nam. Thứ nhất, tập luận thuyết Phật giáo đầu tiên bằng Hán tự, Lý hoặc luận của Mâu Tử (165? 170? -?) đã được viết ở Giao Chỉ, chứ không phải ở một nơi nào khác sâu trong nội địa Hán. Thứ hai, vào thế kỷ thứ hai, ở Giao Chỉ đã có một tăng đoàn đến 500 vị và khoảng 15 bộ kinh, trong khi đến thế kỷ thứ ba ở Hán mới có Tăng đoàn.

       II. Trung tâm Luy Lâu sự phát triển rực rỡ
         Trong phần này chúng tôi sẽ đi từng giai đoạn thế kỷ để khái quát về sự phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Chúng ta sẽ nắm được tất cả những thành tựu của nền văn học, kiến trúc nghệ thuật  cũng như sự xuất hiện của những danh Tăng mà tính chất điển hình nhất cho sự phát triển trong giai đoạn lịch sử này của trung tâm mà cách chúng ta rất xa. Chúng ta có thể tự hào về dân tộc và nền văn hóa lâu đời của mình.
       2.1. Trung tâm Luy Lâu giai đầu đến thế kỷ II
       Trung tâm Luy Lâu giai đoạn đầu trên đất Giao Chỉ vốn đã hình thành một nền tín ngưỡng bản địa. Người dân tin vào ông trời thần linh hay những pháp thuật, và từ đó hình tượng đức Phật được quyền năng hóa thâm nhập vào suy nghĩ  bình dân của họ.
      Đáp ứng nhu cầu đó thì những vị sư Phật giáo giai đoạn này đa số đều là những vị tu mật tông, nghĩa là họ có pháp thuật, có thần thông tiêu biểu có thể đề cập đến như ngài Ma ha kỳ vực và Khâu đà la. Hai vị này là người Ấn Độ, sinh vào năm nào chưa rõ, chỉ biết ông từng đến nước ta vào thời Sĩ Nhiếp khoảng năm cuối Hán Linh Đế (189 sau Tây lịch). Sách Cao Tăng Truyện cho biết rằng, hai ông chia tay nhau khi đến Giao Châu, Ma ha kỳ vực đi về hướng đông còn Khâu Đà la ở lại. Trong hai tác phẩm Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục và Lĩnh Nam Trích Quái đều lưu truyền những sự việc mà hai sư đã vận dụng thần thông , đặc biệt là Chuyện Man Nương với nhà sư Khâu Đà La dẫn đến sự xuất hiện của ngôi chùa cổ Pháp Vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp Điện . Trong các tài liệu thì không nói đến tác phẩm nào về hai nhà sư này. Ngoài ra chúng ta còn thấy một nhân vật quan trọng bậc nhất nữa đó là Mâu Bác (tức Mâu tử) người quận Thương Ngô, tức Ngô Châu của Trung Quốc ngày nay.(Theo ông Pelliot kê cứu thì ngài Mâu Bác sanh vào khoảng năm 165 - 170 Tây lịch[6] ). Cuối thế kỷ thứ II sau khi thiên tử nhà Hán là Hán Linh Đế qua đời, Mâu Bác theo mẹ di cư sang Giao Châu.  Trong bốn vị cao Tăng ở thế kỷ này thì Mâu Bác là người duy nhất sinh trưởng tại Trung Quốc, cũng là người duy nhất định cư khá lâu dài trên đất Giao Châu.
         Nói đến Mâu Bác chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến tác phẩm vô cùng quan trọng đó là : Lý Hoặc Luận được sáng tác vào cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ II,  khoảng năm 198.[7]
       "Lý Hoặc Luận" có nghĩa là những luận lý để làm tiêu tan mối nghi hoặc về Phật Giáo. Tác phẩm này còn giữ lại được trong bộ Hoằng Minh Tập do Tăng Hựu sưu tập, ấn hành vào đầu thế kỷ thứ sáu[8]. Trong 37 điều, tác phẩm Lý hoặc luận đã cho chúng ta ngày nay thông tin cần thiết về sự lớn mạnh của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Rằng chính nơi đây, Phật giáo Luy Lâu đã cung cấp thành quả Phật học chẳng những cho Phật giáo Giao Châu mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông. Trong lời bài tựa của Lý hoặc luận ông cho ta biết “một phương Giao Châu đường thông  Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển[9] ngoài ra ông còn trình bày viễn cảnh náo nhiệt của trung tâm Phật giáo Luy lâu ở giai đoạn đầu kỷ nguyên như  sau: “ Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc đều tới đây, phần lớn đều tin theo thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Hồi ấy có nhiều học giả, Mâu Tử thường lấy ngũ kinh ta vấn nạn, các đạo gia và thuật sĩ không ai đối đáp cho xuôi được[10]. có thể nói Lý Hoặc Luận là một tác phẩm có giá trị vô cùng to lớn đối với niềm tự hào của Phật giáo nước ta. Cũng như là một văn kiện lịch sử vô giá đối với những nhà nguyên cứu tìm về nguồn cội sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cách ta hơn 2000 năm.
      Nói tóm lại Phật giáo Giáo Châu  giai đoạn đầu tại Việt Nam, sự giác ngộ luôn luôn được gắn chặt với một số phẩm chất có tính quyền năng, như có thể lớn có thể nhỏ, có thể đi trong nước, v.v. Và vị Phật có quyền năng này đã xuất hiện ngay vào thời Mâu Tử tại ngôi chùa nổi tiếng Pháp Vân, tương truyền là do Sĩ Nhiếp (137 - 226) dựng nên.
      2.2. Phật Giáo Luy Lâu thế kỷ thứ II đến hết thế kỷ III
      Trong giai đoạn này sự thâm nhập của Phật giáo đã ở vào một giai đoạn mới. Đã hình thành Tăng đoàn với 500 vị tỳ kheo, công việc hành đạo từ đó mà cũng đi vào tổ chức, các tăng sĩ bắt đầu dịch kinh, sáng tác. Chùa chiền cũng đã được xây cất nhiều. Chúng ta có thể thấy rõ qua sự kiện Thiền Quyển Tập Anh ghi rõ lời tâu của Thông Biện năm 1096 cho thái hậu Ỷ Lan, dẫn Đàm Thiên nói “ khi Phật pháp đến Giang Đông chưa đủ thì ở Luy Lâu đã có 20 ngôi bảo tháp độ được hơn 500 tăng và dịch được hơn 15 bộ kinh[11] . Ở thế kỷ này, sự hành đạo cũng gặp một ít trở ngại từ phía những người ủng hộ Khổng, Lão. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản được ảnh hưởng của Phật giáo vì nó đã thâm nhập vào dân gian.
      Tích Quang và Nhâm Diên là hai thái thú của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Hai người này đã đẩy mạnh việc truyền bá văn hóa Hán cả trong sinh hoạt kinh tế, phong tục tập quán, lẫn trong việc giáo dục, văn học. Đến đời thái thú Sĩ Nhiếp thì Hán học phát triển rất mạnh, nhưng chính điều này lại đóng vai trò lớn trong việc truyền bá tư tưởng, văn hóa Phật giáo. Từ thế kỷ thứ ba, Phật giáo tại Giao Châu vẫn tiếp tục tự phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện của Khương Tăng Hội (? - 280) và tư tưởng thiền của ông. Ông không những là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, mà còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa (Tăng Hội đã ở trên đất Ngô từ năm 255 đến 280). Để hiểu rõ hơn về nhà sư quan trọng này chúng ta có thể điểm qua lịch sử và sự nghiệp trước tác của ông.
       Ngài Tăng Hội gốc nước Khương Cư (Sogdiane), sinh ra và lớn lên tại Giao Châu,[12] năm lên mười tuổi Khương Tăng hội mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông thông hiểu cả Phạn ngữ lẫn Hán tự. Sách Cao Tăng Truyện nói rằng ông đến Kiến Nghiệp thủ đô nước Ngô (nay là Nam Kinh) vào năm Xích Ô thứ mười, tức là năm 255. Ông mất vào năm 280, niên hiệu Thái Khương nguyên niên đời nhà Tấn. Theo  nhận định của các nhà sử học thì sự xuất hiện của nhà sư Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ III đã khiến Giao Châu trở nên náo nhiệt và rực rỡ hơn. Nhiều người cho rằng sự nghiệp trước tác và dịch thuật chính của Khương Tăng Hội chủ yếu tại Kiến Nghiệp nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc này đã được ông làm tại Giao Chỉ.[13] Những tác phẩm  trước tác và dịch thuật của ông chúng ta có thể tìm hiểu  điển hình một số kinh điển quan trọng còn lưu hành như kinh An Ban Thủ Ý , Lục Độ Tập kinh, Cựu Tạp Thí Dụ.
      “An Ban Thủ Ý” là kinh do An Thế Cao dịch Khương Tăng Hội và Trần Tuệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa là kinh dạy về phương pháp đếm hơi thở và tập trung thiền quán trong tác phẩm này Khương Tăng Hội đã đề cập đến Lục Diệu pháp môn tức (tức, sổ, tùy, chỉ quán, hoàn, tịnh), tuy nguồn gốc đó là một kinh thuộc tiểu thừa, nhưng Tăng Hội đã phô giải theo tinh thần đại thừa. Trong bài tựa kinh này, Tăng Hội viết: "An Ban tức là đại thừa của chư Phật để tế độ cho chúng sinh đang phiêu trầm sinh tử".[14]
     “Lục Ðộ Tập Kinh và cựu tạp thí dụ kinh” là hai tác phẩm rất đặc biệt được viết bằng tiếng việt và dịch sang tiếng trung quốc.[15] Xét văn thể và nội dung có sử dụng cấu trúc tiếng việt cổ, rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu chữ viết người Việt cách ta 2000 năm, không những thế Lục Độ tập Kinh và Cựu Tạp Thí dụ kinh còn chứa dựng một hệ thống điển huấn bao gồm những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như  nhân nghĩa ,trung hiếu, đất nước….làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo và truyền thống việt nam. [16]
       Lục Độ Tập Kinh  là một tác phẩm sưu khảo biên tập trong đó có nhiều đoạn lược dịch từ nhiều kinh điển và có những đoạn hoàn toàn do Tăng Hội viết, ví như đoạn nói về thiền. Có cả thảy tám quyền, nói về sáu độ (độ tức là sự vượt qua bờ, chữ paramia): bố thí độ, giới độ, nhẫn nhục độ, thiền độ và Minh độ. Minh ở đây là trí tuệ. Ba quyển đầu nói về bố thí độ, còn các quyển sau, mỗi quyển nói về một độ trong các độ còn lại.
       Cựu Tạp Thí Dụ Kinh hiện nay chia thành hai quyển thượng và hạ bên trong chứa nhiều câu chuyện ngụ ngôn nội dung nhắn gởi một lời khuyên hay một đạo lý một minh triết mà đôi khi cũng không phải là nói đến vấn đề Phật giáo [17]
      Có thể nói Phật giáo giai đoạn này đã làm nên một Luy Lâu thực sự, một trung tâm văn học Phật giáo tầm cỡ mà các nước viễn đông không thể bì kịp.
        Sự ra đời  Lý hoặc luận của Mâu tử, cùng với  kinh Tứ thập nhị chương, và những tác phẩm Phật học viết bằng Hán tự, đã minh chứng cho điều này.
       Về số lượng tăng sĩ thì chúng ta có thể thấy rõ ràng qua những kinh điển đầu tiên được phiên dịch (như Tứ thập nhị chương) là đã nhắm vào người xuất gia, chứ không phải vào quần chúng Phật tử trong dân gian, do xuất phát từ một thực tế là sự du nhập và định hình Phật giáo giai đoạn này đã mang tính học thuật chuyên sâu hơn. Điều này cũng được thể hiện thông qua hệ thống quan niệm giáo lý đã mang nhiều nét kinh kệ thâm sâu.
      Quan niệm về Phật thì vẫn nối tiếp tín ngưỡng bình dân về Phật trong thế kỷ trước, nhưng đã mang màu sắc Hán hơn khi những khái niệm của Khổng, Lão được đưa vào. Trong Lý Hoặc Luận, Phật đã được trình bày như nguyên tổ của Đạo và Đức nhưng vẫn mang màu sắc biến hóa thần thông. Về Pháp, giới Phật tử trí thức có cách quan niệm gần với “đạo” (sau thành “đạo pháp”). Trong giới Phật tử dân dã, pháp vẫn là phép Phật, là phép tam quy, ngũ giới, cúng dường. Tăng đồ thì coi đạo như lời Phật dạy về vô thường, vô ngã, cách giữ tâm gìn ý, tu chứng Niết bàn. Quan niệm về Tăng là phải thực hiện 250 giới luật, cạo đầu, y vàng, từ bỏ tài sản, khất thực, hóa đạo. Ni giới chưa có vào lúc này.
      Vào thời kỳ này, Niết bàn đã là mục đích của người xuất gia. Luân hồi và nghiệp báo vẫn tiếp tục tồn tại trong tín ngưỡng dân gian. Quan niệm vô ngã đã được nói đến trong Tứ thập nhị chương, nhưng chưa phổ biến lắm trong dân gian, có lẽ vì bị xem như mâu thuẫn với quan niệm linh hồn bất tử.
       Tinh thần hòa đồng giáo lý là nét nổi bật trong sự du nhập và định hình Phật giáo Giao Châu trong thế kỷ thứ hai này. Phật giáo thâm nhập vào đây một cách êm thấm, không có sự chống đối của tín ngưỡng dân gian. Tuy Phật giáo cũng phải có một ít nỗ lực trước giới cai trị Hán tộc, nhưng không bằng sự phản kháng, mà bằng sự hòa đồng. Điều này xuất phát từ tinh thần cởi mở của Phật học, và Phật tử thì sẵn sàng học hỏi, đối thoại với những tư tưởng khác. Kết quả của tinh thần này là không những đã sử dụng được từ ngữ Nho, Lão để truyền bá Phật giáo, mà còn làm cho những người theo Khổng, Lão thấy được chiều sâu của Phật học.
      Thiền định Việt Nam, từ nguyên thủy vốn không phải được truyền từ Trung Hoa sang. Nó đã xuất hiện, dù có thể hoàn toàn là bước đầu, ở Giao Chỉ, từ trước Tăng Hội. Trong Tứ thập nhị chương, danh từ thiền định đã một lần được nhắc đến. Kinh này còn nói đến “quán thiên địa, niệm vô thường”, là một phép thiền, gọi là Vô thường quán.
      Nhưng dù sao, đến thế kỷ thứ ba, có lẽ đã có một thực tế là Phật giáo từ phương Bắc, cho dù có hình thành những trung tâm muộn hơn, cũng đã bắt đầu có ảnh hưởng trở lại lên Phật giáo Giao Chỉ. Cho dù Tăng Hội có một vai trò lớn đến đâu thì sử sách cũng ghi nhận rằng trong thế kỷ này, các kinh sách về thiền đã được đem từ Lạc Dương xuống, và Tăng Hội cũng là một người đã học tập, lĩnh hội được tư tưởng Phật giáo Đại thừa Trung Hoa.
    Có thể nói những quan niệm, chủ trương của Đại thừa - một trong những tông phái lớn nhất của Phật giáo (một tông phái lớn khác là Kim Cang thừa) có xuất phát điểm từ Trung Hoa, đã có một sự thâm nhập mạnh mẽ xuống phương Nam kể từ thế kỷ thứ ba trở đi, để lại những dấu ấn phổ biến trong sinh hoạt Phật giáo, cũng như trong tín ngưỡng dân gian. Chúng ta có thể dẫn chứng điển hình trong giai đoạn này đó là ngài Chi Cương Lương và nhà sư Trúc Đạo Hinh với tác phẩm Pháp Hoa Tam Muội một loại thiền đại thừa được lưu hành mạnh mẽ cùng thời với Khương Tăng Hội. ta sẽ cùng nhau điểm qua lai lịch của hai vị đạo sư trứ danh này.
        Chi Cương Lương cũng chính là Chi Cương Lương Tiếp, người Kouchan, nay thuộc Ấn Độ, ông đến Trung Quốc vào thời tam quốc, và cũng như Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương đã tham gia truyền bá Phật giáo tại vùng Đông Ngô(bao hàm cả Quảng Châu và Giao Châu). Theo ghi chép của Lịch Đại Tam Bảo Ký thì Chi Cương Lương đã có công giảng đạo và dịch kinh khiến cho Phật giáo ở Giao Châu thêm thịnh đạt hơn trước đó.[18] Trong các tài liệu Lịch Đại Tam Bảo Ký nói thì Chi Cương Lương đã dịch tác phẩm “Pháp Hoa Tam Muội” tại Giao Châu vào khoảng  năm 256 sau tây lịch.[19] Nội dung quyển kinh này đề cập đến thiền định giải thích rõ ràng về 6 phương pháp mà thiền An Ban đã đề cập, sau đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn trong đoạn trích của ngài Trí Khải về nội dung của tác Phẩm “Sao gọi chân thật viên chứng sáu diệu môn? Có hai thứ. Một là biệt đối. hai là thông đối. biệt đối là mười trụ là sổ môn, mười hạnh là tùy môn, mười hồi hướng là chỉ môn, mười địa là quán môn, đẳng giác là hoàn môn,dịu giác là tịnh môn[20] đó là nói về Chi Cương Lương bây giờ ta sẽ điểm qua vị thứ hai.
      Trúc Đạo Hinh hay còn gọi là Đạo Thanh sinh tại Giao Châu khoảng năm 220 vào thời Bà triệu(248-257) ông là một trí thức ưu tú, thông  hiểu Phạn văn lẫn Hán văn, Đạo Thanh tham gia bút thọ Pháp Hoa Tam muội vào năm 256. Là một trong những dịch giả nổi bật, ông mất khoảng năm 270- 300.
Ngoài ra trong giai đoạn điển hình mang màu sắc quyền năng chúng ta còn thấy sự xuất hiện của Vu Pháp Lan Và Vu Đạo Thúy.
        Hai nhân vật xuất hiện ở Giao Châu vào thế kỷ thứ 3 sau Tăng Hội và  Ma Ha Kỳ Vực hai vị này đến vào khoảng vào năm 307 hai người đều là người miền bắc Trung Quốc. Vu Pháp Lan là người Cao Dương từng sống tại Trường An họ đến nước ta vì họ chọn con dường đi Ấn độ từ Phương Nam. Tài liệu cho ta thấy thì hai vị này đều chứng đạt thần thông “Vu Pháp Lan có khả năng làm cho quỷ thần kinh rợn, làm cho cọp dữ phải thuần” còn Vu Đạo Thúy thì giỏi về y dược, ông dùng thần thông để trị bệnh [21].
        Có thể nhận định rằng Luy Lâu thực sự hình thành trong giai đoạn thế kỷ này vì sự có mặt nhiều nhất những cao tăng cũng như những trào lưu tư tưởng đại thừa thiền mật đan xen làm nên một Luy Lâu đầy huyền bí không thể quên đi một nhân vật nữa góp phần tôn vẻ cho Luy Lâu đó là Hiền Pháp Sư. Ngài là người Giao Chỉ sống vào khoảng giữa những năm 360-450 . Ngài có một người đệ tử thọ 5 giới tên là Diệm, Diệm là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, ông sống vào những năm 445 ông đến nước ta và làm đệ tử của Hiền pháp sư được thấy sự nhiệm mầu trong tượng Phật Quan Âm khiến ông cảm phục và quy y. Từ đó có thể cho ta thấy Phật giáo giai đoạn ấy đã thực sự đi sâu vào tất cả các tầng lớp xã hội [22]
     2.3. Phật giáo Luy Lâu thế kỷ IV thứ V
      Đây là giai đoạn khủng hoảng tư tưởng lớn nhất của Luy Lâu, tiêu biểu có thể đề cập đến Huệ Lâm Và tác phẩm “Quân thiện luậnviết vào năm 433 chúng ta có thể trình bày sơ về Huệ Lâm.
       Ông là  người Tần huyện, Tần quận, nhỏ xin xuất gia ở chùa Trị Thành có tài văn chương, học kiêm nội ngoại, sống vào thời Vũ Đế năm 423, tính cách hơi ngông, hay hành động lạ thường, nên bị đuổi ra Giao Châu vào năm 454, ông viết “Quân thiện luận” vào năm 433,[23] Tác phẩm này nội dung chống lại việc làm chùa, đúc tượng, chống lại những việc ăn nói thiện ác thiên đường và địa ngục kiếp trước kiếp sau tất cả chúng theo Huệ Lâm là vô ích xa xỉ làm hại đạo đức xã hội. Trong nội dung Quân Thiện luật Lâm cùng đó đã đặt ra quan niệm Phật giáo của mình mà cốt tỷ là “Ngũ giáo với Lục độ cùng hành, tín thuận và từ bi đều đúng”, tuy có chê bai những việc làm của Phật giáo, không tin tưởng vào sự có mặt của Phật tại thế gian nhưng cũng chính nó đã làm chất đốt cho sự ra đời của Sáu Lá Thư và sự việc tự thiêu của Đàm Hoằng.[24] theo trình tự thời gian và quy luật bù trừ thì tiếp theo Huệ Lâm đó là cuộc vấn đáp giữa một người cư sĩ thời đại với hai vị Pháp sư. Sự việc đó đã được ghi lại trong tác phẩm “Sáu lá thư” mà do Tăng Hựu sưu tập sau năm 513.
      Đạo Cao (365-445), Pháp Minh (370-460), Lý Miễu đây là ba nhân vật được nhắc đến qua tác phẩm Sáu lá thư viết bằng chữ hán và xuất hiện trong Hoằng Minh Tập. Ngày nay chúng ta không biết gì về họ, nhưng khi đề cập đến niên đại của tác phẩm Sáu Lá Thư thì có thể niên đại mà những vị này sống chắc là vào thế kỷ thứ V (do tác giả Tăng Hựu sinh và mất (445-519)). Trong nội dung của sáu lá thư cho ta biết Lý Miễu là đệ tử của hai pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh.
     Tác Phẩm Sáu lá thư xuất hiện trong Hoằng minh tập với nhan đề “Cao Minh nhị pháp sư  đáp Lý Giao Miễu nạn Phật bất kiến hình sự[25] do Tăng Hựu sưu tập sau năm 513 gồm 11 quyển và Sáu lá thư thuộc quyển thứ 7. Nội dung của Sáu lá thư nói về cuộc vấn đáp của ba thầy trò Lý Miễu, Đạo Cao, Pháp Minh về vấn đề “tại sao tu theo Phật mà lại không thấy chân hình của đức Phật ở đời”. theo các nhà sử học nhận định thì tác phẩm “Sáu lá thư” thuộc vào những án văn xưa nhất của lịch sử văn học Phật giáo nước nhà. Có giá trị vô cùng quan trọng đối với tự thân lịch sử Văn học và Phật giáo mà còn đối với lịch sủ chính trị và Văn hóa Việt Nam một cách tổng quát.[26] Từ những câu hỏi không có cách trả lời của tác phẩm “Sáu lá thư” thì nay sự xuất hiện của nhà sư Đàm Hoằng đã thực sự ấn tượng và phá tan mọi ghi hoặc đặt ra trong giai đoạn ấy, chúng ta sẽ tìm hiểu khái quát về nhà sư , người được xem như là vị tổ sư của Tịnh độ tông Việt Nam.
        Theo Cao Tăng truyện của Huệ Hạo, sư Đàm Hoằng (Thích Đàm Hoằng) người Hoàng Long tức thuộc tỉnh Hà Bắc Trung Quốc, xuất gia từ nhỏ, là người giới hạnh tinh nghiêm, sâu sắc về Luật bộ. Khoảng năm 423, sư đến nước ta, ở tại chùa Tiên Sơn, chuyên hành trì kinh Vô lượng thọ và Thập lục quán.[27] Năm 455 sư tự thiêu nhưng không thành vì giữa chừng học trò biết được và dập tắt lửa. Sau đó, nhân cả thôn làng bận rộn vì gần có hội, cả chùa đều đi Phật sự, sư lén vào hang núi tự thiêu lần nữa. Khi mọi người biết được đến nơi thì sư đã tịch. Tương truyền, hôm đó, dân làng nhìn thấy sư thân có sắc vàng, cỡi một con nai vàng, không nói năng gì mà đi về hướng Tây rất nhanh. Phật tử trong Tăng  ngoài tục biết đó là điều thần dị nên thu nhặt tro xương, dựng tháp để tôn thờ.
       Sư Đàm Hoằng là người đã phát triển Tịnh Độ tông đầu tiên ở nước ta thế kỷ V. Lấy kinh Vô Lượng Thọ làm nền tảng để hành trì.[28] Theo giới nghiên cứu thì Đàm Hoằng chính là câu trả lời cấp bách và vô cùng cần thiết trong việc giải phóng những ghi hoặc đặt ra trong hai tác phẩm mà Huệ Lâm và Phật tử Lý Miễu đã đặt ra cho giai đoạn lịch sử này.

        Ngoài Đàm hoằng và cái chết thần dị chúng ta còn phải nhắc đến ba nhân vật quan trọng cùng thời nữa đó là Đạt Ma Đề Bà, Huệ Thắng và Đạo Thiền đây là giai đoạn của trào lưu Luật tông xuất hiện và thịnh hành mà Luật sư Đạo Thiền đã ứng dụng nó nền nền tảng căn bản khi hànhđạo và tiếp độ đồ chúng Phật tử, chúng ta còn nhận ra được một lỉnh vực khác từ ba vị đó chính là pháp môn Thiền Đại Thừa lấy kinh Pháp Hoa làm nền tảng tu tập hành trì , đại diện của Thiền Đại Thừa trong giai đoạn này chính là thầy trò của Huệ Thắng. chúng ta tìm hiểu sơ lược về ba nhân vật quan trọng này.
     Đạt Ma Đề Bà là người Ấn Độ đến Giao Châu vào khoảng giữa thế kỷ thứ V, ông tu thiền và đã dạy thiền học tại Giao Châu.
     Huệ Thắng là học trò của Đạt Ma Đề Bà ông là người Giao Chỉ ở chùa núi Tiên Châu. Sinh khoản năm (432-449). Huệ Thắng chuyên về kinh Pháp Hoa, thiền pháp của ông thuộc về thiền Đại Thừa[29] cho nên ta có thể biết Đạt Ma Đề Bà cũng là một thiền sư đại thừa. Huệ Thắng mất khoảng niên hiệu Thiên Giám năm 519  ông thọ 70 tuổi
      Đạo Thiền là người Giao Chỉ sinh năm 457 xuất gia từ nhỏ, giữ giới trang nghiêm và đã sang Trung Quốc truyền đạo, ông có tài học vấn cao đọc hiểu tóm lược đại ý các kinh điển rất danh tiếng. độ được rất nhiều người, Ông đã sủ dụng bộ luật Thập Tụng để dạy cho giới xuất gia và tại gia. Ông mất năm 70 tuổi năm Đại Thông thứ nhất tức năm 527, ta có thể nói Đạo Thiền là thiền sư chuyên về Luật học.[30]
      Bên cạnh đó Tiên Sơn là trung tâm giáo dục Phật giáo lớn nơi chứng kiến cái chết thần dị của Đàm Hoằng có thể là nơi ở của những pháp sư Đạo Cao, Pháp Minh, nơi dừng chân của Huệ Lâm.  Tiên Sơn được biết đến là nơi tập trung nhân tài Phật giáo trong giai đoạn ấy. Tiên sơn còn là nơi xuất hiện của nền nghệ thuật thần tình và điêu luyện còn gọi là nền nghệ thuật Vạn Phúc cũng là nơi tiếp đoán hai nhân tài khác là Huệ Thắng và Đạo Thiền mà chúng ta đã nói ở trên.
Khi nhìn nhận sự phát triển của Phật giáo Luy Lâu trong giai đoạn từ thế kỷ thứ ba trở đi chúng ta thấy rằng Thiền đại thừa một trong những tông phái lớn nhất của Phật giáo (một tông phái lớn khác là Kim Cang thừa) có xuất phát điểm từ Trung Hoa, đã có một sự thâm nhập mạnh mẽ xuống phương Nam kể từ thế kỷ thứ ba trở đi, để lại những dấu ấn phổ biến trong sinh hoạt Phật giáo, cũng như trong tín ngưỡng dân gian.
     Sự thâm nhập của Phật giáo phương Bắc sau đó còn được thể hiện ở việc các thiền sư lớn, những người sáng lập ra những thiền phái có vị trí lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đều ít nhiều có liên hệ và tiếp thu Phật giáo Trung Hoa.
      2.4. Phật giáo Luy Lâu thế kỷ V đến cuối thế kỷ IX
      Đây là giai đoạn lịch sử chứng kiến sự phát triển rực rỡ của thiền học Việt Nam. Với sự xuất hiện của hai dòng thiền mang đậm dấu ấn và đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. và cũng từ đây Thiền tông Việt Nam đã thực sự có mặt và lớn mạnh góp phần tạo cho Luy Lâu một nét đặc trưng khác biệt mà không có nơi nào có được. Hai thiền sư góp phần quan trọng nhất đó là Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Và Ngài Vô Ngôn Thông được xem là tổ sư của hai dòng thiền mang tên ông. Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự truyền thừa của hai dòng thiền quan trọng trong lịch sủ phát triển của Trung Tâm Phật giáo Luy Lâu.
 Vị đầu tiên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi . Ngài là người thuộc dòng dõi Bà La Môn, gốc Nam Thiên Trúc qua Trung Quốc vào năm Nhâm Ngọ(562)  học đạo với tam tổ Tăng Xán  rồi đi hoằng đạo tại Quảng Châu.  Tại đây ngài dịch kinh “Tượng đầu tinh xá” và “Nghiệp báo sai biệtrồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh tại đây ngài đã dịch tác phẩm “Tổng Trì Kinh”.[31] Ngài mất năm Giáp dần 594. Ngài được xem là tổ Thiền tông của Việt Nam. Dòng thiền mang tên ngài được truyền qua 19 đời.(Tỳ Ni Đa Lưu Chi(594)-Pháp Hiền-Huệ Nghiêm-Thanh Biện-Một người khuyết lục-một người khuyết lục- Long Tuyền-Định Không- Thông Thiện-La Quý An,Pháp Thuận-Thiền Ông, Sùng Phạm- Vạn Hạnh- Huệ Sinh- Khánh Hỷ-Giới Không, Pháp Dung-Trí,Chân Không, Đạo Lâm-Diệu Nhân,Viên Học,Tĩnh Thiền-Viên Thông-Y Sơn(1213)
        Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi lấy kinh Tượng đầu tinh xá làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát-nhã và tu tập thiền quán. Phái thiền này để lại ảnh hưởng rất lớn lên các vua đời nhà Lý như Lý Thái Tông.[32]  Chúng ta có thể tìm hiểu về các bản kinh được nhắc đến trong dòng thiền này như sau:     

       Kinh “Tượng đầu tinh xá” một kinh điển có tính chất thiền học và mang màu sắc của văn hệ Bát Nhã, kinh này nói về bản chất của giác ngộ tức là bồ đề. Kinh này dạy về thiền quán bản kinh có nêu rõ 10 phương pháp thiền quán nội ngoại để phá trừ các chấp trước.[33] Tác Phẩm này được phái thiền Tỳ Lưu Chi lấy làm căn bản.
       “Kinh Tổng trì” là kinh về Mật giáo. Sự có mặt của Mật giáo trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một điểm đặc biệt của thiền phái này, bản kinh đề cập đến thiền tọa, của trực giác bồ đề, sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.[34]
       Thiền phái Tỳ Ni Lưu Chi chịu ảnh hưởng trực tiếp của Ấn Độ ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là một thiền phái có tính dân tộc Việt Nam vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ.[35]

       Đến giai đoạn thế kỷ thứ 7 thứ 8 thì thiền tông lại xuất hiện một bông hoa mới đó là thiền phái Vô Ngôn Thông, Tổ sáng lập cũng là tên của phái thiền, Ngôn Thông (無言通) người Quảng Châu, Họ Trịnh sinh và mất (759?-826), là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, Sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ ( 建初寺)[36], ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Sư mất năm 826, và phái Thiền của Sư kéo dài được 17 thế hệ.[37] Những Thiền sư quan trọng của dòng thiền này là Khuông Việt (?-1011), Thông Biện (?-1134), Mãn Giác (?-1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỉ thứ 13.
     Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương Đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị Thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ.
         2.5. Vạn Hạnh và việc chuyển hướng của Trung Tâm Luy Lâu
        Nhân vật kết thúc Trung Tâm Luy Lâu chính là Vạn Hạnh Thiền Sư ông là người truyền thừa thế hệ thứ 12 của dòng  phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ông Trụ tại chùa Lục tổ[38], Người Cổ Pháp[39], Sử liệu về Ngài Vạn Hạnh Thiền Sư rất hiếm, phần nhiều căn cứ vào quyển Đại Nam Thiền Uyển Đăng Lục là tác phẩm đầu nhà Trần được trường Bác Cố Viễn Đông  kiểm nhận là chính xác.  Sách Thi Văn Lý Trần của nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội có ghi tên thật Ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp[40], làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh nay là Hà Bắc.[41]  Ngài sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo. Thuở nhỏ sư thông minh khác thường học thông Tam Tạng kinh là Kinh, Luật, Luận của Phật giáo Nguyên thỉ và cũng đã tham cứu đến khoa Bách Luận là căn bản của Phật giáo Đại Thừa do Bồ Tát Long Thọ chủ trương. Ngài cũng lão thông giáo lý của Tam giáo Đạo là Nho, Thích, Lão rất thông dụng vào hai đời Lý Trần, cũng là cơ bản của nền văn minh cường thịnh nhất, có nhiều chiến công oanh liệt nhất của hai đời Lý, Trần trong lịch sử nước nhà.
      Tuy tài cao học rộng, nhưng xem thường phú quí vinh hoa, Sư xuất gia thờ Thiền Ông làm Thầy ở Chùa Lục Tổ, tại làng Đình Bảng huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc nơi còn Phật tích. Ngoài giờ phục vụ Chùa, Sư học hỏi không chán và chuyên luyện về khoa Tổng Trì Tam ma địa là Pháp Môn chỉ quán Thiền Định cho đến chỗ đại định cao thâm, Sư cũng đã dày công khổ luyện và đã đắc quả hiện tiền. Vì thế Sư mới thông suốt, biết trước mọi biến cố nước nhà để giúp hai Vua Lê Đại Hành và Lý Công Uẩn để an dân trị nước được thanh bình, hạnh phúc. Chính Sư đã dạy dỗ và góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Lý Thái Tổ.[42] Ông mất vào năm 1018.
       Điểm đặc biệt của Phật giáo giai đoạn này chính là tư tưởng “dấn thân”.Nền giáo dục mà Vạn Hạnh thiền sư dạy cho học trò của mình tại chùa Lục Tổ không phải là tư tưởng xuất thế tiêu cực, lãnh đạm với việc đời, mặc kệ quốc gia hưng vong, đất nước bị xâm lăng, đồng bào bị đô hộ, lầm than, khốn khổ mà cái học Phật nhập thế tích cực, tu nhưng lúc nào cũng lo nhiệm vụ đối với nước non dân tộc, thi hành xong thì các nhà sư liền từ chối mọi vinh hoa phú quí , trở lại Thiền đường vui thú tiêu dao, với hài cỏ gậy tre, non xanh nước biếc ngày tháng ung dung tự tại.  Đó là điểm độc đáo của Thiền Việt Nam qua hai đời Lý Trần làm tiêu biểu. Khác hẳn với Thiền thuần túy của Ấn Độ và Trung Hoa.
     Trung Tâm Phật giáo Luy Lâu từ đây chấm dứt hay nói cách đúng hơn là việc chuyển hướng hoạt động. Nguyên do là khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long nên kéo theo Phật giáo cũng theo đó mà thay đổi địa bàn hoạt động, chính vì vậy từ đây chúng ta không còn nghe đến Luy Lâu. Mà dấu ấn một thời hoàng kim rực rỡ đã để lại trong lòng những người con Phật giáo Việt Nam dòng cảm xúc tự hào không ngui.
      III. Nét đặc thù của Phật giáo Luy Lâu
      a) Phật giáo chính là sản phẩm “từ bên ngoài vào” so với vùng đất mới Giao Châu  mà nó đặt chân đến. Tuy nhiên, buổi đầu Phật giáo Giao Châu, sinh hoạt Phật học luôn đi những bước song hành cùng vận nước, để rồi qua đó Phật giáo đã trở nên Phật giáo Việt Nam, Phật đã trở thành Phật Việt Nam. Đó cũng chính là nét đặc thù của Phật giáo điều mà nó được thể hiện rõ nét trên đất Giao Châu. Trong bối cảnh Giao Châu bị trị như một chư hầu của đế quốc phương Bắc, trong bối cảnh mà dân nước Giao Châu bị xem như là đám dân man rợ qua cách nhìn của quan lại tham tàn nhà Hán, người dân Giao Châu, sự sống, sống trong cảnh ngộ lầm than, mạng người bị xem như cỏ rác, thì tinh thần thông điệp “Từ Bi” cứu độ của Phật giáo đã được giới thiệu như thế nào trên đất Giao Châu? Nhìn lại, tôn chỉ Phật giáo là giác ngộ chúng sinh thành Phật, lý tưởng Bố-tát là con đường bước lên quả Phật; lý tưởng Bố-tát trong kinh Phật luôn được đề cao và ca ngợi. Ở đây trong bối cảnh Giao Châu, “Bố-tát là người luôn xông vào nơi hiểm nạn để cứu chúng sinh lầm than”,
 đó là cương lĩnh đạo Bố-tát có nguồn từ Lục độ tập kinh. Chính từ cương lĩnh nầy, những vấn đề Phật học Phật giáo Giao Châu phần lớn đều được giới thiệu qua cách nhìn Dân-Nước đồng lao cộng khổ, “Đạo pháp trong lòng dân tộc”.
b) Đặc thù hơn cả là An ban thủ ý kinh, một thể loại thiền trong văn học Phật giáo nguyên thủy thì nay trên đất Giao Châu, kinh nầy lại được giới thiệu qua cách nhìn của Phật giáo đại thừa: “An ban là Đại thừa của chư Phật để cứu độ chúng sinh trôi nổi”.3 Bên cạnh đó, một số kinh điển Phật giáo đã đi vào văn hóa Việt Nam. Qua kinh Bách tử đồng sản duyên, nó được hư cấu để trở nên nguồn cảm hứng làm tiền đề cho việc biên soạn nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua truyện “Trăm Trứng”.
       Như vậy, xét về nhiều mặt như: Vị trí địa l‎ý, con đường thông sứ, giao lưu kinh tế khu vực Ấn - Hoa, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo v.v… so với những trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành của Trung Quốc, thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu của Giao Châu có sức thu hút những học giả tìm về với Luy Lâu trong nghiên cứu, học hỏi và tu tập hơn. Mâu Tử, Vu Pháp Lan, Vu Đạo Thúy, Huệ Lâm, v.v… là những điển hình trong số ấy. Bên cạnh đó, Giao Châu còn là đất “tạm yên” cho những bậc dị nhân phương Bắc tìm sang lánh nạn. Nó cũng là đất dung thân cho hào kiệt, anh hùng chờ đợi thời cơ để “làm lại cuộc đời”. Chính những điều kiện đa dạng, phong phú như thế đã tạo cho Giao Châu nói chung, Luy Lâu nói riêng một bộ mặt xã hội đặc thù để qua đó những bài học lịch sử cũng được diễn ra, những anh tài trong và ngoài Phật giáo cũng tìm về và tinh hoa văn hóa: “thâu hóa sáng tạo” của “ngã tư các văn tộc và văn minh[43]  cũng được giới thiệu tại đây. Tất cả những nhân tố trình bày trên đã tạo cho Phật giáo Luy Lâu thành hình và nhanh chóng phát triển
     IV. Nhận định của người viết về trung tâm Phật giáo Luy Lâu
      Phải nói rằng trung tâm Phật giáo Luy Lâu là nơi hội tụ hai dòng Phật giáo Nam-Bắc truyền, chính nơi đây đã đào tạo nên những học giả chẳng những lỗi lạc về kinh điển, thông bác về biện luận mà còn tài hoa về biên soạn sáng tác văn chương cho việc truyền giáo nữa. Luy Lâu cũng là nơi sản sinh ra những công trình nghệ thuật cổ xưa nhất của Việt Nam đó là Chùa Pháp Vân một trung tâm Phật giáo nơi hình thành những truyền thuyết về những bậc dị nhân như Man Nương, Phật Quang-Chữ Đồng Tử -Tiên Dung  cũng là tổng đà của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi lớn mạnh. Ngoài chùa Pháp Vân trong địa hạt của Luy Lâu chúng ta còn có một ngôi chùa cổ Tiên Sơn là trung tâm giáo dục Phật giáo lớn nơi chứng kiến cái chết thần dị của Đàm Hoằng  cũng có thể là nơi ở của những pháp sư Đạo Cao, Pháp Minh, nơi dừng chân của Huệ Lâm. Tiên Sơn là nơi tập trung nhân tài Phật giáo trong giai đoạn thế kỷ thứ V. Tiên Sơn còn là nơi xuất hiện của nền nghệ thuật thần tình và điêu luyện còn gọi là nền nghệ thuật Vạn Phúc cũng là nơi tiếp đoán hai nhân tài khác là Huệ Thắng và Đạo Thiền. Tiếp đến có thể so sánh ngang hàng với chùa Pháp Vân là chùa Kiến Sơ là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa là Tổ đình của Thiền phái Vô Ngôn Thông dòng thiền phát triển mạnh trong những thế kỷ thứ 8 và truyền đến 17 thế hệ.




C.   Kết luận
             Tóm lại trung tâm Phật giáo Luy lâu đã phát triển mạnh mẽ và để lại cho Phật giáo Việt Nam những trang sử huy hoàng của một thời thịnh đạt.  Luy Lâu đã cung cấp thành quả Phật học chẳng những cho Phật giáo Giao Châu mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông (Far East) Chính tại Luy Lâu mà nhiều kinh điển được biên soạn chẳng những cho nhu cầu học Phật thông thường mà còn định ‎hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc theo kiểu “trợ hóa” - như Chu Phù đã nhận định.  Chính nơi đây, Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ‎‎ý kinh và nhiều kinh điển khác cũng được biên soạn. Cũng tại nơi Luy Lâu hai dòng Phật giáo Nam bắc tựu hội, các tông phái Mật Thiền Tịnh đều có mặt rất sớm, chính Luy Lâu đã làm nên nền nghệ thuật Pháp Vân, Kiến Sơ ,Và Tiên Sơn. Để lại một giai thoại hoành tráng về những dị nhân cùng những bí ẩn mà khoa học hiện đại không thể hiểu nỗi, có thể tự hào Luy Lâu là cái nôi của Phật giáo, là trung tâm sinh hoạt Phật giáo Giao Châu qua nhiều thế kỷ. Nơi đã đào tạo cho xã hội những người mà thuộc hàng Thái sư, Tăng thống, Quốc sư, Thượng sĩ v.v… phần lớn cũng đều xuất thân từ đất Luy Lâu thuộc tỉnh Bắc Ninh nầy.  Ngoài những đóng góp trên một vai trò quan trọng của Luy Lâu nữa chính là Luy Lâu đã đóng góp vô cùng quan trọng đến sự nghiệp đấu tranh chống xâm lăng.
      Bài nghiên cứu tuy chỉ có 15 trang nhưng đã để lại trong lòng người viết thật nhiều niềm phấn khởi, tự hào về dân tộc Việt Nam đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.

Tài Liệu Tham Khảo:
1.      Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học Hà Nội, năm 2000
2.      Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2005
3.      Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp.HCM, năm 2005
4.      Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn giáo, năm 1998
5.      Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền quyển tập anh, Nxb Tp.HCM, năm 1999
6.      Nguyễn Khắc Thuần, Tiến trình văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục, 2010





[1] Một bộ lạc đời Hùng Vương, thuộc miền Bắc Việt Nam
[3] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1992
[4] Khi đó ở Đông Hán, Lão giáo còn mang nhiều yếu tố thần tiên. Câu chuyện “hóa Hồ” cho rằng Lão Tử sau khi biệt tăm ở miền Tây đã sang Hồ (Ấn Độ) và giáo hóa, chinh phục người Hồ, và chính ông trở thành… Phật Thích Ca.
[5] Một nhà chiêm bái nổi tiếng khác của Trung Quốc. Ngài đã du hành đến Ấn Ðộ và Tích Lan vào đầu thế kỷ thứ năm sau Tây lịch, và đã để lại một ký sự về cuộc chiêm bái của mình.
[6] Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn giáo, tr15
[7] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp.HCM, tr250
[9] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 98
[10] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 102
[11] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp. HCM, tr74
[12] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp.HCM, tr270
[13] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr73
[14] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr75
[15] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp.HCM, tr250
[16] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp.HCM, tr251
[17] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 100
[18] Nguyễn Khắc Thuần, Tiến trình văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr259
[20] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 397
[21] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 421
[22] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 548
[23] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 562
[24]  Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 672
[26]  Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 423
[27]  Vô lượng thọ kinh chủ yếu trình bày những tiền thân của Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện lớn của Ngài khi chưa thành Phật, khi còn là một tỳ kheo có tên là Pháp Tạng (Dharmakara). Quán vô lượng thọ chủ yếu nói về 16 phép quán liên hệ đến thế giới của Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí.
[28] Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 674
[30] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr86
[32] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr114
[34] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr140
[35] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr145
[36] Chùa Kiến Sơ là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa là Tổ đình của Thiền phái Vô Ngôn Thông.Chùa được dựng từ khi nào cũng chưa có tài liệu nào ghi chính xác. Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang được sư Cảm Thành khi đó trụ trì tại chùa tôn làm thầy, từ đó mở ra dòng thiền Vô Ngôn Thông.
[38] Chùa Lục Tổ: cũng gọi là chùa Cổ Pháp, xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc
[39] Tương truyền, lúc đầu làng có tên là Diên Uẩn. Khi nhà sư Định Không (740-818) làm chùa Quỳnh Lâm, tìm thấy 1 bình hương và 10 cái khánh, đem rửa thì 1 cái khánh rơi xuống đáy sông, bèn tán thập khẩu là chữ cổ , thuỷ khứ 水去là chữ pháp mới đổi tên Diên Uẩn ra hương Cổ Pháp. 
[40] Làng cổ xưa thuộc châu 古法Cổ Pháp, nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là một trong ba làng nổi tiếng thời xưa Cổ Bi, Cổ Loa và Cổ Pháp.
[41] Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2, Nxb Tổng hợp Tp. hồ chí minh, tr 388
[42] Chí Tín, Tiểu sử đức Vạn Hạnh thiền sư,http://www.thienlybuutoa.org/Kinh/TG-VHTS/TieuSuVHTS.htm
[43] TS. Hà Thị Thu Hương,Tiếp cận văn hóa các tộc người việt nam bằng con đường so sánh các truyện kể nhân gian, ĐHQG Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét